Chủ tịch Fed bảo vệ chính sách hiện tại khi cho biết ông ấy ‘ngày đêm’ nghĩ về lạm phát
Hôm 15/07, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell bày tỏ sự lo ngại về lạm phát, khi nói rằng ông và các đồng nghiệp đang suy nghĩ về việc giá cả tăng suốt “cả ngày lẫn đêm.”
Tuy nhiên, ông Powell cho biết trong một phiên điều trần của Ủy ban Ngân hàng Thượng viện rằng chính sách tiền tệ nới lỏng của Fed sẽ tiếp tục khi sự phục hồi của thị trường việc làm “vẫn còn nhiều khó khăn.”
Phiên điều trần của ông Powell được đưa ra sau khi dữ liệu lạm phát tháng 06/2021 nóng hơn dự kiến được công bố trong tuần này (12-18/07). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng trước đã tăng 0.9%, đứng ở mức cao nhất trong 13 năm. Trong 12 tháng tính đến tháng 06/2021, lạm phát đã tăng 5.4%.
Lạm phát căn bản, không bao gồm các thành phần thực phẩm và năng lượng dễ biến động, cũng tăng 0.88%, cao hơn gấp đôi so với ước tính đồng thuận. CPI căn bản cho cả năm qua đạt mức 4.5%, đứng ở mức cao nhất trong vòng 29 năm.
Lạm phát giá nhà sản xuất (PPI) cũng tăng lên 1.0% trong tháng 06/2021. Con số này cao hơn nhiều so với dự báo đồng thuận là 0.6%.
Trong phiên điều trần, ông Powell đã phải đối mặt với chất vấn căng thẳng về giá cả tăng và bị đặt câu hỏi về khả năng dự báo thời gian lạm phát cao của Fed.
Fed đã nói rõ rằng họ không có kế hoạch ngay lập tức để tăng lãi suất từ mức gần bằng 0 và giảm quy mô chương trình mua tài sản do đại dịch của mình. Ngân hàng trung ương tiếp tục mua mỗi tháng ít nhất 120 tỷ USD trái phiếu kho bạc và chứng khoán được thế chấp bảo đảm, để hỗ trợ nền kinh tế và dòng chảy tín dụng, điều này đang làm dấy lên những lo ngại về bong bóng tài sản.
Theo Thượng nghị sĩ Pat Toomey (Cộng Hòa-Pennsylvania), thành viên cao cấp của Ủy ban Ngân hàng Thượng viện, trong môi trường hiện tại, việc tiếp tục các chính sách này là điều “khó hiểu.”
Ông nói trong phiên điều trần này rằng, “Chính sách của Fed đang đặc biệt gây khó khăn vì tiếng còi cảnh báo lạm phát có vấn đề đề ngày càng vang lên.”
Thượng nghị sĩ John Kennedy (Cộng Hòa-Louisiana) cũng nhắm đến đề nghị ngân sách trị giá 3.5 ngàn tỷ USD do các đảng viên Dân chủ Thượng viện đưa ra khi nói rằng chi tiêu chính phủ quá mức đang thúc đẩy kỳ vọng lạm phát.
Ông Kennedy nói tại buổi điều trần rằng, “Tôi không quan tâm họ nói gì tại Fed. Chúng ta sẽ có nhiều lạm phát hơn, chúng ta sẽ bắt đầu tăng giá. Ý tôi là, quý vị không cần phải là anh em chú bác của Einstein để hiểu ra điều đó.”
Trong khi các quan chức Fed tiếp tục bảo đảm rằng việc tăng giá hiện tại là “nhất thời,” thì người tiêu dùng lại có quan điểm khác về lạm phát trong tương lai. Cuộc khảo sát của Fed tại New York cho thấy kỳ vọng lạm phát trung bình trong 12 tháng tới đã tăng lên 4.8% trong tháng 06/2021, đạt mức kỷ lục.
Bộ trưởng Tài chính của cựu Tổng thống Bill Clinton, ông Larry Summers, đã nhiều lần lên tiếng bày tỏ lo ngại về nguy cơ lạm phát dai dẳng do chính phủ kích thích chi tiêu quá mức.
Ông Summers nói với tờ Politico hôm 13/07 rằng, “Những con số này cùng với sự thắt chặt của thị trường lao động và hành vi của thị trường nhà ở và giá tài sản đều đang tăng theo một cách đáng lo ngại hơn so với những gì tôi đã lo lắng từ vài tháng trước.”
Ông Jason Furman, một cố vấn kinh tế hàng đầu của cựu Tổng thống Barack Obama, cũng nêu lên những mối lo ngại về lạm phát trong một tweet, khi lưu ý rằng mức tăng giá cả đang cao hơn mức tăng lương gần đây.
Ông Powell cho biết Fed sẽ duy trì các chính sách nới lỏng trong khi đánh giá các mối đe dọa lạm phát.
“Chỉ có lần lạm phát cá biệt này là độc nhất vô nhị trong lịch sử. Chúng tôi không có ví dụ nào khác về lần cuối cùng chúng tôi mở cửa lại nền kinh tế trị giá 20 ngàn tỷ USD với nhiều sự hỗ trợ về tài chính và tiền tệ,” ông Powell nói. “Chúng tôi thận trọng về những gì chúng tôi biết. Nhưng chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu cả trường hợp cơ sở (base case), và cả những rủi ro.”
Ông lưu ý rằng Fed giám sát chặt chẽ các kỳ vọng lạm phát, vì chúng là “trung tâm” của những gì tạo ra lạm phát thực tế.
Ông Powell cũng bị chất vấn về việc liệu các chính sách của ngân hàng trung ương có đang làm nóng thị trường nhà ở hay không.
Theo chỉ số S&P CoreLogic Case-Shiller, giá nhà trên toàn quốc đã tăng 14.6% so với cùng thời kỳ năm ngoái vào tháng 04/2020, lập một kỷ lục mới.
Theo ông Powell, vấn đề trên thị trường nhà ở đã xuất hiện từ trước khi xảy ra đại dịch. Ông cho biết một số yếu tố tiếp tục thúc đẩy giá nhà, bao gồm nhu cầu lớn, hạn chế nguồn cung, cũng như chính sách tiền tệ nới lỏng của Fed hỗ trợ lãi suất thế chấp thấp một cách lịch sử.
Ông Powell cho hay “Có rất nhiều tiền mặt trong bảng cân đối kế toán của các gia đình,” được thúc đẩy bởi chi tiêu thấp và kích thích tài khóa trong thời kỳ đại dịch, điều này góp phần làm tăng giá nhà.
Một số quan chức Fed đã ủng hộ ý tưởng bắt đầu cuộc tranh luận về cắt giảm hoạt động mua tài sản sớm hơn thay vì muộn hơn. Tuy nhiên, họ vẫn chiếm thiểu số. Gần đây nhất, ông James Bullard, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis, đã hối thúc các nhà hoạch định chính sách chấm dứt các biện pháp kích thích chi tiêu.
Khi đề cập đến việc thu hẹp quy mô chương trình mua tài sản của Fed, ông Bullard nói với Bloomberg Television hôm 15/07 rằng, “Tôi cho rằng chúng ta đang ở trong một tình huống mà chúng ta có thể giảm dần [các biện pháp kích thích chi tiêu].”
Ông nói: “Chúng tôi không muốn làm khó cho thị trường hay bất cứ thứ gì—nhưng tôi nghĩ đã đến lúc chấm dứt những biện pháp khẩn cấp này.”
Do Emel Akan thực hiện
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: