Chuyên gia: Giám đốc điều hành Apple Tim Cook nên ghi danh là đại diện của Trung Quốc
Giám đốc điều hành Apple Tim Cook cùng nhiều lãnh đạo tập đoàn khác cần phải được yêu cầu ghi danh là đại diện ngoại quốc vì mối liên hệ của họ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), theo lời khai của chuyên gia mà cơ quan cố vấn có ảnh hưởng của Quốc hội đã nhận được.
“Khi ông Tim Cook ra điều trần trước Quốc hội, ông ấy đã làm chứng với tư cách là người đứng đầu một công ty đa quốc gia của Mỹ,” ông Clyde Prestowitz, chủ tịch của Viện Chiến lược Kinh tế có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, cho biết. “Không. Ông ấy cần phải bị buộc phải làm chứng với tư cách là đại diện ngoại quốc. Ông ấy là một đại diện của Bắc Kinh hơn là của Hoa Thịnh Đốn.”
“Tôi có thể nói điều đó trên cương vị của người đứng đầu Phòng Thương mại. Tôi có thể nói điều đó trên cương vị của người đứng đầu Ủy ban Hoa Kỳ-Trung Quốc ở Hoa Thịnh Đốn. Tất cả họ đều là lợi khí của Trung Quốc, chứ không phải của Hoa Kỳ.”
CEO Mỹ ‘quỳ phục’ ở Trung Quốc
Hôm 14/04, ông Prestowitz đã đưa ra lời khai trong một phiên điều trần kéo dài bảy giờ đồng hồ của Ủy ban Kinh tế và An ninh Hoa Kỳ-Trung Quốc, nhằm tìm cách hiểu rõ mối đe dọa do các hành vi thương mại chống cạnh tranh và cưỡng bách của Trung Quốc gây ra.
Ông nói rằng các nhà lãnh đạo chủ chốt trong các tập đoàn lớn và lĩnh vực tài chính của Mỹ ngày càng bị phụ thuộc vào ĐCSTQ, và rằng việc họ bị thu phục là một mối đe dọa to lớn đối với sự ổn định quốc gia, mà cần có sự phản ứng của toàn xã hội.
Ông Prestowitz nói rằng, “Những gì mà chúng ta phải hiểu rõ, đó là các tập đoàn của chúng ta, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lớn của chúng ta, ông Ray Dalios của thế giới và ông Tim Cooks của thế giới, họ rất quyền lực ở Hoa Thịnh Đốn, quý vị biết về số tiền họ chi tiêu, sự van nài mà họ có ở đây, tại Hoa Thịnh Đốn.”
“[Nhưng] ở Bắc Kinh thì họ quỳ phục. Họ vào luồn ra cúi.”
Ông Prestowitz đặc biệt nói đến ông Tim Cook vì những nỗ lực cá nhân của ông này trong việc kết thân với giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc để giành được các giao dịch kinh doanh lợi lộc hơn ở Trung Quốc.
Vào năm 2016, ông Cook đã đi vòng quanh Trung Quốc và đích thân vận động các quan chức ĐCSTQ để đạt được một thỏa thuận bí mật trị giá 275 tỷ USD với nhà cầm quyền nước này, vốn liên quan đến khoản đầu tư lớn hơn vào Trung Quốc của Apple để đổi lấy việc ít bị giám sát và quản lý hơn.
Thỏa thuận này cũng được cho là bao gồm những lời hứa từ ông Cook về việc lấy thêm nhiều nguồn cung cấp hơn cho Apple từ các nhà cung cấp Trung Quốc, mở rộng hợp tác với các trường đại học Trung Quốc để nghiên cứu và phát triển, đồng thời tăng cường đầu tư trực tiếp vào các công ty công nghệ Trung Quốc.
Ông Prestowitz đã nhấn mạnh sự khác biệt trong hành vi của Apple ở Hoa Kỳ so với ở Trung Quốc.
Ông lưu ý rằng, vào năm 2015, Apple đã từ chối lời đề nghị của FBI giúp mở khóa điện thoại của một kẻ khủng bố đã thực hiện một vụ xả súng hàng loạt gây thương vong và cố gắng đánh bom ở California, cuối cùng khiến chính phủ tiểu bang này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thuê tin tặc để thử bẻ khóa chiếc điện thoại đó.
Tuy nhiên, vào năm 2019, Apple đã vội vàng xóa một ứng dụng bản đồ thời gian thực ra khỏi cửa hàng ứng dụng của mình sau khi thu hút sự phẫn nộ của ĐCSTQ về việc những người biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông đã sử dụng ứng dụng này.
Ông Prestowitz nói: “Chỉ trong hai ngày, ứng dụng này đã bị xóa khỏi cửa hàng ứng dụng.”
Apple, vào thời điểm đó, cho biết họ đã gỡ bỏ ứng dụng này vì nó gây ra “tổn hại nghiêm trọng” cho cơ quan chấp pháp và cư dân địa phương.
Ông Prestowitz cho biết, khi các CEO và nhà đầu tư hành động vì lợi ích của chế độ cộng sản này, thì điều đó thường không được thực hiện vì mục đích xấu, mà là do sợ hãi.
“Ông Tim Cook biết, ông Ray Dalio cũng biết, rằng nếu họ đi quá lằn ranh một chút với những gì Bắc Kinh muốn, thì một là mất điện, hai là mất nước.”
Ông Prestowitz cũng lưu ý rằng luật pháp Trung Quốc yêu cầu các công ty ngoại quốc đang hoạt động tại Trung Quốc phải duy trì các tổ chức của ĐCSTQ trong công ty của họ để bảo đảm rằng họ hoạt động trong những giới hạn theo chỉ lệnh của cộng sản, và rằng các chi bộ đảng này đã tích cực làm việc để ngăn chặn những công ty nào làm trái với ý muốn của ĐCSTQ.
Vì vậy, ông Prestowitz đã mô tả các lãnh đạo của tập đoàn Mỹ quốc là “con tin của Bắc Kinh,” và nói rằng tình hình này sẽ không thay đổi cho đến khi nào chính phủ Hoa Kỳ có hành động kiên quyết chống lại ĐCSTQ để hạn chế các hành vi cưỡng bách của họ, đồng thời đặt ra những hậu quả rõ ràng cho những nhà lãnh đạo tập đoàn này, những người đại diện cho lợi ích của ĐCSTQ hơn là lợi ích của Hoa Kỳ.
Ông Prestowitz nói, “Một trong những điều tôi nghĩ là rất quan trọng đó là chính phủ Hoa Kỳ phải thông báo cho các CEO của các tập đoàn toàn cầu này rằng họ sẽ không thể hoạt động trong một thế giới hai mặt, không cân bằng như thế này được.”
The Epoch Times đã liên lạc với Apple để đưa ra bình luận.
Các quốc gia dân chủ yêu cầu ‘E-NATO’ chống lại ĐCSTQ
Ông Prestowitz đã làm chứng rằng các quốc gia dân chủ cùng với nền kinh tế thị trường trên toàn thế giới đang đối mặt với một mối đe dọa tương tự từ ĐCSTQ, và rằng một phản ứng thống nhất giữa các quốc gia cùng chí hướng – những nước có thể đồng ý tuân thủ một trật tự dựa trên luật lệ – là cần thiết để loại bỏ sự phụ thuộc đang gia tăng của Hoa Kỳ vào Trung Quốc.
“Trung Quốc không chấp nhận khái niệm thương mại tự do của chúng ta,” ông Prestowitz nói. “Họ không chấp nhận khái niệm pháp quyền của chúng ta. Vì vậy, chúng ta phải đáp trả Trung Quốc một cách toàn diện, đầy đủ chiến lược, để giải quyết tất cả các vấn đề mà họ đặt ra.”
Để đạt được mục tiêu đó, ông kêu gọi một “E-NATO” mới của các quốc gia dân chủ với nền kinh tế thị trường để tạo ra một liên minh có thể tăng cường giao thương giữa các quốc gia chơi đúng luật và đáp trả những nỗ lực của các chế độ như ĐCSTQ nhằm phá hoại hoặc lợi dụng thị trường của họ.
Ông cho rằng điều đó là cần thiết bởi vì ĐCSTQ không chấp nhận việc phân chia thị trường, thương mại, và quốc phòng thành các lĩnh vực riêng biệt, mà gắn chúng lại với nhau như một vũ khí thống nhất vì lợi ích quốc gia, mà ông Prestowitz đã mô tả là một “chiến lược hoàn chỉnh.” Do đó, ĐCSTQ không chỉ là một mối đe dọa trong thương mại, mà còn trong nghiên cứu, phát triển, công nghệ, và an ninh.
“Đảng Cộng sản Trung Quốc đang nhắm đến việc trưng dụng cái mà họ gọi là ‘150 năm quốc sỉ’ (nỗi nhục 150 năm của đất nước),” ông Prestowitz nói. “Mục tiêu là thế chỗ Hoa Kỳ như một cường quốc dẫn đầu thế giới, và dẫn đầu không chỉ về sức mạnh chính trị hoặc quân sự, mà đặc biệt là về sức mạnh kinh tế và công nghệ.”
Tuy nhiên, ông nói, nỗ lực đó vẫn đòi hỏi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ như ông Tim Cook phải phục tùng Đảng này theo một cách gây tổn hại lệch hẳn về phía những người nộp thuế ở Hoa Kỳ, và đó là mối liên hệ cần phải được cắt đứt.
“Mọi thứ mà Apple bán tại một thời điểm nào đó đều xuất phát từ nghiên cứu được tài trợ bởi chính phủ Hoa Kỳ, đến từ Cơ quan Chỉ thị các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến,” ông Prestowitz cho biết. “Mọi thứ mà Apple bán ngay từ đầu đều có rất nhiều tiền được đóng góp từ những người nộp thuế của Hoa Kỳ.”
“[Thế nhưng,] mọi thứ mà Apple tạo ra đều được sản xuất tại Trung Quốc.”
‘Công ty Trung Quốc’
Bà Nazak Nikakhtar, cựu trợ lý Bộ trưởng Thương mại về ngành công nghiệp và phân tích, đồng ý với ông Prestowitz rằng các lãnh đạo tập đoàn đa quốc gia, những người đã hành động song song với ĐCSTQ cần phải được ghi danh là đại diện ngoại quốc vì họ có dính líu đến các công ty của chính quyền Trung Quốc.
Bà nói, hành động của họ đang làm tổn hại đến lợi ích của Hoa Kỳ mà không bị trừng phạt, và mở rộng các nỗ lực đầy ác ý của ĐCSTQ nhằm “khai thác biên giới mở” của nền kinh tế Hoa Kỳ.
Bà Nikakhtar cho biết: “Các công ty của chúng ta đang tạo dựng các liên doanh ở Trung Quốc, phát triển các công nghệ ở đó, và nhờ vào việc phát triển công nghệ ở nơi đó, các công ty này bắt đầu nằm ngoài quyền kiểm soát xuất cảng của Hoa Kỳ.”
“Tại sao chúng ta không đầu tư số tiền đó vào nền kinh tế Hoa Kỳ và nền kinh tế của các đồng minh của chúng ta?”
Bà nhấn mạnh rằng, kể từ năm 1992, Hoa Kỳ đã rót hơn 2.3 nghìn tỷ USD đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc. Trong khi đó, thâm hụt thương mại với Trung Quốc vào năm 2020 là 366 tỷ USD.
Trong khi đó, ĐCSTQ đã sử dụng số tiền đó để tạo ra sự phụ thuộc quốc tế để các quốc gia như Hoa Kỳ sẽ không tách rời vì lo ngại suy thoái kinh tế.
Bà Nikakhtar nói: “Mục tiêu cuối cùng của chính quyền Trung Quốc là khiến phần còn lại của thế giới phụ thuộc vào họ, và ngày nay kế hoạch này đang thành công.”
“Sự phụ thuộc của chúng ta càng lớn, thì chúng ta sẽ càng trở nên dễ bị tổn thương và mong manh hơn. Đây không phải là một chiến lược hợp lý.”
Bà cho biết, chiến lược của ĐCSTQ về cơ bản là chư hầu hóa các quốc gia khác thông qua sự cưỡng bách kinh tế bằng cách tạo ra các điểm yếu trong chuỗi cung ứng và nhiều sự phụ thuộc về kinh tế. Vì vậy, bà Nikakhtar coi Trung Quốc dưới ách thống trị của ĐCSTQ là một “địch thủ ngoại bang,” và đã giới thiệu điều mà bà tin rằng có thể là câu trả lời để tận dụng hiệu quả thị trường Hoa Kỳ chống lại họ: “Công ty Trung Quốc” (“China Inc.”).
Bà nói, Công ty Trung Quốc là một khái niệm trong luật học thương mại có tiền lệ hàng chục năm và đã được Tòa án Tối cao công nhận.
Về bản chất, điều này công nhận rằng “Mọi tổ chức ở Trung Quốc đều liên kết với chính quyền trung ương trừ khi quý vị chứng minh được điều ngược lại,” bà Nikakhtar nói.
Do đó, nếu khái niệm về Công ty Trung Quốc được mở rộng từ luật thương mại sang các lĩnh vực luật và chính sách khác trong toàn bộ chính phủ này, thì Hoa Kỳ sẽ có thể chống lại sự kiểm soát của ĐCSTQ một cách hiệu quả.
Điều này là bởi vì nó sẽ cho phép chính phủ loại bỏ một cách hiệu quả bất kỳ lãnh đạo công ty nào bị coi là mất quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh của họ do các khoản nợ xã hội hoặc kinh tế phát sinh với ĐCSTQ.
“Phần còn lại của chính phủ không có khuôn khổ pháp lý này,” bà Nikakhtar nói. “Vì vậy, quý vị có một loạt các cơ quan liên bang có thẩm quyền pháp lý thực sự tinh tế để thực hiện mọi việc, nhưng họ không thể hành động vì họ thiếu liên kết này.”
Do đó, bà đã thúc giục ủy ban này khuyến nghị chính phủ mở rộng chính sách của Công ty Trung Quốc cho tất cả các cơ quan chính phủ, trong một nỗ lực cuối cùng để hủy diệt con rồng này.
Bà Nikakhtar nói: “Chúng ta hãy làm những thứ chính đáng để tạo ra thay đổi.”
“Chúng ta không được để tái diễn.”
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch TimesXem thêm: