Chủ tịch Ngân hàng Thế giới: Suy thoái toàn cầu có vẻ chắc chắn sẽ xảy ra
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass nói rằng một cuộc suy thoái toàn cầu có vẻ chắc chắn sẽ xảy ra khi cuộc chiến ở Ukraine tiếp diễn, thúc đẩy giá thực phẩm và năng lượng cao hơn khiến áp lực lạm phát rộng hơn ở mức cao.
Ông Malpass đã đưa ra những nhận xét đó trong một cuộc thảo luận trực tuyến hôm 25/05 được tổ chức bởi Phòng Thương mại Hoa Kỳ, nơi vật lộn với một số cuộc khủng hoảng toàn cầu chồng chéo bao gồm cả những gián đoạn chuỗi cung ứng và lạm phát đang diễn ra.
“Khi chúng ta nhìn vào GDP toàn cầu … hiện giờ khó mà biết làm sao chúng ta tránh được một cuộc suy thoái. Ý tưởng tăng gấp đôi giá năng lượng là đủ để tự kích hoạt một cuộc suy thoái,” ông Malpass cho biết.
Người đứng đầu Ngân hàng Thế giới nói rằng các nền kinh tế lớn — trong đó có cả Đức và Hoa Kỳ — đã và đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng chậm hơn.
Ông Malpass nói thêm rằng Nga và Ukraine đều đã sẵn sàng đối mặt với sự suy giảm mạnh về sản lượng kinh tế của họ do chiến tranh.
“Đó là một viễn cảnh rất chông gai, đầy thách thức đối với các nền kinh tế tiên tiến nhưng thậm chí còn tồi tệ hơn đối với các nước đang phát triển,” ông nói, nhắc lại kết quả của một báo cáo gần đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), trong báo cáo đó các nhà kinh tế hàng đầu cho biết thế giới đang phải đối mặt với sự kết hợp phức tạp của những thách thức, bao gồm cả lạm phát cao và tình trạng mất an ninh lương thực lớn hơn mà có thể dẫn đến bất ổn xã hội ở một số quốc gia đang phát triển.
Những nhận xét của ông được đưa ra cùng ngày khi cơ quan thống kê của Đức công bố dữ liệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất Âu Châu đã cố gắng tránh cuộc suy thoái trong quý đầu tiên, mặc dù phải đối mặt với các áp lực liên quan đến đại dịch và chiến tranh.
Ông Georg Thiel, chủ tịch Văn phòng Thống kê Liên bang, cho biết trong một tuyên bố: “Chiến tranh ở Ukraine và đại dịch COVID-19 đang tiếp diễn đã làm gia tăng những biến dạng hiện có, bao gồm những gián đoạn trong chuỗi cung ứng và giá cả tăng cao.”
Ông Thiel nói thêm: “Bất chấp những điều kiện khung khó khăn trong nền kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Đức bắt đầu năm 2022 với sự tăng trưởng nhẹ.”
Nền kinh tế Đức giảm 0.3% trong quý 4 năm 2021, mặc dù nó đã cố gắng đạt được tốc độ tăng trưởng 0.2% trong quý 1 năm 2022, vừa đủ tránh được suy thoái kinh tế.
Suy thoái thường được định nghĩa là hai quý liên tiếp giảm so với quý trước.
Cuộc thảo luận về suy thoái đã trở nên phổ biến hơn trong giới phân tích, với ngày càng nhiều chuyên gia và giám đốc điều hành báo hiệu khả năng suy thoái.
Ông Charlie Scharf, người đứng đầu Wells Fargo, cho biết khả năng nền kinh tế suy thoái trong tương lai gần là “không phải bàn cãi,” trong khi cựu Giám đốc điều hành Goldman Sachs, Lloyd Blankfein đã mô tả nguy cơ suy thoái “rất, rất cao”.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs gần đây đã đặt khả năng Hoa Kỳ suy thoái trong vòng hai năm tới là 35%.
Trong nhận xét của mình, ông Malpass đã không dự đoán thời điểm mà ông nghĩ là cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ bắt đầu.
Tháng trước, Ngân hàng Thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2022 gần một điểm phần trăm, từ 4.1% xuống 3.2%, với lý do các tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Những lo lắng về một cuộc suy thoái kinh tế đã dẫn đến việc bán tháo mạnh trên thị trường.
Chỉ số blue-chip Dow và chỉ số S&P 500 tiêu chuẩn lần lượt giảm 11.6% và 16.5% tính đến thời điểm hiện tại, trong khi chỉ số Nasdaq nặng về công nghệ đã giảm gần 27% do các cổ phiếu có mức tăng trưởng bội số cao bị ảnh hưởng bởi việc tăng lãi suất.
Reuters đã đóng góp vào báo cáo này.
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: