Chương trình phản gián Hoa Kỳ đã kết thúc bất chấp hoạt động gián điệp của ĐCSTQ vẫn đang diễn ra
ĐCSTQ tiếp tục thu thập thông tin tình báo ở Hoa Kỳ
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ, Trung Cộng) gây ra mối đe dọa gián điệp lớn nhất đối với Hoa Kỳ. Vậy mà các đặc vụ Trung Quốc vẫn tiếp tục xin được thị thực Hoa Kỳ, còn chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã chấm dứt chương trình phản gián của Hoa Kỳ hồi tháng trước.
Gần đây, một nhóm các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã kêu gọi Bộ Tư pháp (DOJ) khôi phục lại chương trình Sáng kiến Trung Quốc nhằm chống lại hoạt động gián điệp của ĐCSTQ.
Hôm 16/03, DOJ đã cáo buộc 5 người với tội danh gián điệp và quấy rối cư dân Hoa Kỳ đại diện cho công an chìm của Trung Quốc. Những bị cáo này là một phần của kế hoạch đàn áp xuyên quốc gia nhằm mục đích bịt miệng những người chỉ trích thẳng thắn ĐCSTQ.
Những hành động này bao gồm can thiệp vào các cuộc bầu cử liên bang, âm mưu ngầm phá hoại khả năng tranh cử quốc hội Hoa Kỳ của một cá nhân vốn là cựu quân nhân Hoa Kỳ và cũng là nhà lãnh đạo các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ năm 1989 ở Bắc Kinh, dẫn đến Thảm sát Quảng trường Thiên An Môn.
Cả năm bị cáo đều có quan hệ với ĐCSTQ, trong đó có hai người làm việc trực tiếp cho Bộ An ninh Quốc gia (MSS). Một trong những bị cáo, Vương Thư Quân (Wang Shujun), hoạt động tích cực trong các nhóm ủng hộ dân chủ trong cộng đồng Hoa kiều ở Queens, New York, bị cáo buộc đã truyền dữ liệu về các nhà hoạt động cho MSS. Kết quả là một trong những nạn nhân của ông ta đã bị bắt khi người này đến thăm Hồng Kông. Các nhà chức trách Hoa Kỳ đã buộc tội ông Vương khai báo gian dối trong đơn xin thị thực của mình, vì ông tuyên bố không có liên quan với MSS. Còn những người khác bị buộc tội làm gián điệp cho ĐCSTQ.
Trợ lý Tổng chưởng lý Matthew G. Olsen thuộc Bộ phận An ninh Quốc gia của Bộ Tư pháp tuyên bố rằng việc đàn áp xuyên quốc gia của ĐCSTQ là gây hại cho người dân Mỹ, đe dọa pháp quyền và làm chống lại các giá trị cốt lõi của Hoa Kỳ vì đàn áp quyền tự do ngôn luận.
Hoa Kỳ không phải là quốc gia duy nhất mà ĐCSTQ nhắm tới.
Chính phủ Canada cũng đã cáo buộc chế độ Trung Quốc hoạt động gián điệp. Một báo cáo hồi tháng Một của Cơ quan An ninh Biên giới Canada (CBSA) cho thấy ĐCSTQ đang tham gia vào một “chiến dịch thu thập thông tin tình báo, thuyết phục, gây ảnh hưởng và thao túng có hệ thống.” Báo cáo này được đưa ra ngay sau khi Canada từ chối đơn xin nhập cảnh của một cựu thành viên Văn phòng các Vấn đề Hoa kiều (OCAO).
Theo một tuyên bố chính thức của ĐCSTQ, OCAO là một cơ quan hành chính giúp thủ tướng giải quyết các vấn đề liên quan đến Hoa kiều và “nghiên cứu và xây dựng các chủ trương, chính sách và quy định liên quan đến các vấn đề của Hoa kiều, cũng như giám sát và kiểm tra việc thực hiện các chủ trương đó … để cung cấp thông tin cho Ủy ban Trung ương của CPC [ĐCSTQ] và Quốc vụ viện.”
Trên thực tế, OCAO trực thuộc Phòng Công tác Mặt trận Thống nhất (UFWD) của ĐCSTQ, chuyên tiến hành các hoạt động bí mật, hoạt động gián điệp và thu thập thông tin tình báo trong các cộng đồng người Hoa ở hải ngoại. UFWD cũng đã hoạt động ở Hoa Kỳ.
Kể từ năm 2000, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đã ghi nhận hơn 160 trường hợp gián điệp Trung Quốc được báo cáo công khai ở Hoa Kỳ và hơn 50 vụ buôn lậu bom, đạn hoặc công nghệ bị kiểm soát. Trong số những vụ án này, “có 42% người tham gia là quân nhân hoặc nhân viên chính phủ Trung Quốc, 32% là công dân Trung Quốc, trong khi 26% người tham gia không phải là người Trung Quốc (thường là người Mỹ được các quan chức Trung Quốc tuyển dụng).”
Dữ liệu cho thấy tần suất các vụ gián điệp có liên quan đến ĐCSTQ đã tăng đều đặn trong thập niên qua. Chỉ có 24% các vụ việc này xảy ra trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2009, trong khi 76% các vụ xảy ra từ năm 2010 đến năm 2021. Năm 2020, Giám đốc FBI Christopher Wray nói rằng hơn một nửa số vụ gián điệp mà cục đang điều tra có liên quan đến Trung Quốc.
Đạo luật Đăng ký Đại diện Ngoại quốc (FARA) yêu cầu một “đại diện của một pháp nhân chính ngoại quốc” phải đăng ký với DOJ trong vòng 10 ngày kể từ ngày đồng ý làm đại diện hoặc pháp nhân chính hoặc trong vòng 10 ngày kể từ ngày bắt đầu các hoạt động đó. Pháp nhân chính ngoại quốc có thể bao gồm chính phủ ngoại quốc, đảng chính trị ngoại quốc, “các tổ chức chính phủ ngoại quốc, tổ chức chính trị, doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận, doanh nghiệp nhà nước, và thậm chí cả cá nhân.”
Luật Tình báo Quốc gia của Trung Quốc yêu cầu tất cả công dân và công ty Trung Quốc phải giao nộp dữ liệu cho ĐCSTQ và hỗ trợ thu thập thông tin tình báo, cho dù ở trong nước hay hải ngoại. Theo định nghĩa của FARA, điều này khiến tất cả công dân Trung Quốc ở Hoa Kỳ trở thành những gián điệp tiềm năng. Do đó, những người nộp đơn xin thị thực bị nghi ngờ có quan hệ với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, MSS, UFWD hoặc bất kỳ tổ chức nào khác được ĐCSTQ liên kết hoặc hậu thuẫn thì cần được xem xét chặt chẽ hơn.
Sáng kiến Trung Quốc, một chương trình an ninh quốc gia thời cựu TT Trump được ra mắt hồi tháng 11/2018, tập trung vào hoạt động gián điệp kinh tế và đánh cắp bí mật thương mại bởi ĐCSTQ. Vào thời điểm DOJ thông báo chấm dứt sáng kiến này hồi tháng 02/2022, có hơn một ngàn cuộc điều tra đã được mở ra, kết quả có 77 phán quyết đối với các gián điệp Trung Quốc.
Cựu Tổng chưởng lý William Barr, người đóng vai trò dẫn đầu trong chương trình này, đã cảnh báo các tập đoàn Hoa Kỳ về việc chia sẻ công nghệ của họ với Trung Quốc, nói rằng ĐCSTQ sẽ không e dè điều gì để có thể vượt Hoa Kỳ. Ông nói: “Mục tiêu của Trung Quốc không phải là giao thương với Hoa Kỳ. Nó là nhằm đột kích vào Hoa Kỳ.”
Chương trình này đã bị các nhà lập pháp Đảng Dân Chủ chỉ trích, cảm thấy rằng cái tên, Sáng kiến Trung Quốc, là phân biệt chủng tộc và nó tăng thêm sự thù ghét người Á Châu. Sáng kiến này cũng bị cáo buộc là tạo ra bầu không khí sợ hãi, khiến các nhà nghiên cứu và nhà khoa học Trung Quốc tránh xa các cơ quan nghiên cứu của Hoa Kỳ, và đe dọa sự tiến bộ công nghệ của Hoa Kỳ.
Hôm 23/02, chính quyền TT Biden thông báo rằng họ sẽ chấm dứt Sáng kiến Trung Quốc. Tuy nhiên, hoạt động gián điệp của ĐCSTQ vẫn chưa kết thúc. Do đó, các nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa hôm 24/03 đã kiến nghị chính phủ khôi phục lại chương trình này.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải của Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, người đã viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc” và “Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc.”
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: