Chủ tịch hiệp hội: Hệ thống 911 lâm nguy giữa ‘tình trạng thiếu hụt lao động gây tê liệt’
Một nhóm dịch vụ y tế khẩn cấp (EMS) đã đưa ra cảnh báo về tình trạng thiếu hụt nhân lực trên toàn Hoa Kỳ mà có thể làm tê liệt hệ thống 911 ở một số nơi.
Chủ tịch Hiệp hội Xe cứu thương Hoa Kỳ Shawn Baird nói với Fox News hôm 10/10 rằng, “Đây là một vấn đề đã phát triển trong nhiều năm do Quốc hội thường xuyên cung cấp tài chính thiếu hụt cho các dịch vụ xe cứu thương trong thời gian dài, nhưng chắc chắn trong thời gian đại dịch, mọi thứ đã lên đến mức khủng hoảng.”
Trong những tháng gần đây, “chúng ta đã chứng kiến một lượng lớn lực lượng lao động bị tiêu hao và các trường học đã đóng cửa các cơ sở đào tạo nhân viên cấp cứu và ngừng tốt nghiệp sinh viên mới trong năm ngoái, vì vậy chúng tôi đột nhiên rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng,” ông Baird nói.
Tổ chức của ông đã gửi một bức thư tới giới lãnh đạo Hạ viện và Thượng viện nói rằng hệ thống EMS đang phải đối mặt với một “tình trạng thiếu hụt lao động gây tê liệt,” lưu ý rằng đó là một “vấn đề dài hạn đã tích tụ trong hơn một thập niên.” Bức thư cảnh báo tình trạng thiếu hụt lao động có thể làm suy yếu hệ thống khẩn cấp 911 và đáng được Quốc hội lưu tâm.
Trong một nghiên cứu (pdf) do Nghiên cứu về Tỷ lệ Nhân Viên Nghỉ Việc Trong Ngành Xe Cứu Thương Năm 2019 của nhóm này phát hành, tỷ lệ nghỉ việc của nhân viên cấp cứu và kỹ thuật viên y tế cấp cứu (EMT) là 20% đến 30%. Con số này đã tăng lên kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu vào năm ngoái, ông Baird nói với Fox News.
Ông Baird nói với NBC hôm 08/10, cảnh báo về hệ thống 911, “Khi quý vị lấy một hệ thống vốn đã mỏng manh và dàn trải nó ra vì quý vị không có đủ người vào ngành này, rồi quý vị trút một tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng và tất cả những gánh nặng khác mà tình trạng đó đè lên lực lượng lao động của chúng tôi, cũng như tình trạng thiếu hụt lao động trên toàn bộ nền kinh tế, thì điều đó thực sự đã khiến chúng tôi rơi vào tình trạng khủng hoảng.”
Quy định chích ngừa bắt buộc có thể góp phần vào tình trạng thiếu hụt
Tại một số khu vực, các quy định chích ngừa bắt buộc đã góp phần gây ra tình trạng thiếu lao động EMS, các quan chức cho biết.
Bà Julie Keizer, người quản lý thị trấn Waldoboro, Maine, nói với NewsCenter Maine rằng “quy định chích ngừa bắt buộc đã góp phần khiến các nhân viên ứng phó khẩn cấp rời đi.”
Bà Keizer nói, “Tôi nghĩ một phần của vấn đề là mọi người đều nghĩ [nhân viên] sẽ tuân theo vì không ai muốn mất việc. Nhưng khi quý vị nhìn vào mức lương của nhân viên cấp cứu, họ có thể kiếm được nhiều hơn khi vận chuyển hàng hóa thay vì bệnh nhân.”
Trong khi đó, đầu tháng này (10/2021), gần 900 nhân viên cứu hỏa ở Los Angeles đã đệ trình một thông báo về ý định khởi kiện thành phố về quy định chích ngừa bắt buộc của Los Angeles dự kiến sẽ có hiệu lực trong những tuần tới.
Ông Kevin McBride, luật sư của lực lượng cứu hỏa, viết trong một thông báo, “Các khiếu nại sẽ được nộp lên Tòa án Cao cấp như một vụ án dân sự không giới hạn theo Bộ luật Tố tụng Dân sự California.”
Bà Deborah Clapp, giám đốc điều hành của Western Mass Medical Services ở Massachusetts, nói với truyền thông địa phương rằng đội ngũ nhân viên làm việc quá sức và mức lương thấp có thể góp phần vào tỷ lệ nghỉ việc cao và thiếu nhân lực.
Bà nói với Fox6, “Điều gì sẽ xảy ra nếu có một thảm họa nào đó? Và một thảm họa không cần quá lớn ở phía tây Massachusetts. Chúng tôi cần tất cả những công việc hậu cần này để có thể vào đúng vị trí để giải quyết những sự kiện này, và trong khi đó, 911 vẫn đang được gọi vì có cơn đau tim, em bé chào đời, tai nạn xe hơi… Chúng tôi có một trung tâm chấn thương ở phía tây Massachusetts. Một trung tâm chấn thương cấp một.”
Hiệp hội Xe cứu thương Hoa Kỳ đã không phúc đáp ngay lập tức yêu cầu bình luận của The Epoch Times về các quy định chích ngừa bắt buộc.
Ông Jack Phillips là một phóng viên cao cấp của The Epoch Times tại New York.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: