Chứng khoán thế giới trượt giảm trong khi vẫn tồn tại mối lo ngại về tăng trưởng, các tài sản trú ẩn an toàn tăng
Chứng khoán toàn cầu giảm thêm vào thứ Năm (19/05), không thể duy trì đà phục hồi muộn ở Wall Street, khi các nhà đầu tư bán phá giá cổ phiếu do lo ngại sự tăng trưởng chậm chạp và mua các tài sản trú ẩn an toàn như nợ chính phủ và đồng franc Thụy Sĩ.
Những khó khăn trong chuỗi cung ứng tiếp tục thúc đẩy lạm phát và lo ngại về tăng trưởng khi Cisco Systems Inc. cảnh báo về tình trạng thiếu linh kiện dai dẳng, khiến cổ phiếu của công ty này giảm 13.7%. Sự lao dốc khiến tập đoàn này trở thành cổ phiếu có tên tuổi lớn gần đây nhất trong tuần này ghi nhận mức giảm lớn nhất trong hơn một thập niên.
Một cuộc khảo sát của ngân hàng Cục Dự trữ Liên bang khu vực cho biết dữ liệu cho thấy trong tháng Năm, sản lượng của các nhà máy ở khu vực Trung-Đại Tây Dương của Hoa Kỳ đã giảm tốc hơn nhiều so với dự kiến, với triển vọng kinh doanh trong sáu tháng tới là thấp nhất trong hơn 13 năm.
Một số cổ phiếu tăng trưởng vốn hóa siêu lớn hoạt động kém hiệu quả trong năm nay đã ghi nhận mức tăng nhưng đà phục hồi đang chết dần chết mòn. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 0.75%, S&P 500 mất 0.58% và Nasdaq Composite giảm 0.26%.
Ông Michael James, giám đốc điều hành giao dịch cổ phiếu tại Wedbush Securities, cho biết các cú trượt giảm lớn của Walmart vào thứ Ba và Target vào thứ Tư đã làm mất tinh thần các nhà đầu tư đang băn khoăn về việc tăng chi phí trên toàn bộ chuỗi cung ứng.
Ông James nói: “Quý vị đã gặp phải một cú sốc khá lớn đối với hệ thống dành cho các nhà quản lý danh mục đầu tư với sự kết hợp của hai điều đó. Loại thiệt hại đó rất khó sửa chữa, chồng chất lên một năm cực kỳ khó khăn mà các nhà đầu tư công nghệ đã phải đối mặt.”
Nhưng ông James nói rằng có những người cho rằng thị trường đang ở tình trạng bán ra quá nhiều và “quý vị đang sắp có một sự hồi phục.”
Ông Rick Meckler, chủ tịch quỹ đầu cơ LibertyView Capital Management LLC cho biết, các nhà giao dịch đang tìm kiếm một chất xúc tác có thể xoay chuyển thị trường khi nó sắp chạm đáy trong thời gian tới đây.
Tuy nhiên, ông nói, “Các nhà đầu tư có thể vẫn còn sợ hãi khi chứng kiến một vài đợt suy thoái nữa.”
Theo bà Louise Dudley, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Federated Hermes Ltd., thì hoạt động gom tiền mặt đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 09/2001, cho thấy một tâm lý bi quan mạnh mẽ.
Goldman Sachs ước tính khả năng Hoa Kỳ xảy ra suy thoái trong hai năm tới là 35%, trong khi Morgan Stanley nhận thấy khả năng xảy ra suy thoái là 25% trong 12 tháng tới.
Giá giao ngay của điện và khí đốt tự nhiên ở Hoa Kỳ đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một năm tại một số khu vực ở nước này do người Mỹ tăng cường dùng máy điều hòa nhiệt độ trong một đợt nắng nóng mùa xuân.
Chỉ số đo chứng khoán trên toàn cầu của MSCI giảm 0.65% và chỉ số STOXX 600 toàn Châu Âu mất 1.37%.
Chỉ số S&P 500 giảm khoảng 18% so với mức đóng cửa kỷ lục hôm 03/01 và chỉ số MSCI cũng giảm như vậy kể từ khi đạt đỉnh hôm 04/01.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức giảm xuống dưới 1% và lợi suất trái phiếu của Ngân khố Hoa Kỳ giảm khi dữ liệu kinh tế mềm của Mỹ gây lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang thắt chặt tiền tệ có thể gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu.
Lợi tức trái phiếu của Ngân khố Hoa Kỳ kỳ hạn 10 năm giảm 3.8 điểm cơ bản xuống 2.846%, sau khi chạm mức thấp nhất trong ba tuần là 2.772%.
Đồng dollar giảm trên diện rộng, xuống thấp hơn mức cao nhất trong hai thập niên, vì hầu hết các loại tiền tệ chính khác đều thu hút người mua.
Chỉ số đồng dollar giảm 0.896%, với đồng euro tăng 1.11% lên 1.0582 USD. Đồng yên Nhật tăng 0.35% lên 127.79/USD.
Đồng franc Thụy Sĩ tăng giá sau khi Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) Thomas Jordan báo hiệu vào hôm thứ Tư rằng SNB đã sẵn sàng hành động nếu áp lực lạm phát tiếp tục.
Các ngân hàng trung ương đã đang đi trên dây, cố gắng giành lại quyền kiểm soát lạm phát cao trong hàng thập niên mà không gây ra những cuộc suy thoái đau đớn.
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết khi ông đến dự cuộc họp kéo dài hai ngày của các chủ ngân hàng trung ương hàng đầu gần Bonn: “Chúng tôi sẽ phải thảo luận về những gì chúng tôi có thể làm cùng nhau trong những lĩnh vực trách nhiệm tương ứng của mình để tránh xảy ra tình huống lạm phát đình trệ.”
Giá dầu đã phục hồi sau hai ngày thua lỗ trong một phiên giao dịch đầy biến động, được thúc đẩy bởi đồng dollar suy yếu và kỳ vọng rằng việc Trung Quốc có thể nới lỏng một số hạn chế phong tỏa có thể thúc đẩy nhu cầu.
Giá dầu thô Hoa Kỳ giao sau tăng 2.62 USD lên mức 112.21 USD/thùng. Giá dầu Brent tăng 2.93 USD lên mức 112.04 USD/thùng.
Giá vàng kỳ hạn của Hoa Kỳ tăng 1.4% ở mức 1,841.20 USD/ounce, do đồng USD yếu hơn và lợi tức trái phiếu Ngân khố đã làm nổi bật sức hút trú ẩn an toàn của vàng thỏi.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: