Chuyên gia cảnh báo: Một làn sóng xung kích chuỗi cung ứng khác đang đến
Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu sắp trải qua một đợt xung kích mới khi các nhà máy ở Trung Quốc mở cửa trở lại và bắt đầu một nỗ lực mạnh mẽ để tiếp tục sản xuất và lấp đầy đơn đặt hàng.
Sau một loạt các đợt phong tỏa và gia hạn các hạn chế về sức khỏe cộng đồng để đối phó với sự bùng phát COVID-19, các nhà sản xuất đã bắt đầu hoạt động trở lại và hiện đang hối hả cố gắng bắt kịp.
Tuần trước (11-17/04), Ủy ban Kinh tế và Công nghệ Thông tin Thượng Hải đã xác định 666 công ty địa phương là những doanh nghiệp ưu tiên sẽ được cho phép sản xuất trở lại. Cơ quan phát triển công nghiệp của thành phố này lưu ý rằng hàng trăm công ty trong danh sách là công ty sản xuất các mặt hàng quan trọng, trong đó có xe hơi và vi mạch bán dẫn.
Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc bảo đảm dây chuyền sản xuất hoạt động trở lại có thể yêu cầu cơ quan chính phủ thành phố này hỗ trợ.
Một trong những công ty mở cửa trở lại nhà máy ở Thượng Hải là Tesla Motors. Nhà sản xuất xe điện này đang cố tăng sản lượng và bảo đảm sản phẩm được vận chuyển đúng hạn bằng cách thêm giường và vòi hoa sen cho nhân viên cắm trại tại chỗ. Nhiều công ty khác đã lắp đặt các hệ thống tương tự để tăng tốc sản xuất.
Nhưng điều đó không có nghĩa là Thượng Hải đã vượt qua COVID-19 khi các quan chức công bố các biện pháp mới trong tuần này (18-24/04), bao gồm xét nghiệm trên toàn thành phố và nhanh chóng di chuyển bệnh nhân nhiễm bệnh đến các địa điểm cách ly.
Thượng Hải là một trung tâm sản xuất quan trọng ở Trung Quốc, với rất nhiều nhà máy rộng lớn sinh lời chuyên sản xuất các linh kiện xe hơi và điện tử cho các hãng như Apple, Sony, và Unimicron Technology Corp. Thành phố Trung Quốc này cũng sở hữu cảng container lớn nhất thế giới, cũng như một phi trường quan trọng cung cấp hàng hóa trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, các nhà quan sát trong ngành cảnh báo rằng sự vội vã nhằm giảm bớt lượng hàng tồn đọng này có thể tạo thêm áp lực mới cho cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là ở Hoa Kỳ.
Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ chưa cải thiện
Các cảng của Hoa Kỳ trên khắp Bờ Tây quản lý hàng hóa đến từ Trung Quốc đang chuẩn bị cho các chuyến giao hàng tăng đáng kể. Vấn đề chính là những khu vực này đang phải đối mặt với các vấn đề tắc nghẽn nghiêm trọng và tình trạng thiếu hụt nhân sự đang thúc đẩy cuộc khủng hoảng container vận chuyển. Các chuyến hàng mới sẽ khiến nhiều container vận chuyển chất đống hơn, buộc những chuyến mới đến phải đợi ngoài khơi cho đến khi có đủ chỗ trong cảng.
Khi nào thì các điều kiện có thể nới lỏng hơn? Ông James McKenna, chủ tịch Hiệp hội Hàng hải Thái Bình Dương, cảnh báo rằng cần phải tốn một đoạn thời gian.
Ông McKenna, người có tổ chức đại diện cho hàng chục hãng vận tải, hãng tàu, và các đơn vị kinh doanh bến cảng, nói với Bloomberg: “Khi phong tỏa ở Trung Quốc trở thành dĩ vãng, hy vọng quý vị sẽ thấy sự gia tăng đó bắt đầu lấy lại động lực. Nhưng chúng tôi không ảo tưởng rằng nó đã kết thúc. Trên thực tế, chúng tôi đang lên kế hoạch cho việc nó diễn ra trong cả năm.”
Ngày nay, hàng trăm con tàu chở hàng đang xếp hàng dài ở Thượng Hải. Để so sánh, có khoảng 40 tàu container đang chờ ngoài khơi phía nam California. Ngoài ra, dữ liệu từ công ty giao nhận hàng hóa Flexport tiết lộ rằng phải mất trung bình 111 ngày để hàng hóa Á Châu đến được một kho hàng điển hình tại Hoa Kỳ, tăng so với mức khoảng 85 ngày vào cùng thời kỳ năm ngoái.
Cuối cùng, các nút thắt của chuỗi cung ứng có thể sẽ vẫn còn nguyên trạng nếu không có cơ sở hạ tầng mới, khiến việc lây lan gia tăng trên toàn bộ mạng lưới hậu cần, dù là kho bãi hay vận chuyển.
“Có rất nhiều tồn đọng vẫn đang chờ thoát khỏi Trung Quốc. Tất cả chỉ là một câu đố lớn kết hợp lại với nhau.”
Các chuyên gia trong ngành cảnh báo, ngày càng có nhiều lo ngại rằng các hãng vận tải biển có thể hủy bỏ các chuyến đi để đối phó với sự gián đoạn nguồn cung ở Thượng Hải.
Mặc dù không có quá nhiều chuyến hàng bị hủy, nhưng các nhà cung cấp dịch vụ đang bỏ qua một số chuyến đi Thượng Hải, dữ liệu từ American Shipper cho thấy. Nhưng đồng thời, vẫn chưa có “bất kỳ tác động đáng kể nào” đối với cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng.
Ông Alan Murphy, Giám đốc Điều hành của Sea-Intelligence, một công ty dịch vụ nghiên cứu và cung cấp dữ liệu, nói với American Shipper: “Đối với các chuyến ra khơi trống hàng, không có bất kỳ tác động đáng kể nào vượt ra ngoài trạng thái bình thường của công việc, ở mức độ mà thị trường trước khi Thượng Hải phong tỏa có thể được gọi là ‘bình thường.’”
Nhưng ông Murphy bày tỏ sự thận trọng.
Ông nói thêm, “Chúng ta có thể vẫn đang trong giai đoạn đầu của việc phong tỏa tại Thượng Hải, và nếu việc đóng cửa nhà máy vẫn tiếp tục, rất có thể số chuyến ra khơi trống hàng sẽ bắt đầu tăng trong những tuần tới.”
Trong một Báo cáo Kinh tế dài 42 trang của Tổng thống (pdf) được công bố hồi tuần trước, các nhà kinh tế của Tòa Bạch Ốc cảnh báo rằng thảm họa thương mại sẽ tồn tại lâu dài hơn đại dịch virus corona, ý nói đến việc vận chuyển hàng tồn đọng và tình trạng thiếu hụt sản phẩm khiến các chuỗi cung ứng trở nên “phức tạp và mong manh”.
Hội đồng Cố vấn Kinh tế viết trong báo cáo ngày 14/04: “Mặc dù các chuỗi cung ứng hiện đại đã làm giảm giá tiêu dùng đối với nhiều loại hàng hóa, nhưng chúng cũng có thể dễ dàng bị phá vỡ.”
“Do gia công, thuê ngoài, và đầu tư không đầy đủ vào khả năng phục hồi, nhiều chuỗi cung ứng đã trở nên phức tạp và mong manh. Sự phát triển cũng được thúc đẩy bởi những giả định thiển cận về cắt giảm chi phí vốn bỏ qua những chi phí quan trọng khó có thể đo lường được bằng các biện pháp tài chính, hoặc những chi phí gây ảnh hưởng đến người khác.”
Năm nay (2022), mức hàng tồn kho không được kiện toàn, với việc nhiều người mua trực tiếp và trực tuyến nhận thấy các kệ hàng trống và thông báo hết hàng.
Nhưng Chỉ số Cung ứng CPG (ngành hàng tiêu dùng đóng gói) của IRI cho thấy rằng hầu hết các sản phẩm đều còn hàng. Dữ liệu hàng tuần nhấn mạnh rằng áp lực đang tăng lên đối với nhiều mặt hàng, chẳng hạn như kiểm soát dịch hại, sản phẩm giấy, chăm sóc gia đình, thực phẩm làm lạnh và đông lạnh, cùng thuốc lá.
Trong khi tình trạng thiếu hụt sản phẩm vẫn chưa chuyển sang giai đoạn khủng hoảng, thì lạm phát giá tiếp tục là một cuộc đấu tranh căng thẳng đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Trong tháng Ba, tỷ lệ lạm phát hàng năm của Hoa Kỳ đạt 8.5% , với giá cả tăng đối với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ. Chỉ số lương thực tăng 8.6%, hàng may mặc tăng 6.8% và xe hơi mới tăng 12.5%.
Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của The War on Cash” (“Cuộc Chiến Tiền Mặt”).
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: