Chủ tịch Tập đưa ra thông báo tới khu vực Á Châu–Thái Bình Dương trong khi chỉ trích Hoa Kỳ
Hôm 11/11, trong một bài diễn văn video được ghi âm trước cho hội nghị thượng đỉnh APEC, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra lời cảnh báo tới các quốc gia thân thiết với Hoa Kỳ ở khu vực Á Châu – Thái Bình Dương, trong một hành động chỉ trích dễ thấy nhằm phản đối sự hình thành của một liên minh do Hoa Thịnh Đốn dẫn đầu chống lại chủ nghĩa cộng sản.
“Các nỗ lực vẽ ra các đường lối tư tưởng hay hình thành các vòng tròn nhỏ trên cơ sở địa chính trị nhất định sẽ thất bại,” ông Tập nói với diễn đàn CEO của Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu – Thái Bình Dương (APEC), mà không nêu đích danh quốc gia nào.
Ông Tập nói thêm, “Khu vực Á Châu – Thái Bình Dương không thể và không nên tái diễn việc đối đầu và chia rẽ như thời kỳ Chiến tranh Lạnh.”
APEC có 21 thành viên, trong đó có Úc, Trung Quốc, Canada, New Zealand, Đài Loan, và Hoa Kỳ. Năm nay, hội nghị thượng đỉnh này được New Zealand tổ chức trực tuyến.
Giống như ông Tập, các quan chức của chính quyền Trung Quốc cũng đã chỉ trích các liên minh phương Tây mà Hoa Kỳ là một phần trong đó. Gần đây nhất, sự lên án này đã nhắm vào hiệp ước quốc phòng AUKUS mới được thành lập, một thỏa thuận an ninh giữa Hoa Kỳ, Anh Quốc, và Úc. Theo bản thỏa thuận này, Úc sẽ trang bị một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Hồi tháng Mười, ông Hồng Tiểu Dũng (Hong Xiaoyong), đại sứ của Trung Quốc tại Singapore, đã chỉ trích Hoa Kỳ vì đã “hình thành ngày càng nhiều các ‘vòng tròn nhỏ’”, trong một bài bình luận được đăng trên tờ The Strait Times. Ông đã nêu tên Ngũ Nhãn, Bộ Tứ, và AUKUS để dẫn chứng cho các vòng tròn như vậy.
Ngũ Nhãn là một liên minh chia sẻ thông tin tình báo giữa Úc, Canada, New Zealand, Anh Quốc, và Hoa Kỳ. Bộ Tứ được cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thành lập vào năm 2007, bao gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, và Hoa Kỳ.
Hôm 19/10, ông Uông Văn Bân (Wang Wenbin), phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã cáo buộc AUKUS đang áp dụng “tâm lý Chiến tranh Lạnh”, nói rằng liên minh này nhằm mục đích kích động “sự đối đầu giữa các khối”.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Tập quyết định sử dụng một diễn đàn quốc tế để tấn công Hoa Thịnh Đốn. Hồi tháng Chín, trong một bài diễn văn được ghi âm trước cho Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 76, ông nói rằng thế giới cần phải “loại bỏ thông lệ hình thành các vòng tròn nhỏ hay trò chơi tổng bằng 0.”
Ý định trở thành một phần của AUKUS của Úc gần đây đã được ông Arthur Sinodinos, đại sứ của quốc gia này tại Hoa Kỳ, giải thích trong một cuộc nói chuyện trực tuyến do Viện Hudson có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn tổ chức.
Ông Sinodinos nói rằng việc trở thành thành viên của AUKUS là để duy trì trật tự dựa trên luật lệ quốc tế. Đối với các quốc gia như Trung Quốc, đại sứ này nói rằng họ “không thể cư xử như mình có nhiều quyền lực để gây ảnh hưởng” lên các quốc gia khác.
Ngoài ra, vị đại sứ này nói rằng tham gia AUKUS là để bảo vệ Úc.
Ông giải thích rằng, “Trong những hoàn cảnh chiến lược ngày càng xấu đi này, chúng tôi muốn có khả năng có thể phát huy sức mạnh của mình hơn nữa, thay vì giữ quan điểm rằng tất cả sự phòng thủ của chúng tôi là bảo vệ đất liền.”
Bắc Kinh bị chỉ trích
Cũng trong bài diễn văn bằng video của mình, ông Tập đã nhiều lần kêu gọi sự hợp tác giữa các thành viên APEC, bao gồm cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, đổi mới khoa học và công nghệ, và phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế đã đặt nghi vấn về sự sẵn sàng hợp tác của Trung Quốc trong cuộc chiến toàn cầu chống lại COVID-19, một căn bệnh do virus Trung Cộng gây ra. Bắc Kinh đã bị chỉ trích vì đã không hợp tác với một nhóm điều tra do Tổ chức Y tế Thế giới đứng đầu tiến hành điều tra cơ sở tại Vũ Hán, Trung Quốc, vào đầu năm nay.
Ông Tập cũng nói về ý định của Trung Quốc trong việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một hiệp định thương mại tự do giữa 11 quốc gia trong đó có Úc, Canada, Mexico, Peru, Singapore, và Việt Nam. Bắc Kinh đã nộp đơn xin gia nhập hiệp định thương mại này hồi tháng Chín.
Vị lãnh đạo Trung Quốc này cũng hứa hẹn sẽ cởi mở nhiều hơn về các lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất, và dịch vụ của quốc gia này.
Các nhà lập pháp thuộc cả hai Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nỗ lực gia nhập CPTPP của Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ Tom Cotton (Cộng Hòa-Arkansas), trong một lá thư (pdf) hôm 05/10, kêu gọi Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai sử dụng các công cụ có sẵn theo Hiệp định Hoa Kỳ–Mexico – Canada (USCMA) để ngăn Trung Quốc tham gia hiệp định 11 quốc gia này.
Ông Cotton viết, “Trung Quốc còn xa mới tuân thủ các tiêu chuẩn của CPTPP về các doanh nghiệp quốc doanh, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, và nhiều lĩnh vực khác”.
“Việc Trung Quốc tham gia CPTPP sẽ như là phần thưởng cho hành vi trộm cắp và cưỡng ép kinh tế do nhà nước này bảo trợ vốn là một đặc điểm điển hình của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: