Chứng nghiện ngày càng phổ biến và chúng ta cần có hiểu biết về vấn đề này
Phần 3- Làm thế nào để ngăn ngừa chứng nghiện ngay từ sớm?
Mời quý vị xem Phần 1- Nguyên nhân và tác hại của chứng nghiện.
Mời quý vị xem Phần 2- Tỷ lệ nghiện và COVID-19: Một cuộc khủng hoảng trong một cuộc khủng hoảng
Mặc dù có nhiều cách để điều trị chứng nghiện, nhưng tốt hơn là nên ngăn chặn tình trạng nguy hiểm này.
Chúng ta đang mất quá nhiều thời gian để tìm kiếm cảm giác kích thích gây nghiện từ những phương tiện truyền thông và nền tảng công nghệ. Vì vậy, làm thế nào để chúng ta thực sự kết nối lại với chính mình và những người khác trong một thế giới mất kết nối như hiện nay?
Bản chất tự nhiên của chứng nghiện là khả năng làm hao mòn người bệnh. Và đúng như định nghĩa về nghiện ngập, đây là một căn bệnh cô lập kinh niên. Chứng nghiện biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, xâm nhập vào cơ cấu xã hội, hủy hoại cuộc sống, gia đình và cộng đồng. Như đã tìm hiểu trong các bài viết trước của loạt bài này, tỷ lệ nghiện ngập đang gia tăng ở các quốc gia trên thế giới. Và quan niệm sai lầm rằng một số chứng nghiện tồi tệ hơn những chứng nghiện khác đã mở ra cánh cửa cho sự bùng nổ của những cơn nghiện dường như “vô hại”.
Một người được coi là nghiện ngập khi họ trở nên phụ thuộc vào heroin hoặc ma túy đá. Những người này thường ở trong một con hẻm nhỏ và bán linh hồn của mình cho những lần chích ma túy tiếp theo. Tuy nhiên, nghiên cứu đã chứng minh rằng chứng nghiện sẽ xảy ra khi một người không thể ngừng sử dụng một chất nào đó, chẳng hạn như rượu, thuốc kê đơn, ma túy bất hợp pháp hoặc một hành vi bất kỳ, mặc dù những thứ đó có hại đến cuộc sống hàng ngày của họ. Những hành vi gây nghiện có thể bao gồm từ cờ bạc, rối loạn ăn uống, thỏa mãn tình dục cho đến sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và trò chơi điện tử. Thậm chí công việc cũng có thể trở thành một cơn nghiện. Chứng nghiện khiến chúng ta trở nên ngày càng hao mòn, kiệt quệ và dễ bị tổn thương, tạo thành một vòng xoáy hủy hoại vô số cuộc đời.
Những lời đồn thổi và hiểu lầm xung quanh chứng nghiện là một phần của vấn đề. Ví dụ, một người nghiện cờ bạc, có thể duy trì công việc tốt hơn hoặc trông khỏe mạnh hơn, nhưng họ vẫn có khả năng tự tử cao hơn 15 lần so với những người không nghiện.
Sự gia tăng của phương tiện truyền thông xã hội và công nghệ kỹ thuật đã trở thành nền tảng cho tình trạng nghiện ngập. Với các phương tiện truyền thông xã hội, công việc hoặc thậm chí là nội dung khiêu dâm như hiện nay, chúng ta đang sống trong một thế giới phóng túng và tràn đầy những thứ kích thích con người, khác xa với thế giới mà chúng ta đã sinh sống trong nhiều thế kỷ. Các nhà tiếp thị và chính trị gia hứa rằng chúng ta có thể có tất cả. Chúng ta mong đợi sự kích thích và khoái cảm liên tục, khiến chúng ta dễ bị ảnh hưởng bởi hàng trăm loại ham muốn độc hại. Điều này đã khiến nhiều người trong chúng ta không buông được điện thoại xuống.
Trớ trêu thay, phương tiện truyền thông xã hội được “bán” với lời hứa sẽ mang chúng ta đến gần nhau hơn và có thể kết nối trong một thế giới ngày càng mở rộng đã khiến chúng ta bị cô lập và chia rẽ hơn. Các nguồn dữ liệu truyền thông xã hội dễ dàng mang lại cảm giác phấn khích gây nghiện đã đánh cắp thời gian chúng ta cần để tương tác trực tiếp. Chúng ta bị bỏ lại với một căn bệnh trầm cảm nhẹ làm hao mòn ý chí bước ra thế giới bên ngoài của chúng ta.
Để chữa lành những tổn thương đó, tiếp xúc xã hội một cách lành mạnh là việc cần thiết nhất để hồi phục thành công sau cơn nghiện.
Vì vậy, làm thế nào để chúng ta quay ngược thời gian và kết nối lại với chính mình và những người khác trong một thế giới mất kết nối như hiện nay?
Nền tảng cho sự hồi phục
Được thành lập bởi Bill Wilson vào những năm 1930, chương trình 12 bước Alcoholics Anonymous (AA) – Người Nghiện Rượu Ẩn danh phổ biến trên toàn cầu, vẫn giữ vai trò trung tâm đối với cuộc sống của nhiều người trong quá trình cai nghiện.
Là một chuyên gia tư vấn về chứng nghiện, đồng thời là người tự cai nghiện, tôi đã tận mắt chứng kiến sự thay đổi tâm hồn nhờ chương trình 12 bước của chính tôi và những mảnh đời mà tôi đã giúp đỡ trong nhiều năm qua.
Chương trình 12 bước dành cho người nghiện rượu
- Chúng ta cần thừa nhận rằng chúng ta đã bất lực trước rượu và cuộc sống của chúng ta đã trở nên không thể kiểm soát được.
- Tin rằng một sức mạnh lớn hơn bản thân chúng ta có thể giúp khôi phục lại sự tỉnh táo cho chúng ta.
- Quyết định giao ý chí và cuộc sống của chúng ta cho Chúa vì chúng ta đã đồng ý làm như vậy với Ngài.
- Tìm ra những sai lầm về đạo đức của chính chúng ta một cách không sợ hãi.
- Thừa nhận với Chúa, với chính chúng ta, và với một người khác về bản chất chính xác của những sai trái mà chúng ta đã phạm phải.
- Hoàn toàn sẵn sàng để Chúa loại bỏ tất cả những khuyết điểm trong tính cách của chúng ta.
- Khiêm tốn cầu xin Ngài loại bỏ những khuyết điểm này.
- Lập danh sách tất cả những người mà chúng ta đã làm tổn hại và sẵn sàng sửa đổi tất cả.
- Bất cứ khi nào có thể, chúng ta sẽ bù đắp trực tiếp cho những người như vậy, trừ khi làm như vậy sẽ gây hại cho họ hoặc những người khác.
- Tiếp tục tu sửa bản thân và kịp thời thừa nhận sai lầm của bản thân.
- Cố gắng cầu nguyện và thiền định để cải thiện mối liên hệ có ý thức của chúng ta với Chúa. Khi được kết nối với Ngài, chúng ta chỉ cầu nguyện để biết được ý muốn của Ngài dành cho chúng ta và sức mạnh để thực hiện điều đó.
- Khi tâm hồn được thức tỉnh qua những bước này, chúng ta sẽ cố gắng mang thông điệp này đến những người nghiện rượu khác và thực hành những nguyên tắc này trong mọi công việc của mình.
Công việc của Wilson nhắc nhở chúng ta rằng thức tỉnh tâm hồn là điều rất cần thiết trong thời kỳ vô cùng thống khổ và đau đớn. Mặc dù chịu ảnh hưởng to lớn bởi Cơ đốc giáo, nhưng 12 Bước trên có thể áp dụng cho các cá nhân theo các tín ngưỡng khác và cả những người không theo đạo. 12 bước của Wilson mang một thông điệp có thể áp dụng rộng rãi cho bất kỳ vấn đề và chứng nghiện nào.
Sự sụp đổ của niềm tin vào xã hội và sự bùng nổ của các lực lượng gây nghiện mới, từ đồ ăn vặt siêu ngon miệng đến nguồn dữ liệu trên mạng xã hội do trí tuệ nhân tạo điều khiển, đã khiến chúng ta ngày càng dễ bị nghiện hơn.
Phòng ngừa tốt hơn chữa bệnh
Chúng ta cần khuyến khích những thay đổi tích cực trong mọi lĩnh vực của xã hội. Thật vậy, nghiên cứu cho thấy rõ ràng rằng can thiệp càng sớm, kết quả sẽ càng tốt.
Đối với các bậc cha mẹ, điều đó có thể là giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử của những đứa trẻ hoặc thảo luận với chúng về sự nguy hiểm của chứng nghiện.
Nhưng ngay cả đối với những người đã bị nghiện và lệ thuộc, các mạng lưới hỗ trợ và thái độ giúp đỡ thích hợp vẫn có thể mang lại sự thay đổi thực sự.
Điều quan trọng là cần phải hiểu rằng yếu tố lớn nhất dẫn đến nghiện ngập chính là nỗi đau. Mọi người thường cảm thấy hành vi gây nghiện giúp làm giảm thống khổ, mặc dù nó sẽ khiến sự đau đớn tăng lên sau đó. Đối với những người từng bị chấn thương, họ thực sự rất mong muốn thoát khỏi đau khổ.
Có rất nhiều khía cạnh trong xã hội, từ gia đình đến hệ thống pháp luật, tất cả đều có thể thực hiện các chiến lược để giúp những thế hệ tương lai của chúng ta tránh xa chứng nghiện ma túy.
Cuộc sống gia đình
Trẻ em sống trong những gia đình có nhiều người mắc chứng nghiện hoặc phải chịu đựng các sang chấn tâm lý, là những đối tượng nguy cơ cao cần được can thiệp càng sớm càng tốt.
Viện Y tế Quốc gia cho biết tám năm đầu đời của một đứa trẻ là rất quan trọng trong việc ngăn ngừa lạm dụng chất gây nghiện. Người giám hộ, nhân viên xã hội và các bác sĩ gia đình có nhiệm vụ cùng nhau chăm sóc và đảm bảo trẻ em có nguy cơ cao được sàng lọc.
Thật không may là do một số yếu tố, có ít hơn một nửa số bác sĩ nhi khoa báo cáo rằng trẻ em và thanh thiếu niên đã được kiểm tra về việc sử dụng thuốc lá, rượu và các loại ma túy khác.
Hệ thống giáo dục
Đối với nhiều trẻ em, nguy cơ mắc chứng nghiện lớn nhất không phải là lạm dụng chất kích thích mà là sự lệ thuộc vào mạng xã hội. Khó có thể bỏ qua mối tương quan giữa vấn đề sử dụng mạng xã hội và sự gia tăng rối loạn ăn uống. Có tới 71% thanh thiếu niên gặp phải các triệu chứng cai nghiện khi không thể truy cập internet. Một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế vào năm 2018 đã cho thấy những thanh thiếu niên trải qua các triệu chứng cai nghiện mạnh nhất cũng có mức độ hài lòng trong cuộc sống thấp nhất.
Cách tốt nhất để đối phó với tình trạng này là giáo dục trẻ em về tầm quan trọng của việc tự bảo vệ bản thân, cân bằng [các vấn đề trong cuộc sống] và kiềm chế sự thỏa mãn cá nhân. Điều này sẽ giúp họ đối phó với vô vàn cám dỗ sắp ập đến. Giáo viên cũng như phụ huynh phải đoàn kết và nói lên mối quan tâm của họ để bảo vệ các thế hệ tương lai khỏi bị tổn hại nghiêm trọng.
Hệ thống pháp luật
Cuộc chiến chống ma túy đã thất bại trong việc bảo vệ con người khỏi các tác hại của việc lạm dụng chất gây nghiện. Số tiền phạt dành cho những người nghiện vì nỗi đau tâm lý sâu sắc không giúp ích được gì cho họ hoặc cho việc bảo vệ xã hội.
Việc phục hồi chức năng có vai trò quan trọng hơn khi một người rơi vào tình trạng lạm dụng chất kích thích và nghiện rượu. Cách tiếp cận này sẽ cứu sống những mảnh đời nghiện ngập, đồng thời cắt giảm chi phí và giảm số lượng tội phạm về lâu dài.
Cho đến khi có một xã hội kết nối và điều trị các vấn đề dẫn đến chứng nghiện, chúng ta sẽ tiếp tục thấy tình trạng này gây hại cho cộng đồng của chúng ta.
Nơi làm việc
Để giảm hơn nữa sự kỳ thị về chứng nghiện và khuyến khích các cuộc thảo luận cởi mở về sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên đưa ra một số thay đổi để bảo vệ nhân viên trong thời kỳ khủng hoảng.
Các hội thảo nâng cao nhận thức về chứng nghiện, các hoạt động nhóm và các chính sách nhân văn sẽ giúp mọi người có cơ hội thể hiện những quan điểm, suy nghĩ của bản thân mà không phải lo sợ hậu quả. Quan trọng hơn, việc giải quyết tốt những tình huống phàn nàn sẽ giúp nhiều nhân viên của bạn hồi phục tốt hơn vì có nhiều thời gian để vượt qua hơn.
Cộng đồng
Các sự kiện địa phương, hoạt động gây quỹ và câu lạc bộ đóng vai trò then chốt trong cộng đồng ở mỗi địa phương. Không có nhóm Facebook hay cuộc họp ảo nào có thể thay thế được kết nối tinh thần cộng đồng thực sự tại địa phương.
Trong một bài diễn thuyết trên diễn đàn TED với tiêu đề “Mọi thứ bạn nghĩ rằng bạn biết về chứng nghiện đều sai” của Johann Hari, anh ấy đã đưa ra quan điểm rằng “điều trái ngược với chứng nghiện là sự kết nối”. Điều quan trọng cần nhớ là chứng nghiện bắt nguồn từ nỗi đau và sự xa cách về mặt tinh thần. Đó là biểu hiện của nỗi đau và sự mất kết nối có nguồn gốc sâu xa, một cơ chế đối phó độc hại cho cuộc sống.
Trong chính chúng ta
Đối với bạn, một cá nhân trong cộng đồng, hãy đối xử tốt với đứa con bị tổn thương tâm hồn của bạn. Hãy dành thời gian cho bản thân và những nhu cầu cá nhân để giảm bớt nỗi đau có thể đẩy bạn đến những cuộc trốn chạy gây nghiện.
Trở thành một ông chủ, một người đồng nghiệp, các bậc cha mẹ, một đối tác, một người điều dưỡng hay một thành viên cộng đồng có thể rất khó khăn. Làm quá nhiều thứ với quá nhiều người trong khi bỏ bê nhu cầu của bản thân chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ thân thiết khác.
Thấu hiểu chính mình và nuôi dưỡng lòng trắc ẩn là điều quan trọng để phá vỡ vòng xoáy chấn thương thế hệ và giúp những đứa trẻ không phải chịu đựng những tổn thương như bạn đã từng.
Hãy quan tâm đến những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày của bạn, không chỉ về thực phẩm, mà còn về những thông tin và chất lượng thông tin mà bạn tiếp nhận. Nếu cảm thấy có điều gì đó không ổn hoặc giống như một chủ nghĩa thoát ly, hãy tin tưởng vào khả năng của chính mình để phân biệt tốt xấu và tránh xa chứng nghiện nguy hiểm.
Paul Spanjar, Giám đốc điều hành của Dự án Providence Vương quốc Anh, là một chuyên gia hàng đầu về nghiện. Trong quá trình tự phục hồi của chính mình trong hơn 20 năm, Spanjar và nhóm của ông đã giúp những người khác thay đổi cuộc sống của họ thông qua các chương trình phục hồi được cung cấp tại các trung tâm điều trị của Dự án Providence.