Chưa có bằng chứng về việc mũi bổ sung đem lại khả năng bảo vệ tốt hơn
Một quan chức đứng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết “không có bằng chứng” nào cho thấy rằng các liều bổ sung ngừa virus Trung Cộng sẽ mang lại “khả năng bảo vệ tốt hơn” cho những người khỏe mạnh.
Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, đã đặt vấn đề về tính logic khi mà một số quốc gia đang cố gắng sản xuất nhiều liều bổ sung hơn để chích ngừa cho những người từ 18 tuổi trở lên.
Ông Ryan cho biết: “Ngay tại thời điểm này, tôi chưa thấy một bằng chứng nào cho thấy việc chích bổ sung cho toàn bộ dân số của nước ta nhất định sẽ cung cấp khả năng bảo vệ tốt hơn cho những người khỏe mạnh chống lại việc nhập viện và tử vong.”
Ông nói: “Nguy cơ thực sự của bệnh nặng, nhập viện, và tử vong đặc biệt lại ở những cá nhân đang trong tình trạng nguy hiểm và dễ bị tổn thương, những người thực sự cần lớp bảo vệ chống lại tất cả các biến thể của COVID-19,” căn bệnh do virus của Trung Cộng gây ra. Các cơ quan y tế trên toàn thế giới thường coi những người lớn tuổi, những người có hệ thống miễn dịch bị thương tổn, và những người làm việc trong những môi trường có nguy cơ cao là những người dễ bị tổn thương.
Anh Quốc gần đây thông báo rằng họ đã có 114 triệu liều vaccine cho năm 2022 và 2023. Những liều này sẽ được cung cấp cho tất cả mọi người từ 18 tuổi trở lên vào cuối tháng 01/2022.
Hôm thứ Hai, Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi những người Mỹ từ 18 tuổi trở lên chích một mũi bổ sung do sự xuất hiện của biến thể Omicron COVID-19 ở miền nam Phi Châu. Đến nay, Hoa Kỳ đã phát hiện các ca nhiễm biến thể này ở 5 tiểu bang.
Giới chức y tế Nam Phi cho biết trong các cuộc phỏng vấn trong tuần này rằng những người đã nhiễm biến thể Omicron, được WHO đặt tên vào tuần trước, đang có các triệu chứng “rất nhẹ”. Hiện chưa có ca tử vong nào liên quan đến chủng COVID-19 này, mà các quan chức mô tả là có nhiều đột biến. Các quan chức của WHO cảnh báo rằng cho đến nay vẫn chưa đủ dữ liệu để xác định liệu biến thể này có thể gây ra bệnh nặng hơn hoặc xâm phạm lớp bảo vệ của hệ miễn dịch tự nhiên hoặc lớp miễn dịch được tạo ra do chích ngừa hay không.
Ở một số quốc gia, họ bắt buộc [người dân] phải chích một liều bổ sung sáu tháng sau phác đồ chích ngừa ban đầu để được coi là “đã chích ngừa đầy đủ”. Hiện tại, các quan chức ở Hoa Kỳ, bao gồm các thống đốc của New Mexico và Connecticut, đang tuyên bố rằng một người không thể được coi là đã được chích ngừa đầy đủ trừ khi họ đã được chích liều bổ sung.
Đầu năm nay, Israel đã quy định chích mũi bổ sung là một điều kiện để sử dụng giấy thông hành vaccine COVID-19 “thẻ xanh” (“green pass”) để được vào một số cơ sở kinh doanh nhất định của quốc gia đó. Trong khi đó, đại công ty dược phẩm Pfizer nói với BBC rằng kể từ bây giờ có thể sẽ cần chích ngừa bổ sung hàng năm.
Bình luận của ông Ryan được đưa ra khi các quan chức khác của WHO chỉ trích Hoa Kỳ, các nước Âu Châu, Israel và những nước khác về việc áp đặt lệnh cấm đi lại đối với các quốc gia ở miền nam Phi Châu do biến thể Omicron. Trước đây, lãnh đạo của WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, đã kêu gọi các quốc gia giàu có cung cấp liều vaccine ban đầu cho các quốc gia nghèo hơn, thay vì tập trung vào việc chích mũi bổ sung cho dân chúng của họ.
Ông Jack Phillips là một phóng viên tin tức thời sự của The Epoch Times tại New York.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: