Chuyên gia: ĐCSTQ không nghiêm túc về việc giảm lượng phát thải carbon
Trong các cuộc họp gần đây giữa Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng ĐCSTQ sẽ linh hoạt trong việc thực hiện lời hứa giảm lượng phát thải carbon.
Bình luận của ông Tập dường như trái ngược với những tuyên bố hung hăng mà chính quyền ĐCSTQ đưa ra trong các Hội nghị của Liên Hiệp Quốc (LHQ) hồi năm 2020 và 2021 rằng Trung Quốc sẽ đạt mức cao nhất về lượng khí thải carbon vào năm 2030 và mức trung tính của carbon vào năm 2060, cái gọi là mục tiêu “carbon kép”.
Việc ông Tập không cam kết giảm lượng phát thải carbon rõ ràng là phù hợp với những thay đổi chính sách do chính quyền Trung Quốc đưa ra vào cuối năm 2021. ĐCSTQ đã giảm bớt các hạn chế nhắm vào các ngành năng lượng cao, ô nhiễm cao và nới lỏng các tiêu chuẩn được sử dụng để thu thập và báo cáo dữ liệu tuân thủ, các hành động cho phép ĐCSTQ né tránh những lời chỉ trích nếu mục tiêu carbon kép không được đáp ứng.
Trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới hôm 17/01, ông Tập cho rằng Trung Quốc không thể đạt được các mục tiêu “giảm lượng phát thải carbon và trung tính carbon” đã cam kết trong một sớm một chiều hoặc trong một khoảng thời gian ngắn.
Sau đó, trong cuộc họp của Bộ Chính trị hôm 27/01, ông Tập nhấn mạnh rằng việc giảm lượng khí thải carbon sẽ đòi hỏi thời gian và các nỗ lực phối hợp. Trung Quốc không nên “lo lắng về kết quả nhanh chóng” và phải “tránh các giải pháp theo kiểu chiến dịch “một giải pháp phù hợp cho tất cả” như giảm sản xuất hoặc hạn chế sử dụng điện, những giải pháp này có thể gây ảnh hưởng xấu đến các ngành thiết yếu.
Các hãng thông tấn Trung Quốc đã tuyên bố rằng tình trạng mất điện hàng loạt của Trung Quốc bắt đầu từ tháng Chín năm 2021 là do chính sách “kiểm soát kép mức tiêu thụ năng lượng”. Điều này đề cập đến việc kiểm soát tổng mức tiêu thụ năng lượng của toàn bộ GDP và mức độ tiêu thụ năng lượng trên đầu người.
Hôm 10/12/2021, Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã họp để giải quyết tình trạng ngừng hoạt động và thảo luận về việc các kế hoạch giảm lượng phát thải carbon dường như mâu thuẫn với việc bảo đảm sự phát triển kinh tế của Trung Quốc như thế nào. Do đó, quyết định được đưa ra nhằm nới lỏng các hạn chế đối với việc phát triển các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng và ô nhiễm cao.
Các thành viên của cuộc họp kinh tế đó đã thừa nhận sẽ mất một thời gian dài để các nguồn năng lượng truyền thống đốt than dần được thu hồi và thay thế. Theo một báo cáo công bố hồi tháng Chín năm 2021 của Cinda Securities, 62.8% năng lượng tiêu thụ năm 2019 của Trung Quốc là do than cung cấp và 20.8% là dầu.
Sau đó, ĐCSTQ đã điều chỉnh phương pháp tính toán mức tiêu thụ năng lượng. Các nhà chức trách đã loại trừ tất cả các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, và thủy điện) cũng như năng lượng được sử dụng để sản xuất nguyên liệu thô (than và hóa dầu) khỏi tính toán. Lý do của sự thay đổi này là trong quá trình sản xuất than và hóa dầu, lượng phát thải carbon từ than đá và dầu mỏ được sử dụng làm nguyên liệu thô chỉ bằng 20% lượng khí thải được tạo ra khi chúng được sử dụng làm nhiên liệu. 80% còn lại được chuyển thành nguyên liệu thô và cần được tính riêng và loại trừ khỏi tính toán tổng tiêu thụ năng lượng.
ĐCSTQ cũng đề nghị rằng “kiểm soát kép tiêu thụ năng lượng nên được thay đổi càng sớm càng tốt để kiểm soát kép tổng lượng và mật độ phát thải carbon.” Mục đích của sự thay đổi này là để tách rời việc tiêu thụ năng lượng khỏi sự phát triển kinh tế, do đó, sự phát triển kinh tế sẽ được bảo vệ.
Nhiên liệu hóa thạch chiếm hơn 80% tổng mức tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc và lượng khí thải carbon từ lĩnh vực năng lượng chiếm hơn 80% tổng lượng khí thải carbon của Trung Quốc. Do đó, tốc độ giảm tiêu thụ than được coi là một chỉ số quan trọng cho quá trình giảm lượng carbon của Trung Quốc.
Haitong Securities phân tích rằng lượng khí thải carbon này không được tính vào tổng tiêu thụ năng lượng, giúp phát triển các dự án gia tăng hóa chất tiết kiệm năng lượng. Cách tính này mang lại nhiều không gian hơn cho cả tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải carbon, đồng thời giúp ngăn chặn các hạn chế về điện và sản xuất đã xảy ra trên khắp Trung Quốc vào năm 2021.
Một báo cáo do Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia của ĐCSTQ (NDRC) công bố vào tháng Tám năm 2021 cho thấy chỉ 1/3 trong số 30 tỉnh của Trung Quốc tiến hành đúng tiến độ để giảm mức độ tiêu thụ năng lượng. Chỉ một nửa số tỉnh đáp ứng được tổng nhu cầu tiêu thụ năng lượng của họ. Báo cáo có nhan đề “Phong vũ biểu về việc hoàn thành các mục tiêu kiểm soát kép đối với tiêu thụ năng lượng theo khu vực trong nửa đầu năm 2021”.
Theo NDRC, các tỉnh không đạt được mục tiêu kiểm soát năng lượng kép và không cải thiện trong vòng 20 ngày sẽ phải tạm dừng việc chấp thuận các dự án cơ sở hạ tầng của họ, hậu quả này sẽ cắt đứt nguồn tài trợ chính cho chính phủ địa phương. Sự kiểm soát chặt chẽ này được cho là đã góp phần vào việc hạn chế sản lượng và điện năng năm 2021 đối với các ngành sử dụng nhiều năng lượng ở hơn một nửa số tỉnh của Trung Quốc. Ngoài ra, nhập cảng than từ Úc cũng bị đình chỉ. Những biện pháp này đã khiến giá nguyên liệu như than tăng cao, dẫn đến giảm sản lượng điện đột ngột, khiến nhiều tỉnh xảy ra tình trạng thiếu điện.
Tiến sĩ Cao Phong Nghị (Gao Feng Yi) của Khoa học và Công nghệ Môi trường từ Viện Công nghệ Tokyo, với tám năm kinh nghiệm trong ngành bảo vệ môi trường của Trung Quốc, tin rằng việc giảm lượng cacbon thành công đòi hỏi những thay đổi trong toàn bộ cấu trúc kinh tế xã hội. Tuy nhiên, bản chất của ĐCSTQ đã xác định rằng họ sẽ không thực hiện những thay đổi căn bản như vậy. Do đó, không thể điều hòa được những mâu thuẫn giữa giảm thiểu carbon và phát triển kinh tế ở Trung Quốc.
Tiến sĩ Cao nói với The Epoch Times rằng ĐCSTQ thực sự không muốn giảm lượng cacbon và bảo vệ môi trường. Thay vào đó, giới lãnh đạo ĐCSTQ luôn tìm cớ trốn tránh trách nhiệm.
‘Lấy cớ là để kiếm tiền’
Mặc dù ĐCSTQ đang điều chỉnh riêng các chính sách của mình để giảm bớt các hạn chế carbon, ông Tập vẫn tiếp tục tuyên bố trong các bài diễn văn của mình tại LHQ rằng ĐCSTQ “sẽ tích cực tham gia hợp tác quốc tế để chống lại biến đổi khí hậu và cùng thúc đẩy chuyển đổi xanh toàn diện trong phát triển kinh tế và xã hội.”
Trong bối cảnh mối bang giao căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, giảm thiểu carbon được một số người coi là lĩnh vực duy nhất mà hợp tác toàn diện giữa hai nước có thể diễn ra. Ông John Kerry, đặc phái viên Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu, là một trong những động lực chính thúc đẩy chính phủ của ông Biden hợp tác với ĐCSTQ về biến đổi khí hậu.
Bất chấp ấn tượng thuận lợi mà ông Tập hy vọng sẽ tạo ra, gần đây Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã chỉ trích ông Tập vì không tham dự Hội nghị Khí hậu Liên hợp quốc tại Glasgow, Scotland, vào tháng 11/2021. Vấn đề ở đây là thực tế rằng Trung Quốc là quốc gia phát thải carbon lớn nhất thế giới.
Theo một báo cáo do Mạng Thông tin Công nghiệp Trung Quốc (CIN) đưa ra vào tháng Tám năm 2021, lượng khí thải carbon dioxide của Trung Quốc vào năm 2020 đạt 9.89 tỷ tấn. Con số này khiến Trung Quốc đứng đầu thế giới về lượng khí thải, chiếm 30.9% tổng lượng khí thải của thế giới. Con số này cao hơn gấp đôi so với Hoa Kỳ, quốc gia phát thải lớn thứ hai với 12.6%.
Theo dữ liệu của CIN, lượng khí thải carbon trên toàn cầu giảm 6.0% vào năm 2020 so với năm 2019. Bất chấp tin tốt này, lượng khí thải của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trong chín năm tới vì Trung Quốc có kế hoạch đạt mức cao nhất về lượng khí thải carbon không sớm hơn năm 2030. Do đó, lượng khí thải carbon của Trung Quốc sẽ chiếm tỷ lệ cao hơn trong tổng lượng khí thải toàn cầu.
Theo Tiến sĩ Cao, bản chất thực sự của ĐCSTQ là họ không thể bảo vệ môi trường vì lợi ích của xã hội con người. Ông nói: “ĐCSTQ đã hô vang khẩu hiệu về môi trường trong nhiều thập niên, nhưng môi trường đang ngày càng trở nên tồi tệ.”
Ông Gao tin rằng mục tiêu đỉnh cao phát thải carbon ban đầu của ĐCSTQ là năm 2030 và mục tiêu trung tính về carbon vào năm 2060 đã trì hoãn sự thành công và trao cho họ ít nhất 10 năm để họ có thể khai thác lỗ hổng của các nước phát triển.
Ông gợi ý rằng ĐCSTQ đã tạo cớ cho việc họ không hành động bằng cách tuyên bố rằng các nước phát triển đang gây ra thiệt hại môi trường toàn cầu và các nước phát triển đang sử dụng biện pháp bảo vệ môi trường để can thiệp vào các nước vẫn đang phát triển, chẳng hạn như Trung Quốc.
Ông nói rằng sau khi ĐCSTQ lừa dối các nước phát triển để cho Trung Quốc nghỉ ngơi, họ đã không thực hiện bất kỳ thay đổi căn bản nào. Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển theo cách như trước đây, và đang hủy hoại môi trường.
Theo ông Cao, “ĐCSTQ chỉ đang sử dụng việc bảo vệ môi trường như một cái cớ để kiếm tiền cho ĐCSTQ, và với cái giá phải trả là hạnh phúc của người dân Trung Quốc.”
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Bà Jennifer Bateman là một cây bút chuyên viết tin tức về Trung Quốc.
Bà Ellen Wan đã làm việc cho ấn bản The Epoch Times Nhật ngữ từ năm 2007.
Jennifer Bateman và Ellen Wan thực hiện
Bình Hòa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: