Chuyên gia: Hoa Kỳ phải chấm dứt sự phụ thuộc của các tập đoàn Mỹ vào Bắc Kinh
Trong nhiều năm, chế độ Trung Cộng đã có thể dựa vào một khối hùng mạnh để đại diện cho lợi ích của mình ở Hoa Thịnh Đốn: các tập đoàn của Hoa Kỳ.
Đó là theo lời ông Clyde Prestowitz, tác giả của cuốn sách “Thế giới đảo lộn: Hoa Kỳ, Trung Quốc và cuộc đấu tranh giành quyền lãnh đạo toàn cầu.” Và ông muốn điều này kết thúc.
Ông Prestowitz-người từng là quan chức thương mại trong chính phủ cựu TT Reagan và hiện là chủ tịch của Viện Chiến lược Kinh tế, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn-nói với The Epoch Times rằng hiện nay có một sự “mất cân bằng nghiêm trọng” trong mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc, do vai trò quá mức của các doanh nghiệp lớn trong nền chính trị Hoa Kỳ.
“Các tập đoàn Hoa Kỳ đang đại diện cho Trung Quốc về mặt chính trị và đàm phán thương mại hơn là cho Hoa Kỳ,” ông cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
“Đó là một vấn đề lớn mà tôi không ngừng đấu tranh [chống lại].”
Lấy ví dụ, Apple là một công ty Hoa Kỳ lắp ráp hầu hết các sản phẩm của mình tại Trung Quốc và coi quốc gia này là thị trường tiêu dùng lớn thứ hai của mình. Giám đốc điều hành công ty, ông Tim Cook, có sức ảnh hưởng to lớn đối với giới tinh hoa chính trị Hoa Kỳ, theo tác giả.
“Ông ta có những đóng góp to lớn cho các chính trị gia để giúp họ giành được ghế trong Quốc hội. Ông ta có các đội quân luật sư và các nhà vận động hành lang,” ông Prestowitz nói. “Ông ta là một người đầy quyền lực ở Hoa Thịnh Đốn.”
Tuy nhiên, ở Bắc Kinh, vị giám đốc điều hành này đang “quỳ gối,” ông Prestowitz nói. “Ông ta chịu sự ban ơn của Đảng, giống như mọi người khác,” ông nói thêm, đề cập đến Trung Cộng.
Khi những người đứng đầu của các công ty lớn này tiếp xúc với các quan chức và Quốc hội, họ nói rằng họ đại diện cho lợi ích của các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Nhưng ông Prestowitz đã mô tả điều này “hoàn toàn là những lời vô nghĩa.”
“Họ không đại diện cho doanh nghiệp Hoa Kỳ. Họ đại diện cho Trung Quốc,” ông nói. “Ông Tim Cook không sợ Tổng thống Joe Biden, nhưng hãy tin tôi đi, ông ấy sợ Chủ tịch Tập Cận Bình.”
Tiếp sức cho sự trỗi dậy
Các tập đoàn Hoa Kỳ đã trở thành cổ động viên cho Trung Quốc như thế nào được trình bày chi tiết trong cuốn sách của ông Prestowitz. Cuốn sách cũng kể lại câu chuyện lịch sử rối ren trong gần bốn thập kỷ hợp tác của Hoa Kỳ với chế độ này, kể từ khi Tổng thống Richard Nixon mở đường cho mối bang giao giữa hai quốc gia vào những năm 1970.
Các chính phủ kế nhiệm đã khuyến khích thương mại và đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Quốc, với hy vọng rằng toàn cầu hóa sẽ làm cho quốc gia cộng sản này trở nên dân chủ hơn.
Sau vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn vào tháng 06/1989, khi chế độ Trung Cộng đàn áp dữ dội các sinh viên biểu tình ủng hộ dân chủ, chế độ này đã phải đối mặt với sự cô lập từ Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế. Sau đó, một tháng sau khi vụ việc xảy ra, Tổng thống George H. W. Bush đã ném một sợi dây cứu sinh cho đảng này. Ông Bush đã cử cố vấn an ninh quốc gia của mình bí mật đến thăm Bắc Kinh, để gửi thông điệp tới các nhà lãnh đạo Trung Cộng rằng ông sẽ cố gắng hết sức để khôi phục mối bang giao hai nước và ngăn cản những nỗ lực của Quốc hội nhằm cắt giảm thương mại. Cơ sở lý luận của ông cho việc tiếp tục giao thương với nước này là “theo thời gian, khi mọi người dần dần có động lực thương mại, cho dù đó là Trung Quốc hay các hệ thống độc tài khác, thì quá trình chuyển sang dân chủ là không thể tránh khỏi.”
Trung Cộng cũng tìm thấy một đối tác từ Tổng thống Bill Clinton, một người nhiệt tình ủng hộ cho “cam kết mang tính xây dựng,” người đã đàm phán cho việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001. Khi quảng bá thỏa thuận này cho công chúng Hoa Kỳ, ông Clinton nói vào năm 2000 rằng hành động này có nghĩa là chế độ Trung Cộng sẽ phải “nhập cảng một trong những giá trị trân quý nhất của nền dân chủ-tự do kinh tế,” điều này sẽ “có tác động sâu sắc đến nhân quyền và tự do” ở Trung Quốc.
Rõ ràng là không một điều gì trong số này đã trở thành sự thực.
Kể từ đó, Trung Cộng đã mở rộng các hành vi vi phạm nhân quyền nhắm vào các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số, đàn áp các nhà phê bình trên khắp đại lục và Hồng Kông, đồng thời thắt chặt kiểm soát đối với công dân Trung Quốc bằng cách khai triển hệ thống giám sát công nghệ có độ bao phủ sâu rộng nhất thế giới.
Được tiếp sức bởi dòng vốn đầu tư nước ngoài, trong khi vận dụng vô số các thủ đoạn thương mại không công bằng, chế độ này đã thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp nội địa đồng thời xóa sổ ngành công nghiệp sản xuất của Hoa Kỳ trong quá trình này. Trung Cộng hiện đang tìm cách dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao và đã phát triển mô hình chuyên quyền của riêng mình với sự trợ giúp của công nghệ để xuất cảng ra toàn cầu.
Tuy nhiên, làm thế nào mà giới tinh hoa chính trị Hoa Kỳ lại bị “bài hát của mỹ nhân ngư” dụ dỗ–theo lời ông Prestowitz– với lời hứa hẹn tự do hóa thông qua thương mại?
“Tôi nghĩ câu trả lời là họ rất muốn tin vì hai lý do,” ông viết trong cuốn sách của mình. “Đầu tiên là các tập đoàn hầu như điều hành cả Hoa Thịnh Đốn đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh lớn ở Trung Quốc và quyết tâm đầu tư. Thứ hai là các chuyên gia và học giả hàng đầu thời đó nói với họ rằng tất cả điều đó đều đúng.”
Tác giả này tiếp tục minh họa cách các ông chủ doanh nghiệp, chủ ngân hàng Wall Street và các cựu quan chức chính phủ bị chuyển hóa thành những kẻ vận động hành lang cho Trung Cộng ở Hoa Thịnh Đốn đã đổ xô đi đầu tư ở thị trường Trung Quốc như thế nào. Trong số đó có ông Robert Galvin, cựu Giám đốc điều hành của Motorola, người đã lợi dụng cơ hội từ vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn-vào thời điểm một Bắc Kinh bị cô lập đang rất cần sự bảo trợ từ nước ngoài-để đàm phán một thỏa thuận béo bở nhằm chuyển các nhà máy của công ty ông ta đến nước này. Ông Maurice Greenberg, cựu Giám đốc điều hành của hãng bảo hiểm khổng lồ AIG và ông Fred Smith, Giám đốc điều hành FedEx, cả hai đều háo hức mong muốn được chia một phần trong chiếc bánh lớn Trung Quốc, cũng là những người bạn đắc lực của chế độ này ở nước nhà Hoa Kỳ.
Ông Smith “đã trở thành một bậc thầy trong việc thao túng Hoa Thịnh Đốn, đưa các cựu thượng nghị sỹ và dân biểu vào hội đồng quản trị của mình, quyên góp cho tất cả những người có ảnh hưởng như ông Greenberg đã làm, và đóng góp những khoản lớn cho các chiến dịch chính trị,” ông Prestowitz viết.
Bàn đến Wall Street vào đầu thập niên 90, ông Henry Paulson–khi đó là chuyên viên của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs–đã lãnh đạo kế hoạch hợp nhất các công ty quốc doanh đang gặp khó khăn của Trung Quốc thành các tập đoàn lớn và chào bán cổ phần của chúng ra thị trường. Các công ty quốc doanh của Trung Quốc đã huy động được hàng trăm tỷ USD trên các sàn giao dịch chứng khoán trong nước và quốc tế, mang về cho Wall Street hàng tỷ USD lợi nhuận. Ông Paulson tiếp tục trở thành Bộ trưởng Tài chính dưới thời Tổng thống George W. Bush và hiện là người đứng đầu Viện Paulson, một tổ chức tư vấn “chuyên thúc đẩy mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc nhằm duy trì trật tự toàn cầu,” trang web của viện này cho biết.
Ông Prestowitz viết, “Ông Paulson đã xuất bản và diễn thuyết rất nhiều với tư cách là một chuyên gia tự phong về Trung Quốc. Và không có bằng chứng nào cho thấy ông ấy hoặc bất kỳ ai khác ở Wall Street hiểu rằng họ không những không tư nhân hóa được quốc gia đó, mà còn đang củng cố cho sự cai trị chuyên quyền của Đảng và khả năng thể hiện sức mạnh của nó ra ngoài biên giới Trung Quốc.”
Apple, FedEx và ông Paulson đã không lập tức trả lời yêu cầu bình luận.
Buộc các tập đoàn phải chịu trách nhiệm
Tác giả khuyến nghị nên tăng cường Đạo luật Đăng ký Đại diện cho Nước ngoài để các tập đoàn và các tổ chức khác kinh doanh với Trung Quốc phải tiết lộ mối liên hệ của họ.
Ông Prestowitz viết, “Tất cả các doanh nghiệp và tổ chức này phải được yêu cầu tiết lộ đầy đủ về các khoản quyên góp chính trị và mối liên hệ của họ với Trung Quốc khi họ làm chứng, nói hoặc viết cho công chúng.”
Quay trở lại với Giám đốc điều hành của Apple, ông nhấn mạnh rằng “công chúng phải biết rằng khi ông Cook nói về Trung Quốc, ông ấy là con tin của Bắc Kinh vì các hoạt động sản xuất rộng khắp của Apple ở đó.”
Những ví dụ về việc Apple và các công ty phương Tây khác ngả theo chế độ Trung Cộng là nhiều vô số. Vào đỉnh điểm của các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông năm 2019, Apple đã xóa khỏi App Store của mình một ứng dụng cho phép người biểu tình theo dõi hoạt động của cảnh sát. Hành động này diễn ra một ngày sau khi truyền thông nhà nước Trung Cộng mắng mỏ Apple đã hỗ trợ những người biểu tình ở Hồng Kông bằng cách cho phép một ứng dụng “độc hại” như vậy lưu hành. Nhưng công ty này cho biết ứng dụng này đã bị gỡ bỏ vì nó có nguy cơ đối với an toàn của công chúng.
Cùng khoảng thời gian đó, công ty trò chơi điện tử Activision Blizzard cũng đã đình chỉ một game thủ nổi tiếng đã lên tiếng ủng hộ những người biểu tình ở Hồng Kông.
Ngoài tính minh bạch cao hơn, ông Prestowitz muốn một số công ty đa quốc gia lớn đăng ký một điều lệ kinh doanh với chính phủ liên bang, bên cạnh điều lệ đã đăng ký với một tiểu bang (điển hình là bang Delaware). Điều lệ liên bang này sẽ đặt ra các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn cho các doanh nghiệp, chẳng hạn như cách họ có thể hành xử về mặt chính trị và cách họ hoạt động ở các quốc gia khác, ông nói.
Ví dụ, Hoa Kỳ có thể trừng phạt các công ty giúp chính phủ nước ngoài đàn áp công dân của họ, hoặc các công ty nhượng bộ đối với các yêu cầu từ các thế lực nước ngoài gây nguy hiểm cho quyền tự do ngôn luận hoặc tôn giáo của người dân Hoa Kỳ, cuốn sách của ông Prestowitz nêu rõ.
Ông Prestowitz nói, “Hoa Kỳ có thể sử dụng điều lệ để thực sự kỷ luật doanh nghiệp và thực sự áp đặt các nghĩa vụ đối với các CEO và giám đốc điều hành cao cấp.”
Cathy He
Nguyễn Lê biên dịch
Xem thêm: