Chủ tịch Tập tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 qua liên kết video
Hôm 29/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ hội đàm với các nhà lãnh đạo của Nhóm 20 quốc gia có nền kinh tế lớn (G-20) thông qua một liên kết video.
Tại một buổi họp báo cùng ngày, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Uông Văn Bân (Wang Wenbin) cho biết, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị sẽ ở Rome cho sự kiện hai ngày bắt đầu vào thứ Bảy (30/10).
Trong khi biến đổi khí hậu và phục hồi kinh tế là những đề mục hàng đầu của nghị trình, không rõ liệu các nhà lãnh đạo, bao gồm cả Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, có gây áp lực với Bắc Kinh về một số vấn đề hệ trọng, chẳng hạn như việc nhà cầm quyền này vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông, vốn thu hút ngày càng nhiều sự chỉ trích từ cộng đồng quốc tế.
Bắc Kinh đã nói với Hoa Thịnh Đốn vào tháng Tám rằng việc hợp tác với chính phủ Tổng thống Biden về các vấn đề như biến đổi khí hậu sẽ phụ thuộc vào việc liệu Hoa Kỳ có thể làm dịu các chính sách của mình đối với Bắc Kinh hay không.
Trong khi đó, các nhà lập pháp và các nhà hoạt động nhân quyền trên thế giới đã quy tụ tại Rome, kêu gọi các chính phủ không nới lỏng lập trường đối với Bắc Kinh chỉ để đổi lại việc hợp tác về vấn đề khí hậu.
Trung Quốc, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, đã chính thức đệ trình các mục tiêu khí hậu của mình vào thứ Năm (28/10), trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2021, còn được gọi tắt là COP26 ở Scotland. Tài liệu này bao gồm các mục tiêu đã được ông Tập công bố trước đó mà không đặt ra thêm mục tiêu nào.
Ông Tập đã cam kết rằng lượng khí thải carbon của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào năm 2030, và giảm về 0 trước năm 2060.
Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng điện năng nghiêm trọng. Điều này thể hiện ở việc hơn một nửa số tỉnh thành của nước này ban hành các biện pháp phân bổ điện năng, buộc các nhà máy phải giảm sản lượng hoặc thậm chí đóng cửa, đe dọa đến việc tăng trưởng kinh tế.
Do đó, quốc gia này đã mau chóng khai thác và đốt nhiều than hơn để ngăn chặn cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài trong mùa đông. Trung Quốc là nhà sản xuất và sử dụng than lớn nhất thế giới.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã báo cáo những số liệu tăng trưởng không khả quan trong quý III. Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội đạt mức thấp nhất trong một năm ở mức 4.9%, giảm 3% so với quý trước.
Tình trạng rối loạn này nhấn mạnh những thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt khi họ đang cố gắng cân bằng nhu cầu duy trì một nguồn cung cấp điện ổn định trong nước với cam kết giải quyết biến đổi khí hậu của mình.
Các nhà phân tích nói với The Epoch Times rằng ông Tập sẽ ưu tiên kiềm chế cuộc khủng hoảng điện vì điều này có thể gây ra “một số mức độ bất bình trong công chúng”, do đó đe dọa đến chiếc ghế quyền lực của ông.
Vào tháng 10 hoặc tháng 11/2022, các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) sẽ tổ chức Đại hội Đảng 5 năm một lần, trong đó sẽ bầu ra một nhóm lãnh đạo đứng đầu mới. Ông Tập đang tầm cầu một nhiệm kỳ 5 năm tại vị lần thứ ba chưa từng có tiền lệ sau khi trở thành nhà lãnh đạo quốc gia tối cao vào năm 2012.
Vị lãnh đạo Trung Quốc này đã không đặt chân ra khỏi Trung Quốc trong hơn 20 tháng sau khi kết thúc chuyến công du ngoại quốc lần gần đây nhất đến Miến Điện hồi tháng 01/2020. Ông được cho là cũng sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh COP26 qua liên kết video vào tuần tới.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press và Frank Fang
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: