Chủ tịch DEPA: Tổng thống Biden ưu tiên mua dầu của Ả Rập Xê Út, Iran hơn là của Mỹ
Theo ông Jerry Simmons, chủ tịch và giám đốc điều hành của Liên minh các Nhà sản xuất Năng lượng Trong nước (DEPA), mặc dù có nhiều yếu tố làm ảnh hưởng đến giá xăng dầu, nhưng hai yếu tố hàng đầu góp phần vào cuộc khủng hoảng năng lượng mà Hoa Kỳ đang phải đối mặt là các chính sách chống khai thác dầu bằng cắt phá thủy lực được Đảng Dân Chủ hậu thuẫn trong nhiều năm qua và việc Tổng thống Joe Biden cam kết xóa bỏ nhiên liệu hóa thạch ở Mỹ.
“Ông Joe Biden, ứng cử viên, hết lần này đến lần khác, ông ấy đều nói, ‘Chúng ta sẽ loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, chúng ta sẽ chấm dứt dầu khí,’” ông Simmons nói với chương trình “Capitol Report” của đài truyền hình NTD, đồng thời thảo luận về những tác động của các chính sách đó lên giá xăng tại trạm xăng.
Trước khi tình hình năng lượng toàn cầu ngày càng trở nên tồi tệ hơn sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và dẫn đến việc dầu của Nga bị đưa vào danh sách đen, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đang trải qua tình trạng thiếu dầu liên quan đến đại dịch.
OPEC+ đang hạn chế nguồn cung dầu, và mặc dù Hoa Kỳ kêu gọi tăng sản lượng, nhưng cơ quan toàn cầu này đã quyết định giữ nguyên nguồn cung do nhu cầu không chắc chắn trước sự xuất hiện liên tục của các biến thể COVID-19 mới.
Trước đó là một năm 2020 thực sự khó khăn đối với ngành dầu khí Hoa Kỳ, khi chính phủ ông Biden trong ngày đầu tiên nhậm chức đã hủy bỏ nhiều năm lập kế hoạch, phê chuẩn, và hàng tỷ dollar đầu tư cho đường ống Keystone XL, ông Simmons cho biết. Đường ống này đã được chính phủ Hoa Kỳ trước đây coi là tấm vé cho sự độc lập về năng lượng của Mỹ và trở thành một nhà cung cấp năng lượng toàn cầu, để cạnh tranh trên các thị trường thế giới chống lại các chế độ độc tài đang làm giàu bằng tài nguyên dầu mỏ của họ, chẳng hạn như Nga và Iran.
“Nó có những tác động rất lớn,” ông Simmons nói về ông Biden và các chính sách của ông. “Tôi tin rằng chúng ta đang chứng kiến điều đó ngay bây giờ.”
Nhưng giờ đây, đổ lỗi cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine, chính phủ ông Biden trong vài tháng qua đã miễn cưỡng thực hiện các chính sách đi ngược lại chính sách trước đây của mình, yêu cầu các nhà sản xuất năng lượng của Hoa Kỳ sản xuất nhiều dầu và khí đốt hơn.
Đại diện của các nhà sản xuất năng lượng Hoa Kỳ cho biết họ vẫn chưa quên rằng yêu cầu này chỉ được đưa ra sau khi chính phủ ông Biden đã tiếp cận với Ả Rập Xê Út và Venezuela, và “thậm chí có thể là Iran,” để yêu cầu những nước này sản xuất thêm dầu.
Ông Simmons nói rằng, “Ý tưởng này cho rằng quý vị yêu cầu một số quốc gia ngoại quốc sản xuất trước khi quý vị yêu cầu các nhà sản xuất Mỹ sản xuất. Tôi không biết … nếu quý vị nhìn vào Thỏa Thuận Xanh Mới (Green New Deal), và một số loại tổ chức xanh thực sự cực tả có thể có ảnh hưởng đối với chính phủ ông Biden, thì họ muốn chúng tôi giữ nguyên việc sản xuất đó.”
“Nhưng một lần nữa, nếu quý vị lo ngại về biến đổi khí hậu và lượng khí thải CO2 toàn cầu, chỉ vì nó được sản xuất ở một quốc gia khác không có nghĩa là nó sẽ không có tác động tương tự. Vì vậy, nó chẳng có nghĩa lý gì hết.”
Ông đã nhấn mạnh rằng các nhà sản xuất dầu và khí đốt của Hoa Kỳ hoạt động theo một số quy định môi trường nghiêm ngặt nhất trên hành tinh và phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn nhiều để thúc đẩy việc bảo vệ môi trường.
Ông Simmons nói với NTD rằng một số giải pháp đang được đưa ra hiện nay để giảm bớt gánh nặng về giá xăng cao sẽ không hoàn toàn giúp ích được nhiều cho các gia đình Mỹ.
“California là một ví dụ điển hình,” ông nói. “Chỉ vài năm trước, người dân California nhập cảng ít hơn 10% lượng dầu mà họ tiêu thụ — chủ yếu là dùng trong giao thông vận tải. Và hôm nay tôi nghĩ rằng con số đó là khoảng 68%, và hầu hết lượng dầu đó đều đến từ Ả Rập Xê Út bằng một tàu chở dầu… vì vậy họ đang cho tàu đi từ Trung Đông đến Bờ Tây của đất nước này để tinh chế một sản phẩm sao cho Thống đốc Newsom không thể sản xuất ở California, điều này không hợp lý gì cả.”
“Vì vậy, các tài xế ở California, khi họ dừng xe và trả 6 USD cho một gallon (3.7 lít), thì họ có thể ‘cảm ơn’ những chính sách đó vì điều này. Và để cung cấp cho ai đó một chiếc thẻ ghi nợ trị giá 400 USD? Đó là một giải pháp khá ngắn hạn,” ông nói về gói hỗ trợ tài chính hiện đang được cung cấp cho người dân California để giải quyết tình trạng tăng giá tại trạm xăng.
“Nếu quý vị là một người thợ sửa ống nước hoặc thợ mộc, và quý vị có một chiếc xe bán tải Ford F-150 để đi làm, thì quý vị sẽ phải trả 200 USD để đổ đầy bình xăng. Vì vậy, quý vị biết đấy, [400 USD] chỉ như muối bỏ bể mà thôi. Tôi tin rằng đó là một giải pháp ngắn hạn cho một vấn đề rất nghiêm trọng mà cần phải thay đổi chính sách. Đó là quan điểm của tôi.”
‘12 triệu thùng dầu mỗi ngày’
Ông Simmons cũng nói rằng bất chấp cách đối xử không thiện chí của chính phủ Tổng thống Biden đối với ngành công nghiệp này, thì ngay lúc này đây các công ty dầu mỏ của Mỹ đang cố gắng hết sức để đáp ứng nhu cầu năng lượng của Hoa Kỳ.
Ông cho biết các công ty trong nước đã sản xuất nhiều dầu hơn trước khi có yêu cầu này.
“Chúng tôi sản xuất gần 12 triệu thùng/ngày ở đất nước này; cao điểm của chúng tôi hồi năm 2019 là khoảng 13 triệu thùng/ngày. Chúng tôi sẽ trở lại mức sản lượng cao nhất đó [vào năm sau]. Vì vậy, không phải là do chúng tôi không cố gắng.”
“Sản lượng giàn khoan, trong khoảng thời gian một năm tính đến tuần này, chúng tôi đã tăng 60% sản lượng giàn khoan trên đất liền ở quốc gia này. Vì vậy với tư cách là một ngành công nghiệp chúng tôi đang phản ứng, chúng tôi đang cố gắng làm hết sức mình. Nhưng cho đến vài tháng qua, chính phủ này đã làm mọi cách để ngăn cản chúng tôi sản xuất.”
Để khiến các vấn đề trở nên thách thức hơn đối với các nhà sản xuất năng lượng nội địa, dư luận về việc sản xuất năng lượng của Hoa Kỳ dường như thiên về ủng hộ hạn chế khai thác nhiên liệu hóa thạch hơn.
Hồi tháng Ba, một cuộc khảo sát của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas đã chỉ ra rằng, theo phần lớn các giám đốc điều hành dầu khí của Hoa Kỳ, áp lực từ các nhà đầu tư là trở ngại hàng đầu đối với sự tăng trưởng.
Trong khi đó, bên kia biên giới về phía bắc — mặc dù đang phải đối mặt với những áp lực tương tự do ngày càng có nhiều người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi chỉ số môi trường, xã hội, và quản trị doanh nghiệp (ESG) khi đưa ra các quyết định đầu tư — các ngân hàng hàng đầu ở Canada đã tiếp tục tài trợ các dự án cát dầu của nước này, thậm chí theo dữ liệu của nhóm hoạt động Rainforest Action Network thì các khoản đầu tư trong năm 2021 tăng lên đến 16.8 tỷ USD.
Nhưng không phải tất cả các thành viên Đảng Dân Chủ đều ủng hộ các chính sách năng lượng của chính phủ Tổng thống Biden cho đến nay và cách tiếp cận của chính phủ này trong việc đối phó với tình trạng lạm phát gia tăng.
Thượng nghị sĩ Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia) đã thúc giục chính phủ ông Biden hợp tác với nền dân chủ láng giềng giàu dầu mỏ Canada để loại bỏ các rào cản đối với một “liên minh năng lượng Bắc Mỹ” nhằm đáp ứng nhu cầu về năng lượng và khoáng sản của thế giới tự do.
Hôm 31/03, ông nói trong một tuyên bố, “Tôi cũng vô cùng lo ngại về việc Trung Quốc là nước canh giữ các nguyên liệu quan trọng mà chúng ta cần cho cuộc sống hàng ngày, bên cạnh các khoáng chất quan trọng đối với các ứng dụng năng lượng và quốc phòng. Không có nghĩa lý gì khi tiếp tục để mắt đến những tác nhân xấu khi chúng ta có nguồn lực dồi dào và bí quyết sản xuất ở Hoa Kỳ.”
“Chúng ta nên xem Bắc Mỹ là đầu tàu năng lượng của thế giới, [đặc biệt là cùng với Canada và Mexico]. Quý vị đánh giá thế nào về rủi ro nguồn cung từ các đồng minh này so với những nơi nào đó như Nga hoặc Trung Quốc?”
Cô Melanie là một phóng viên và biên tập viên người Úc chuyên về tin tức thế giới. Cô có kiến thức chuyên môn về nghiên cứu môi trường.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: