Chuyên gia kinh tế: Tình trạng căng thẳng về điện năng của Trung Quốc có thể tạo ra lạm phát ‘khó kiểm soát’
Một nhà kinh tế cho biết việc cắt giảm và phân bổ điện năng trên diện rộng ở Trung Quốc có thể nhanh chóng đẩy nước này vào tình trạng lạm phát “khó kiểm soát.”
Tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc đã khiến giá điện tăng mạnh và nguồn cung cấp điện cho một số nhà máy bị hạn chế. Nhà kinh tế độc lập Jiang Hao nói với Đài Á Châu Tự Do rằng do tình trạng thiếu hụt như vậy, giá các sản phẩm công nghiệp sẽ tăng và giá các sản phẩm tiêu dùng hạ nguồn chắc chắn cũng sẽ tăng theo.
Ông nói, phản ứng dây chuyền luẩn quẩn này có thể kích hoạt lạm phát, “bởi vì lạm phát có thể tự tăng tốc. Xu hướng tăng tốc rất khó kiểm soát một khi kỳ vọng lạm phát được hình thành.”
Kể từ cuối tháng Tám, 20 tỉnh bao gồm Vân Nam, Chiết Giang, Giang Tô, Quảng Đông, Liêu Ninh, Trùng Khánh, Nội Mông, và Hà Nam đã hạn chế sử dụng điện.
Tờ Wall Street Journal đưa tin rằng phân phối điện năng bắt đầu ảnh hưởng đến các gia đình ở phía đông bắc, nơi họ bị mất điện đột ngột từ giữa tháng Chín.
Cách đây vài ngày, Hiệp hội Công nghiệp Than Trung Quốc đã đưa ra thông báo bày tỏ quan ngại về nguồn cung năng lượng liên quan đến mùa đông sắp tới.
Do tình trạng thiếu điện, tỉnh Quảng Đông cũng đã thông báo tăng giá điện 25%. Chính quyền Hồ Nam cũng đã tuyên bố rằng họ sẽ điều chỉnh giá điện sản xuất từ than dựa trên sự thay đổi của giá mua bán than, có nghĩa là giá điện sẽ tăng.
Lý do cho các vấn đề về điện của Trung Quốc có liên quan đến tình trạng thiếu than do hạn chế nhập khẩu than của Úc.
Điện của Trung Quốc dựa vào than nhiệt nhập cảng để sản xuất nhiệt điện than trong đó Úc là nguồn cung cấp chính. Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2020, Bắc Kinh đã ngừng nhập khẩu than chất lượng cao và giá rẻ từ Úc do quốc gia này ủng hộ công khai một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của COVID-19.
Do đó, Trung Quốc đã phải tìm các nguồn thay thế, góp phần gây ra tình trạng thiếu than tại địa phương trong khi tăng giá than nhập cảng.
Một phản ứng đã đến từ Nga, quốc gia đã đồng ý tăng nguồn cung cấp điện để giảm bớt tình trạng thiếu điện ở các tỉnh phía bắc của Trung Quốc, nhưng chi phí của việc này có thể được chuyển tiếp đến người tiêu dùng.
Tình trạng thiếu than của Trung Quốc cũng khiến giá than quốc tế tăng cao, thậm chí loại than non gây ô nhiễm nhất là “than nâu” – chủ yếu được sản xuất ở Indonesia – tăng vọt lên 110-120 USD, so với chỉ 20 – 25 USD/tấn cùng kỳ năm ngoái.
Những vấn đề về cung cấp điện năng như vậy được cho là sẽ làm trầm trọng thêm những rắc rối kinh tế khác của Trung Quốc, bao gồm cả những vấn đề trong lĩnh vực xây dựng nhà ở dân cư.
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: