Chuyên gia: Hoa Kỳ cần tăng ảnh hưởng ở Quần đảo Solomon để chống lại Trung Quốc
Theo bà Cleo Paskal, một chuyên gia về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Hoa Kỳ cần cạnh tranh với Trung Quốc để giành thêm ảnh hưởng ở Quần đảo Solomon.
“Họ là một lãnh thổ chiến lược thiết yếu mà quý vị [Hoa Kỳ] cần có khả năng kiểm soát hoặc ít nhất là có quyền tiếp cận, nếu quý vị sẽ… kiềm chế Trung Quốc trong trường hợp này,” bà Paskal bày tỏ với chương trình “China Insider” của EpochTV.
Bà Paskal lưu ý thêm rằng do Quần đảo Solomon gần lãnh thổ Hoa Kỳ Guam và Hawaii, cách những nơi này lần lượt là 1,900 dặm về phía tây bắc và 3,500 dặm về phía đông bắc, nếu quần đảo này bị mất vào tay Trung Quốc, nó sẽ mang đến cho nhà cầm quyền nước này một con đường thông thẳng tới Hawai trong trường hợp chiến tranh trong tương lai giữa hai nước.
Cảnh báo của nhà phân tích này đã có được tính cấp bách mới trong tuần này (21-27/03) sau khi dự thảo thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon bị rò rỉ, một thỏa thuận có thể mở đường cho Bắc Kinh thiết lập căn cứ quân sự trên hòn đảo. Thỏa thuận tiềm năng đã khiến cho Úc, một quốc gia nằm cách hòn đảo 1,400 dặm về phía nam, và các đồng minh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Úc, lo lắng.
Là một thành viên cộng tác của chương trình Châu Á-Thái Bình Dương tại viện nghiên cứu chính sách Chatham House [ở Vương quốc Anh], bà Paskal cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ, Trung Cộng) trong những năm gần đây đã có thể mở rộng ảnh hưởng của mình đối với các quốc đảo Thái Bình Dương khi ảnh hưởng của phương Tây suy giảm.
“Trung Quốc được hoan nghênh ở vị trí đầu vì các đối tác phương Tây trong nhiều trường hợp đã thất bại trong việc giúp người dân các đảo ở Thái Bình Dương phát triển theo cách mà họ muốn phát triển,” bà Paskal nêu rõ tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ ở Orlando, Florida hôm 25/02.
Các mục tiêu quân sự
Theo bà Pascal, mục tiêu cuối cùng của nhà cầm quyền Trung Quốc ở Thái Bình Dương là xây dựng dấu ấn quân sự của mình ở khu vực chiến lược quan trọng này.
Để đạt được mục tiêu đó, Trung Quốc đã sử dụng ‘các món quà kinh tế’ như một con ngựa thành Troy. “Họ làm điều đó thông qua cách thức đặc trưng của ĐCSTQ, đó là họ đến với các món quà kinh tế khác nhau, phát triển hoặc hối lộ, hoặc cấp học bổng,” bà Paskal nhận xét.
“Nhưng ẩn chứa trong đó là một mục tiêu chiến lược, [để có được] nó như một sự thay thế cho các cảng, phi trường hoặc các phương tiện liên lạc, khi có điều gì đó sát thương (kinetic) xảy ra.”
Ngoài ra, các hoạt động của Bắc Kinh còn có thể gây bất ổn nghiêm trọng về mặt kinh tế và xã hội cho các nước trong khu vực, nữ chuyên gia nhận định.
“Có rất nhiều hoạt động tội phạm đi kèm với sự can dự của người Trung Quốc, họ đánh bạc, mại dâm, buôn bán ma túy,” bà Paskal giải thích.
Theo bà Paskal, các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia hối lộ, điều này đã cho phép họ tiến hành “phá rừng bất hợp pháp, đánh cá cá bất hợp pháp, khai thác rất nhiều tài nguyên” trong khu vực.
Nữ chuyên gia này cho hay trước những vấn đề do sự ràng buộc ngày càng gia tăng với Trung Quốc gây ra, người dân Solomon rất mong muốn được hợp tác với Hoa Kỳ. Năm ngoái (2021), đất nước này đã bị rung chuyển bởi các cuộc bạo động, bắt nguồn từ các cuộc biểu tình ôn hòa, bị khích động một phần là do mối quan hệ ngày càng tăng của chính phủ với Bắc Kinh.
Do đó, với thông báo mở lại đại sứ quán ở Quần đảo Solomon gần đây, Hoa Kỳ nên tăng cường nỗ lực hỗ trợ quốc đảo Thái Bình Dương này, chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh.
“Quý vị cần có khả năng cung cấp cho các quốc gia trong khu vực những gì họ cần để có thể chống lại chiến tranh chính trị của Trung Quốc, sao cho họ có đủ an ninh khi chiến tranh sát thương xảy ra,” bà Paskal đề xuất.
Anh David Zhang là người dẫn chương trình China Insider trên EpochTV. Anh hiện đang làm việc tại New York và thủ đô Hoa Thịnh Đốn, đưa tin về Trung Quốc. Anh chuyên phỏng vấn chuyên gia và bình luận tin tức về các vấn đề Trung Quốc, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến mối bang giao Mỹ-Trung.
Thu Thủy biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: