Chuỗi cung ứng toàn cầu chuẩn bị có những xáo động mới do chính sách phong tỏa của Trung Quốc
Thế giới đang ngày càng lo lắng khi mà Trung Quốc đấu tranh đến cùng để dập tắt đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất trong hai năm, đóng cửa các nhà máy và đóng cửa một số trung tâm sản xuất bận rộn nhất của họ nhằm cố gắng hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Nhà phát triển chất bán dẫn Intel, Apple, và hai nhà sản xuất xe hơi Toyota và Volkswagen là một trong những công ty mới nhất buộc phải tạm dừng một số hoạt động sản xuất ở Trung Quốc khi mà sản phẩm thì chất đống tại các kho hàng nhưng các công ty này đã tuân thủ chính sách COVID nghiêm ngặt của Trung Quốc.
Đợt bùng phát mới nhất này, được thúc đẩy chủ yếu bởi biến thể Omicron của virus, đã đẩy 51 triệu người vào tình cảnh bị phong tỏa, làm ảnh hưởng đến các trung tâm công nghệ và công nghiệp lớn ví dụ như thành phố phía nam của Thâm Quyến, được coi là Thung lũng Silicon của Trung Quốc, và là nơi đặt hai nhà máy Foxconn lắp ráp IPhone cho Apple và thành phố Trường Xuân, một trung tâm công nghiệp ở phía đông bắc.
Các ca nhiễm được báo cáo đã đạt kỷ lục 5,000 ca hôm 15/03, con số cao nhất trong một ngày được ghi nhận ở Trung Quốc kể từ khi đại dịch bắt đầu cách đây hai năm. Tổng cộng trong hai tuần có tới hơn 15,000 ca nhiễm, nhiều hơn tổng số ca được ghi nhận trong cả năm 2021, mặc dù các chuyên gia cho rằng con số từ quốc gia cộng sản này có thể thấp hơn nhiều so với thực tế, chiểu theo xu hướng trấn áp tin tức tiêu cực của giới chức nước này.
Danh sách mở rộng các tỉnh bị ảnh hưởng bao gồm hầu hết các vùng của Trung Quốc; cơ quan y tế cho biết họ đang chuẩn bị bổ sung thêm.
Ông Lôi Chính Long (Lei Zhenglong), một quan chức cao cấp của Ủy ban Y tế Quốc gia, cho biết trong một cuộc họp báo hôm 15/03: “Tình hình phòng chống dịch của nước ta rất khó khăn và phức tạp, và những thách thức trong việc ngăn chặn dịch bùng phát đang ngày càng lớn.”
Những lo ngại về COVID cũng như về mối quan hệ với Nga của Trung Quốc đã gây ra tình trạng bán tháo hoảng loạn, khiến giá cổ phiếu tại Hồng Kông và Trung Quốc đại lục sụt giảm trong hai ngày liên tiếp.
Ông Carl B. Weinberg thuộc công ty Kinh tế Tần số cao cho biết trong một báo cáo: “Chúng ta có thể nghĩ rằng không có rủi ro nào đối với nền kinh tế toàn cầu lớn hơn nguy cơ bùng phát COVID ở Trung Quốc làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp, ngoại trừ chiến tranh hạt nhân. Chuỗi cung ứng sản xuất không đếm xuể đều đi qua Trung Quốc.”
Hôm 14/03, Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cho biết, chính phủ Tổng thống Biden đang theo dõi “rất sát sao” tình hình phong tỏa ở Thâm Quyến.
Bà nói trong một cuộc họp báo: “Tất nhiên, những gì chúng tôi đang xem xét là … tác động đối với một số cảng xung quanh các khu vực bị ảnh hưởng của Trung Quốc.”
Sự gia tăng các trường hợp COVID không phải là điềm báo tốt cho việc Trung Quốc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng là 5.5%.
Ông Phó Lệnh Huy (Fu Linghui), phát ngôn viên của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỏ ra thận trọng khi nói về tác động của đợt bùng phát COVID trên quy mô toàn quốc này. Ông cho biết vào ngày 15/03, tình hình bùng phát biến động không ngừng này đã tạo ra một số “sự không chắc chắn” và đợt bùng phát này có ảnh hưởng thế nào đến sự phục hồi kinh tế vẫn còn phải theo dõi.
Tập đoàn FAW của Trung Quốc, có trụ sở chính tại Trường Xuân và liên doanh với Toyota, Volkswagen và Audi, đã thông báo tạm ngưng bốn ngày tại các nhà máy của họ trong thành phố. Theo truyền thông Trung Quốc, khoảng thời gian [bốn ngày] đó ảnh hưởng đến việc sản xuất 480,000 chiếc xe.
Đông Hoản, một cơ sở công nghiệp quan trọng ở duyên hải phía nam tỉnh Quảng Đông, đã tạm dừng tất cả các phương tiện giao thông công cộng trong thành phố và chỉ cho phép nhà máy hoạt động ở những khu vực chưa có ca nhiễm nào được ghi nhận — mặc dù không công nhân nào được phép bước ra ngoài khuôn viên công ty của họ trong tuần tới.
Theo báo cáo của Trung Quốc, hầu hết các kho hàng ở Thâm Quyến đã tạm dừng quá trình giải quyết các lô hàng.
Hiện tại, các cảng quốc tế ở Thượng Hải và Thâm Quyến đang hoạt động bình thường, mặc dù dữ liệu thị trường từ Refinitiv cho thấy số lượng tàu chờ tại cảng Đồng bằng Châu thổ Sông Châu Giang và cảng Cửa sông Dương Tử đã tăng gấp đôi.
Tác động của những lần dừng hoạt động này có thể khó cảm nhận được ngay.
Ông Daniel Stanton, giáo sư marketing tại Đại học Bradley, nói với The Epoch Times: “Chúng ta có thể thấy tác động trong một tháng, hoặc hơn, khi những sản phẩm đó được đưa đến các nhà máy và cửa hàng bán lẻ.”
Ông nói, tổn thất của đợt phong tỏa này phụ thuộc vào việc các chính sách này sẽ tiếp tục trong bao lâu.
Ông nói: “Nếu thời gian ngừng hoạt động diễn ra trong thời gian ngắn, các công ty có thể giảm thiểu các vấn đề với hàng tồn kho an toàn của họ hoặc bằng cách sử dụng các phương thức vận chuyển nhanh hơn. Tuy nhiên, thời gian ngừng hoạt động càng kéo dài thì càng khó giảm thiểu tác động lên chuỗi cung ứng đối với tất cả các sản phẩm được sản xuất tại những khu vực này.”
Vì Trung Quốc đang áp dụng chính sách “Zero COVID”, nên việc phong tỏa có thể kéo dài nếu các đợt bùng phát tiếp tục trầm trọng hơn. Đợt phong tỏa lớn gần đây nhất, ở thành phố Tây An ở phía trung bắc Trung Quốc, đã bắt đầu ba ngày trước Giáng Sinh và đã kéo dài liên tiếp hơn một tháng.
Bà Eva Fu là một nhà văn ở New York cho The Epoch Times tập trung vào các mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc, tự do tôn giáo và nhân quyền. Liên hệ với bà Eva tại [email protected]
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: