Chung Nguyên: Ông Lý Khắc Cường hé lộ sự thật khi nói về đầu tư khoa học công nghệ và việc làm
Ngày 24/03, ông Lý Khắc Cường chủ trì cuộc họp Thường vụ của Quốc vụ viện; Ngày 25/03, ông lại đi khảo sát Giang Tô. Các phương tiện truyền thông của Trung Quốc cũng đưa tin liên quan, nhưng liên tục bỏ sót nhiều chi tiết. Trang web của Quốc vụ viện đã đăng một bài báo để bổ sung. Khi ông Lý Khắc Cường nói về việc đầu tư vào khoa học công nghệ và tình hình việc làm, ông đã để lộ ra một số sự thật.
Một bài báo trên trang web của Quốc vụ viện hôm 24/03 đã miêu tả “Chính sách này mang lại lợi ích gì cho các công ty sản xuất? Thủ tướng đã nói như vậy,” ông Lý Khắc Cường nói, “Tăng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), chỉ dựa vào nguồn lực của chính phủ là không đủ.” Cần phải “vận dụng nhiều hơn nữa chính sách thị trường hóa, khuyến khích công bằng toàn diện, phát huy tốt hơn nữa vai trò của các chủ thể sáng tạo đổi mới doanh nghiệp, kích thích các doanh nghiệp và toàn xã hội tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) để khuyến khích đổi mới doanh nghiệp.”
Theo logic thông thường, cách làm này dường như không có gì sai. ông Lý Khắc Cường cũng hiểu rất rõ ràng rằng “tập trung nguồn lực làm việc lớn” không thể nhanh chóng phá bỏ được vấn đề ‘thắt cổ chai.’” Hơn nữa, ông Lý cũng biết rằng quỹ nghiên cứu khoa học của chính phủ cuối cùng rất khó đáp ứng nhu cầu thị trường. Trên thực tế, điều đó thường xuyên giống như muối bỏ biển. Các dự án về vi mạch bán dẫn giả (chip giả) ở nhiều địa phương đã chứng thực điều này. Không chỉ lừa gạt lấy tiền đầu tư của chính phủ, mà còn dùng những dự án này để lừa vay tiền của ngân hàng. Thậm chí niêm yết trên thị trường chứng khoán để lừa được nhiều tiền hơn.
Mặc dù sự phát triển của khoa học và công nghệ ở các nước phát triển trên thế giới có mức hỗ trợ khác nhau từ chính phủ, nhưng chủ yếu dựa vào động lực tăng trưởng của các doanh nghiệp tư nhân và càng phải nhắm đến nhu cầu thị trường, có được sự thành công hay không đều phải dựa vào sự kiểm nghiệm của thị trường. Trung Cộng dựa vào sự đổi mới khoa học và công nghệ trong cơ chế toàn quốc cho đến nay vẫn chưa thành công, Trung Cộng thực sự đã tập trung nguồn lực tài chính của mình vào các hạng mục quân sự như hàng không vũ trụ, vệ tinh, tên lửa đạn đạo…, nhưng rất khó để chuyển đổi chúng sang sử dụng dân sự và cuối cùng không ai biết được hiệu quả đồng vốn đó như thế nào. Công nghệ 5G của Huawei kỳ thực ra đời ở Canada. Khoản đầu tư khổng lồ của Trung Cộng vào dự án đường sắt cao tốc thực sự toàn dựa vào công nghệ nhập về của nước ngoài. Giờ đây, nó đã trở thành một hố sâu không đáy làm thất thoát tiền bạc, và đã vỗ béo rất nhiều quan chức từ trên xuống dưới.
Ông Lý Khắc Cường hiểu rằng doanh nghiệp tư nhân là niềm hy vọng thực sự cho đổi mới công nghệ. Vì vậy, để khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư nhiều cho khoa học và công nghệ, ông quyết định “tăng tỷ lệ trích chi phí R&D của doanh nghiệp sản xuất từ 75% lên 100%, tương đương với mỗi 1 triệu nhân dân tệ do doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, thì trong các khoản thuế phải nộp sẽ được khấu trừ vào thu nhập chịu thuế là 2 triệu đồng.”
Xem ra có vẻ ổn, nhưng tất cả những ai từng sống ở đại lục đều hiểu rằng, điều này có thể khiến các doanh nghiệp có thêm lý do để dùng tiền vào việc khác, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước. Trên bề mặt có thể chi 1 triệu nhân dân tệ cho chi phí nghiên cứu khoa học và nhận được ưu đãi thuế của 2 triệu nhân dân tệ, nhưng 1 triệu nhân dân tệ thực sự dùng vào việc gì, ai kiểm chứng, nói không chừng lại có thể trở thành một kho bạc nhỏ cho các lãnh đạo doanh nghiệp, và họ thậm chí có thể trực tiếp tạo ra các chi phí giả mạo.
Có thể dự tính ban đầu của ông Lý Khắc Cường là có ý tốt, nhưng ông cũng không giải quyết được các vấn đề của doanh nghiệp nhà nước, nên càng hy vọng dựa vào doanh nghiệp tư nhân nhiều hơn. Vào ngày 25/03, ông Lý đã đến Giang Tô khảo sát và trang web của Quốc vụ viện đã nhanh chóng đăng một bài báo “Đối với một doanh nghiệp là “Nhà vô địch” trong ngành chế tạo, ông Lý Khắc Cường gửi gắm điều gì?” Bài báo mô tả, “Công ty TNHH cổ phần Thủy lực Hằng lập, Thường Châu, Giang Tô, (Jiangsu Hengli Hydraulic Pressure Co., Ltd) là doanh nghiệp tư nhân tiêu biểu trong ngành công nghiệp thủy lực của Trung Quốc, được bình chọn là “Nhà vô địch” trong ngành,” ông Lý nói “Hệ thống thủy lực rất quan trọng đối với ngành sản xuất chế tạo. Trước đây, lĩnh vực này ở nước ta còn tồn tại một số hạn chế, giờ đây, các bạn đã đạt được những đột phá nhất định thông qua hợp tác sáng tạo đổi mới. Tôi hy vọng các bạn sẽ tiếp tục kiên trì hợp tác đổi mới và trước sau luôn hướng lên trình độ tiên tiến của thế giới và toàn ngành.”
Ông Lý Khắc Cường vốn muốn khuyến khích loại hình doanh nghiệp tư nhân này, doanh nghiệp này có thể được coi là một doanh nghiệp tư nhân thực sự hay không tạm thời không nói đến, nhưng ông Lý đã thực sự điểm trúng yếu huyệt của “đổi mới công nghệ.” Một số hãng thông tấn Trung Quốc từng ca ngợi sự “tự chủ sáng tạo” của công ty này, nhưng trên trang web giới thiệu của công ty ghi rõ: “Nhập về các thiết bị chế tạo và nghiên cứu phát triển tiên tiến từ khắp nơi trên thế giới, thuê các chuyên gia thủy lực xuất sắc từ các nước như Đức, Nhật Bản… để trở thành một đội ngũ hàng đầu thế giới về nghiên cứu và phát triển thủy lực.” Ông Lý hiển nhiên là hiểu rõ sự thật và trực tiếp nói rằng “tiếp tục kiên trì hợp tác sáng tạo.” Xem ra nếu chân chính chỉ dựa vào “tự chủ sáng tạo đổi mới” có vẻ như rất khó để đạt được trình độ tiên tiến, nên “hợp tác sáng tạo đổi mới” mới là con đường tắt chân chính.
Ngày 24/03, ông Tập Cận Bình cũng đã thị sát Công ty TNHH Phúc Quang Phúc Kiến. Ông Tập nhấn mạnh: “Đất nước chúng ta bước vào giai đoạn phát triển khoa học và công nghệ thì đầu tiên phải dựa vào sáng tạo đổi mới, cứ nhất mực chạy theo thì không thể thành công được, chúng ta phải đẩy nhanh tiến độ tự lực, tự cường về phát triển công nghệ.”
Lời nói của ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường rõ ràng là không hoàn toàn giống nhau, cuối cùng ai mới là người nói sự thật? Trung Cộng vừa mới bày ra tư thế chuẩn bị đối đầu với Hoa Kỳ và Châu Âu. Nếu “hợp tác sáng tạo đổi mới” bị chặn hoàn toàn, liệu “tự chủ sáng tạo đổi mới” có thể thực sự phát huy tác dụng không?
Ngày 25/03, tập san của Quốc vụ viện đã đăng một bài báo khác “Ông Lý Khắc Cường giải thích kỹ về việc vì sao tiếp tục kéo dài chính sách tài chính hỗ trợ cho hai loại doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.” Tại cuộc họp thường vụ của Quốc vụ viện hôm 24/03, ông Lý còn nói, “Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là nền tảng góp phần vào thị trường việc làm. Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hoạt động sẽ có nhiều công ăn việc làm hơn, và nền kinh tế mới có sức sống.” Hộ kinh doanh cá thể ngành công-thương nghiệp có đăng ký ở nước ta đã lên tới hơn 90 triệu hộ mang đến hơn 200 triệu việc làm, các cơ quan ban ngành cần nghiên cứu thêm các chính sách hỗ trợ các hộ cá thể công-thương nghiệp.
Ngày 25/03, ông Tập Cận Bình nghe báo cáo công tác của Tỉnh ủy Phúc Kiến và Chính quyền tỉnh, nêu rõ “Phúc Kiến là vùng căn cứ cách mạng lâu đời, là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử của đảng, có nhiều di tích cách mạng, có nhiều vị cách mạng tiền bối, nên triển khai học tập và giáo dục lịch sử đảng có nhiều ưu thế đặc biệt,” phải “lĩnh hội sâu sắc các đạo lý như vì sao Trung Cộng có thể làm được, chủ nghĩa Mác tại sao lại thực hành được, vì sao chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc lại tốt thế…” và “xây dựng các tổ chức cơ sở đảng trên mọi lĩnh vực thành một pháo đài chiến đấu vững chắc.”
Giai đoạn mới gặt hái trên phương diện kinh tế của Trung Quốc đang nhanh chóng mở ra, dựa vào chủ nghĩa Marx, lý luận chủ nghĩa xã hội và chi bộ đảng, có thể chân chính giải quyết vấn đề công ăn việc làm hay không, có thể chân chính “tự chủ sáng tạo đổi mới” hay không thì người dân nhìn một cái là hiểu ngay thôi.
Do Gao Yi thực hiện
Sương Sương biên dịch
Xem thêm: