Chuyên gia: Bắc Kinh vũ khí hóa việc chăm sóc sức khỏe và các ứng dụng di động để nhắm mục tiêu vào các cá nhân
Theo một chuyên gia về Trung Quốc và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chế độ cộng sản ở Trung Quốc sử dụng việc chăm sóc y tế và các ứng dụng di động để làm vũ khí chống lại những người bất đồng chính kiến.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên chương trình “Các Nhà Lãnh Đạo Tư Tưởng Hoa Kỳ” (American Thought Leaders) của The Epoch Times, bà Cleo Paskal, một cộng sự tại Chatham House (Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh) nói rằng, có thể sử dụng những bài học giáo huấn từ các nước láng giềng của Trung Quốc-đặc biệt là Ấn Độ và quần đảo Solomon-để liễu giải các mối đe dọa do Trung Cộng gây ra.
Bà cho biết, “Điều cấp thiết là phải hiểu được tâm lý luôn xâm phạm, phá hoại và cưỡng ép của Trung Cộng ra sao—đối với quyền của một cá nhân được nghĩ bất cứ điều gì họ muốn hoặc tin vào bất cứ điều gì họ muốn, để nhận thức được những gì chúng ta đang đối phó.”
“Trong một thế giới do Trung Quốc dẫn dắt hoặc một thế giới chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, chăm sóc sức khỏe được sử dụng như một vũ khí để trừng phạt những người bất đồng chính kiến.”
Bà Paskal nêu ra tấm gương của ông Daniel Suidani, là thủ hiến của tỉnh Malaita ở quần đảo Solomon đồng thời là một nhà phê bình Trung Quốc nổi tiếng. Kể từ khi quốc gia Nam Thái Bình Dương này chấm dứt quan hệ ngoại giao 36 năm với Đài Loan để ủng hộ Trung Quốc vào tháng 09/2019, ông Suidani đã tiếp tục lên tiếng ủng hộ cho hòn đảo tự trị này và từ chối khoản đầu tư của Trung Quốc vào tỉnh Malaita.
Việc ông Suidani tiếp tục ủng hộ Đài Loan-một quốc gia độc lập trên thực tế mà Trung Quốc tuyên bố là một phần lãnh thổ của mình-đã khiến ông mâu thuẫn với Thủ tướng Manasseh Sogavare của Quần đảo Solomon, người có mối liên hệ thân thiết với chế độ ở Bắc Kinh.
Khoảng sáu tháng trước, ông Suidani được chẩn đoán mắc bệnh não và cần phải chụp CT, nhưng quần đảo Solomon không có thiết bị y tế thích hợp để tiến hành chiếu chụp. Do đó, vị thủ hiến này đã bắt đầu tìm kiếm biện pháp điều trị y tế nước ngoài, nhưng không đủ khả năng chi trả.
Ông Suidani đã đến chính phủ của ông Sogavare để xin hỗ trợ tài chính cho việc điều trị y tế của mình, nhưng ông đã từ chối khoản tiền này sau khi biết rằng có những điều ràng buộc liên quan đến số tiền này- [ví như] ông phải bắt tay với ông Sogavare ở nơi công cộng. Đầu tháng này, cố vấn cao cấp của ông Suidani là ông Celsus Talifilu đã nói với hãng thông tấn Al Jazeera rằng vị thủ hiến đã từ chối lời đề nghị đó vì “nó giống như bắt tay với Trung Quốc.”
Đài Loan đã đề nghị hỗ trợ điều trị y tế cho ông Suidani và hôm 26/05 vị thủ hiến này đã đến Đài Loan. Chuyến đi của ông tới Đài Loan đã khiến chính phủ của ông Sogavare và Bắc Kinh tức giận-đồng thời Thủ tướng Sogavare tuyên bố rằng đây là một chuyến đi “trái phép” làm phá hoại chính sách “một Trung Quốc” của quốc gia Nam Thái Bình Dương này.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 30/05, Đại sứ quán Trung Quốc ở quần đảo Solomon cho biết họ cùng “bày tỏ sự lo ngại” với chính phủ của ông Sogavare về chuyến đi của ông Suidani và lưu ý rằng họ “phản đối bất kỳ liên lạc chính thức nào” giữa Đài Loan và các quốc gia khác.
Bà Paskal cho biết, “Đây là tình huống mà lập trường cá nhân của [ông Suidani] đối với Trung Quốc dẫn đến việc ông ấy sẽ bị từ chối điều trị y tế. Về bản chất, đây là một loại hệ thống tín dụng xã hội ngoài lãnh thổ kiểm soát việc chăm sóc sức khỏe của một cá nhân.”
“Nếu quý vị trong tâm không chấp nhận Trung Quốc, quý vị sẽ bị bỏ mặc cho đến chết. Về cơ bản, đó là những gì đang xảy ra với Thủ hiến Suidani.”
Chế độ Trung Cộng thi hành một hệ thống tín dụng xã hội, vốn ấn định cho mỗi công dân một điểm số về “mức độ tin cậy xã hội.” Người dân có thể bị trừ điểm tín dụng xã hội của họ khi thực hiện các hành vi mà Trung Cộng không mong muốn, chẳng hạn như băng qua đường không đúng theo quy định. Những người có điểm tín dụng xã hội thấp bị coi là “không đáng tin cậy” và do đó bị tước quyền tiếp cận các dịch vụ và cơ hội. Họ có thể bị cấm đi lại bằng máy bay hoặc không được đi học v.v. Các nhà phê bình đã chỉ trích hệ thống này là vi phạm nhân quyền.
Các ứng dụng
Theo bà Paskal, Bắc Kinh cũng có thể vũ khí hóa các ứng dụng di động của Trung Quốc nhằm gây chia rẽ bên trong các quốc gia khác. Bà khen ngợi việc chính phủ Ấn Độ đã cấm các ứng dụng di động của Trung Quốc, đặc biệt là ứng dụng chia sẻ video nổi tiếng TikTok và ứng dụng nhắn tin WeChat.
Ấn Độ đã cấm hơn 200 ứng dụng của Trung Quốc, với lý do việc thu thập dữ liệu người dùng của các ứng dụng này là rủi ro cho an ninh quốc gia. Luật tình báo quốc gia của Trung Quốc yêu cầu tất cả các tổ chức và công dân phải “hỗ trợ, giúp đỡ và hợp tác với các nỗ lực tình báo quốc gia.”
Bà Paskal cho biết, Bắc Kinh có thể sử dụng dữ liệu được thu thập bởi các ứng dụng khác nhau của Trung Quốc để ép buộc và tống tiền.
Ngoài ra, bà Paskal giải thích rằng vì các ứng dụng của Trung Quốc cũng kiểm duyệt thông tin, nên Bắc Kinh có thể cố gắng “thao túng những người dùng ứng dụng khiến họ tin vào những điều nhất định hoặc đi theo một số định hướng chính trị nhất định.”
Bà cho hay, “Nếu họ có thể tạo ra sự chia rẽ xã hội hoặc làm trầm trọng thêm sự chia rẽ xã hội ở một quốc gia khác, và làm tê liệt xã hội của nước đó, gây tổn hại về mặt xã hội của nước đó, thì Trung Quốc sẽ chiến thắng. Điều đó không có nghĩa là các quốc gia không có các vấn đề xã hội. Nó chỉ có nghĩa là sự quan tâm đặc biệt từ Bắc Kinh khiến cho những tình huống đó trở nên tồi tệ hơn. Và họ có thể làm điều đó thông qua các ứng dụng như TikTok.”
Đã có những báo cáo của giới truyền thông về việc TikTok đã kiểm duyệt một số chủ đề cụ thể ra sao, bao gồm cả vụ Thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn và cách Trung Cộng đối xử với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc Hồi giáo khác.
Hôm 09/06, chính phủ ông Biden đã thu hồi sắc lệnh cấm TikTok và WeChat của cựu Tổng thống Donald Trump, đồng thời yêu cầu Bộ Thương mại tiến hành xem xét riêng đối với hai ứng dụng này.
Bà Paskal đã cảnh báo rằng, cuối cùng, Trung Cộng muốn tác động đến tâm trí của mọi cá nhân.
Bà nói, “Vì vậy, hãy hết sức cảnh giác. Quý vị đã bị nhắm mục tiêu. Mục tiêu hiện giờ của Trung Cộng là chiến tranh chính trị-vốn là tuyến đầu trong nỗ lực của họ nhằm đạt được vị trí số một về sức mạnh quốc gia toàn diện, [chính] là tâm trí của quý vị.”
Do Frank Fang và Jan Jekielek thực hiện
Từ Huệ biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: