Chuyến đi bộ 5,800 dặm của một cựu chiến binh để chữa lành những tổn thương
Những vết thương chiến tranh tồn tại theo nhiều cách khác nhau, và khi các cựu chiến binh trở về nhà, không dễ dàng để nhận ra chúng từ cái nhìn đầu tiên. Định kiến về sức khỏe tâm thần và rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) khiến việc xoa dịu những tổn thương mà những người đàn ông và phụ nữ của chúng ta đã trải qua càng trở nên khó khăn hơn. Đôi khi cần có những hành động táo bạo và những cuộc trò chuyện thẳng thắn để chữa lành cho họ.
Cựu chiến binh Thủy quân lục chiến Jon Hancock đã được điều động đến Ramadi, Iraq trong Tiểu đoàn 2 của Thủy quân lục chiến 4 vào năm 2004. Trung đội có tên là Magnificent Bastards, đã chiến đấu anh dũng và trải qua nhiều thương vong. Một trong bốn người lính đã bị thương hoặc thiệt mạng trong cuộc giao tranh. Bất chấp những tổn thất nặng nề và chấn thương ngoài sức tưởng tượng, Hancock phải trở lại Iraq cho 6 lần khai triển quân đội khác. Sự tàn khốc của chiến tranh, sự mất mát những người anh em đồng đội, và sự tự vấn lương tâm của chính mình, tất cả đều khiến anh phải trả giá khi trở về.
Hancock hiện tại đã 38 tuổi, anh rời nhiệm vụ vào ngày 21/09/2009 và ngay lập tức tham gia học đại học tại Đại học Maryland. Quá trình chuyển đổi trở thành một sinh viên và sống cuộc sống của một công dân bình thường với anh không mấy suôn sẻ.
“Có lẽ, đó là lúc tôi bắt đầu cảm thấy bị chế nhạo và muốn ẩn danh,” Hancock nói, “bởi vì tôi đã làm việc trong tất cả các đội đó, trong các nhóm đó, trong sự nghiệp thực sự tuyệt vời mà tôi có cho đến thời điểm này, và rồi đột nhiên bây giờ tôi đang ngồi nghe một đứa trẻ cố gắng nói cho tôi biết chiến tranh Iraq và Afghanistan là như thế nào.”
Cuộc hành trình
Hancock cảm thấy cô đơn và các triệu chứng PTSD bắt đầu xuất hiện. Anh ghét bản thân mình và những người khác; bất cứ ai không nằm trong cộng đồng quân đội đều phải trải nghiệm cơn thịnh nộ của anh. Anh uống rượu để cố gắng vượt qua; điều đó khiến anh lái xe trong tình trạng say xỉn lần thứ nhất, và rồi lần thứ hai. Anh có một đứa con trai với bạn gái mình nhưng anh vật lộn để trở thành một người cha và một người chồng. Tình trạng xuống dốc của anh lên đến đỉnh điểm khi anh có ý định tự tử vào tháng 11/2014. Sau đó, anh đăng ký gia nhập Hội Cựu chiến binh và tìm cách điều trị. Nhưng anh nhận ra rằng tổ chức không đủ năng lực và không sẵn sàng giúp đỡ anh.
Đó là khi anh biết mình phải tự cứu mình. Anh quyết định bắt đầu một cuộc hành trình xuyên quốc gia để thăm những người đồng đội Thủy quân lục chiến và gia đình Gold Star (Sao Vàng) của những người anh em đồng đội đã ngã xuống. Anh muốn chia sẻ trải nghiệm của mình với họ, lắng nghe và cố gắng thấu hiểu sự giằng xé trong tâm họ.
Khi bắt đầu cuộc hành trình của mình, anh không chắc mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào. Vào ngày 11/09/2016, sau hai tuần đi bộ, anh gần như muốn quay trở lại.
“Tôi nghĩ rằng vẫn còn một phần nhỏ con người trong tôi cho rằng tôi sẽ chết trong cuộc hành trình này,” Hancock chia sẻ. “Tôi nghĩ tôi sắp chìm vào trong bóng tối, vào phía sau và mờ nhạt dần.”
Hancock gọi cho mẹ mình và bà đề nghị đến đón anh. Nhưng anh đã rời bỏ mọi thứ anh từng nỗ lực sau khi trở về từ quân ngũ. Anh đã rời trường học và nơi làm việc; anh nhận ra rằng tại thời điểm đó anh cần tiếp tục theo đuổi chuyến đi của mình.
Cố gắng thấu hiểu
Trong suốt chuyến đi gần 6,000 dặm của Hancock, anh nhận được cả phản ứng tích cực và tiêu cực từ những người anh gặp dọc đường. Mỗi thành viên quân đội và cựu chiến binh anh tìm đến đều rất ủng hộ và chúc mừng anh.
Thái độ của họ đã củng cố ý chí của anh để tiếp tục. Những người khác tỏ ra xấu tính, và một số thậm chí còn ném rác và các mảnh vụn khác vào người anh khi anh đi bên lề đường. Trong một lần, một người phụ nữ nhìn thấy lá cờ của Thủy quân lục chiến sau lưng anh bèn hét vào mặt anh, gọi anh là kẻ sát hại trẻ em. Nhưng kiểu hành vi khiếm nhã này chỉ làm anh có thêm động lực. Trong những tình huống như vậy, anh học cách bỏ lại những lời sỉ nhục sau lưng.
“Không có ý nghĩa gì khi tranh luận với những người ngốc nghếch, vì vậy tôi đã không làm gì hết. Tôi chỉ quyết định rằng tôi sẽ đồng tình với bất kỳ ai tiêu cực,” Hancock nói.
Trong khi thực hiện chuyến hành trình của mình, nhà quay phim Brian Morrison đã chú ý đến những mẩu chuyện của Hancock trên các hãng tin tức địa phương. Cả hai đã học cùng trường trung học nhưng chưa bao giờ thực sự gặp nhau. Cuối cùng, họ có thể kết nối thông qua những người bạn chung.
Morrison luôn muốn sản xuất một bộ phim sâu sắc và dài hơi. Anh được truyền cảm hứng từ hoài bão của Hancock.
“Đã có rất nhiều câu chuyện về các cựu chiến binh trở về nhà như thế này, tôi cảm giác như chúng bị xem nhẹ và tôi muốn chú tâm hơn đến những gì anh ấy đã trải qua. Tôi muốn nghe anh ấy chia sẻ điều đó,” Morrison nói.
Morrison rất tò mò và mong mỏi thấu hiểu sâu sắc những gì mà các cựu chiến binh đã phải chịu đựng khi họ trở về nhà. Điều này trở thành động lực thôi thúc anh ngồi lại với Hancock và trò chuyện về việc sản xuất một bộ phim tài liệu, nói về chuyến hành trình của Hancock. Hancock đồng ý, và sự tin tưởng của anh dành cho Morrison đã tạo thuận tiện cho những người anh em Thủy quân lục chiến và gia đình của họ tin tưởng vị đạo diễn và cho phép anh ghi lại câu chuyện của họ. Anh đã tìm hiểu về sự kiên cường và sức mạnh của các cựu chiến binh cũng như bản chất phi thường của niềm tin và sự trung thành trong cộng đồng của những người lính.
Một khởi đầu mới
Cuối cùng, khi Hancock đến được Trại Pendleton, các thành viên của Tiểu đoàn 2 Thủy quân lục chiến 4 cứ cách 50 feet lại đứng một chỗ để chào đón anh. Anh vẫn gặp khó khăn để nói rõ cảm xúc của mình ngày hôm đó, nhưng anh luôn ghi nhớ cảm giác mãn nguyện, thành công và sự hỗ trợ.
Hancock đã lạc lối trước khi bắt đầu hành trình dài 5,800 dặm, nhưng đến cuối cuộc hành trình, anh đã khám phá ra một vài điều quan trọng về bản thân. Anh học lại cách chịu trách nhiệm với chính mình và anh đã đổ lỗi cho chứng PTSD, những nhân tố bên ngoài và những cuộc xung đột với người khác. Anh cũng nhận ra rằng mặc dù một số đồng đội Thủy quân lục chiến của anh dường như đang sống tốt, nhưng phải đến khi nói chuyện với họ, anh mới biết họ cũng đang gặp khó khăn. Nhìn chung, anh hiểu phải tha thứ cho bản thân nếu anh muốn chữa lành.
“Bạn phải tha thứ cho bản thân về những điều bạn đã làm trong quá khứ, nếu không chúng sẽ ám ảnh bạn, và để chứng kiến nhiều anh em của tôi thực sự làm được điều đó, đó là điều mà tôi thiếu sót,” Hancock nói.
Dựa trên tên gọi thân mật của đơn vị Hancock, bộ phim “Bastards’ Road” (BastardsRoad.com) ghi lại cuộc phiêu lưu xuyên quốc gia của Hancock bằng một loạt các cảnh quay trên đường, các cuộc phỏng vấn và các cuộc trò chuyện chân tình. Morrison hy vọng bộ phim mang đến cho khán giả một cái nhìn sâu sắc về cuộc sống của các cựu chiến binh, đồng thời bộ phim tài liệu sẽ xóa bỏ một số định kiến và quan niệm hiện có. Anh muốn bộ phim sẽ thúc đẩy một cuộc trò chuyện để nuôi dưỡng sự thấu hiểu và tăng khả năng xoa dịu những tổn thương.
Từ câu chuyện của mình, Hancock hy vọng các cựu chiến binh biết rằng họ không hề đơn độc; và chia sẻ về những tổn thương không khiến họ yếu đuối. Đó là cách duy nhất để tha thứ cho bản thân và chữa lành những vết thương sau chiến tranh cũng như những giằng xé tâm can sau đó. Đối với những người dân thường, anh hy vọng bộ phim tài liệu mang đến cho họ cái nhìn rõ nét về cuộc sống của một cựu chiến binh, và họ sẽ không còn muốn hỏi một số câu hỏi không cần thiết. Anh cũng hy vọng họ hiểu được những gì mà các thành viên phục vụ trong quân đội và cựu chiến binh đã phải hy sinh vì họ.
Đối với cậu con trai 10 tuổi, anh hy vọng con sẽ loại bỏ suy nghĩ rằng trong thời gian đầu anh không phải là một người đàn ông hay một người cha tuyệt vời, nhưng bây giờ anh đã cố gắng làm điều đó cho con mình.
“Tôi muốn cho con thấy sức mạnh của giao tiếp, sức mạnh của việc trò chuyện với nhau và sức mạnh của một người đàn ông hay phụ nữ trong quân đội là vô song, và đây là một số người vinh dự nhất mà tôi từng có cơ hội làm việc cùng, và họ thật kiên cường. Nếu cậu bé chọn đi theo con đường này, tôi muốn con hiểu rằng nó cũng có thể tâm sự về những điều đã trải qua,” Hancock chia sẻ.
Do Andrew Thomas thực hiện
Thiên An biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: