Chuyên gia: Ấn Độ có vai trò lớn trong chính sách của ông Biden về Trung Quốc
Khi thế giới bước ra khỏi một năm đại dịch và kết thúc cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, cũng là lúc chúng ta cần đặt ra câu hỏi về những gì ông Joe Biden đang suy nghĩ về Trung Quốc.
Trung Quốc sẽ không ngừng các hoạt động bành trướng của mình ngay cả khi thế giới chờ nghe chính sách của ông Biden về quốc gia này trong trường hợp ứng cử viên Đảng Dân Chủ trở thành tổng thống, và khoảng trống thông tin này có thể rất quan trọng đối với các vấn đề toàn cầu, một nhà phân tích địa chiến lược tại New Delhi cho biết.
Giáo sư Harsh V. Pant, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược tại Observer Research Foundation, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại New Delhi và là Giáo sư Quan hệ Quốc tế của Khoa Nghiên cứu Quốc phòng và Viện Ấn Độ thuộc Đại học Hoàng gia London nói với The Epoch Times qua điện thoại rằng sự im lặng của ông Biden đối với Trung Quốc đã tạo ra một “tình huống nguy cấp” và đáng lo ngại đối với các quốc gia đang phải đối mặt với mối đe dọa trực tiếp từ Trung Cộng như Ấn Độ.
“Có vẻ như các cuộc hẹn mà ông Biden thực hiện không được xác định theo một định hướng cụ thể nào, mà chúng được xác định nhiều hơn bởi các ưu tiên trong nước của ông ấy,” ông Pant cho biết. “Tôi nghĩ, vì vậy, thách thức đối với phần còn lại của thế giới là việc các quốc gia dõi theo Hoa Kỳ. Họ không nhận được bất kỳ định hướng nào từ ông ấy hoặc nhóm chuyển giao [quyền lực] của ông ấy về cái đích mà ông ấy muốn hướng đến. Và do đó, nó trở thành một phần rất, rất quan trọng.”
Ông Pant cho biết chính sách về Trung Quốc của chính phủ TT Trump rất “cứng rắn” và vào tháng 11/2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã công bố một “bài báo về Trung Quốc” nêu rõ những thách thức mà Hoa Kỳ phải đối mặt, nhưng sự bất ổn chính trị hiện tại sau cuộc bầu cử đã tạo ra một khoảng trống.
“Làm thế nào để phần còn lại của thế giới chú tâm vào vấn đề này vào thời điểm đang có sự chuyển giao [quyền lực] diễn ra ở Hoa Kỳ?” ông nói thêm rằng sự im lặng của ông Biden trước Trung Quốc cho thấy [mọi chuyện] “đang được định hình theo thái độ của Trung Quốc.”
“Nếu họ nghĩ rằng họ có thời gian sáu tháng, bảy tháng, tám tháng để quyết định những gì họ muốn làm với Trung Quốc, tôi e rằng vào lúc họ đặt ra câu hỏi này, các quân cờ trên bàn cờ đã sớm bị chồng chất lên nhau để chống lại họ,” ông Pant nói.
The Epoch Times đã liên hệ với nhóm chuyển giao của ông Biden nhưng không nhận được bất kỳ bình luận nào phản hồi về những lo ngại mà ông Pant nêu ra.
Ông Biden cần làm rõ
Ông Pant cho biết ông Biden nên trình bày rõ Chính sách Trung Quốc của mình “càng sớm càng tốt” bởi vì nếu Hoa Kỳ không “chủ động” ngay bây giờ, thì nước này sẽ phải “phản ứng” sau đó. Ông nói bản thân việc không xác định rõ một chính sách nào cũng chính là một chính sách đã được xác định.
“Nếu không, họ [chính quyền Hoa Kỳ] sẽ phải phản ứng lại những gì Trung Quốc đã làm với thực tế rộng lớn hơn, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương,” ông nói.
Ông Pant, viện sĩ không thường trực tại Phòng Nghiên cứu Chính sách Hoa Kỳ-Ấn Độ của Wadhwani tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn cho rằng nếu ông Biden không trình bày rõ chính sách Trung Quốc của mình kịp thời, thì hậu quả là ông ấy sẽ phải chấp nhận rất nhiều vấn đề mà người Trung Quốc đã tạo ra cho thế giới.
“Vì vậy, tôi nghĩ một mô hình mà TT Trump đã gạt đi hoặc loại bỏ đi một cách rất đúng đắn có thể sẽ quay trở lại trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ,” ông Pant nói.
Ông nói rằng mô hình mà TT Trump đã loại bỏ này thực sự là một thất bại trong chính sách đối ngoại vì nó dẫn đến tình huống Trung Quốc bắt đầu ra lệnh trong chương trình nghị sự.
“Tôi nghĩ điều đó rất đúng, có lẽ đúng vậy,” ông Pant nói khi được hỏi liệu sự không chắc chắn về chính sách đối với Trung Quốc của ông Biden có phải là cố ý hay không.
“Và đặc biệt là loại cuộc hẹn mà ông ấy đã thực hiện, cho quý vị cảm giác như thể có lẽ [chúng] là về những ưu tiên của ông ấy. Ví dụ, chúng ta đã có John Kerry, người được cho là đã nói rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn hơn nhiều so với Trung Quốc.”
Ông Biden đã chọn ông Kerry, người đã thay mặt chính quyền Hoa Kỳ ký Hiệp định khí hậu Paris năm 2016, làm đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu. Với tư cách là Ngoại trưởng Hoa Kỳ trong thời chính quyền ông Obama, ông Kerry đã đến thăm nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào năm 2014 để thảo luận về hợp tác giữa hai nước về biến đổi khí hậu.
Ông Lý Thạc (Li Shuo), cố vấn cao cấp về chính sách năng lượng và khí hậu tại Tổ chức Hòa bình xanh Trung Quốc, đã phát biểu tại sự kiện Đối thoại Trung Quốc được tổ chức vào cuối tháng 11/2020 về “ngoại giao sáng tạo” giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và nhắc về cuộc gặp giữa ông Kerry và ông Tập.
Ông Pant cho biết người Trung Quốc có một cơ hội vàng với ông Biden. “Họ đã thấy rằng TT Trump rất, rất mạnh mẽ và có rất ít khả năng đàm phán với TT Trump trong các điều kiện hiện tại. Vì vậy, họ có một cơ hội để có khoảng thời gian, họ có một cơ hội vàng với ông Biden.”
Ông nói rằng chế độ cộng sản Trung Quốc đang “gây ra đủ loại tiếng ồn” và có khả năng biến đổi khí hậu “có thể sẽ trở thành chất keo kết dính đưa họ [Biden và nhóm của ông] đến với Trung Quốc và nói rằng chúng ta hãy bắt đầu [đàm phán] và đạt được một thỏa thuận thích hợp.”
Ông nói rằng điều này sẽ cho phép Hoa Kỳ để cho Trung Quốc thiết lập chương trình nghị sự ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, điều này sẽ rất nguy hiểm vì Trung Quốc hiện đang xác định cấu trúc của Biển Đông.
“Nên đó sẽ là một trò hề. Nhưng tôi nghĩ đó là một nguy cơ thực sự, bởi vì nhìn từ phía Bắc Kinh, họ sẽ coi đó như một cơ hội và họ sẽ thúc đẩy tình thế và bảo đảm rằng chính quyền ông Biden sẽ nhận được thông điệp,” ông Pant nói.
Vai trò lãnh đạo của Ấn Độ trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương
Ông Pant nói rằng vì ông Biden chưa hoạch định rõ chính sách Trung Quốc của mình, nên Trung Quốc có thể nghĩ rằng họ có thể kiểm soát ông Biden hiệu quả hơn nhiều so với TT Trump.
“Và đó chắc chắn không phải là tin tốt cho khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và chắc chắn không phải là tin tốt cho các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ trong khu vực,” ông Pant nói thêm rằng loại “tín hiệu hỗn hợp” mà ông Biden đang phát ra cho thấy rằng ông ấy không tự tin vào khả năng của chính mình.
Ông nói nếu ông Biden không hoạch định rõ chính sách Trung Quốc của mình, các thách thức sẽ trở nên rất lớn và gần như trở thành “chuyện đã rồi” bởi Trung Quốc.
“[Điều xảy ra] ngày nay rất giống với những gì đã xảy ra khi ông Obama không thách thức Trung Quốc trên Biển Đông. Ngày nay, về cơ bản là [việc] Trung Quốc [kiểm soát mọi thứ] đang trở thành chuyện đã rồi. Trên Biển Đông, cấu trúc đã thay đổi, uy tín của Hoa Kỳ đã thay đổi và không ai có thể làm gì để xoay chuyển điều đó,” ông Pant nói.
Ông cho biết Ấn Độ, một trong những đồng minh của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương đã đứng lên chống lại Trung Quốc bất chấp những hạn chế của nước này và đang mở rộng mạng lưới khu vực và quan hệ đối tác với các quốc gia mà họ coi là quan trọng.
“Toàn bộ khái niệm về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, như Ấn Độ đã dự kiến và khiến cho các nước như Đức, Pháp, Liên minh châu Âu có thể chấp nhận được khái niệm đó ngày nay, là một dấu hiệu tuyệt vời cho thấy vai trò lãnh đạo của Ấn Độ ngày càng trở nên quan trọng hơn [đối với khu vực] và đối với Hoa Kỳ, quốc gia hiện đang phải đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy và đang cần đến các quan hệ đồng minh,” ông Pant nói.
Kể từ tháng 05/2020, Ấn Độ và Trung Quốc đã đối mặt với tình trạng căng thẳng biên giới ở khu vực phía đông Ladakh, và quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã hạ xuống mức thấp nhất kể từ sau cuộc xung đột đẫm máu tại thung lũng sông Galvan ở Ladakh. Kể từ đó, nhiều vòng đàm phán giữa hai quốc gia đã không mang lại kết quả nào, mặc dù các hoạt động khai triển quân sự vẫn tiếp tục diễn ra trong mùa đông khắc nghiệt.
Venus Upadhayaya
Hạo Văn biên dịch