Chủ tịch Fed nói ngược với tuyên bố của ông Biden rằng chiến tranh Ukraine là tác nhân gây lạm phát lớn nhất
Hôm thứ Tư (22/06), Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell thừa nhận rằng lạm phát đã ở mức cao trước khi Nga xâm lược Ukraine, trái ngược với sự khăng khăng của chính phủ ông Biden rằng việc tăng giá chóng mặt phần lớn là do “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Moscow ở quốc gia Đông Âu này.
Ông Powell đã thừa nhận trong phiên điều trần của Ủy ban Ngân hàng Thượng viện sau khi Thượng nghị sĩ Bill Hagerty (Cộng Hòa-Tennessee) chất vấn vị chủ tịch Fed này về việc liệu ông có tin Ukraine là “động lực chính gây ra lạm phát ở Mỹ” hay không.
Ông Hagerty nói: “Tôi nhận ra rằng có một số yếu tố đóng vai trò trong đợt lạm phát lịch sử mà chúng ta đang trải qua này — sự gián đoạn chuỗi cung ứng, các quy định hạn chế nguồn cung, chúng ta có kỳ vọng lạm phát tăng và chi tiêu tài khóa quá mức, nhưng vấn đề đã không tự nhiên xuất hiện từ hư không.”
Nhà lập pháp này tiếp tục lưu ý rằng lạm phát là 1.4% vào tháng Một năm ngoái (2021) và đến tháng 12 cùng năm, nó đã tăng lên 7%, đánh dấu mức tăng gấp năm lần.
Kể từ khi quân đội Nga xâm lược Ukraine hôm 24/02, tỷ lệ lạm phát đã tiếp tục tăng vọt trên khắp Hoa Kỳ, tăng dần lên mức cao 8.6% vào tháng Năm, buộc nhiều người Mỹ phải thắt lưng buộc bụng và làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế.
Đáp lại những khẳng định của ông Hagerty, ông Powell thừa nhận rằng lạm phát đã ở mức cao trước khi Nga xâm lược nước láng giềng.
Ông Powell nói với các nhà lập pháp: “Không, lạm phát đã cao… chắc chắn là trước khi chiến tranh ở Ukraine nổ ra.”
Ông Hagerty trả lời, “Tôi rất vui khi nghe ông nói điều đó,” trong khi ông lưu ý rằng chính phủ ông Biden “dường như có ý định đùn đẩy trách nhiệm” và “vào Chủ Nhật vừa qua, vừa mới lan truyền thông tin sai lệch rằng cuộc xâm lược Ukraine của ông Putin là ‘động lực lớn nhất [và] duy nhất dẫn đến lạm phát.’”
Ông Hagerty nói với ông Powell: “Tôi rất vui vì ông đồng ý với tôi rằng đó không phải là sự thật.”
Đổ lỗi cho Nga
Trong nhiều tháng, Tòa Bạch Ốc vẫn cho rằng mức lạm phát tăng vọt là do Tổng thống Nga Vladimir Putin xâm lược Ukraine, hay điều mà các quan chức của ông Biden gọi là “sự tăng giá của ông Putin”.
Chính phủ đã nhấn mạnh một lần nữa về nhận định đổ lỗi đó trong một bài đăng trên Twitter vào thứ Hai (20/06).
Tòa Bạch Ốc viết: “Với động lực duy nhất của lạm phát là cuộc chiến của ông Putin chống lại Ukraine, [ông Biden] đã có hành động để giảm bớt tác động của Sự Tăng Giá Của Ông Putin đối với các gia đình.”
Tuy nhiên, một số nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa và các chuyên gia khác từ lâu đã khẳng định rằng xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine không phải là lý do chính khiến lạm phát tăng vọt và giá dầu biến động, thay vào đó họ chỉ ra một số chính sách của ông Biden.
Năm ngoái (2021), tổng thống đã chấm dứt dự án đường ống Keystone XL được dự tính sẽ mang lại 900,000 thùng dầu thô mỗi ngày từ Alberta đến các nhà máy lọc dầu trên Vùng Duyên hải Vịnh Mexico của Hoa Kỳ, với lý do những tác động được dự báo của biến đổi khí hậu.
Các thành viên Đảng Cộng Hòa và những người ủng hộ đường ống trị giá 9 tỷ USD này từ lâu đã cho rằng nó sẽ mang lại lợi ích cho đất nước, cắt giảm mạnh giá xăng cho người Mỹ.
Trong khi đó, các biện pháp hỗ trợ tài chính đáng kể của chính phủ ông Biden nhằm thúc đẩy nền kinh tế trong thời kỳ đại dịch COVID-19, chẳng hạn như Đạo luật Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ (American Rescue Plan Act) trị giá 1.9 ngàn tỷ USD hồi tháng 03/2021 và Đạo luật Chi tiêu Đa mục đích (Omnibus Spending Act) trị giá 1.5 ngàn tỷ USD hồi tháng 03/2022, cũng góp phần gây ra lạm phát.
Nghiên cứu từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang San Francisco được công bố vào tháng Ba lưu ý rằng điều này có thể là chính xác (pdf).
Gói kích thích COVID đã góp phần vào lạm phát
Các nhà nghiên cứu kết luận: “Hoa Kỳ đang trải qua tỷ lệ lạm phát cao hơn so với các nền kinh tế tiên tiến khác … các biện pháp hỗ trợ tài khóa lớn nhằm chống lại sự suy sụp kinh tế do đại dịch COVID-19 có thể giải thích cho khoảng 3% của sự gia tăng lạm phát gần đây.”
Trong khi ông Powell cho biết ông đang nhắm đến một cuộc “hạ cánh mềm” dành cho nền kinh tế Hoa Kỳ bằng cách tăng lãi suất mà không gây suy thoái kinh tế, chủ tịch Fed thừa nhận đây sẽ là một nhiệm vụ đầy thách thức và “sẽ không dễ dàng.”
Lời chứng của ông Powell được đưa ra sau khi Ngân hàng Trung ương trong tháng này tăng lãi suất chuẩn lên 75 điểm cơ bản, mức tăng lớn nhất trong gần 3 thập niên.
Trong khi đó, theo State Inflation Tracker của Ủy ban Kinh tế Liên hợp lưỡng đảng, lạm phát khiến các gia đình Mỹ trung bình tiêu tốn thêm 635 USD trong tháng Năm và dự kiến sẽ tiêu tốn thêm 7,620 USD trong năm tới.
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống và làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô viết về tin tức nói chung và tin kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.