Chuyên gia cảnh báo sàn giao dịch chứng khoán mới tại Bắc Kinh của Trung Quốc có rủi ro
Trung Quốc sẽ sớm ra mắt sàn giao dịch chứng khoán ở Bắc Kinh để phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), nhưng các nhà phân tích cảnh báo rằng mô hình này đã tồn tại ở Trung Quốc từ trước và hóa ra đã thất bại.
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết trong một bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh thương mại toàn cầu hôm 02/09, Sở Giao dịch Chứng khoán Bắc Kinh (BSE) được thành lập để phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) có đổi mới.
Sở giao dịch Chứng khoán Thượng Hải (SSE) và Sở giao dịch Chứng khoán Thâm Quyến (SZSE) được thành lập đặc biệt để tài trợ vốn chỉ cho các doanh nghiệp lớn. Rất ít doanh nghiệp vừa và nhỏ được tài trợ trên Thị trường Giao dịch Chính. Để giải quyết vấn đề này, Sàn giao dịch và Báo giá Cổ phần Quốc gia (NEEQ)—thường được gọi tắt là Sàn Giao dịch Thứ ba Mới-vốn được thành lập cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ [đang niêm yết] tại Sở giao dịch Chứng khoán Thâm Quyến.
Sàn Giao dịch Thứ ba Mới đã được chính thức khánh thành hôm 16/01/2013. Đây là sở giao dịch chứng khoán quốc gia thứ ba của Trung Quốc sau SSE và SZSE. Đây cũng là sàn giao dịch chứng khoán đầu tiên của Trung Quốc hoạt động theo một hệ thống của công ty. Các sàn giao dịch chứng khoán khác là các pháp nhân tự quản lý dưới sự giám sát của Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc (CSRC).
Người phát ngôn của NEEQ đã chia sẻ với The Epoch Times rằng, các điều kiện niêm yết trên BSE sẽ dễ dàng hơn so với các sở giao dịch chứng khoán khác (ví dụ, không có quy định bắt buộc với tỷ suất chi trả cổ tức bằng tiền mặt của các công ty), điều kiện niêm yết dễ dàng này sẽ giúp giải quyết các khó khăn trong hoạt động thu xếp tài chính của các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Khi được hỏi về thời gian biểu, người phát ngôn của NEEQ cho biết sẽ “rất sớm”, nhưng không “tiện” để nói về điều đó lúc này. Ông xác nhận rằng hướng đi (các doanh nghiệp niêm yết) tại BSE sẽ giống với hướng đi (các doanh nghiệp niêm yết) tại NEEQ, và rằng các doanh nghiệp thuộc lớp có đổi mới đã được thành lập—BSE là một sàn giao dịch giống như NEEQ dưới một cái tên khác.
Khi được hỏi về lợi ích của việc thành lập BSE, người phát ngôn của NEEQ cho biết các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân cũng sẽ tham gia đầu tư để chia sẻ cổ tức từ sự tăng trưởng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hôm 02/09, trang web của NEEQ đã đưa ra tuyên bố: “Các công ty niêm yết trên BSE được tạo ra từ các công ty [thuộc] lớp đổi mới. [Chúng tôi sẽ] duy trì lớp [các doanh nghiệp] căn bản và lớp [các doanh nghiêp] có đổi mới của Sàn giao dịch Thứ ba Mới và cấu trúc thị trường ‘tiến bộ’ của BSE. [Chúng tôi sẽ] đồng thời thí điểm hệ thống đăng ký phát hành chứng khoán.”
Nasdaq được thành lập vào năm 1971 dành cho các công ty nhỏ có quá nhiều rủi ro để được niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán New York trong giai đoạn đầu mới thành lập. Ông Mike Sun, một nhà tư vấn đầu tư tư nhân ở Bắc Mỹ, tin rằng BSE có rủi ro đầu tư lớn hơn các thị trường chính là Thượng Hải và Thâm Quyến, và việc thực hiện hệ thống đăng ký trước đây từng đã thất bại.
Hôm 03/09, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã công bố “Báo cáo Ổn định Tài chính Trung Quốc năm 2021”, trong đó phân tích các yếu tố rủi ro của các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ của Trung Quốc. Theo ông Sun, báo cáo cho thấy các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ của Trung Quốc đang gặp nguy hiểm và ngân hàng trung ương đang chuẩn bị cho một số ngân hàng trong số đó ngừng hoạt động. Ông nói thêm rằng việc tung ra BSE vào thời điểm các ngân hàng vừa và nhỏ đang mắc nợ nhiều cho thấy Bắc Kinh đang rất muốn mở rộng vốn của mình.
Ông Sun nói, “Cục Dự trữ Liên bang [Hoa Kỳ] đã nhiều lần nói rằng còn quá sớm để tăng lãi suất vì làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế [trong bối cảnh đại dịch]. Trung Cộng đang tận dụng lợi thế của sự chậm trễ. Họ đang chuẩn bị cho sự mất giá của đồng nhân dân tệ và dòng vốn tháo chạy. Đó là lý do tại sao Trung Cộng mong muốn mở rộng nền tảng tài chính của Trung Quốc.”
Ngành sản xuất ốm yếu của Trung Quốc
Tại cuộc họp báo hôm 03/09, Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) khẳng định việc thành lập BSE là một động thái tốt và nêu rõ: “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể làm được những điều tuyệt vời.…Sàn Giao dịch Thứ ba Mới là một sự khám phá quan trọng của thị trường vốn để phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ… BSE nên được thành lập trên cơ sở lớp [doanh nghiệp] được lựa chọn của Sàn giao dịch Thứ ba Mới.”
Trong một video được công bố hôm 04/09, một người làm YouTube về tài chính Trung Quốc mang danh Sober Observer, đã bình luận về một số vấn đề kinh tế đằng sau sự ra mắt của BSE. Ông cho biết các quan chức hàng đầu của Trung Cộng tin rằng sự tách rời Mỹ-Trung sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc phải nâng đỡ thị trường trong nước. Do đó, họ muốn hướng vốn đầu tư vào ngành sản xuất thực sự của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bằng cách sử dụng các chính sách nhất định.
Ông nói rằng, việc thành lập BSE phản ánh tình trạng kinh tế hiện tại của Trung Quốc—thiếu vốn và tiêu dùng nội địa yếu. Trung Cộng muốn thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, nhưng liệu Trung Cộng có thể làm được điều đó hay không thì không chắc. Ông Sober Observer nói, hơn nữa, việc thành lập BSE để phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho thấy rằng Sàn Giao dịch Thứ ba Mới, đã có từ nhiều năm nay, đã thất bại.
Ông Xuewen Ding, đối tác quản lý kiêm tổng giám đốc của Kymco Capital, một công ty đầu tư cổ phần tư nhân, cũng có quan điểm tương tự. Ông Ding nói với Đài Á Châu Tự do rằng BSE là một nền tảng do Trung Cộng thiết lập để kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất với vốn. Đó cũng là khẩu hiệu của Sàn Giao dịch Thứ ba Mới trong thời gian đầu. Nhưng khẩu hiêụ này không có tác dụng, vì vậy tất cả các giám đốc điều hành hàng đầu của Sàn Giao dịch Thứ ba Mới đã từ chức vào thời điểm đó.
Ông Ding nói rằng trước đây, nhiều người, bao gồm cả bản thân ông, đã bị thua lỗ khi đầu tư vào Sàn Giao dịch Thứ ba Mới. Mỗi công ty đã phải chi hàng chục triệu nhân dân tệ để được niêm yết, nhưng tất cả tiền của họ đều đổ xuống cống. Ông nói, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc, đặc biệt là những doanh nghiệp trong ngành sản xuất, đang ở trong tình trạng rất khó khăn và thử thách.
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: