‘Chúng tôi đã hết cạn mọi thứ’: Giá cả hàng hóa tăng cao giữa cuộc xung đột Nga-Ukraine
Từ vàng đến lúa mì cho đến dầu thô, giá cả hàng hóa tăng vọt trong bối cảnh diễn ra cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine.
Các nguồn cung khan hiếm kết hợp với sự gián đoạn trong dòng chảy thương mại toàn cầu, sản xuất chậm chạp, và nhu cầu tăng cao đã góp phần vào việc giá cả một loạt các mặt hàng nông nghiệp, năng lượng, và kim loại tăng mạnh.
Quỹ Theo dõi Chỉ số Hàng hóa Invesco DB theo dõi 14 mặt hàng, bao gồm dầu thô, xăng, bạc, lúa mì, và kẽm, đã tăng 23% từ đầu năm đến nay. Ngoài ra, Quỹ Chiến lược Hàng hóa Chiến thuật Toàn cầu First Trust, chuyên giám sát bông, cà phê, ngô, niken, và khí đốt tự nhiên đã tăng gần 22% trong cùng thời kỳ (từ đầu năm 2022).
Trước khi xảy ra xung đột quân sự ở Đông Âu, nhiều công ty và nhà phân tích ở Wall Street đã dự đoán về một siêu chu kỳ của thị trường hàng hóa (commodities supercycle). Chiến tranh Nga-Ukraine khiến một phân khúc thị trường quốc tế vốn đã chật hẹp thêm phần bế tắc, tạo ra một tình trạng trong đó có lượng dự trữ hạn chế hoặc thiếu hụt nhiều loại hàng hóa cứng và hàng hóa mềm (hard and soft commodities) quan trọng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Jeff Currie, người đứng đầu toàn cầu về nghiên cứu hàng hóa tại Goldman Sachs, nói với Bloomberg TV hồi tháng Hai: “Chúng tôi đã hết cạn mọi thứ.”
Nhưng liệu tình hình trên thị trường quốc tế có nan giải như các nhà phân tích đang tiên lượng?
Khái quát về sự bùng nổ hàng hóa
Giá dầu thô đã ở mức cao nhất 110 USD/thùng, trong khi khí đốt tự nhiên dao động quanh 5 USD/triệu đơn vị nhiệt của Anh. Sự mất cân bằng cung cầu đã rõ ràng, nhưng những lo ngại về các lệnh cấm vận của phương Tây đối với năng lượng của Nga và việc Tổng thống Vladimir Putin ngừng xuất cảng dầu và khí đốt đã tạo thêm áp lực lên giá cả.
Ngoài ra, sản lượng dầu của Hoa Kỳ đã không thể trở lại mức trước đại dịch, sản xuất khoảng 11.5 triệu thùng/ngày (bpd), giảm so với mức cao điểm 13.1 triệu thùng/ngày. Tổ chức Các nước Xuất cảng Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, OPEC+, đang duy trì cách tiếp cận chừng mực của họ để phục hồi sản xuất. Âu Châu nhập cảng nhiều năng lượng hơn mức họ sản xuất, khiến tỷ lệ phụ thuộc của Liên minh Âu Châu tăng lên hơn 50%
Giá phân bón đã tăng vọt trong tuần này do nhu cầu thế giới vượt quá nguồn cung. Dựa trên sự biến động của giá cả và sự thay đổi của các công ty, chẳng hạn như Nutrien và Agrium, các thị trường đang đặt cược rằng tình hình hiện tại có thể tồi tệ hơn.
Khí thiên nhiên được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất hai loại phân bón gốc nitơ là amoniac và urê với khối lượng rất lớn. Nga là một trong những thị trường lớn nhất của các loại phân bón.
Sự bùng nổ về đồng, nhôm, palladium và niken dự kiến sẽ kéo dài trong một thập niên, được thúc đẩy bởi nguồn cung giảm và nhu cầu gia tăng trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của thế giới. Hơn nữa, Nga là một nhà cung cấp chính các kim loại này.
Các chiến lược gia của ANZ viết trong một ghi chú: “Đồng trên các sàn giao dịch lớn hiện đang ở mức báo động, chỉ đủ cung cấp cho toàn cầu trong ba ngày.”
Lúa mì đạt mức cao nhất trong khoảng 14 năm, với giá giao dịch ở mức “giới hạn giá cao nhất” trong hai phiên liên tiếp. Hợp đồng lúa mì tháng 05/2022 đạt 11.34 USD/giạ tại sàn giao dịch Hội đồng Thương mại Chicago.
Ngũ cốc đã tăng khoảng 47% từ đầu năm đến nay, tăng mạnh do gián đoạn thương mại. Nga là nhà sản xuất lúa mì lớn nhất thế giới, trong khi Ukraine là nhà cung cấp lớn thứ tư. Moscow chiếm gần ⅕ trong tổng số 207 triệu tấn lúa mì thương mại toàn cầu hàng năm.
Giá đậu tương đã tăng 25% tính đến thời điểm hiện tại, lên gần 17 USD/giạ. Mặt hàng này được hưởng lợi từ sản lượng sụt giảm ở Brazil do hạn hán vào mùa hè vừa qua và lượng mưa lớn vào mùa đông đã gây áp lực lên mức sản lượng.
Hơn nữa, Trung Quốc là nước mua đậu nành lớn nhất thế giới, đã đặt trước một lượng lớn các lô hàng của Hoa Kỳ và Brazil, bất chấp mức định giá cao ngất ngưởng.
Ngô, cà phê, nước cam, thịt và toàn bộ hàng hóa thực phẩm đã ghi nhận mức tăng bất thường trong năm 2022. Nhìn chung, giá nông sản đã tăng mạnh trong năm 2022 do tồn kho ít.
Điều này khiến một số nhà phân tích thị trường dự đoán có thể dẫn đến một sự tăng lạm phát lương thực đáng kể vào năm 2022, bên cạnh những áp lực hiện tại ảnh hưởng đến giá cả. Theo Cục Thống kê Lao động [Hoa Kỳ], hồi tháng Một, tỷ lệ lạm phát lương thực hàng năm đã tăng lên 7%.
Vàng và bạc đã tăng lần lượt 5% và 8% do nhu cầu trú ẩn an toàn. Bất chấp Chỉ số U.S Dollar mạnh hơn và lợi suất kho bạc tăng, các nhà đầu tư đang mua kim loại màu vàng và màu trắng để tìm nơi trú ẩn khỏi sự biến động của thị trường và biến động địa chính trị.
Hiện tại, giá vàng có thể sẽ tăng thêm.
“Về mặt kỹ thuật, các nhà đầu tư vàng giao sau trong tháng Tư có lợi thế tổng thể vững chắc về mặt kỹ thuật trong ngắn hạn. Giá đang trong xu hướng tăng kéo dài năm tuần trên biểu đồ cột hàng ngày,” nhà phân tích thị trường cao cấp tại Kitco Jim Wyckoff đã cho biết trong một ghi chú. “Mục tiêu tăng giá tiếp theo của các nhà đầu tư là mức [giá] giao sau trong tháng Tư đóng cửa ở trên mức kháng cự chính ở mức cao nhất tháng 2 là 1,976.50 USD.”
Siêu chu kỳ hàng hóa nhằm kích hoạt lạm phát đình trệ?
Trong những tháng gần đây, Wall Street đang tranh luận về lạm phát đình trệ (stagflation), một thời kỳ kinh tế tăng trưởng chậm chạp và lạm phát tăng vọt.
Nhiều dự báo kinh tế đã nhấn mạnh sự phát triển mờ nhạt trong quý đầu tiên của Hoa Kỳ.
Mô hình GDPNow của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta chỉ ra tổng sản phẩm quốc nội là 0% trong khoảng thời gian từ tháng Một đến tháng Ba. Dự báo tức thời quý I của Fed Bank of Philadelphia đứng ở mức 1.9%.
“Rủi ro của lạm phát đình trệ đã tăng lên,” người đứng đầu toàn cầu về vĩ mô tại ING Carsten Brzeski, đã viết trong một ghi chú. “Trong ngắn hạn, sự gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng và hàng hóa sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng và đẩy lạm phát lên lâu hơn.”
Theo các chiến lược gia, điều này sẽ là thách thức đối với các ngân hàng trung ương trong việc điều hành chính sách nếu có những tác động kinh tế gia tăng từ cuộc chiến Nga-Ukraine.
Nhà phân tích cao cấp Ipek Ozkardeskaya tại Ngân hàng Swissquote, viết trong một ghi chú: “Thật không may, lạm phát dai dẳng hơn và cao hơn sẽ trở thành hiện thực toàn cầu mới và khiến nhiều ngân hàng trung ương đau đầu, vì họ sẽ không thể tăng lãi suất đủ nếu cuộc chiến này [gây] một ảnh hưởng nghiêm trọng cho sự phục hồi nền kinh tế, trong khi làm tăng lạm phát.”
Tháng này có thể là tháng quan trọng đối với nền kinh tế, chính sách tiền tệ, và hàng hóa của Hoa Kỳ trong năm 2022, khi Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) nhóm họp và cuộc xâm lược Ukraine đang leo thang.
Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông đã là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của “The War on Cash” (“Cuộc Chiến Về Tiền Mặt”).
Thiện Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc ở The Epoch Times.
Xem thêm: