Chuyên gia: Bất kỳ nước nào cũng không thể tự sản xuất vi mạch bán dẫn
Đối mặt với lệnh cấm của Hoa Kỳ, Trung Cộng đã đầu tư một nguồn vốn khổng lồ nhằm tự sản xuất vi mạch bán dẫn, phá vỡ thế độc quyền sản xuất vi mạch bán dẫn của nước ngoài. Tuy nhiên, vài ngày trước có chuyên gia đánh giá rằng trên thế giới không có một nước nào có thể tự sản xuất vi mạch bán dẫn.
Trước các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với ZTE và Huawei, các nhà lãnh đạo của Trung Cộng ý thức được rằng nếu như họ không thể tự mình sản xuất vi mạch bán dẫn, thì các hoạt động sản xuất công nghiệp của Trung Quốc sẽ trở nên vô hiệu. Khi đó, Trung Quốc chỉ có thể là nơi lắp ráp, và là xưởng gia công mà thôi.
Lãnh đạo của Trung Cộng đã đầu tư một khoản vốn khổng lồ, thành lập mấy ngàn công ty sản xuất vi mạch bán dẫn, với hy vọng tự sản xuất ra vi mạch bán dẫn, đồng thời tuyên bố đến năm 2030 sẽ đưa Trung Quốc trở thành nước dẫn đầu thế giới trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Tuy nhiên, công nghệ chế tạo vi mạch bán dẫn có liên quan đến hơn 50 ngành khoa học và công nghệ khác, hàng ngàn quy trình, mà hiện nay chưa có một quốc gia nào hoàn thành việc sản xuất vi mạch bán dẫn một cách độc lập.
Mới đây, Đài tiếng nói Hoa Kỳ trích dẫn quan điểm của Jan-Peter Kleinhans, nhà nghiên cứu cao cấp – giám đốc dự án Khoa học và Địa chính trị thuộc Viện chiến lược Trách Nhiệm Mới của Berlin (Viện nghiên cứu Stiftung Neue Verantwortung) rằng, không có một quốc gia nào có thể độc lập sản xuất vi mạch bán dẫn. Ông nói, thành công của ngành sản xuất vi mạch bán dẫn là kết tinh của những kỹ thuật tiên tiến nhất của các quốc gia. Cho dù là Hoa Kỳ, một quốc gia có vị trí then chốt trong công nghệ sản xuất vi mạch bán dẫn cũng không thể sản xuất vi mạch bán dẫn một cách độc lập.
Công ty ASML của Hà Lan (nhà cung cấp hàng đầu thế giới về thiết bị quang khắc cho ngành công nghiệp bán dẫn) cũng đưa ra quan điểm tương tự: “Họ đã tốn mất 20 năm mới phát triển thiết bị quang khắc (photolithography), chính họ cũng phải dựa vào mạng lưới cung ứng của khoảng 5 ngàn công ty, trong đó có nhiều công ty có vị trí độc quyền trong lĩnh vực của họ.” Cho nên, chỉ cần thiếu bất kỳ công ty nào trong chuỗi cung ứng đó, thì toàn bộ giá trị trong chuỗi bán dẫn toàn cầu sẽ bị cắt đứt.
Theo Công ty ASML, trong dây chuyền sản xuất công nghệ bán dẫn không thể thiếu thiết bị quang khắc. Hiện nay, ASML của Hà Lan là công ty duy nhất trên thế giới có khả năng sản xuất thiết bị quang khắc tia cực tím. Trong 17 công ty cung ứng chính cho ASML, thì có hơn một nửa các công ty là của Hoa Kỳ, các công ty còn lại là của Đức và Thụy Điển … Trong thiết bị quang khắc thì thấu kính của nó là độc quyền của hãng Zeiss – Đức, kỹ thuật laser thuộc sở hữu của hãng Cymer – Hoa Kỳ, các loại van chủ chốt thì do công ty của Pháp cung cấp.
Nhà nghiên cứu cao cấp John Lee của Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện nghiên cứu Mercator (Mercator Institute for China Studies) có trụ sở tại Đức nói rằng, công nghệ sản xuất vi mạch bán dẫn được xây dựng dựa trên quá trình tích lũy tri thức qua mấy chục năm của các nước phương Tây. Trong thời gian ngắn, các công ty Trung Quốc không thể rời khỏi hệ thống dây chuyền công nghiệp hiện có này để độc lập sản xuất vi mạch bán dẫn. “Mặc dù có một số công ty Trung Quốc đã có năng lực sản xuất một số vật liệu bán dẫn, nhưng vấn đề là, quý vị sẽ nhận thấy được rằng, thiết bị hàng đầu trong dây chuyền sản xuất nhất định phải sử dụng công nghệ mà các công ty Hoa Kỳ thực sự độc quyền.”
Ông Martijn Rasser, nhà nghiên cứu cao cấp của dự án Khoa học Kỹ thuật và An ninh Quốc gia của Trung tâm An ninh Hoa Kỳ Mới (CNAS) cho biết: “Có mạng lưới đồng minh và đối tác toàn cầu là một ưu thế to lớn của các quốc gia tự do dân chủ, đây là điều mà Trung Cộng hoàn toàn không có được.”
Liu Yi
Tiểu Minh biên dịch
Xem thêm: