Chứng khoán Trung Quốc ở Hồng Kông đối mặt với sức ép rút tiền của nhà đầu tư ngoại quốc
Các nhà phân tích tại UBS Securities gần đây cho rằng rất khó để tiền chảy vào thị trường chứng khoán Trung Quốc do các yếu tố như việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ tăng lãi suất và chính sách “zero COVID” của Bắc Kinh. Hơn nữa, cổ phiếu A và cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông đang chịu áp lực từ việc rút vốn của ngoại quốc.
Trong cuộc họp báo hôm 27/04, ông Meng Lei, chiến lược gia về Trung Quốc tại UBS Securities, cho biết rằng cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông và cổ phiếu A có các yếu tố căn bản tương tự và tăng trưởng thu nhập yếu. Tuy nhiên, chứng khoán Hồng Kông phải đối mặt với thanh khoản kém hơn ở ngoại quốc.
Ông cho rằng do khả năng Fed tăng lãi suất đáng kể, kết hợp với việc Trung Quốc và Hoa Kỳ chưa đạt được đồng thuận về vấn đề giám sát chứng khoán Trung Quốc, các nhà đầu tư ngoại quốc giữ thái độ chờ đợi, và dòng vốn chảy ra chịu áp lực lớn hơn.
Ông Meng tin rằng hai yếu tố có thể đảo ngược tình hình dòng vốn ngoại quốc chảy ra: một là tình hình đại dịch ở Trung Quốc đại lục sẽ được kiểm soát hiệu quả, đời sống và sản xuất dần trở lại bình thường; thứ hai, sự khác biệt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về việc kiểm toán chứng khoán Trung Quốc sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, hiện tại, giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn chưa có thỏa thuận nào về mức độ thực hiện, và sự quay trở lại của vốn đầu tư ngoại quốc dự kiến sẽ còn mất nhiều thời gian.
Về nguyên tắc cơ bản, ông Meng cho rằng trong quý đầu tiên của năm nay, lợi nhuận của các công ty thuộc loại cổ phiếu A có thể tăng trưởng bằng 0 hoặc thậm chí tăng trưởng âm, và định giá của thị trường cổ phiếu A sẽ khó phục hồi trong ngắn hạn, chủ yếu là do kỳ vọng bi quan của thị trường và thiếu chất xúc tác.
Trong cả năm, thị trường hiện kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của các công ty thuộc loại cổ phiếu A sẽ ở mức từ 16% đến 17%. Ông Meng cho rằng kỳ vọng là quá lạc quan, và sẽ không dễ dàng để đạt được mức tăng trưởng 2 con số. Kỳ vọng của thị trường đối với thu nhập của cổ phiếu A sẽ giảm đáng kể trong tháng tới.
Dòng vốn ngoại quốc rút ra ‘chưa từng có’
Các nhà đầu tư đang rời bỏ Trung Quốc với quy mô chưa từng có. Viện Tài chính Quốc tế (IIF) đã chỉ ra trong một báo cáo hôm 05/04 rằng dòng vốn của ngoại quốc chảy ra khỏi Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục 17.5 tỷ USD trong tháng Ba. Dòng chảy ra bao gồm 11.2 tỷ USD trái phiếu, phần còn lại là cổ phiếu.
IIF gọi đợt vốn tháo chạy của các nhà đầu tư ngoại quốc là “chưa từng có”, đặc biệt là vì không có dòng vốn rút ra nào tương tự từ các thị trường mới nổi khác trong thời kỳ đó.
Dữ liệu từ chính quyền Trung Quốc cũng cho thấy các nhà đầu tư ngoại quốc đã rút lui khỏi thị trường trái phiếu ở mức kỷ lục trong những tháng gần đây.
Theo Trung tâm Lưu ký và Thanh toán bù trừ Trung ương, các nhà đầu tư ngoại quốc đã bán ròng 35 tỷ nhân dân tệ (khoảng 5.5 tỷ USD) trái phiếu chính phủ Trung Quốc trong tháng Hai, mức giảm hàng tháng lớn nhất được ghi nhận. Hoạt động bán tháo đã tăng tốc trong tháng Ba, đạt mức cao mới là 52 tỷ nhân dân tệ (khoảng 8.1 tỷ USD).
Những lý do chính dẫn đến việc rút vốn đầu tư của ngoại quốc có thể là do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ủng hộ sự hiếu chiến của Nga với Ukraine, việc Fed tăng lãi suất, việc ĐCSTQ kiên quyết áp dụng các biện pháp kiểm soát và ngăn chặn đại dịch nghiêm ngặt, cũng như sự đàn áp mạnh mẽ của chính phủ đối với các công ty tư nhân, dẫn đến rủi ro khi đầu tư vào Trung Quốc tăng lên đáng kể.
Sự kiên quyết của ĐCSTQ đối với các biện pháp “Zero-COVID” khắc nghiệt đã làm cho môi trường kinh tế trở nên tồi tệ hơn.
Theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 18/04, trong quý đầu tiên của năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là 4.8%, thấp hơn mục tiêu hàng năm là 5.5%. Vào tháng Ba, tăng trưởng kinh tế gần như đi vào bế tắc do việc thực hiện các biện pháp phong tỏa ở nhiều vùng của Trung Quốc.
Bản tin có sự đóng góp của tác giả Ruth Lee của Epoch Times.
Cô Jessica Mao là một nhà văn của The Epoch Times, chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times từ năm 2009.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: