Chuyên gia: Kế hoạch ngăn chặn ‘các tác hại trên Internet’ của Đảng Tự Do có nguy cơ xâm phạm tự do ngôn luận
Luật sắp tới đây của chính phủ Đảng Tự Do nhằm ngăn chặn “những tác hại trên mạng” có thể làm suy yếu quyền tự do ngôn luận của người Canada và khiến những người nhập cư từ các quốc gia độc tài trở nên dễ bị tổn thương hơn, theo giám đốc một nhóm vận động bảo mật internet cho biết.
Từ ngày 27/07 đến ngày 25/09, chính phủ liên bang đã tổ chức các cuộc tham vấn ý kiến công chúng về các khuôn khổ lập pháp và quy định mới mà họ đề xuất đối với các nền tảng truyền thông xã hội nhằm giải quyết năm danh mục “nội dung gây hại” trên mạng như: phát ngôn thù địch, nội dung mang tính khủng bố, nội dung kích động bạo lực, bóc lột tình dục trẻ em, và chia sẻ những hình ảnh riêng tư mà không được sự cho phép.
Cương lĩnh của Đảng Tự Do cho cuộc bầu cử liên bang năm 2021 đã hứa hẹn sẽ đưa ra luật này trong vòng 100 ngày đầu tiên nếu [Đảng này] tái đắc cử.
Ông Philip Palmer, giám đốc của Hiệp hội Internet Canada Chapter, cho biết luật được đề xướng này gây ra một mối đe dọa tiềm tàng đối với các quyền được hiến chương bảo vệ của người dân Canada.
“Tôi có một số lo ngại, nhưng lo ngại chủ yếu là luật này sẽ dẫn đến việc kiểm duyệt quá mức nội dung trên internet,” ông Palmer nói với The Epoch Times.
“Các định nghĩa đó rất lỏng lẻo, các đối tượng mà nó áp dụng cũng không có rõ ràng, và gánh nặng từ việc áp dụng luật này sẽ dẫn đến việc áp dụng quá mức các tiêu chí đối với nội dung có hại.”
Ông Palmer lưu ý rằng việc luật này quy định thời hạn 24 giờ cho các công ty truyền thông xã hội như Facebook và Twitter để gỡ bỏ nội dung bị gắn cờ là đang hướng tới sự kiểm duyệt về mặt cơ cấu [hoạt động].
Ông nói rằng: “Áp lực thời gian đó cộng với các biện pháp trừng phạt có thể được áp dụng để gây tổn hại về mặt kinh tế và danh tiếng [cho một công ty] đều hướng tới khuyến khích việc ngăn chặn nội dung hơn là cho phép đăng nội dung.
Một định nghĩa mơ hồ về những gì gọi là “tác hại” trong mỗi danh mục nói trên cũng đều có thể xâm phạm đến quyền tự do ngôn luận, bởi vì những câu nói hợp pháp khác cũng sẽ bị coi là xúc phạm với một số người nhất định và có thể quy thành tội theo luật mới này, ông Palmer giải thích.
Ông nói rằng, “Chẳng bao giờ mà tranh luận dân chủ và tranh luận xã hội chỉ giới hạn trong những câu nói lịch sự hời hợt cả—chúng luôn bao hàm sự cuồng nhiệt, những cảm xúc, lối nói phóng đại, thể hiện quá mức, châm biếm, mỉa mai—tất cả đều có thể gây phản cảm đối với một số người nào đó trong một vài nhóm nào đó—thế nhưng đó không phải là bất hợp pháp, đó cũng không phải là phạm tội.”
“Sức ép của luật này sẽ đàn áp những phát ngôn ở bên lề cuộc trò chuyện lịch sự hoặc ngoài lề của cuộc trò chuyện lịch sự, nhưng vẫn hợp pháp.”
The Epoch Times đã liên hệ với Bộ Di sản Canada để xin bình luận nhưng không nhận được hồi đáp vào thời điểm xuất bản bài viết này.
Mở rộng kiểm soát Internet
Chính phủ Canada đã thực hiện một vài nỗ lực trong lập pháp để kiểm soát nội dung trên internet trong năm vừa qua, chẳng hạn như thông qua Dự luật C-10 và Dự luật C-36, nhưng cả hai luật này đều đã gây ra tranh cãi.
Dự luật C-10, do cựu Bộ trưởng Di sản Steven Guilbeault giới thiệu vào tháng 11/2020, đã đề xuất rằng các nhà cung cấp nội dung internet phải tuân theo quy định của Ủy ban Phát thanh-Truyền hình và Viễn thông Canada. Luật này tìm cách kiểm soát các dịch vụ phát trực tuyến như Netflix trong các lĩnh vực như nội dung liên quan đến Canada và các quy định về thu thuế.
Dự luật này đã gây tranh cãi khi nó được sửa đổi để bao gồm cả nội dung do người dùng tạo ra trên các nền tảng truyền thông xã hội.
“[Dự luật C-10] đã gặp rắc rối ở Hạ viện và đang đối mặt với sự phản đối gay gắt tại Thượng viện vì nó xâm phạm vào các nền tảng truyền thông xã hội – tức là xâm phạm vào [quyền] biểu đạt của người dân thường dưới dạng các bài đăng trên mạng xã hội,” ông Palmer nói.
“Rõ ràng là khi xử lý các dịch vụ phát trực tuyến – và lại nữa, các dịch vụ phát trực tuyến này cũng không được định nghĩa một cách rõ ràng – thì họ đang tìm cách kiểm soát nội dung theo yêu cầu. … Đó là một bước xâm phạm rõ ràng và cố ý vào một lĩnh vực mà trước đây không có sự kiểm soát.”
Còn dự luật C-36 thì đề xuất cho phép các cá nhân gửi đơn khiếu nại lên Ủy ban Nhân quyền Canada nếu họ gặp phải “sự thù hận” trên mạng, bao gồm cả hành động và lời nói thù hận. Thù hận được định nghĩa là một “cảm xúc bao hàm sự căm ghét hoặc phỉ báng và vượt trên cảm giác ghét bỏ hoặc khinh thường.”
Trong một bài báo gần đây được xuất bản trên trang web của Viện Macdonald-Laurier, ông Palmer đã lưu ý rằng các dự luật này đều đưa ra “một loạt các mối lo ngại về pháp lý và chính sách,” bao gồm cả khả năng vượt ra ngoài lãnh thổ.
“Những phát ngôn có hại này có thể được thể hiện bằng một ngôn ngữ nước ngoài, trên một nền tảng nước ngoài và tác động đến một người hoặc những người bên ngoài Canada—tuy nhiên, các quy định mới trên sẽ vẫn được áp dụng đối với nội dung đó,” ông viết.
“Về cơ bản Canada sẽ khẳng định quyền thẩm định với toàn bộ Internet.”
Rủi ro bị lấy cắp dữ liệu
Trái ngược với Dự luật C-30 (Đạo luật Bảo vệ trẻ em khỏi Những kẻ lợi dụng trên Internet) vào năm 2012 của chính phủ Đảng Bảo Thủ, trong đó cho phép các cơ quan thực thi pháp luật yêu cầu các tổ chức tư nhân tự nguyện cung cấp thông tin cá nhân mà không cần sự đồng ý, thì luật mà Đảng Tự Do đề xuất lần này sẽ yêu cầu các công ty truyền thông xã hội chủ động báo cáo các cá nhân có hoạt động trực tuyến được coi là có hại.
Ông Palmer cho biết những thông tin cá nhân được báo cáo cho cơ quan thực thi pháp luật hoặc an ninh quốc gia đều sẽ được lưu giữ trong cơ sở dữ liệu máy tính, vốn có thể dễ dàng bị các chế độ độc tài tấn công, do đó nó sẽ tạo điều kiện cho các quốc gia này kiểm soát cộng đồng người di cư của họ.
“Nga, Trung Quốc, Iran đều đã cho thấy bằng chứng rõ ràng rằng họ có thể xâm nhập vào rất nhiều cơ sở dữ liệu và theo cách đó, họ có thể thu thập thông tin về các cá nhân, và đáng lo ngại đặc biệt là các cá nhân có liên quan đến các nhóm chống đối,” ông nói.
Tuy nhiên, ông Palmer cũng cho biết thêm ông lạc quan rằng luật này sẽ có những cải tiến, đặc biệt là khi “một số nhóm vận động bình thường vẫn hay ủng hộ chính phủ, thì trong trường hợp này cũng đang bày tỏ sự lo ngại về việc không có những định nghĩa rõ ràng.”
Ông cho biết, “Tôi vẫn lạc quan rằng chính phủ sẽ từ bỏ một số đề xuất luật tồi tệ hơn mà họ đã đưa ra, và điều chỉnh nó sao cho chúng ta sẽ có được điều luật hiệu quả nhằm thực sự bảo vệ người Canada khỏi một số tác hại thực tế trên mạng lưới internet.”
Anh Andrew Chen là một phóng viên của The Epoch Times có trụ sở tại Toronto.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: