Chuyên gia: Dân số Trung Quốc giảm mạnh cho thấy giới trẻ không muốn có con
Quan chức cao cấp về dân số của Trung Quốc đã thừa nhận trong một cuộc họp thống kê dân số thường niên rằng tốc độ tăng trưởng dân số của Trung Quốc đã chậm lại và dự kiến sẽ ghi nhận một đợt suy giảm trước năm 2025.
Ông Dương Văn Trang (Yang Wenzhuang), giám đốc bộ phận giám sát dân số và phát triển gia đình của Ủy ban Y tế Quốc gia của Trung Quốc, cho biết tại cuộc họp rằng dân số Trung Quốc được dự báo sẽ “tăng trưởng âm”, theo cổng thông tin tài chính nhà nước Tài Tân (Caixin) của Trung Quốc hôm 22/07.
Các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung Quốc đã công bố dữ liệu dân số của họ, cùng với các số liệu thống kê khác, cho năm kết thúc vào ngày 31/12/2021. Sáu tỉnh — Quảng Đông, Hà Nam, Sơn Đông, Tứ Xuyên, Hà Bắc, và An Huy — mỗi tỉnh ghi nhận tăng hơn 500,000 người.
Mặc dù dân số của tỉnh An Huy đã tăng lên trong năm qua, nhưng số ca sinh đã giảm 47.6% từ năm 2017 đến năm 2021, sau khi giảm trong bốn năm liên tiếp, mà tờ Yicai gọi là “trượt dốc không phanh” vào tháng 09/2021. Yicai dự đoán An Huy sẽ có 530,000 ca sinh vào cuối năm, nhưng con số thực tế chỉ dừng ở mức 515,800 ca, theo Ủy ban Y tế tỉnh.
Hôm 11/07, Liên Hiệp Quốc đã công bố “Triển vọng Dân số Thế giới 2022” (pdf), một báo cáo về xu hướng dân số thế giới từ năm 1950 đến năm 2050. Tài liệu nói rằng Trung Quốc dự kiến sẽ trải qua “một đợt suy giảm rất mạnh” sớm nhất vào năm 2023 và rằng một năm sau đó, Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.
Đến cuối năm 2021, tổng dân số Trung Quốc đạt 1.41 tỷ người, chỉ tăng 480,000 người so với cuối năm 2020.
Chuyên gia: Thanh niên Trung Quốc ngại có con
Sự sụt giảm dân số xảy ra ngay cả sau khi ĐCSTQ bãi bỏ chính sách một con tàn bạo vào năm 2016 và khuyến khích các cặp vợ chồng trẻ sinh hai con. Năm ngoái, chính quyền Trung Quốc khuyến khích các cặp vợ chồng Trung Quốc sinh ba con. Một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tin rằng tỷ lệ sinh thấp cho thấy người dân không muốn có con.
Ông Tạ Điền (Frank Tian Xie), giáo sư kinh doanh và phó giáo sư marketing tại Đại học Nam Carolina Aiken, cho biết: “Nếu có thêm hai đứa con, thì những khoản chi phí về nhà ở, giáo dục, chăm sóc con cái, và y tế mà cộng cả lại thì sẽ tạo thành một khoản trang trải quá đắt đỏ đến mức không gồng gánh được.”
“Những người trẻ tuổi chỉ đơn giản là không muốn kết hôn hoặc có con do chi phí quá cao,” ông Tạ nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
Hôm 22/06/2021, mẹ của một bé 12 tuổi ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, đăng trên mạng xã hội rằng để nuôi dạy đứa con của mình khôn lớn đến thời điểm này, cô đã tốn tổng cộng 144,000 USD.
Chia tổng chi phí cho 12 năm, chi tiêu trung bình hàng năm sẽ là 12,000 USD, vượt quá thu nhập khả dụng cá nhân (PDI) trung bình năm 2020 của thành phố là 10,700 USD.
Trong thời gian phong tỏa nghiêm ngặt ở Thượng Hải từ cuối tháng Ba đến tháng Sáu, một thanh niên đến từ Thượng Hải đã từ chối đến trung tâm cách ly. Khi cảnh sát nói với anh ta rằng thái độ và sự thiếu hợp tác của anh sẽ ảnh hưởng đến cả ba đời nhà anh, người đàn ông này đáp: “Tôi là thế hệ cuối cùng rồi.”
Ông James Gorrie, tác giả của cuốn sách “Cuộc khủng hoảng Trung Quốc”, đã lưu ý trong một bài bình luận viết cho The Epoch Times hồi tháng Sáu rằng phản ứng của “thế hệ cuối cùng này” cho thấy “giới trẻ đang không ngần ngại bày tỏ sự tuyệt vọng của chính họ với cuộc sống” và cảm nghĩ này “được nảy sinh từ sự tuyệt vọng và vỡ mộng với cuộc sống trong thời Trung Quốc hiện đại.”
Cô Sophia Lam tham gia vào Epoch Times vào năm 2021, chuyên đưa tin về các chủ đề có liên quan đến Trung Quốc.