Chuyên gia: Hội đồng Thương mại và Công nghệ Hoa Kỳ-EU mới được thiết lập để chống lại Trung Quốc
Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu (EU) hôm 29/09 đã đồng ý tăng cường hợp tác xuyên Đại Tây Dương để giải quyết một loạt các tranh chấp thương mại và các lĩnh vực công nghệ quan trọng. Các chuyên gia về Trung Quốc nói rằng hành động này đang chống lại quyền bá chủ của Bắc Kinh.
Điều này đánh dấu cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Công nghệ và Thương mại Hoa Kỳ-EU (TTC) mới được thành lập, một nhóm mà Tổng thống Joe Biden đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bảy quốc gia (G-7) có nền kinh tế công nghiệp mạnh nhất thế giới hồi tháng 06/2021.
“Chúng tôi sát cánh cùng nhau trong việc tiếp tục bảo vệ các doanh nghiệp, người tiêu dùng và người lao động của chúng tôi khỏi các hành vi thương mại không công bằng, đặc biệt là những hành vi do các nền kinh tế phi thị trường gây ra, mà đang phá hoại hệ thống thương mại thế giới,” theo tuyên bố được công bố hôm 29/09 sau cuộc họp ngày đầu tiên ở Pittsburgh, Pennsylvania.
Mặc dù tuyên bố chung không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc, nhưng các nhà phân tích cho rằng TTC được thiết kế để ứng phó với các hành vi thương mại không công bằng của Bắc Kinh và cũng để kiềm chế tham vọng bá quyền của họ.
Ông Trịnh Khâm Mô (Cheng Chin-mo), Trưởng Khoa Chính trị và Kinh tế Toàn cầu của Đại học Đạm Giang (TamKang) ở Đài Loan cho biết Hoa Kỳ và EU đã mong đợi Trung Quốc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường sau khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001, thế nhưng mọi thứ đã không diễn ra theo cách đó.
Ông Trịnh cho biết: Trung Quốc đã tận dụng thị trường tự do này – họ thường thông qua trợ cấp trong nước và các hoạt động thương mại không công bằng như đánh cắp và bán phá giá tài sản trí tuệ – để thúc đẩy nền kinh tế và tìm kiếm những tiến bộ công nghệ.
Để biến mình thành một người chơi thống lĩnh, Trung Cộng đã thiết lập một mạng lưới các mối bang giao ở Âu Châu để “làm suy yếu và chia rẽ” các liên minh truyền thống của phương Tây, ông Trịnh lưu ý. Điều này bao gồm việc ra mắt nền tảng “17+1” để tăng cường hợp tác với các thành viên EU ở Trung và Đông Âu, đồng thời đầu tư hoặc mua cổ phần của các doanh nghiệp trên khắp Âu Châu thông qua các công ty nhà nước hoặc do nhà nước kiểm soát.
Ông Lý Dậu Đàm (Lee Yeau-tarn), giáo sư tại Viện Nghiên cứu Phát triển tại Đại học Quốc lập Chính trị (Chengchi) của Đài Loan, cho biết phương Tây lo ngại về hành vi ngày càng hung hăng của Bắc Kinh khi nước này cứ từ chối tuân thủ các quy tắc quốc tế và tuân theo các thông lệ kinh tế công bằng.
Ông Lý nói rằng cuộc họp của các đồng minh dân chủ này đang thiết lập một phần của một mặt trận thống nhất đang phát triển để chống lại Trung Cộng, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.
Hôm thứ Tư (29/09), các quan chức nội các cao cấp của Hoa Thịnh Đốn và Brussels đã cam kết hợp tác trong các vấn đề thương mại, bao gồm sàng lọc các khoản đầu tư ngoại quốc, duy trì kiểm soát xuất cảng và giải quyết tình trạng thiếu chất bán dẫn toàn cầu. Các bên cũng cho biết họ sẽ phát triển các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) một cách “sáng tạo và đáng tin cậy.”
Thông qua việc xây dựng các tiêu chuẩn công nghệ và thương mại chung, hai bên có thể nhắm đến các chiến lược công nghiệp đầy tham vọng của Bắc Kinh như “Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035” và “Made in China 2025,” theo ông Tô Tử Vân (Su Tzu-yun), nhà phân tích cao cấp tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia được chính phủ Đài Loan tài trợ. Cả hai kế hoạch quốc gia này đều đóng vai trò như là khung hướng dẫn thúc đẩy các hoạt động kinh tế và công nghệ đối kháng của Bắc Kinh.
Theo sáng kiến “Made in China 2025,″ mục tiêu của Trung Quốc chính là phải đạt được tự cung tự cấp trong 10 lĩnh vực công nghệ cao vào năm 2025. Kế hoạch này đã thu hút sự giám sát chặt chẽ trong cuộc chiến thương mại của chính phủ cựu Tổng thống Trump, khiến Bắc Kinh phải hạ thấp tầm quan trọng của sáng kiến này. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng kế hoạch này vẫn đang được thực hiện.
Bắc Kinh đã bắt đầu khai triển “Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035” vào tháng 03/2018 trong một cuộc họp được tổ chức tại Học viện Kỹ thuật Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước. Mục tiêu của kế hoạch này là để Trung Quốc thống trị các công nghệ mới, bao gồm AI, dữ liệu lớn (Big Data) và IoT (Internet Vạn Vật, Internet of Things), bằng cách phát triển các tiêu chuẩn công nghệ và xuất cảng chúng ra thị trường quốc tế.
Ông Tô nói, cả hai kế hoạch đó đều đặt ra những mối đe dọa đối với thế giới tự do, chỉ ra những rủi ro an ninh do công nghệ Trung Quốc đặt ra, có thể được chế độ này sử dụng để làm gián điệp hoặc phá vỡ cơ sở hạ tầng quan trọng trên khắp thế giới.
Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ và các đồng minh ngày càng cảnh giác trước các vấn đề an ninh liên quan đến nhu liệu và cương liệu của Trung Quốc, từ ứng dụng video nổi tiếng TikTok đến nhà cung cấp thiết bị viễn thông Huawei. Những người chỉ trích nói rằng các công ty này cuối cùng là thuộc về Đảng Cộng sản Trung Quốc và do đó không thể ngăn chặn công nghệ của họ khỏi việc bị Bắc Kinh sử dụng cho các mục đích xấu.
Ông Lý nói, “Đó là một cuộc chiến tranh lạnh mới,” và cho biết thêm rằng “chiến tranh ý thức hệ” giữa thế giới tự do và Trung Cộng sẽ là một tình huống “không thể tránh khỏi.”
Bản tin có sự đóng góp của Luo Ya và Frank Frang
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: