Chủ tịch FED cho rằng mức nợ hiện tại của Hoa Kỳ ‘rất bền vững’
Hôm 14/04, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell đã đáp trả các cảnh báo về thâm hụt ngân sách liên bang và nợ quốc gia tăng mạnh do các biện pháp tài khóa tích cực chống lại đại dịch và nói rằng “mức nợ hiện tại là rất bền vững.”
Ông nói trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến do Câu lạc bộ Kinh tế của Hoa Thịnh Đốn tổ chức rằng, “Không phải bàn cãi về khả năng trả nợ và tiếp tục vay nợ của chúng tôi trong tương lai gần.”
Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng nợ quốc gia đang tăng “nhanh hơn đáng kể” so với nền kinh tế Hoa Kỳ.
Ông Powell cho biết, “Thực sự là điều này không bền vững nếu kéo dài. Nhưng không thể nói rằng mức nợ hiện tại là không bền vững. Không phải vậy.”
Nợ liên bang phát hành ra công chúng đạt 100% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm tài chính vừa qua. Và gói cứu trợ virus corona trị giá 1.9 nghìn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden được ký thành luật hồi tháng 03/2021 đã làm tăng thâm hụt và nợ quốc gia hơn nữa. Tổng nợ liên bang đang trên đà đạt mức 30 nghìn tỷ USD.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội dự báo nợ liên bang sẽ đạt mức 107% GDP vào năm 2031, mức cao nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Ông Powell cho biết, khi nền kinh tế vững mạnh, Hoa Kỳ sẽ tập trung giải quyết vấn đề nợ.
Ông nói: “Cuối cùng chúng ta cũng sẽ phải quay lại con đường phát triển bền vững. Điều này nên được thực hiện tốt nhất là khi nền kinh tế ở mức toàn dụng lực lượng lao động và khi các khoản thu thuế tràn đầy kho bạc. Bây giờ không phải là lúc để ưu tiên mục tiêu đó.”
Các nhà kinh tế, bao gồm ông Lawrence H. Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính dưới thời Tổng thống Bill Clinton, đã nêu lên những lo ngại về gói viện trợ của ông Biden và cảnh báo rằng chi tiêu chính phủ quá mức có thể làm nền kinh tế quá nóng và gây lạm phát.
Một bài báo của New York Times hôm 13/04 tiết lộ rằng các quan chức chính phủ ông Biden đang “cảnh giác với mối đe dọa lạm phát” trong khi họ công khai phủ nhận những cảnh báo về “sự leo thang theo kiểu những năm 1970 về tiền lương và giá cả có thể làm tê liệt nền kinh tế.”
Bài báo nói rằng các quan chức đang “kiểm tra các thước đo thực tại của giá cả trên toàn nền kinh tế, nhiều lần trong một ngày.”
Theo dữ liệu của Bộ Lao động vào ngày 13/04, giá cả đã bắt đầu tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2012. Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 0.6% trong tháng 3, cao hơn dự kiến. Một nửa mức tăng là do giá xăng tăng 9.1%. Giá tiêu dùng nói chung đã tăng 2.6% so với một năm trước, tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 8/2018.
Tuy nhiên, dữ liệu lạm phát tại tháng 04/2021 không thay đổi thông điệp của Powell. Ông cho biết tỷ lệ thất nghiệp có thể xuống thấp trong một thời gian dài và lạm phát chưa phải là vấn đề.
Ông nói thêm rằng lạm phát ở Hoa Kỳ đã ở mức thấp trong nhiều thập kỷ và điều đó chủ yếu là do toàn cầu hóa, tiến bộ của công nghệ, phân bố dân cư và dân số già.
Ông Powell nói: “Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong thập kỷ qua, chúng ta đã thấy các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới rất khó khăn để đạt được mục tiêu lạm phát 2%.”
Một số đảng viên Đảng Cộng Hòa chỉ trích ông Powell, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Tòa Bạch Ốc vì đã giảm nhẹ mối quan tâm về khủng hoảng nợ và mối đe dọa lạm phát.
Sau bài báo của New York Times, Thượng nghị sĩ Rick Scott (Cộng Hòa-Florida) đã đưa ra một tuyên bố rằng, “Họ đang nói dối công chúng, trong khi bản thân rất lo lắng về vấn đề này.”
“Đó là sự phản bội đáng ghê tởm đối với lòng tin của người dân Hoa Kỳ. Khi lạm phát tăng, giá của hàng hóa tiêu dùng hàng ngày đều đang tăng lên,” ông viết hôm 14/04. “Đã đến lúc ông Biden thừa nhận mối đe dọa này là có thật, phải hiểu rằng cách chi tiêu liều lĩnh của ông sẽ gây hậu quả và cần giải quyết nguy cơ mất kiểm soát đối với lạm phát ngay từ bây giờ.”
Theo New York Times, Tòa Bạch Ốc đang có kế hoạch giải ngân gói cơ sở hạ tầng trị giá 2.3 nghìn tỷ USD “đủ chậm để không gây tăng giá ngay lập tức.”
Các quan chức FED dự báo áp lực tăng giá sẽ xuất hiện trong năm nay do tăng chi tiêu khi nền kinh tế mở cửa.
Dự báo lạm phát gần đây của FED đã tăng lên 2.4% cho năm nay, tăng từ 1.8% dự đoán trước đó. Tuy nhiên, các quan chức kỳ vọng lạm phát sẽ quay trở lại mức 2% trong năm tới, cho thấy rằng áp lực lạm phát sẽ chỉ là tạm thời.
Ông Powell nói: “Cấu trúc của nền kinh tế luôn thay đổi. Nền kinh tế thời chúng ta còn học đại học là một nền kinh tế có tỷ lệ thất nghiệp thấp dẫn đến lạm phát cao, và lạm phát sẽ ở mức cao. Bây giờ nó rất khác.”
Trong một cuộc phỏng vấn với ông Steve Bannon’s tại chương trình War Room, cựu cố vấn thương mại Tòa Bạch Ốc Peter Navarro đã chỉ trích những bình luận của ông Powell trên chương trình “60 Minutes” của CBS hôm 11/04 về lạm phát và toàn cầu hóa. Ông Navarro gọi ông Powell là “Chủ tịch FED tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại.”
Ống Navarro phản ứng với bình luận của ông Powell rằng người dân ở các nước giàu có khó có thể tăng giá và tiền lương “khi việc trả lương [công việc] có thể chuyển ra ngoại quốc.”
Ông Navarro nói: “Những người kiểm soát chính phủ này–dù là đảng viên Đảng Dân Chủ hay Đảng Cộng Hòa–đều nghĩ rằng bất cứ khi nào tiền lương của quý vị tăng lên, họ sẽ chuyển công việc của quý vị ra ngoại quốc.”
Do Emel Akan thực hiện
Minh Khanh biên dịch
Xem thêm: