Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia súc: Thịt bò từ Brazil và Canada được gắn nhãn sản xuất tại Hoa Kỳ
Chính phủ Hoa Kỳ cần bảo đảm chuỗi cung ứng thịt
Tiến sĩ Brooke Miller là chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia súc Hoa Kỳ (USCA), đại diện cho các nhà sản xuất gia súc nhỏ, các ngành phụ trợ, các nhà chăn nuôi, và các công việc để bảo đảm lợi nhuận của việc chăn nuôi gia súc và canh nông ở Hoa Kỳ. Bất chấp những nỗ lực của tổ chức này, ông Miller chỉ ra mối đe dọa tiềm tàng mà ngành chăn nuôi gia súc Hoa Kỳ phải đối mặt, chủ yếu là do sự độc quyền của các công ty đóng gói thịt mang tới.
Ông Miller cảnh báo rằng ngày càng nhiều chủ trang trại nhỏ sẽ ngừng kinh doanh và tình trạng khan hiếm thịt trong tương lai có thể xảy ra do chúng ta phụ thuộc vào thịt từ các quốc gia ngoại bang như Brazil và Canada, những nơi được phép gắn nhãn mác thịt do ngoại quốc sản xuất là được nuôi tại Hoa Kỳ.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 24/08 với chương trình “Facts Matter” của EpochTV, ông Miller cho biết, một số công ty lớn “nhập thịt bò từ ngoại quốc và dán nhãn là thịt bò Hoa Kỳ. Họ có thể làm điều này bởi vì “chính phủ của chúng ta cho phép.”
Ghi nhãn quốc gia xuất xứ [COOL]
Ông Miller nói, khi chính phủ Hoa Kỳ cố gắng yêu cầu các nhà bán lẻ hiển thị quốc gia xuất xứ của sản phẩm thịt được bán ở Hoa Kỳ trên các nhãn mác, “chính phủ Canada và chính phủ Mexico đã kiện Hoa Kỳ và Tổ chức Thương mại Thế giới, nói rằng điều đó chống lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ.”
“[Chính phủ Hoa Kỳ] đã bãi bỏ việc Ghi nhãn Quốc gia xuất xứ [COOL] hồi tháng 06/2015. Ngay lập tức, trong vòng một tuần, chúng ta đã chứng kiến giá gia súc sống giảm 40%.”
Kể từ đó, thịt được dán nhãn và bán như một sản phẩm của Hoa Kỳ tại các thị trường Hoa Kỳ “không cần phải được sinh ra ở đây, không phải chăn nuôi ở đây, không phải giết mổ ở đây. Thịt chỉ cần có thể được đóng gói lại và dán nhãn lại.”
Ông Miller nói, ngành công nghiệp chăn nuôi gia súc của Hoa Kỳ đã “mất đi hàng ngàn và hàng ngàn các chủ trang trại gia súc trong vài thập niên qua. Và tất cả đều dựa trên thực tế là chúng ta có bốn tập đoàn đa quốc gia thống trị ngành công nghiệp protein thực phẩm, và họ có những biện pháp chống cạnh tranh.”
Bốn công ty đóng gói thịt lớn nhất, kể cả thịt bò, là Cargill (trụ sở tại Hoa Kỳ), thịt bò Tyson (Trung Quốc và Canada), và hai công ty Brazil, Marfrig và JBS.
Ông Miller đổ lỗi cho chính phủ Hoa Kỳ đã cho phép loại hình độc quyền này làm tổn thương các chủ trang trại gia súc Hoa Kỳ và kêu gọi chính phủ hỗ trợ ngành nông nghiệp địa phương và ngành công nghiệp thịt.
The Epoch Times đã không nhận được phúc đáp ngay lập tức từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ về đề nghị bình luận.
Ông Miller nói: “Tôi nghĩ rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 và các vấn đề chuỗi cung ứng mà chúng tôi gặp phải cho thấy rằng độc quyền không phải là cách hiệu quả nhất để thực hiện điều đó. Chúng ta cần một hệ thống thực phẩm mang tính khu vực và đa dạng hơn.”
Ông Miller cho biết, ngành chăn nuôi gia súc Hoa Kỳ đang ở trong tình trạng mong manh và không thể chịu đựng được bất kỳ cuộc khủng hoảng lớn nào, kể cả khủng hoảng tự nhiên hay khủng hoảng kinh tế.
“Ban đầu khi đại dịch xảy ra, chúng ta đã thấy có sự khan hiếm thịt ở quầy thịt bò và quầy bán thịt. Chúng ta đã thấy giá thực sự tăng cao. Và chúng ta đã chứng kiến một sự sụt giảm đáng kể trong những gì mà các nông dân và các chủ trang trại hoặc các cơ sở chăn nuôi nhận được cho những đàn gia súc béo của họ, và sự sụt giảm này đã ảnh hưởng tới các nhà sản xuất.”
4 hãng lớn kiểm soát sản xuất thịt
Ông Miller giải thích quy trình sản xuất thịt: các chủ trang trại chăn nuôi gia súc chăn nuôi gia súc để bán; những gia súc này sau đó được người mua mua và gửi đến các trại chăn nuôi, nơi chúng được vỗ béo, thông thường theo một chế độ ăn giá rẻ; và sau đó những người đóng gói mua gia súc từ các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, và đóng gói thịt để bán cho những nhà bán sỉ hoặc bán lẻ.
Ông Miller cho biết thị trường “phân chia” giữa cơ sở chăn nuôi và nhà đóng gói, “và [bốn công ty đóng gói thịt lớn] có sự độc quyền đến mức thực sự không có thị trường tự do trên thị trường gia súc béo sống.”
Ông Miller nói, sự phân chia này đã cho phép rất nhiều thịt được bán cho người tiêu dùng Mỹ dưới vỏ bọc là thịt sản xuất trong nước nhưng phần lớn được nuôi ở Canada và Mexico.
“Họ có thể kiểm soát nguồn cung của mình và có thể buộc thị trường giao ngay giảm giá. Và thị trường giao ngay đã trở nên rất mỏng, có nghĩa là không còn nhiều gia súc được bán trên thị trường giao ngay nữa — hầu hết chúng đều được sở hữu từ trước hoặc có những giao dịch ưu đãi bí mật với những công ty chăn nuôi lớn này.”
Ông Miller cho biết tình trạng này đã và đang làm tổn hại đến vùng nông thôn nước Mỹ, gây ra tổn thất, và góp phần vào chứng nghiện opioid.
“Ở nông thôn Mỹ rất khó khăn vì nông thôn Mỹ quá phụ thuộc vào nông nghiệp. Và khi giá nông sản giảm, thì tất cả các vùng nông thôn của Mỹ đều phải gánh chịu.”
Chính phủ Hoa Kỳ cần phải tác động nhiều hơn nữa
Ông Miller đổ lỗi cho chính phủ Hoa Kỳ vì đã không tác động nhiều hơn nữa để hỗ trợ các chủ trang trại và nông dân của Hoa Kỳ và cho biết Bộ Tư pháp nên bắt đầu buộc các công ty lớn phải chịu trách nhiệm về các hành vi chống cạnh tranh.
Quốc hội có một dự luật quan trọng đang trong quá trình lập pháp, được gọi là Đạo luật Minh bạch và Xác định Giá Gia súc năm 2020, mà ông Miller cho biết sẽ bắt đầu giúp các chủ trang trại gia súc của Hoa Kỳ.
Ông nói: “Những gì chúng ta đang cố gắng làm là đặt ra một mức tối thiểu bắt buộc mà mỗi công ty trong số các nhà đóng gói này phải tham gia vào thị trường giao ngay trực tiếp với một tỷ lệ nhất định mỗi tuần.”
Hồi tháng Sáu, Ủy ban Thượng viện Hoa Kỳ về Nông nghiệp, Dinh dưỡng, và Lâm nghiệp đã đồng thuận thông qua Đạo luật S. 4030, Đạo luật Minh bạch và Xác định Giá Gia súc năm 2022.
Ông Miller cho biết trong một thông cáo báo chí hồi tháng Sáu thông qua USCA rằng, “Dự luật này là một trong những giải pháp rất cần thiết cho một ngành công nghiệp thịt ngày càng được hợp nhất lại. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu không có sự can thiệp của chính phủ, thương mại đàm phán trên thị trường Hoa Kỳ sẽ giảm xuống tới mức 0% vào năm 2026 ở một số vùng của quốc gia. Khi các nhà sản xuất không có khả năng thương lượng giá cả hợp lý cho gia súc của họ dựa trên các điều kiện thị trường hiện tại, thì sẽ dẫn đến một chuỗi cung ứng thịt bò được tích hợp theo chiều dọc, do doanh nghiệp kiểm soát. Sự độc quyền này đe dọa sinh kế của các nhà sản xuất và an ninh của hệ thống lương thực quốc gia của chúng ta.”
Ông Miller muốn tổng thống và Quốc hội phải làm việc nhiều hơn nữa để bảo đảm chuỗi cung ứng thịt của Hoa Kỳ, và để chúng ta không rơi vào tình trạng thiếu lương thực trong tương lai.
Ông Miller nói: “Tôi muốn nói thêm một điều, và Quốc hội có quyền làm điều này, và tổng thống có quyền làm điều này — và đó là đàm phán một hiệp định thương mại cho phép chúng ta ghi nhãn thịt bò của mình một cách công bằng và chính xác.” Nhưng đó sẽ là một cuộc chiến khó khăn vì các công ty lớn đầu tư mạnh vào vận động hành lang để kiểm soát thị trường thịt bò Hoa Kỳ, ông nói thêm.
Chúng ta phải hỏi về vấn đề này
Ông Miller nói, sự phụ thuộc vào các quốc gia khác đối với nhu yếu phẩm, chẳng hạn như Âu Châu cần dầu và khí đốt của Nga, không bao giờ có hiệu quả tốt trong dài hạn.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times