Chuyên gia: Các hành động chính trị của ông Tập nhắm đến Đại hội ĐCSTQ năm tới
Các chuyên gia nhận định rằng các hành động chính trị gần đây của lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình có thể tiết lộ tham vọng muốn trở thành nhà lãnh đạo độc tài toàn trị của Trung Quốc trong ba nhiệm kỳ liên tiếp hoặc thậm chí suốt đời của ông ta.
Các thành viên của Ủy ban Trung ương, Bộ Chính trị, và Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị của Trung Cộng có thể bị thay thế tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 20, được tổ chức vào năm tới. Ông Tập cũng có thể được các đảng viên tái bổ nhiệm một nhiệm kỳ thứ ba.
Trước đây ông Tập đã sửa đổi hiến pháp Trung Quốc để xóa bỏ giới hạn trước đó về hai nhiệm kỳ liên tiếp đối với chức vụ chủ tịch nước và hiện ông ta đang tìm cách loại bỏ những chướng ngại trước cơ hội có thể có một nhiệm kỳ thứ ba, các chuyên gia cho biết.
Ba diễn biến chính trị chính
Vào ngày 01/03, ông Tập đã có bài diễn văn tại một lớp đào tạo dành cho các quan chức trẻ tuổi và trung niên tại Trường Đảng Trung ương của Trung Cộng ở Bắc Kinh. Bài diễn văn này đã được tất cả các hãng thông tấn nhà nước lớn của Trung Quốc đưa tin rộng rãi và hiện là tài liệu nghiên cứu cần phải có cho tất cả các Đảng viên.
Bài diễn văn ngắn của ông Tập tập trung vào “tranh đấu,” đề cập đến cụm từ này 14 lần và nhấn mạnh rằng “tranh đấu” là bản chất của Trung Cộng. Ông ta yêu cầu các quan chức trẻ tuổi của Trung Cộng “dám chiến đấu và giỏi chiến đấu.”
Ông ta cũng yêu cầu các quan chức này “phải trung thành với Đảng, phải hết lòng và kiên định.”
Hôm 24/02, Nhóm Lãnh đạo Giáo dục và Nghiên cứu Lịch sử ĐCSTQ đã đưa ra một thông báo về việc nghiên cứu bài diễn văn của ông Tập tại một hội nghị lịch sử Đảng vài ngày trước đó, yêu cầu tất cả các đảng viên Trung Cộng hợp nhất “tư tưởng và hành động” của họ vào “tinh thần” của bài diễn văn của ông Tập, và để đạt được “hai bảo vệ”-các biện pháp nhằm mục đích bảo đảm ông Tập là “cốt lõi” của Trung Cộng.
Hôm 20/02, giới chức Trung Cộng đã tổ chức một hội nghị chuyên đề cao cấp bất thường nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông Hoa Quốc Phong tại Bắc Kinh. Ông Hoa, người kế nhiệm ngắn hạn của ông Mao Trạch Đông với tư cách là lãnh đạo Trung Cộng từ năm 1976 đến năm 1978, đã bị loại bỏ và thay thế bằng ông Đặng Tiểu Bình, người đã lật ngược các chính sách cộng sản cứng rắn của ông Mao và bắt đầu phong trào “cải cách và mở cửa.”
Các quan chức cấp cao của Trung Cộng, bao gồm hai ủy viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị và ba ủy viên Bộ Chính trị của Trung Cộng, đã tham dự cuộc họp này. Trong bài diễn văn của mình, ông Vương Hộ Ninh, thành viên Ủy ban Thường vụ, cố vấn hàng đầu của ông Tập, đã đánh giá cao ông Hoa, nói rằng ông ta “trung thành với Đảng.” Ông Vương đã trích dẫn những nhận xét của ông Mao về ông Hoa là “nói lên sự thật” và gọi ông Mao là “một người trung thực,” đồng thời ca ngợi ông Hoa là “quan chức tối cao đã lật đổ Bè lũ Bốn tên.”
Bè lũ Bốn tên là bốn lãnh đạo lớn của Trung Cộng, bao gồm cả vợ của ông Mao, người đã chỉ đạo cuộc Cách mạng Văn hóa đầy bạo lực từ năm 1966 đến năm 1976 gây ra cái chết của hàng chục triệu người.
Mục đích nhắm đến trong các hành động chính trị của ông Tập
Ba hành động chính của ông Tập đều nhằm duy trì việc “ông Tập là cốt lõi của Trung Cộng” và mở đường cho việc tiếp tục nắm quyền của ông ta tại Đại hội Toàn quốc lần thứ 20 vào năm 2022, nhà bình luận các vấn đề thời sự đang sống tại Hoa Kỳ Lý Nhất Lâm (Li Yilin) nói với The Epoch Times. Ông Lý nói rằng khi ông Tập nhấn mạnh việc “trung thành với Đảng,” điều đó có nghĩa là “trung thành” với chính ông Tập.
“Ông ấy yêu cầu các quan chức Trung Cộng phải giỏi chiến đấu, cho thấy rằng cuộc tranh giành quyền lực cấp cao của Trung Cộng là vô cùng khốc liệt, và ông ấy phải đào tạo những đảng viên trẻ tuổi đó để chiến đấu cho ông ta, để ‘tranh đấu’ cho ông ta,” ông Lý nói.
Ông Lý Hằng Thanh (Li Hengqing), một học giả tại Viện Thông tin và Chiến lược Hoa Thịnh Đốn ở Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng đó là một “trận chiến sinh tử đối với ông Tập Cận Bình.”
“Hoặc ông ta có thể đạt được vị thế độc tài suốt đời, hoặc có thể đó là ‘Trận chiến Waterloo’ của ông ta,” ông Lý nói, đồng thời cho biết thêm rằng những thành tựu chính trị của ông Tập là rất ít, và các biện pháp của ông ta để bảo đảm rằng Đảng ủng hộ ông ta đều dựa vào chiến dịch “chống tham nhũng” của ông ta để trấn áp một số lượng lớn các Đảng viên chống lại ông ta và để răn đe các đối thủ của ông ta.
Sáng kiến của ông Tập về việc tìm hiểu lịch sử ĐCSTQ thực sự cho thấy nhu cầu kiểm soát kịch bản lịch sử của Đảng, loại bỏ các tiếng nói khác, và hợp nhất Đảng xung quanh “Tư tưởng Tập Cận Bình,” củng cố vị trí lãnh đạo độc tôn của ông ta, theo ông Hồ Bình, một nhà bình luận chính trị và Tổng biên tập danh dự của tạp chí chính trị tiếng Hoa nổi tiếng Mùa xuân Bắc Kinh (Beijing Spring) có trụ sở tại Hoa Kỳ, nói với VOA hôm 04/03.
Ông Vương Quân Đào, Chủ tịch Đảng Dân Chủ Trung Quốc có trụ sở tại Hoa Kỳ, nói với VOA rằng việc giáo dục về lịch sử Trung Cộng theo phong cách chiến dịch này là “tẩy não” về mặt tư tưởng.
“Sau giai đoạn tranh giành quyền lực trước đó, giờ đây ông Tập đã bắt đầu thống nhất tư tưởng của họ. Nó giống như những gì Mao Trạch Đông đã làm để thiết lập chế độ độc tài của mình. Đầu tiên, Mao phát động một loạt các cuộc tranh giành quyền lực ở Diên An, và sau đó bắt đầu phong trào Chỉnh đốn Diên An để tẩy não họ bằng tư tưởng của ông ta,” ông Vương nói.
Ông Vương nói rằng chế độ của ông Tập có thể đã tổ chức lễ tưởng niệm đình đám dành cho ông Hoa vì ông Tập mong muốn diễn giải lại một số sự kiện trong lịch sử ĐCSTQ để phục vụ cho lợi ích riêng của ông ta. Theo ông Vương, các phong trào chỉnh đốn và giáo dục tư tưởng có thể thực sự liên quan đến một cuộc thanh trừng quy mô lớn mà ông Tập đang lên kế hoạch.
Do Alex Wu thực hiện
Với sự đóng góp của Zhang Dun
Hạo Văn biên dịch
Xem thêm: