Chủ nghĩa tư bản cho các bên liên quan giúp Trung Quốc và làm tổn hại Hoa Kỳ như thế nào
Nếu có một điều mà những người cấp tiến thích làm, đó là xin lỗi. Họ xin lỗi vì đã phân biệt chủng tộc, vì đặc quyền của người da trắng, vì đã làm ô nhiễm hành tinh; nói tóm lại, họ xin lỗi vì bất cứ điều gì và mọi thứ. Từ xin lỗi, giống như đồng USD, [cứ thế] tiếp tục mất đi sức mạnh. [Bởi] nếu mọi người đều xin lỗi, thì không ai có lỗi cả.
Ông Vivek Ramaswamy, tác giả của cuốn sách “Woke, Inc .: Inside Corporate American Social Justice Scam,” (Doanh nghiệp Thức tỉnh: Bên trong sự Lừa đảo về Công bằng Xã hội của Doanh nghiệp Hoa Kỳ) chỉ trích những người theo “chủ nghĩa tư bản cho các bên liên quan”. Đây là kiểu người không thể ngừng xin lỗi vì chính thứ đã giúp họ trở nên giàu có ngay từ đầu: chủ nghĩa tư bản.
Ông Ramaswamy đề cập đến Tổng thống Joe Biden, người từng gọi chủ nghĩa tư bản truyền thống, thị trường tự do (hoặc cổ đông) là một “trò hề”. Theo ông tổng thống, các tập đoàn “[cần] có trách nhiệm với người lao động, cộng đồng của họ, với quốc gia của họ.” Nói một cách ngắn gọn, tư tưởng này là chủ nghĩa tư bản cho các bên liên quan. Không giống như chủ nghĩa tư bản vì cổ đông, hoạt động trên nguyên tắc sở hữu thông qua cổ phiếu, [còn chủ nghĩa tư bản] một bên liên quan, theo chuyên gia tài chính Caroline Banton, “quan tâm đến hoạt động của một công ty vì những lý do khác hơn là hiệu quả hoặc sự tăng giá của cổ phiếu” (nhấn mạnh này là của tôi). Giờ đây, điều quan trọng cần lưu ý là “vì những lý do khác ngoài hiệu quả hoặc sự tăng giá của cổ phiếu” có thể có nghĩa là bất cứ lý do gì—có nghĩa là lý do khác này cũng có thể không có nghĩa gì cả. Cái lý do khác này là một khái niệm không đáng tin, có thể thay hình đổi dạng. Ông Ramaswamy viết, “[Và] đây là điều các nhà tư bản cho các bên liên quan không để ý, một khi các công ty trở thành phương tiện để thúc đẩy một nghị trình khác với giá trị cho cổ đông, các công ty sẽ trở thành phương tiện để thúc đẩy bất kỳ nghị trình nào khác, kể cả nghị trình của những đối thủ ngoại quốc.”
Những lý do khác này đã đưa chúng ta đến với Trung Cộng, bên hưởng lợi chính của chủ nghĩa tư bản cho các bên liên quan.
Theo nhiều cách, chủ nghĩa tư bản cho các bên liên quan nghe rất giống tư tưởng của ông Tập Cận Bình về “sự thịnh vượng chung”, thứ mà chúng ta đã được nghe nói rằng sẽ giải quyết khoảng cách giàu nghèo của Trung Quốc. Cả chủ nghĩa tư bản cho các bên liên quan và “sự thịnh vượng chung” đang lừa dối đến cực điểm. Cả hai [tư tưởng] này đều nhằm mang lại lợi ích rộng lớn hơn cho xã hội, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, và cả hai đều [tỏ ra] có mục đích trở thành phương tiện cho sự thay đổi tích cực. [Nhưng] trên thực tế, các tư tưởng này không mang lại lợi ích cho ai ngoài những người đã có quá nhiều quyền lực. Mặc dù nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng quyền lực là một nguồn tài nguyên hữu hạn. Chính phủ càng có nhiều quyền lực thì công dân của họ có càng ít. Điều tương tự cũng xảy ra đối với quyền kiểm soát. Chủ nghĩa tư bản cho các bên liên quan, giống như “sự thịnh vượng chung”, bao gồm việc trao quyền kiểm soát nhiều hơn cho những người vốn đã kiểm soát xã hội rồi.
Nếu như chủ nghĩa tư bản thị trường tự do ưu ái những cá nhân sẵn sàng chấp nhận rủi ro thì chủ nghĩa tư bản cho các bên liên quan lại làm điều rất trái ngược lại. Tức là những nhà đổi mới và doanh nhân, trụ cột của tất cả các xã hội thịnh vượng, sẽ bị trừng phạt. Rốt cuộc, quý vị có còn động lực nào để bắt đầu kinh doanh nếu lợi nhuận của quý vị phải được chia sẻ với xã hội rộng lớn hơn, ngay cả với những người mà quý vị không quan tâm đến việc chia sẻ những thành công của quý vị với họ và đóng góp ít hoặc không đóng góp gì cho xã hội? Nghe có vẻ giống chủ nghĩa cộng sản khi quý vị nghĩ về sự chia sẻ lợi nhuận này.
Chủ nghĩa tư bản cho các bên liên quan và “sự thịnh vượng chung” về căn bản là các hình thức làm ra vẻ đức hạnh, các chiến dịch truyền thông được thiết kế để ra vẻ tốt đẹp về mặt đạo đức. Thứ chúng ta đang chứng kiến ở đây là sự gây chú ý về đạo đức dưới dạng [vỏ bọc] tử tế nhất, với các thương hiệu (hoặc toàn bộ chính phủ) bề ngoài thì vì phù hợp với [lợi ích] của “nhân dân” [nói chung] mà không thực sự vì bất kỳ ai nói riêng cả. [Bởi] toàn bộ là ngụy diễn. Quốc gia nào, trong số tất cả các quốc gia trên thế giới, ngụy diễn giỏi hơn Trung Cộng? Ngụy diễn rằng virus không bắt nguồn từ Vũ Hán; ngụy diễn rằng mọi người đã không bị sát hại ở Tân Cương; ngụy diễn rằng tình trạng nghèo cùng cực đã được xóa bỏ; ngụy diễn không đánh cắp dữ liệu cá nhân của hàng chục triệu công dân Hoa Kỳ; ngụy diễn không sử dụng nhà ngoại giao Canada Michael Kovrig như một quân cờ thương lượng. Tôi còn có thể tiếp tục kể ra nữa, nhưng quý vị đã hiểu được chuyện này rồi.
Các công ty Hoa Kỳ đang tạo điều kiện cho những người ở Bắc Kinh làm cho những lời nói dối thành bất diệt. Tất nhiên, các công ty nhận thức được điều này—nhưng còn tiền, rất nhiều tiền kiếm được. Ai lại đi quan tâm đến việc làm điều đúng đắn khi quý vị có thể ngụy tạo là có quan tâm đến việc làm điều đúng đắn đây?
Lấy ví dụ như Nike, một công ty đã rất cố gắng để chứng tỏ rằng họ thực sự quan tâm đến người da đen. Tuy nhiên, trên thực tế, Nike chỉ quan tâm đến tiền bạc. Ông Colin Kaepernick, hiện là gương mặt đại diện cho Nike, đã kiếm được 6 tỷ USD chỉ từ một quảng cáo. Chủ nghĩa cơ hội của Nike đã từng, và vẫn, đáng bị chỉ trích; tuy nhiên, thực tế là công ty vẫn tiếp tục hoạt động ở Trung Quốc, một quốc gia mà nạn phân biệt chủng tộc rất sâu sắc và là nơi mà [hoá trang thành] gương mặt da đen được [nhạo] xem là nghệ thuật, thậm chí còn đáng bị xăm soi nhiều hơn. Như quý vị có thể thấy, chủ nghĩa tư bản cho các bên liên quan cũng ngụy tạo tương tự. Chủ nghĩa tư bản cho các bên liên quan mang tính trình diễn, phần lớn trống rỗng, và rất đạo đức giả. Cộng đồng người da đen có thực sự được hưởng lợi từ cái gọi là cam kết của Nike đối với cuộc sống người da đen, hay các giám đốc điều hành triệu phú và tỷ phú của họ thu lợi? Tôi sẽ để quý vị tự trả lời câu hỏi đó. Bằng cách chọn ông Kaepernick làm đại diện, Nike đã ủng hộ một phong trào, kiếm lợi một cách đáng kể trong quá trình này. Chủ nghĩa cơ hội của Nike là vô liêm sỉ nhưng không hẳn làm người ta ngạc nhiên.
Mastercard, một công ty khác muốn cho quý vị biết họ thực sự quan tâm đến sự công bằng và công lý đến mức nào, cũng đang cố gắng thâm nhập thị trường Trung Quốc. Mastercard cũng tỏ vẻ bị ám ảnh về việc làm lũng đoạn thị trường và tính phí quá cao cho khách hàng. Một lần nữa, tất cả chỉ là giả bộ quan tâm. Sự giả bộ này hoàn toàn phù hợp với Trung Cộng, một chế độ giả bộ quan tâm đến nhân quyền. Ông Shakespeare từng nói, cả thế giới là một sân khấu và mọi người đều là diễn viên.
Nói tóm lại, chủ nghĩa tư bản cho các bên liên quan là sự xao lãng khỏi những gì đang thực sự diễn ra. Chủ nghĩa này giả tạo và có tính lợi dụng. Tệ hơn nữa, chủ nghĩa này còn làm tổn hại Hoa Kỳ và giúp ích cho Trung Cộng. Bằng cách tô vẽ Hoa Kỳ như một nơi cố hữu phân biệt sắc tộc, nhưng lại không giải quyết được lịch sử phân biệt sắc tộc và diệt chủng của Trung Cộng, thì thói đạo đức giả không chỉ làm người ta ghê sợ; mà còn là gây tác hại.
Như ông Ramaswamy nêu trên đã lưu ý, “Trung Cộng đã trở thành một bên liên quan quan trọng của nhiều công ty đa quốc gia của Hoa Kỳ.” Vì điều này, “giờ đây họ đang phô trương thanh thế của mình bằng nhiều cách – không có gì đáng ngạc nhiên – củng cố lợi ích của Trung Cộng bằng cách đổi lấy cái giá mà những người Mỹ phải trả.”
Một trong những công ty đang giúp đỡ Trung Quốc là Airbnb. Theo báo cáo, công ty này chia sẻ một lượng dữ liệu một cách bất tín với Trung Cộng, bao gồm số điện thoại, địa chỉ email, và tin nhắn cá nhân mà công dân Mỹ đã gửi. 150 triệu người Mỹ – gần một nửa dân số Hoa Kỳ – là khách hàng của Airbnb. Rất có thể nhiều người đang đọc bài viết này đã bị chuyển giao dữ liệu cá nhân mà không có sự đồng ý của mình. Đây là một hành động không thể tha thứ. Tuy nhiên, một lần nữa, cũng không hẳn là hành động làm ngạc nhiên.
Nhà ngoại giao Hoa Kỳ Adlai Stevenson đã từng định nghĩa kẻ đạo đức giả là “kiểu chính trị gia đốn hạ cây, sau đó cắm lại gốc cây và diễn thuyết về việc bảo tồn [cây cối].” Đây chính xác là những gì đang xảy ra ở Hoa Kỳ. Với những trường hợp như Nike và Mastercard liên tục nhấn mạnh những sai sót được cho là của Hoa Kỳ, nhưng đồng thời từ chối công nhận những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Trung Cộng, họ đang tạo điều kiện cho những kẻ bạo chúa ở Bắc Kinh. Bằng cách không ngừng củng cố ý tưởng phân biệt sắc tộc ở Hoa Kỳ, những công ty như Nike và Mastercard đã làm mọi thứ trong khả năng, dù có chủ ý hay không, để tạo ra mâu thuẫn giữa những người Mỹ. Nói thế không phải để bảo rằng phân biệt sắc tộc không phải là một vấn đề; chắc chắn phân biệt sắc tộc là một vấn đề. Tuy nhiên, phân biệt sắc tộc là một vấn đề ở khắp mọi nơi trên thế giới, chứ không chỉ ở Hoa Kỳ. Ngụy tạo rằng Hoa Kỳ là một điểm nóng của sự căm ghét và định kiến không bao giờ chấm dứt [chẳng qua] là để đánh lạc hướng chúng ta khỏi sự thật mà thôi.
Hoa Kỳ, giống như mọi quốc gia khác, đều có những vấn đề của mình. Tuy nhiên, Trung Quốc là nơi của các trại “cải tạo” và cưỡng bức triệt sản. Vì điều này, có phần quái quỷ là, Trung Cộng lại được thưởng một ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Trung Cộng cũng được tưởng thưởng bằng lòng trung thành của các công ty Hoa Kỳ vốn quá nhanh chóng quay lưng lại với Hoa Kỳ—chính đất nước đã giúp họ trở thành những công ty hùng hậu như ngày nay.
Chủ nghĩa tư bản cho các bên liên quan, không giống như chủ nghĩa tư bản thị trường tự do, chân chính, không giúp ai ngoài những kẻ phạm tội tồi tệ nhất trong xã hội. Đó là một trò lừa bịp, một mưu đồ thông minh được thiết kế để đánh lừa dân chúng. Đáng buồn thay, âm mưu này dường như đã phát huy tác dụng và Trung Cộng là người hưởng lợi chính.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
“Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được xuất bản bởi những tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, The American Conservative, National Review, The Public Discourse, và các tờ báo có uy tín khác. Ông cũng là một ký giả chuyên mục tại Cointelegraph.”
Huệ Giao biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: