Chúa tể sơn lâm, biểu tượng của võ thuật và sức mạnh
Với thể hình to lớn nhất trong các loài mèo lớn hiện có trên hành tinh, trong tự nhiên hổ là loài động vật săn mồi đứng đầu chuỗi thức ăn. Thể hình to lớn có khi đạt đến chiều dài 3m cân nặng có con đến 300 kg, ấy vậy mà cơ thể của chúng lại là một hình mẫu hoàn mỹ kết hợp giữa lực lượng khổng lồ, sức mạnh và sự nhanh nhẹn. Cấu tạo cơ bắp và thể hình của hổ có thể nói là hoàn hảo khiến nó sở hữu một sức mạnh ghê gớm. Một con hổ có thể tha một con mồi nặng 100 kg mà vẫn phóng qua tường rào cao 3 mét. Đây là một điều không thể tưởng tượng được với sức mạnh của một động vật thuộc họ Mèo.
Sức mạnh cơ bắp, tốc độ và cách săn mồi đỉnh cao của hổ đã khiến nó trở thành một biểu tượng vô cùng ưa thích của giới quân sự và võ thuật từ xưa đến nay. Ghi chép sớm nhất là hình tượng Hổ trong bộ Ngũ cầm hí, một bộ khí công dưỡng sinh của thần y Hoa Đà thời Tam Quốc cách đây gần 2,000 năm. Ngoài ra Hổ hình quyền là một trong những bài quyền quan trọng nhất trong Ngũ Hình Quyền của phái Thiếu Lâm. Các đệ tử tục gia của Thiếu Lâm còn sáng tạo ra Hổ Hạc Song Hình Quyền, Công Tự Phục Hổ Quyền cũng khá nổi tiếng. Người luyện các bài quyền Hổ này phải luyện một bộ động tác tay gọi là Hổ trảo công cũng mô phỏng theo cách hổ tấn công con mồi bằng móng vuốt.
Thời nhà Thanh từng có 10 nhân vật nổi danh thiên hạ vì võ công và đạo đức, chuyên hành hiệp trượng nghĩa, được mọi người tôn kính, giới võ lâm gọi là “Quảng Đông thập hổ” (10 con hổ ở đất Quảng Đông). Cuộc đời của họ nhiều giai thoại truyền kỳ, là tài nguyên khai thác quan trọng cho kịch sân khấu cũng như điện ảnh. Quảng Đông Thập Hổ gồm 10 vị anh tài sau: Bạch hạc Hiệp gia quyền Vương Ẩn Lâm, Cửu long quyền Hoàng Trừng Khả, Hắc hổ Thập hình quyền Tô Hắc Hổ, Hồng quyền Hoàng Kỳ Anh (cha của Hoàng Phi Hồng), Đàm gia tam triển Đàm Tế Quân, Thất tinh quyền Lê Nhân Siêu, Túy quyền Tô Xán (tục xưng là Tô Khất Nhi), Thiết tuyến quyền Lương Khôn (tục xưng là Thiết Kiều Tam), Kim cang chỉ pháp Trần Trường Thái (tục xưng là Thiết Chỉ Trần), Nhuyễn miên chưởng Châu Thái (tục xưng là Châu Thiết Đầu). Có thuyết gộp Hoàng Phi Hồng vào Quảng Đông Thập Hổ nhưng cũng có thuyết không có. Tuy nhiên Hoàng Phi Hồng cũng nổi danh với bài võ Hổ Hạc Song Hình Quyền và Vô ảnh cước, cũng để lại nhiều giai thoại ly kỳ.
Trong nền võ thuật cổ truyền nước ta, bài quyền Lão hổ thượng sơn là một trong 10 bài võ được liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đưa vào chương trình huấn luyện bắt buộc và biểu diễn trong hệ thống thi đấu quốc gia. Bài quyền là sự thể hiện sức mạnh và thần thái uy nghi của loài hổ với các chiêu thức dứt khoát, xoay chuyển biến hóa, dũng mãnh mô phỏng động tác, tư thế tấn công, phòng thủ của loài hổ trong rừng. Ngoài ra còn có thế võ Quyền Ba Chân Hổ là tuyệt kỹ công phu có từ gần 200 năm trước, xuất phát từ đất võ Bình Định được khai sinh tại khu vực núi Bà thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định xuất phát từ cuộc đụng độ của một vị nông dân giỏi võ với con hổ ba chân hung hãn nổi tiếng trong vùng.
Tổ sư của phái Không Thủ Đạo Shotokan Nhật Bản là võ sư Gichin Funakoshi cũng dùng hình ảnh con hổ làm biểu trưng cho hệ phái của mình. Ở miền Tây sông nước vốn xưa kia nổi tiếng với những câu chuyện đánh hổ, môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà lấy hình ảnh một võ sư tung cú đấm vào đầu con hổ lớn trong tư thế đẹp, chính là lấy cảm hứng từ những trận đả hổ của các bậc tiền bối. Môn phái Bạch Hổ Lâm ở Quảng Bình cũng dùng biểu tượng hổ. Võ phái Bạch Hổ Sơn Quân là một môn phái võ cổ xưa ở miền Trung cũng lấy biểu tượng hổ trắng làm biểu trưng cho môn phái mình.
Uy lực của hổ, biểu tượng của sức mạnh quân sự
Trong văn hóa Phương Đông, Bạch Hổ là một trong bốn linh vật trong Tứ phương thần và biểu tượng cho phía Tây và mùa Thu, nó còn tượng trưng cho sát khí và chiến tranh. Ngày xưa mùa thu do đó cũng là mùa dùng để hành quyết tội nhân. Vì là biểu tượng của hung khí chiến tranh, nên hổ cũng được dùng để chỉ những điều liên quan đến quân sự và vũ khí. Các võ tướng dũng mãnh, thiện chiến của triều đình xưa thường được ví như hổ và tôn xưng là Hổ Tướng. Trong chiến trận, ấn tín của quan võ hay các vị tướng nơi trận tiền gọi là Hổ phù. Đây là phù hiệu làm bằng gỗ, bằng ngà hay bằng kim loại, khắc hình con hổ, cắt làm đôi, viên tướng được cầm một nửa, nữa kia nhà vua giữ. Người nào nắm trong tay Hổ phù thì có thể điều động được binh lính. Trong Sử Ký, khi Lưu Bang bại trận, vì lo sợ Hàn Tín nắm binh quyền quá lớn nên đã bí mật vào doanh trại đoạt lấy hổ phù trên tay Hàn Tín để khống chế quân đội vào tay mình.
Nơi ở và làm việc của quan võ, doanh trại của tướng quân chỉ huy quân sự cổ được gọi là Hổ doanh hay Hổ quân doanh, cánh cổng vào doanh trại được gọi là Hổ môn, cửa ra vào dinh của các tướng soái hay khu vực làm việc có treo bức trướng thêu hình hổ gọi là Hổ trướng. Tác phẩm binh pháp nổi danh của nước ta của Đào Duy Từ có mang tên Hổ Trướng Khu Cơ, là một bộ binh pháp kinh điển của nền quân sự Việt Nam.
Nói đến hổ là nói đến uy lực của một cơ thể với những vằn đen vàng mạnh mẽ, cơ bắp hoàn hảo cùng dáng đi oai vệ khiến muôn loài đều kính sợ. Do đó trong môn Tướng số coi người có bộ đi hùng dũng bước đi như hổ gọi là Hổ bộ và dáng đi của vua chúa cũng được gọi là Long hành hổ bộ tức dáng đi như rồng như hổ. Đây là chỉ người có tướng làm vương làm tướng, đại phú đại quý, quyền uy tột đỉnh. Tướng hổ đầu chỉ người có tướng mạo tốt, hùng dũng như hổ, gồm có mặt như hổ (hổ diện), miệng to như hổ (hổ khẩu) và râu hổ (hổ tu).
“Râu hùm hàm én mày ngài
Vai năm tấc rộng thân mười thước cao
Đường đường một đấng anh hào
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài” (Truyện Kiều, đoạn tả Từ Hải)
Thẩn thể của hổ với hệ cơ bắp đỉnh cao cũng dùng để chỉ những người có cơ thể hoàn hảo, đầy sức mạnh, cũng là một dạng quý tướng thuộc về võ cách. Tướng người có mình hổ, tay vượn, bụng beo, lưng sói là danh tướng nổi danh thiên hạ. Mã Siêu, danh tướng thời Tam Quốc được miêu tả: “là một viên tướng trẻ tuổi, mặt đẹp như ngọc, mắt sáng như sao, mình hổ tay vượn, bụng beo lưng sói, tay cầm một ngọn giáo dài, mình cưỡi con ngựa đẹp”.
(La Quán Trung, Tam Quốc diễn nghĩa)
Từ xưa đến nay, hình ảnh con hổ được sử dụng làm linh vật, biểu tượng, biểu trưng, phù hiệu, huy hiệu, cờ hiệu, nhãn hiệu của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, các tổ chức, hãng kinh doanh, công ty, cộng đồng, dòng họ, các võ phái, câu lạc bộ…. trong đó thường là biểu tượng của nhà nước và các lực lượng quân sự võ trang từ thời cổ đại đến hiện đại. Có lẽ do uy lực của mãnh hổ, những đạo quân có mang danh hiệu Hổ này đều là những binh đoàn lừng danh trong lịch sử.
Cổ xưa nhất có thể kể đến Hoàng Đế, vị vua được coi là thủy tổ của người Trung Hoa, Tương truyền trong cuộc chiến với Xi Vưu, Hoàng Đế đã nuôi sáu loại dã thú là hùng, bi, tì, hưu, khu, hổ khi đánh nhau thì thả chúng ra trợ chiến. Quân của Xuy Vưu tuy hung dữ nhưng gặp phải quân của Hoàng Đế có dã thú giúp sức thì không địch nổi, liền tan vỡ tháo chạy. Sau đó vào cuối thời nhà Thương, Chu Vũ Vương Cơ Phát đã chỉ huy đội quân tinh nhuệ tên gọi Hổ Bí gồm 300 chiến xa và 3,000 quân tập kích kinh đô Triều Ca đánh bại quân Trụ Vương.
Trong thời kỳ Tam Quốc, đội kỵ binh tinh nhuệ nhất chính là Hổ Báo Kỵ của nhà Tào Ngụy, trong đó quân binh đều do “Tào Thuần đôn đốc Hổ Báo Kỵ, đều là thiên hạ kiêu nhuệ” (Ngụy Thư). Những danh tướng mạnh nhất triều Tào Ngụy đều bước ra từ Hổ Báo kỵ. Trong đó có 8 vị tướng nổi tiếng nhất được mệnh danh là “Bát Hổ kỵ” từng được nhắc tới trong Tam quốc chí, bao gồm Hạ Hầu Uyên, Hạ Hầu Đôn, Hạ Hầu Thượng, Tào Nhân, Tào Hồng, Tào Thuần, Tào Chân, Tào Tu.
Thời hiện đại châu Á có Sư đoàn bộ binh Mãnh Hổ Đại Hàn từng tham chiến tại Việt Nam. Quân lực Việt Nam Cộng hòa cũng sử dụng hình ảnh con hổ để biểu trưng cho một số đơn vị nổi tiếng của họ như: Tiểu đoàn biệt động hổ đen của Sư đoàn 23 Bộ binh Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Tiểu đoàn 42 Biệt động quân hổ ba đầu rắn (KBC 4533), Tiểu đoàn hổ Biển (tiểu đoàn 6) của Thủy quân Lục chiến Việt Nam Cộng Hòa từng tham chiến trong Trận Thành cổ Quảng Trị.
Một số loại vũ khí sử dụng sức mạnh công phá lớn cũng được đặt tên theo loài hổ, nhất là xe tăng và máy bay chiến đấu. Nhiều máy bay chiến đấu được đặt tên theo loài hổ (tiger). Dòng máy bay chiến đấu từng rất thông dụng trên thế giới của Không quân Hoa Kỳ là Northrop F-5 cũng ra mắt phiên bản thứ hai có tên là Tiger II. Ngoài ra còn nhiều loại máy bay chiến đấu khác có tên Tiger như: Grumman F-11 Tiger, Grumman F11F Super Tiger, Fieseler F2 Tiger, De Havilland Tiger Moth, trực thăng chiến đấu Eurocopter Tiger. Về xe tăng thì trong Chiến tranh thế giới thứ II, có loại xe tăng chủ lực hạng nặng vô cùng mạnh mẽ là Xe tăng Tiger I và Tiger II còn gọi là King Tiger của Đức quốc xã. Trận chiến giữa loại tăng này và xe tăng Liên Xô đã trở thành kinh điển trong lịch sử chiến tranh.
Hổ quyền, cuộc thi đấu biểu tượng của hoàng quyền
Như đã nói ở trên, Long là biểu tượng của vua thì Hổ ngoài biểu thị cho sự dũng mãnh của các binh sĩ, nó còn bị đem ra làm đối tượng để biểu dương sức mạnh của quân đội, cũng tượng trưng cho hoàng quyền.
Các triều đại của Việt Nam từ xưa đến nay đều có tổ chức các cuộc đấu với họ để biểu thị uy quyền của Hoàng gia và sức mạnh quân đội. Những cuộc thi đấu đẫm máu này vì để đảm bảo hoàng quyền luôn thắng, nên toàn bộ phải kết thúc với cái chết của Hổ, vốn trước đó đã bị bỏ đói, bẻ răng rút móng hết sức đau đớn. Tuy nhiên chúa sơn lâm của chúng ta với bản tính vũ dũng trời sinh đã luôn chiến đấu đến hơi thở cuối cùng trong hoàn cảnh tuyệt vọng và không ít lần để làm cho các vị vua đang nắm quyền cũng phải một phen kinh hồn khiếp vía. Lịch sử đến nay vẫn còn ghi lại như sau:
Vị hoàng hậu bảo vệ vua trước nanh vuốt hổ: “…Thượng hoàng (chỉ Trần Nhân Tông) thường làm chuồng hổ ở thềm Vọng Lâu, sai quân sĩ đánh nhau với hổ, thượng hoàng ngự trên lầu để xem, thái hậu (ý nói Bảo Thánh hoàng hậu) và phi tần đều theo hầu. Vì lầu thấp, song chuồng và thềm cũng thấp, con hổ chợt nhảy ra khỏi chuồng leo lên lầu, những người trên lầu đều chạy tán loạn cả, duy chỉ có thượng hoàng và thái hậu cùng 4, 5 người thị nữ vẫn ở đấy. Thái hậu nghĩ bụng không khỏi bị hại, mới lấy chiếu che cho thượng hoàng và cả mình. Con hổ lên lầu rồi kêu gầm lên mà nhảy xuống, không hại ai cả.” (Trích Đại Việt sử ký toàn thư)
Chuyện đấu hổ gần đây nhất còn được ghi nhận là vào thời nhà Nguyễn với di tích Hổ Quyền vừa được trùng tu, lần đấu hổ nguy hiểm đó có lẽ sẽ khiến ngay cả vua Gia Long cũng phải sợ hãi: “Con hổ hôm ấy to lớn lạ thường. Hình như nó cho mình là chúa sơn lâm, không hề sợ con vật nào! Cửa chuồng vừa mở, nó đã vọt như một mũi tên ra xa, kề sát bên voi, quật ngã ngay quản tượng. Voi như mất phương hướng vì không có người điều khiển, quay đầu chạy đạp lên người quản tượng. Quan quân và dân chúng hoảng kinh kêu rú lên. Một toán lính chạy ra ngăn cản và khiêng xác viên quản tượng bị đè bẹp ra ngoài. Và con voi thứ hai được đưa ra đấu trường. Lần này, trên lưng voi có mấy binh sĩ cầm khí giới bảo vệ voi và quản tượng. Hổ vờn vài hiệp, thấy thế cố xé rào tìm lối thoát. Ba bốn khán giả bị hổ vồ cấu xé bị thương. Viên võ quan chỉ huy thấy vậy, ra lệnh phóng giáo giết hổ. Các vệ binh kéo xác con hổ bị thương vào giữa đấu trường cho ba bốn con voi lấy vòi tung lên như quả bóng rồi dẫm nát.”
Thời Minh Mạng, nhân ngày lễ Tứ Tuần Đại Khánh (năm 1829), đức vua cũng bị một phen hú vía và lần đầu tiên mục sở thị bản năng chiến đấu và bơi lội của chúa sơn lâm đáng sợ thế nào. Khi đó vua đang ngự thuyền rồng xem một trận đấu giữa voi và hổ ở bên bờ Bắc sông Hương. Trong khi giao đấu, hổ đã lao ra và bơi về phía thuyền rồng. Vua Minh Mạng kịp dùng con sào đẩy lùi được con hổ và nhờ vậy, quan quân mới kịp chèo thuyền đến giết chết hổ giữa dòng sông cứu vua kịp thời.
Tả quân Lê Văn Duyệt, vị Tổng trấn Gia Định thành tài giỏi và đầy quyền lực còn dùng tướng sĩ dưới quyền đấu với hổ để thị uy với sứ thần Xiêm La. Dưới thời cai trị của Lê Văn Duyệt, nước Xiêm La hùng mạnh cũng phải kiêng dè sức mạnh của Đại Nam mà không dám trở mặt.
“Khi Lê Văn Duyệt giữ chức tổng trấn thành Gia Định, một hôm, có sứ thần Xiêm La (Thái Lan bây giờ) ngồi trên vọng đài xem các võ sĩ ta đấu với hổ. Dân chúng thành Gia Định chen chúc nô nức đến xem. Lệnh của Tả quân là chỉ được bắt sống. Nhưng võ sĩ Lê Văn Khôi gặp con hổ dữ đã bị nó chồm lên và tát ngay vào gáy. Khôi né mình đánh một côn sắt vào hổ, hổ ngã lăn giãy giụa một lúc rồi chết. Sứ thần Xiêm La tấm tắc khen ngợi.
Nhưng Tả quân tức giận truyền cho quân sĩ bắt trói chịu tội. Lê Văn Khôi đến trước vọng đài cúi đầu xin tha tội vì đã giết lỡ hổ mà lệnh chỉ bắt sống. Võ sĩ xin đấu lại để chuộc tội, Tả quân đã bớt giận, truyền lính thả hổ khác cho Khôi bắt sống. Cuộc tỷ thí lần này thật hồi hộp, vờn nhau với hổ dữ, Khôi đã dùng miếng võ hiểm đá vào hàm dưới của hổ bất ngờ. Hổ đau quá, nằm lăn ra. Khôi lấy cuộn thừng dắt trong mình trói lại, trước khán đài xin chuộc tội.
Sứ thần không dứt lời khen dũng sĩ đấu với hổ. Tả quân Lê Văn Duyệt ung dung nói: “Bọn quân sĩ dưới trướng tôi đều như thế cả, có gì mà đại nhân phải ngợi ca”.
(trích“Cuộc đời oanh liệt của Tả quân Lê Văn Duyệt” của Lê Đình Chân)
Đông Phong
Xem thêm: