Chuyên gia: Chủ tịch Tập đưa ra ‘nghị quyết lịch sử’ nhằm củng cố di sản chính trị
Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) sẽ tổ chức một phiên họp toàn thể cho các thành viên cốt cán của mình vào tháng Mười Một, nơi bộ chính trị sẽ ban hành bản “nghị quyết lịch sử” thứ ba để rút ra kết luận về các vấn đề mang tính lịch sử.
Các chuyên gia tin rằng nghị quyết lịch sử thứ ba này sẽ định hình bản sắc cho lãnh đạo Tập Cận Bình trong lịch sử của Trung Cộng, đồng thời mở đường cho sự kế vị của ông ta trong cuộc họp quan trọng của chế độ này vào năm 2022.
Trong cuộc họp của Bộ chính trị vào hôm 18/10, Trung Cộng đã thông báo kế hoạch tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương khóa 19 từ ngày 08 đến ngày 11/11.
Trong cuộc họp do ông Tập chủ trì này, các đại biểu đã cũng thảo luận nghị quyết về “những thành tựu chính và kinh nghiệm lịch sử trong hơn 100 năm qua của Đảng”, vốn sẽ được sửa đổi và trình bày trước cuộc họp của cơ quan lập pháp bù nhìn của đảng này vào năm 2022.
Các nghị quyết về lịch sử của Trung Cộng
Hai nghị quyết trước đây (pdf) về lịch sử của Trung Cộng lần lượt được thông qua vào năm 1945 và 1981.
Hai nghị quyết đó liên tiếp xác lập vị thế bất khả chiến bại cho Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình trong nội bộ Đảng.
Nghị quyết năm 1945 về “một số vấn đề nhất định trong lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc” đã phục vụ cho phong trào quần chúng mang ý thức hệ đầu tiên của Mao, nhằm loại bỏ những kẻ đối địch về chính trị của ông ta tại cứ địa nền móng của Trung Cộng ở Diên An, một vùng núi không giáp biển của Trung Quốc, trong Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai. Nghị quyết này đã được dự thảo tại Phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI.
Nghị quyết năm 1981 của Đặng Tiểu Bình về “một số vấn đề nhất định trong lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, đã được ban hành tại Phiên họp toàn thể lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XXI. Nghị quyết này đã phê bình và đánh giá đường lối chính trị cực tả cũng như Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông. Nghị quyết này cũng góp phần bảo đảm địa vị chính trị của Đặng Tiểu Bình.
Cuộc đấu tranh trong nội bộ Trung Cộng
Ông Viên Hồng Băng (YuanHongbing), là một tác giả và là nhà bất đồng chính kiến hàng đầu của Trung Quốc. Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, vị cựu hiệu trưởng trường luật tại Đại học Bắc Kinh này cho biết, nghị quyết lịch sử của ông Tập đang mở đường cho nhiệm kỳ lãnh đạo Đảng tiếp theo của ông ta.
Ông ấy nói rằng mạch suy nghĩ tổng thể của ông Tập trong Phiên họp toàn thể lần thứ 6 này có thể được tóm gọn bằng một câu: Mao Trạch Đông giúp Trung Quốc đứng lên; Đặng Tiểu Bình giúp Trung Quốc giàu có lên; Tập Cận Bình giúp Trung Quốc hùng mạnh lên.
Ông Viên lý giải, “Đầu tiên, chính là Mao Trạch Đông — một kẻ độc tài dân tặc — người đã giúp Trung Quốc đứng lên. Đó là theo quan điểm của Tập Cận Bình; nhưng, ở góc độ của chúng tôi mà nhìn, thì ông ta đã làm cho những tên cộng phỉ đứng lên, chứ không phải làm cho người dân Trung Quốc đứng lên.”
“Sau đó là đến Đặng Tiểu Bình, cùng với những người kế nhiệm của ông ta là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Cùng nhau, họ đã giúp Trung Quốc giàu có lên; [nhưng] theo quan điểm của chúng tôi, chủ nghĩa tư bản ưu tú của Đảng đã giúp Trung Cộng độc tài đạt đến mức độ hủ bại mục nát chưa từng có.”
Theo ông Viên, ông Tập đã tự nhận định mình là một nhà độc tài quyền lực, “Chính sách ngoại giao chiến lang của ông ta đã dồn ông ta vào tình cảnh tứ bề khốn đốn, cả trong nước lẫn quốc tế.” Ông Tập tin rằng cứng rắn là cách ông ta “làm cho Trung Quốc hùng mạnh lên”.
Ông Viên cho biết: “Đó là cách Tập Cận Bình nhìn nhận bản thân trong lịch sử của Trung Cộng, một người luôn sát cánh cùng với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.”
Theo ông Viên, bản nghị quyết lịch sử thứ ba này sẽ giúp ông Tập thiết lập một nền tảng ý thức hệ cho di sản chính trị của mình trong Đảng.
Do đó, cuộc đấu đá nội bộ của Trung Cộng sẽ xoay quanh vấn đề về sự kế nhiệm của ông ta trong vai trò lãnh đạo và thậm chí về nhiệm kỳ cai trị nội bộ Đảng tiếp theo của mình.
Ông Viên cũng tin rằng để ông Tập đạt được mục tiêu, ông ta phải phủ nhận hoàn toàn cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân.
Nỗi ám ảnh đầy tham vọng của ông Tập
Ông Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan), một nhà báo chuyên mục và là chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc cũng tin rằng, ông Tập đang nỗ lực tạo ra sự khác biệt với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, để ông ta có thể tạo dựng di sản của riêng mình cho nhiệm kỳ lãnh đạo khả thi của ông ta.
Ông cho biết, “Ông Tập đang nhắm đến việc loại bỏ tầm ảnh hưởng của ông Đặng. Ông ta phải xây dựng hình ảnh của riêng mình như một người tiên phong. Đó là cách ông ấy giành được tính hợp pháp trong việc cai trị Đảng và thậm chí cả vai trò lãnh đạo trọn đời.”
Tuy nhiên, ông Đường e ngại rằng ông Tập sẽ phủ nhận hoàn toàn cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân, lưu ý rằng trong một tài liệu gần đây từ cuộc họp của bộ chính trị, các cựu lãnh đạo của Trung Cộng như Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào vẫn được nhắc đến. Đúng hơn, ông Tập tỏ ra khá hung hăng trên trường quốc tế.
Ông ấy nói, “Ông Tập Cận Bình tin rằng nhiệm vụ của ông ta là khai thác hai vũ khí nòng cốt do Mao và Đặng dựng lập – hệ thống toàn trị chính trị, cũng như sự ăn mòn và thâm nhập kinh tế – để kích khởi một cuộc chiến tranh quy mô toàn diện chống lại thế giới,” và đó là lý do tại sao mà ông Tập lại tự nhận mình là người “làm cho Trung Quốc hùng mạnh lên”.
Ông Đường cho biết, đại hội đại biểu vào năm 2022 sẽ nhắm mục tiêu tới quyền lãnh đạo thế giới. Ông Tập sẽ khai chiến bằng một đường lối toàn diện nhằm giành quyền bá chủ thế giới. Loại khai chiến này sẽ là mọi hành động xâm nhập mở rộng mang tính cưỡng bức, xâm lược và có tính chất hủy diệt bao gồm chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh, và chiến tranh không giới hạn.
Hình ảnh của ông Tập trong đảng cầm quyền
Trong phiên họp toàn thể năm 2016 của Đảng, ông Tập đã tự nhận mình là lãnh đạo rường cột. Vào năm 2017, ông ta tiếp tục đẩy mạnh hệ thống phân cấp của Trung Cộng và xuất bản đầu sách “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội với đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”, thường được viết tắt là “Tư tưởng Tập Cận Bình”.
“Tư tưởng Tập Cận Bình” có thể được so sánh với học thuyết của Mao là “Tư tưởng Mao Trạch Đông.”
Năm 2018, “Tư tưởng Tập Cận Bình” đã được thêm vào hiến pháp của Đảng. Đồng thời, ông Tập đã sửa đổi hiến pháp Đảng và xóa bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ cho ghế chủ tịch của chế độ này.
Trong ấn phẩm mới nhất của “Lược sử Đảng” được xuất bản trong năm nay, giai đoạn cai trị của ông Tập chiếm 146 trang trong tổng số 531 trang, hơn một phần tư cuốn sách; sự lên án về Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông đã bị coi nhẹ.
Nhà bình luận Viên Hồng Băng nói rằng theo sự lý giải của những người trong cuộc, thì ông Tập tin rằng chỉ có hai nhà lãnh đạo Trung Cộng đáng được ca ngợi: một là Mao Trạch Đông, và người còn lại hẳn nhiên là ông Tập.
Theo ông Viên, ông Tập có ý định phủ nhận những cải cách kinh tế của ông Đặng Tiểu Bình, nhưng ông ta được khuyên rằng thời điểm này không thích hợp. Xét cho cùng, vẫn có những đồng minh và bạn chí cốt của những người tiền nhiệm của ông Tập trong nội bộ Đảng.
Ông Viên giải thích, “Ông ta phải phủ nhận hoàn toàn đường lối kinh tế của Đặng Tiểu Bình và đường lối tham nhũng hủ bại của Giang Trạch Dân trước khi ông ta có thể thiết lập vị thế độc tôn của mình sánh vai với Mao Trạch Đông trong Đảng.”
Tư tưởng ‘hai điều không thể phủ nhận’ của ông Tập
Năm 2013, ông Tập đưa ra hệ tư tưởng “hai điều không thể phủ nhận” đề cập đến lịch sử của Trung Cộng trước và sau thời kỳ cải cách mở cửa. Không thể dùng 30 năm trước đổi mới mở cửa để phủ nhận 30 năm sau đổi mới mở cửa, và ngược lại.
Trong 30 năm đầu tiên kể từ khi thành lập Đảng, đã có các phong trào chính trị của Mao Trạch Đông như cải cách ruộng đất, quét sạch bè lũ phản cách mạng, và thanh trừng kẻ thù của nhà nước; phong trào kinh tế và xã hội – Đại Nhảy Vọt; Nạn Đói Lớn; và Cách mạng Văn hóa.
[Chính sách] cải tổ kinh tế và mở cửa của ông Đặng Tiểu Bình vào những năm 70 đã đưa nhà cầm quyền này lên trường thế giới trong 30 năm tiếp theo. Tuy nhiên, sự cai trị của Trung Cộng cũng đã dẫn đến hậu quả là đất nước này chìm trong tham nhũng hủ bại và đạo đức xã hội đã hoàn toàn bị băng hoại.
Ông Đường giải thích rằng đó chỉ đơn giản là một sự điều chỉnh chiến thuật giữa Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình trong 60 năm cầm quyền của Trung Cộng.
Đường lối căn bản của Đảng này trong [giấc mộng] bá chủ toàn cầu với chủ nghĩa cộng sản chưa bao giờ cải biến. Đường lối này được mô tả là “sự giải phóng cho toàn nhân loại” dưới thời đại của Mao Trạch Đông.
Đặng Tiểu Bình vẫn tiếp tục dùng một chiêu bài để đánh lừa xã hội phương Tây, thay vì công khai tung hô một khẩu hiệu tương tự như Mao Trạch Đông. Cuộc thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 của ông Đặng và chiến dịch chính trị năm 1992 của ông ta trên “Chuyến công du phía Nam” sau “Diễn biến Hòa bình” (Liên Xô giải thể trong giai đoạn 1988 và 1991), đã bảo đảm đường lối cộng sản của Trung Cộng.
Mặt khác, ông Tập đã mô tả đường lối này với với khẩu hiệu, “một cộng đồng vì một tương lai chung cho nhân loại”.
Ông Đường cho biết, “Khi ông Tập đề cập đến ‘hai điều không thể phủ nhận’, [hệ tư tưởng], ông ta thực sự cho rằng bản thân là người kế vị duy nhất cho đường lối căn bản của Đảng này.”
Ông tin rằng ông Tập sẽ tuyên bố kết thúc thời đại của Đặng Tiểu Bình bằng việc khẳng định một cách mạnh mẽ những thành tựu chính trị của mình. Đây là chiến lược tương tự tuyên bố của ông Đặng rằng thời đại của Mao Trạch Đông đã qua.
Khi ông Tập đánh mạnh vào các doanh nghiệp tư nhân trên danh nghĩa “thịnh vượng chung”, dư luận tin rằng Trung Quốc đang mở ra cuộc cách mạng văn hóa lần thứ hai, nhưng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Phó Thủ tướng Lưu Kỳ Anh khẳng định rằng việc mở cửa cho các doanh nghiệp tư nhân vẫn được duy trì.
Ông Đường cho biết, “Khách quan mà nói, [hệ tư tưởng] ‘hai điều không thể phủ nhận’ của ông Tập Cận Bình thực sự cân bằng sự khác biệt phe phái giữa hai người tiền nhiệm, Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.”
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Ninh Hải Chung (Haizhong Ning) từng là nhân viên nhà nước và làm việc cho một công ty bất động sản ở Trung Quốc, trước khi rời sang hải ngoại để làm công việc phóng viên. Ông tập trung vào các vấn đề thời sự và chính trị của Trung Quốc trong hơn bảy năm.
Do Ninh Hải Chung thực hiện
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: