Chuyên gia cảnh báo: Đừng để ‘ảo tưởng đỏ’ khiến các vấn đề thực sự của việc bỏ phiếu qua thư bị bỏ qua
Các chuyên gia bầu cử nói với The Epoch Times rằng, mặc dù Đảng Dân Chủ và một số quan sát viên bầu cử đã nêu lên lo ngại về khả năng của điều gọi là ảo tưởng đỏ — một hiện tượng cho thấy Đảng Cộng Hòa dường như đang dẫn đầu trong đêm bầu cử nhưng vị thế này dần biến mất sau khi các phiếu bầu qua thư được kiểm đếm — các vấn đề thực sự của bỏ phiếu qua thư có bản chất hoàn toàn khác.
Theo một học giả, bỏ phiếu sớm qua thư thúc đẩy chủ nghĩa bộ lạc trong chính trị và khuyến khích người dân bỏ phiếu mà không cần biết tất cả thông tin về các ứng cử viên và các vấn đề.
Một vài người trong số này nêu lên các lo ngại về việc sử dụng và lạm dụng việc bỏ phiếu sớm và bỏ phiếu qua thư đã gợi lên các câu chuyện giống nhau về những người phủ nhận kết quả bầu cử được-cho-là bị-tác-động-bởi-ông-Trump, những người bị cáo buộc là thù địch và tìm cách phá hoại chính nền dân chủ.
Các quan sát viên bầu cử cho rằng, tuy vậy, vấn đề thực sự của bỏ phiếu qua thư không nằm ở khả năng xuất hiện những hành vi không trung thực để biến vẻ ngoài của chiến thắng thành một chiến thắng thực sự, mà nằm ở chỗ [hình thức bỏ phiếu này] thay thế thể chế bầu cử truyền thống, và kèm theo đó là thay thế tất cả tác động dân sự và văn hóa của nó, bằng một tiến trình từ xa hầu như không phù hợp với tính biến động của các chiến dịch và bản chất của các vấn đề trong giai đoạn trước ngày bầu cử.
Phá vỡ một thể chế
Ông Andrew E. Smith, giám đốc Trung tâm Khảo sát Đại học New Hampshire, nói với The Epoch Times: “Tôi chưa bao giờ thích bỏ phiếu gia hạn hoặc bỏ phiếu qua thư. Đối với tôi, nghi thức bỏ phiếu công khai rất quan trọng, để cho mọi người thấy sự ủng hộ của quý vị đối với hành động bỏ phiếu. Tôi cũng không thích việc bỏ phiếu sớm bởi điều này thúc đẩy chủ nghĩa bộ lạc trong nền chính trị của chúng ta.”
Ông Smith chỉ ra, khi các công dân bỏ phiếu sớm qua thư, họ thường bỏ phiếu dựa trên lòng trung thành và mối liên kết đã có từ trước với đảng của họ hơn là đưa ra quyết định dựa trên việc cẩn thận theo dõi tin tức, đánh giá tình hình kinh tế của đất nước, các mối bang giao và các vấn đề khác mà các ứng viên đã đưa ra trong chương trình hành động của họ, cho đến ngày họ sẽ trực tiếp bỏ phiếu nếu họ chọn con đường [của ứng viên] đó.
Ông Smith nói tiếp: “Khi quý vị bỏ phiếu sớm sáu tuần trước cuộc bầu cử, quý vị có thể để lỡ rất nhiều sự kiện [còn lại] diễn ra trong suốt chiến dịch, nhưng quý vị không còn cơ hội để cân nhắc lại lá phiếu của mình nữa.”
“Cuộc tranh luận giữa ông Fetterman và ông Oz trong năm nay chắc chắn là một ví dụ,” ông nói, đề cập đến cuộc tranh luận hôm 25/10, trong đó ứng viên Thượng viện tiểu bang Pennsylvania John Fetterman đã có phần trình bày nhận phải nhiều chỉ trích bởi các câu trả lời mơ hồ, ngắt quãng, và đôi khi không mạch lạc cho các câu hỏi của người điều phối và cho các lập luận của đối thủ thuộc Đảng Cộng Hòa của ông, Tiến sĩ Mehmet Oz.
Khi được hỏi về tuyên bố ủng hộ kỹ thuật khai thác dầu đá phiến bằng nứt vỡ thủy lực của ông, một phương pháp mà vào năm 2018 ông đã tuyên bố phản đối, ông Fetterman trả lời, “Tôi có ủng hộ kỹ thuật nứt vỡ thủy lực, và … tôi không, tôi không, tôi ủng hộ kỹ thuật này, và lập trường của tôi là, tôi ủng hộ kỹ thuật này.”
Theo Dự án Bầu cử Hoa Kỳ (U.S. Elections Project), nhiều người đã chỉ trích rằng cuộc tranh luận được tổ chức không đúng thời điểm vì tính đến ngày diễn ra sự kiện này, nhà chức trách đã nhận được 635,428 trong tổng số 1,310,189 lá phiếu bầu qua thư mà người dân yêu cầu cung cấp.
Ông Mark C. Smith, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị tại Đại học Cedarville ở Ohio, cũng có cùng quan điểm về điều này. Ông Mark lưu ý rằng khoảng thời gian khá dài được chỉ định cho bầu cử sớm tại Pennsylvania — 50 ngày — không khỏi khiến nhiều công dân đưa ra quyết định về cuộc đua tại Thượng viện mà chưa xem qua phần tranh luận cũng như nắm được tình hình mức độ sức khỏe của ông Fetterman, và biết được ông ấy còn cách bao xa để hồi phục hoàn toàn sau khi trải qua cơn đột quỵ hồi tháng Năm.
Ông Smith nói: “Tôi thấy việc bỏ phiếu sớm có vấn đề vì lý do đó. Tôi không thể lên tiếng thay cho người khác, nhưng tôi muốn bỏ một lá phiếu khi mà tôi nắm được càng nhiều thông tin càng tốt. Quá nhiều thứ có thể diễn ra trong 50 ngày. Tôi sẽ làm tốt nhất trong khả năng để bỏ phiếu vào ngày bầu cử.”
Các đánh giá khác nhau
Cũng có những người ủng hộ bỏ phiếu sớm, ví dụ như ông David Carlucci, một Thượng nghị sĩ tiểu bang của New York. Ông hiện đang là một cố vấn chính trị, ông nhấn mạnh điều ông xem là vai trò của bỏ phiếu sớm trong một quy trình bầu cử minh bạch và công bằng.
Ông Carlucci nói: “Bỏ phiếu qua thư là cần thiết vì nó cung cấp cho mọi người Mỹ cơ hội để khiến tiếng nói của họ được lắng nghe trong các cuộc bầu cử. Hình thức bầu cử trực tiếp, vào một ngày duy nhất tạo nhiều rào cản đối với người lao động, những người có thu nhập thấp, thiếu phương tiện di chuyển, hoặc với các cá nhân không có mặt tại khu vực họ được phép bỏ phiếu vào ngày bầu cử.”
Ông thừa nhận rằng: “Điều đó nói lên rằng, bỏ phiếu sớm có làm thời gian kiểm phiếu kéo dài hơn so với những năm trước, có nghĩa là nhiều khả năng chúng ta không biết được kết quả vào tối Ngày Bầu Cử. Năm nay, vào hai ngày trước ngày bầu cử, số phiếu bầu qua thư được gửi đến đã vượt qua con số của năm 2018.”
Ông Carlucci cũng công nhận rằng ông nhìn thấy khả năng xảy ra hiện tượng “ảo tưởng đỏ” có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường chính trị và niềm tin của người dân vào hệ thống bầu cử.
“Thật không may, đó là một nhược điểm của việc bỏ phiếu sớm,” ông nói.
Dẫu biết rằng quy trình bỏ phiếu sớm là không hoàn hảo, ông Smith nói rằng ông nhìn thấy con đường có thể khiến quy trình này trở nên đáng tin cậy hơn. Ông cho rằng một số địa phương đã đóng vai trò dẫn đường để chúng ta tiến đến một hệ thống bầu cử đáng tin cậy và minh bạch hơn.
Ông nói: “Một vài tiểu bang, như Georgia và Arkansas, giờ đây yêu cầu các cử tri cung cấp những thông tin bổ sung ngoài chữ ký để các quan chức địa phương xác thực.”
Ở những nơi có chênh lệch số phiếu quá nhỏ và kết quả bầu cử cuối cùng có thể được định đoạt bằng [chênh lệch] vài ngàn hoặc vài trăm phiếu bầu, thì tình trạng chờ đợi có thể sẽ tiếp diễn và có khả năng làm căng thẳng tiến trình chính trị. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử giữa kỳ này, ông Smith dự đoán rằng ở một số tiểu bang, việc bỏ phiếu trực tiếp sẽ mang lại tỷ lệ chênh lệch lớn đến mức có thể đoán một cách chắc chắn kết quả của những cuộc bầu cử đó, với lý do là lượng phiếu bầu qua thư chưa được kiểm đếm không đủ đáng kể để thay đổi kết quả.
Thiên Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times