Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Mike Johnson: Hạ viện sẽ không bị Thượng viện ‘ép buộc’ về dự luật Ukraine
Ông nói, ‘Những gì chúng tôi đang làm hiện nay là Hạ viện đang hành động theo ý chí của mình.’
Hôm 14/02, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) lưu ý rằng Hạ viện sẽ không bị Thượng viện “ép buộc” chấp nhận dự luật viện trợ ngoại quốc có điều khoản tài trợ cho Ukraine.
“Đây là những vấn đề quan trọng được đặt lên bàn đàm phán. Thượng viện không thể ép buộc chúng tôi hành động, những dự luật mới nhất họ gửi cho chúng tôi không có một từ nào trong dự luật về biên giới của Mỹ, không một từ nào về an ninh,” ông nói với các phóng viên sau cuộc họp hội nghị hàng tuần của Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện.
Bình luận của ông Johnson được đưa ra hai ngày sau khi Thượng viện thông qua dự luật viện trợ ngoại quốc trị giá 95.3 tỷ USD trong cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 70 phiếu thuận-29 phiếu chống, có bao gồm cả hơn 61 tỷ USD tiền tài trợ cho Ukraine, 14 tỷ USD cho Israel trong cuộc chiến chống lại Hamas, và 4.83 tỷ USD cho các đối tác Ấn Độ-Thái Bình Dương, bao gồm cả Đài Loan, để chống lại sự gây hấn của Trung Quốc cộng sản.
Điều đó đã làm dấy lên sự phản đối từ một số thành viên Đảng Cộng Hòa, những người cho rằng biên giới Hoa Kỳ-Mexico cần được bảo đảm an toàn trước khi cung cấp ngân sách cho các đối tác ngoại quốc.
“Sở dĩ dự luật kia bị bác bỏ khi đến Hạ viện là vì luật không phù hợp với tình hình hiện tại,” ông Johnson nói. “Dự luật này sẽ không giải quyết được vấn đề. Quý vị không thể để lại những lỗ hổng lớn và hệ thống hóa một số điều đã khiến chúng ta rơi vào tình huống này.”
“Những gì chúng tôi đang làm hiện nay là Hạ viện đang hành động theo ý chí của mình.”
Những nỗ lực lập pháp khác
Thượng viện đã thông qua dự luật này sau khi không thể tiến hành bỏ phiếu về một dự luật trị giá 118 tỷ USD mà lẽ ra sẽ cung cấp số tiền viện trợ ngoại quốc đó bên cạnh việc ban hành các cải tổ an ninh về biên giới và nhập cư.
Dự luật như vậy sẽ yêu cầu đóng cửa biên giới nếu số lượt vượt biên bất hợp pháp hàng ngày đạt trung bình 5,000 trong một tuần nhất định, mặc dù việc đó sẽ bao gồm một thẩm quyền khẩn cấp để Bộ An ninh Nội địa (DHS) đóng cửa biên giới nếu đạt trung bình 4,000 cuộc chạm trán hàng ngày trong một tuần.
Thỏa thuận này cũng hạn chế quyền tạm tha của TT Joe Biden, một quyền lực cho phép ông có khả năng cho phép nhiều người nhập cư bất hợp pháp hơn vào đất nước và nâng ngưỡng pháp lý cho việc sàng lọc ban đầu đối với các đơn yêu cầu tị nạn.
Thỏa thuận này cũng sẽ giảm thời gian giải quyết đơn xin tị nạn từ vài năm xuống còn sáu tháng.
Dự luật này không bao gồm việc khôi phục chính sách Ở lại Mexico của cựu TT Trump, điều mà nhiều nghị sĩ Đảng Cộng Hòa đã nói với The Epoch Times là không thể thiếu.
“Chúng tôi sẽ giải quyết các vấn đề, chúng tôi sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình về vấn đề đó,” ông Johnson nói.
“Và tất cả những điều đó bắt đầu một cách nghiêm túc ngay bây giờ,” ông tiếp tục. “Chúng ta phải giải quyết vấn đề này một cách nghiêm túc. Chúng tôi thực sự đã giải quyết được các vấn đề chứ không chỉ giữ quan điểm chính trị như đã xảy ra ở một số góc khác.”
Mặc dù kêu gọi kết hợp các biện pháp an ninh biên giới cùng với viện trợ cho Ukraine, nhưng ông Johnson vẫn ủng hộ việc thông qua tiền viện trợ cho quốc gia Đông Âu này trong bối cảnh nước này đang có chiến tranh với Nga. Ông nói hồi đầu tháng này rằng dự luật như vậy “không bị bỏ qua.”
“Tất nhiên, chúng tôi không thể cho phép ông Vladimir Putin hành quân ra khắp châu Âu,” ông Johnson nói.
“Chúng tôi hiểu sự cần thiết phải viện trợ ở đó,” ông tiếp tục. “Điều chúng tôi đã nói là nếu cần có sự trợ giúp bổ sung cho Ukraine — điều mà hầu hết các thành viên Quốc hội tin là quan trọng — thì chúng tôi cũng phải nỗ lực thay đổi chính sách biên giới của chính mình.”
Ngay sau khi Thượng viện thông qua dự luật viện trợ ngoại quốc này, ông Johnson đã đưa ra một tuyên bố, và đã lặp lại một số trong đó trong bài diễn văn hôm 04/02 của mình.
“Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã nói rõ ngay từ đầu các cuộc thảo luận rằng bất kỳ cái gọi là luật bổ sung về an ninh quốc gia nào cũng phải công nhận rằng an ninh quốc gia bắt đầu từ biên giới của chính chúng ta,” ông nói.
“Nhiệm vụ của luật bổ sung về an ninh quốc gia là bảo đảm biên giới của chính nước Mỹ trước khi gửi thêm viện trợ ngoại quốc ra khắp thế giới,” ông tiếp tục. “Đó là điều mà người dân Mỹ yêu cầu và xứng đáng được hưởng.”
Ông Johnson kêu gọi Thượng viện thông qua dự luật biên giới cứng rắn mà Hạ viện đã thông qua hồi năm ngoái nhưng đã bị Thượng viện bác bỏ.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times