Chương trình xóa nợ sinh viên đang gặp trắc trở của TT Biden ngày càng bị chỉ trích
Chương trình xóa nợ cho sinh viên của Tổng thống (TT) Joe Biden được áp dụng cho các khoản vay hàng tỷ USD, nhưng liệu việc đổ những khoản nợ này lên vai người khác có công bằng hay không và liệu Tối cao Pháp viện có cho phép họ làm vậy hay không vẫn chưa rõ ràng.
Hôm 18/11, chính phủ TT Biden đã yêu cầu Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ khôi phục chương trình này sau khi một tòa án cấp dưới ngăn chặn.
Tòa Phúc thẩm Khu vực 8 của Hoa Kỳ hôm 14/11 đã đứng về phía sáu tiểu bang do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo và tạm thời dừng kế hoạch của ông Biden. Một thẩm phán liên bang ở Texas cũng đã bác bỏ chương trình cho vay sinh viên của Tòa Bạch Ốc vào tuần trước, đứng về phía một vụ kiện do Tổ chức Mạng lưới Người tạo Việc làm đệ trình.
Tùy thuộc vào cách thức những vụ kiện này diễn ra, theo sắc lệnh của ông Biden, những người vay có thể được miễn khoản nợ sinh viên lên tới 20,000 USD.
Một số tiểu bang nói rằng họ sẽ đánh thuế các khoản xóa nợ cho sinh viên như thu nhập chịu thuế.
Ví dụ ở Indiana, ông Andy Nielsen của Viện Nghèo đói Hành động Cộng đồng Indiana cho biết trong một cuộc thảo luận vào tháng Mười do Prosperity Indiana tổ chức, 897,000 người dân Indiana đang gánh khoản nợ vay sinh viên trị giá 30 tỷ USD.
Ông Nielsen tính toán, ở Indiana, những người được xóa nợ sẽ phải trả từ 746 USD đến 1,246 USD thuế thu nhập của tiểu bang và địa phương cho số tiền đó.
Ông Frank Garrison, cư dân Indiana, là một luật sư công ích của Tổ chức Pháp lý Thái Bình Dương. Họ nằm trong số nhiều đơn vị kiện chính phủ ông Biden. Trong một tuyên bố, ông Garrison cho biết ông đã thanh toán khoản vay sinh viên trong 10 năm. Mặc dù ông sẽ nằm trong số những người được xóa nợ, nhưng chương trình này sẽ khiến khoản nợ được xóa trở thành thu nhập chịu thuế ở Indiana và một số tiểu bang khác.
Tổ chức Pháp lý Thái Bình Dương đang kháng cáo sự từ chối chặn chương trình này hôm 21/10 của Tòa Phúc thẩm Hoa Kỳ Khu vực 7.
‘Lạm dụng quyền lực’
“Rõ ràng là sự vi phạm và lạm dụng quyền lực để ân xá cho hàng triệu người mắc nợ trong một năm bầu cử,” ông Garrett Bess, phó chủ tịch của Heritage Action for America, một nhóm vận động theo tư tưởng bảo tồn truyền thống, nói với The Epoch Times. “Rõ ràng là người Mỹ cảm thấy tác động của lạm phát do các chính sách của ông Joe Biden gây ra, không chỉ một chính sách này, và khiến tình trạng bất ổn kinh tế trở nên tồi tệ hơn.”
Giống như hàng triệu người khác, ông Bess đã vượt qua những năm tháng học đại học một cách khó khăn bằng cách làm việc. Ông Bess đã khoan giếng — hệ thống máy bơm và đường ống — để trả khoản vay sinh viên trị giá 27,000 USD của mình.
Ông Bess nói, “Tôi thậm chí chưa bao giờ nghĩ rằng ai đó sẽ xóa sạch bất kỳ khoản nợ nào của tôi. Tôi đã hứa khi nhận những khoản vay đó. Nhiều người Mỹ, thậm chí một số người sẽ được xóa nợ không đồng ý với chính sách này.” Ông nói: “Việc chỉ đơn giản yêu cầu chính phủ xóa nợ là trái ngược với cách làm của người Mỹ.”
Ông Bess hỏi, những kỳ vọng trong tương lai là gì? Còn sinh viên năm nay, năm sau, hay cả những năm sau nữa thì sao?
Ông Bess nói, “Chỉ toàn nhược điểm thôi. Nếu có ân xá nợ trong tương lai, rõ ràng quốc gia ở phạm vi lớn hơn sẽ tổn thất. Người đóng thuế tổn thất, người Mỹ sẽ tổn thất. Điều này đang được thực hiện theo sắc lệnh. Nó thậm chí không được thực hiện bởi quá trình lập pháp. Không giống như những ý tưởng tốt hơn đang được đưa ra.”
Tiết kiệm cùng với ông Mitch
Hiệu trưởng Đại học Purdue và cựu Thống đốc tiểu bang Indiana Mitch Daniels đã chỉ trích kế hoạch của ông Biden, cũng như giá cả tăng chóng mặt của các trường đại học.
Ông Daniels viết trong một bài bình luận trên tờ Wall Street Journal: “Trong danh mục thất bại đáng buồn của mình, chính phủ liên bang đã đặt ra một tiêu chuẩn mới. Thông báo hủy nợ của Tổng thống Biden thể hiện lời thú nhận cuối cùng về sự thất bại đối với một nỗ lực sai lầm về ý tưởng, thất bại trong quá trình thực hiện và được che đậy bằng sự lá mặt lá trái.”
Ông Daniels cho biết Purdue đã không tăng học phí trong 10 năm, trong khi số lượng sinh viên ghi danh và số tiền quyên góp của cựu sinh viên đều tăng lên. Purdue là một trong số ít trường cao đẳng hoặc đại học làm bất cứ điều gì như vậy.
Cô Ann Petros, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề pháp lý của Nghiệp đoàn Tín dụng Liên bang, cho biết trong cuộc thảo luận hồi tháng Mười, chi phí học đại học đã tăng gấp ba lần kể từ năm 1980 và một sinh viên chưa tốt nghiệp trung bình phải gánh khoản nợ vay sinh viên 25,000 USD từ khi bắt đầu nhập học. Cô trích dẫn một cuộc khảo sát của Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ với 1,300 luật sư và 65% cho biết họ bị “căng thẳng tột độ” vì nợ nần.
Sự căng thẳng đó bây giờ có thể rơi vào những người nộp thuế ở Mỹ. Các ước tính từ Khoa Kinh doanh Wharton của Đại học Pennsylvania cho thấy chỉ riêng hành động này có thể tiêu tốn khoảng 1 ngàn tỷ USD.
Xây dựng ý tưởng tốt hơn
Ông Bob Gaves, giám đốc điều hành của Chicago Bar Foundation cho biết trong một thư điện tử gửi tới The Epoch Times: “Đây là điều mà Quốc hội thực sự cần phải hành động để có được các giải pháp bền vững.”
Ông Glaves cho biết sắc lệnh của ông Biden “chỉ là một phần và theo nhiều phương diện, bất quá cũng chỉ là một giải pháp tạm thời, và Quốc hội thực sự cần giải quyết vấn đề này một cách toàn diện hơn.”
Hành động của Quốc hội gần như chắc chắn sẽ vấp phải rất nhiều trở ngại. Trong một lá thư gửi cho Wall Street Journal, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa Florida Rick Scott đã chỉ trích lệnh của ông Biden về việc “chuyển các khoản nợ của sinh viên tốt nghiệp Ivy League cho công nhân xây dựng” là “hoàn toàn không công bằng.” Hồi tháng Tám, ông Scott đã giới thiệu Đạo luật Đại học, điều này sẽ khiến các trường đại học gặp khó khăn nếu sinh viên không trả nợ. Luật này cũng sẽ buộc các trường đại học có nguồn tài trợ lớn phải đáp ứng phù hợp với hỗ trợ sinh viên liên bang và yêu cầu bộ trưởng giáo dục công bố dữ liệu về tỷ lệ tốt nghiệp và vị trí việc làm.
Ông Glaves đã có một số gợi ý nếu Quốc hội thực sự tiến hành việc này, bao gồm:
- Bao gồm các trường dạy nghề, miễn là có các tiêu chuẩn trách nhiệm giải trình chặt chẽ hơn đối với các trường dạy nghề vì lợi nhuận, mà theo ông là nơi bắt nguồn của hầu hết các vụ vỡ nợ của sinh viên trường dạy nghề.
- Sử dụng lãi suất quỹ liên bang phổ biến cho các khoản vay, điều này cũng được sử dụng trong các ngữ cảnh khác như phán quyết pháp lý trong các vụ kiện của tòa án liên bang.
- Một mức lãi suất cố định cho tất cả các khoản vay, điều này sẽ bảo vệ những người vay thanh toán đúng hạn khỏi việc tích lũy thêm tiền lãi làm tăng số dư khoản vay của họ.
Anh Andrew VanSingel hiểu rõ điểm cuối cùng của ông Glaves. Hiện nay, anh là một luật sư của Sở Thuế vụ. Anh nói trong cuộc thảo luận của hội thảo rằng anh đã chồng chất 15,000 USD cho khoản nợ chưa tốt nghiệp đại học của mình. Trường luật để lại cho anh ta khoản nợ 220,000 USD.
Anh nói rằng anh đã thực hiện các khoản thanh toán một cách trung thực trong 10 năm, nhưng cách mà mức lãi suất của anh được tính đã khiến tổng khoản vay của anh tăng vọt lên 335,000 USD. Anh cho biết sắc lệnh của ông Biden và nhiều năm làm việc trong chương trình xóa nợ với Tổ chức Hỗ trợ Pháp lý đã giúp anh cuối cùng trả được nợ.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times