Chủ nghĩa dân tộc bảo thủ và Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ
Chủ nghĩa Dân tộc Bảo thủ, một cách mẫu mực nhất, chính là chủ nghĩa yêu nước theo một định hướng dân chủ và công dân, là tình yêu với một khu vực đặc thù, nhận định rằng thế giới sẽ được quản lý tốt nhất bởi các quốc gia độc lập, và chỉ có trong bối cảnh như vậy thì một xã hội tự do mới có thể thử nghiệm các hình thức tự trị theo hiến pháp.
Trong chính sách đối ngoại, những người theo chủ nghĩa dân tộc bảo thủ tập trung vào việc bảo tồn và thúc đẩy các lợi ích, quyền lợi, giá trị, sự an toàn, truyền thống, và lối sống của nước họ, với niềm tin rằng việc đó là hoàn toàn chính đáng. Tại Hoa Kỳ, một loại chủ nghĩa dân tộc bảo thủ Hoa Kỳ đã giữ vai trò chính trong cả hai đảng và trong truyền thống đối ngoại gần như xuyên suốt lịch sử quốc gia. Nhưng những Nhà Lập Quốc Hoa Kỳ cũng hy vọng rằng tấm gương về một chính quyền nhân dân tự trị này có thể lan rộng khắp thế giới, và họ không thấy có mâu thuẫn nào giữa hy vọng đó, hoặc thậm chí thúc đẩy nó, và việc bảo tồn chủ quyền quốc gia của Hoa Kỳ.
Theo sử sách, các thuộc địa ban đầu tại Hoa Kỳ được thành lập bởi những người Anh theo đạo Tin Lành, và di sản tôn giáo lẫn văn hóa này đã tạo bối cảnh cho các nguyên tắc lập quốc của Hoa Kỳ. Trong nhiều năm, một số người theo chủ nghĩa dân tộc đã định nghĩa bản sắc của họ chủ yếu bằng các thuật ngữ tôn giáo hoặc dân tộc. Điều này từ lâu đã khuyến khích sự mâu thuẫn giữa một định nghĩa về Hoa Kỳ theo mặt dân tộc và một định nghĩa theo mặt công dân.
Tuy nhiên trong Bản Tuyên Ngôn Độc Lập, các nhà cách mạng Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng “mọi người đều bình đẳng,” và bào chữa một phần cho sự nổi dậy của họ bằng cách yêu cầu những quyền tự nhiên phổ quát. Những tuyên bố này dựa trên niềm tin được mô tả là thuộc về chủ nghĩa tự do cổ điển. Do đó ngay từ ban đầu, ở Hoa Kỳ đã có một loại “Tín điều Hoa Kỳ,” một loại tôn giáo công dân hoặc bản sắc dân tộc với một số yếu tố tự do cổ điển đáng chú ý, bao gồm luật pháp, quyền tự do cá nhân, quy tắc đa số, quyền bình đẳng, tổ chức kinh doanh, sự tiến bộ, và chính phủ hạn chế. Những người Marxist ở thế kỷ 19 như Friedrich Engels đã nhận xét rằng những tín điều tự do cổ điển này gây khó khăn cho việc phát triển chủ nghĩa xã hội ở bên trong Hoa Kỳ. Đây là ý của Engel khi nói về chủ nghĩa ngoại lệ Hoa Kỳ, và ông ta thấy nó rất khó chịu.
Về ý nghĩa toàn cầu, các lãnh đạo của cách mạng Hoa Kỳ đã hy vọng rằng nó sẽ giúp phổ biến các hình thức chính phủ cộng hòa và tạo ra một hệ thống quốc tế mới, với đặc trưng là được giao thương hòa bình, tự do cá nhân, có luật pháp và tiến bộ. Họ bác bỏ hệ thống nhà nước Âu Châu thế kỷ 18 là tham nhũng, quân phiệt, hiếu chiến và chuyên quyền. Đương nhiên, vấn đề cấp bách vẫn là làm sao tương tác với các quốc gia đang còn là một phần trong hệ thống thế giới cũ đó.
Ở các mức độ khác nhau, những nhà lập quốc và các thế hệ kế tiếp đã nắm lấy việc mở rộng lục địa về phía tây, để tạo ra cái mà ngài Thomas Jefferson mô tả là một “đế chế tự do”. Họ cũng nắm lấy các cơ hội kinh doanh ở nước ngoài. Theo nghĩa này, sự mở rộng kinh tế và lãnh thổ của Hoa Kỳ ra ngoài các ranh giới hiện tại đã có từ lâu trước khi Hoa Kỳ vươn lên thành một cường quốc toàn cầu sau này.
Tuy nhiên, những chính khách đầu tiên này cũng đồng thời quan tâm đến việc bảo tồn nền độc lập của Hoa Kỳ, và vì vậy đã có một chính sách cẩn trọng tách rời khỏi Liên minh Âu Châu. Chính sách này do ngài George Washington chính thức đưa ra trong Diễn Văn Chia Tay 1796, trong đó ông nói rằng “quy tắc ứng xử quan trọng của chúng ta đối với các nước khác là trong khi mở rộng quan hệ thương mại, thì có càng ít mối quan hệ chính trị với họ càng tốt.” Việc tránh những điều mà sau này Jefferson gọi là “liên minh vướng víu” đã trở thành một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ suốt thế kỷ 19. Các chính khách thời kỳ đầu của Hoa Kỳ đã không thấy bất kỳ mâu thuẫn cơ bản nào giữa việc mở rộng phạm vi của các chính phủ cộng hòa với việc bảo tồn nền độc lập quốc gia của họ.
Tranh luận đảng phái về tác động do chính sách đối ngoại của chủ nghĩa dân tộc Hoa Kỳ đã thể hiện rõ ngay từ ban đầu. Ngài Thomas Jefferson và ngài Alexander Hamilton đều tán thành chủ nghĩa ngoại lệ Hoa Kỳ, chủ quyền của Hoa Kỳ, và sự mở rộng lâu dài của các chính phủ cộng hòa. Họ đã không đồng thuận về tác động của các chính sách đối ngoại. Trong khi ngài Jefferson hình dung Hoa Kỳ là một nước cộng hòa rộng lớn, phi tập trung, thiên về nông nghiệp, thì ngài Hamilton tìm cách khuyến khích một ngân khố tập trung và ngành sản xuất non trẻ của Hoa Kỳ, cùng với bộ máy quyền lực chính phủ trên trường quốc tế, bao gồm cả một lực lượng quân đội vũ trang chuyên nghiệp. Trong những năm 1790, ngài Jefferson có thiện cảm với cuộc cách mạng Pháp; trong khi ngài Hamilton thì lại thiên về Anh Quốc. Ngài Washington đã mong muốn dập tắt chính những khác biệt này giữa ngài Jefferson và những người theo chủ nghĩa liên bang như ngài Hamilton trong Diễn Văn Chia Tay của ông. Theo ông nghĩ, lợi thế của việc không vướng bận ở nước ngoài chính là tránh được việc thù địch bè phái bên trong Hoa Kỳ.
Mỗi một lần mở rộng lãnh thổ của Hoa Kỳ vào thế kỷ 19 thông thường đều được đánh dấu bởi một cuộc tranh luận nội bộ quan trọng về việc liệu sự mở rộng ấy có hợp hiến, ít tốn kém, và thích đáng hay không. Những khác biệt chân chính về mặt triết lý này thường gắn liền với các lợi ích cục bộ và chính trị đảng phái—cùng với việc ủng hộ hoặc phản đối của cá nhân các tổng thống. Và tổng thống thỉnh thoảng cũng tích cực hành động để định hướng việc mở rộng lãnh thổ của Hoa Kỳ.
Ví dụ, ngài Jefferson đã bác bỏ quyền hành pháp tập trung, nhưng khi có cơ hội để mua lãnh thổ Louisiana rộng lớn từ Pháp vào năm 1803, ông đã tiến hành nó một cách sẵn sàng, và thừa nhận rằng ông đã lạm dụng hiến pháp đến mức phá vỡ nó. Những làn sóng nỗ lực mở rộng lãnh thổ Hoa Kỳ sau đó cùng với các cuộc chiến chống lại Anh Quốc, Mexico, và các bộ lạc thổ dân Hoa Kỳ đã gây ra các cuộc tranh cãi và tranh luận gay gắt, gây nên đối đầu giữa những người ủng hộ mở rộng lãnh thổ và những người phản đối nó. Cả hai bên đều lý luận rằng bên còn lại đã phản bội các nguyên tắc lập quốc của Hoa Kỳ. Nhưng sự đồng thuận về chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa dân tộc Hoa Kỳ vẫn được giữ vững. Đó là một cuộc tranh luận nảy lửa giữa các đảng phái có chung một tiền đề cơ sở.
Giữa cao trào của Đệ Nhất Thế Chiến, tổng thống Woodrow Wilson đã đưa ra một sự thay đổi cơ bản cho chính sách đối ngoại truyền thống theo chủ nghĩa dân tộc Hoa Kỳ. Ông đã nhận định và giải thích quyết định tham chiến của mình dựa trên năng lực của Hoa Kỳ không chỉ có thể giúp đánh bại quân đội Đức, mà còn có thể dẫn đầu để tạo ra một trật tự thế giới mới, với đặc trưng là các chính phủ dân chủ, quyền tự quyết, an ninh tập thể, tự do thỏa thuận thương mại, tự do hàng hải, tổ chức đa phương, giải quyết các tranh chấp trong hòa bình, và giảm quân đội. Một Liên minh các Quốc gia sẽ là mấu chốt của trật tự mới do Hoa Kỳ lãnh đạo, bao hàm điều mà Wilson hình dung là “sự bảo đảm thực sự về toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị” cho từng quốc gia thành viên.
Sáng kiến vĩ đại của Wilson không chỉ đơn giản là lập luận rằng các giá trị tự do của Hoa Kỳ cần được minh chứng bằng vũ lực trên lục địa Âu Châu, mặc dù bản thân điều này đã đủ kịch tính. Cũng không chỉ đơn giản là liên kết kế hoạch Liên minh của ông với thành tựu của những cải cách tiến bộ bên trong Hoa Kỳ, mặc dù ông cũng đã thực hiện điều đó. Sáng kiến của ông nhằm để nói rằng chỉ có thông qua các cam kết đa phương ràng buộc, phổ quát, và chính thống của phía Hoa Kỳ, thì các giá trị tự do tiến bộ mới có thể được minh chứng—trên toàn thế giới. Và trong quá trình này, Wilson đã xem thường mục tiêu duy trì “sự cân bằng quyền lực”.
Cuối cùng, Thượng viện Hoa Kỳ đã từ chối thông qua Hiệp ước Versailles với 2/3 số phiếu cần thiết. Tuy nhiên, Wilson đã để lại một dấu ấn về mặt ý thức hệ, và nó sẽ không biến mất. Tầm nhìn của chủ nghĩa Wilson sẽ trở thành một động lực trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, cả về mặt chính trị lẫn quốc tế, trong suốt thế kỷ tiếp theo.
Về phần Đảng Cộng Hòa, họ đã có những lo ngại nghiêm trọng về tầm nhìn tự do quốc tế của Wilson ngay từ những ngày đầu, cùng với những tác động của nó trong nước. Tuy nhiên họ đã không đồng thuận về việc phải điều chỉnh hoặc phản đối nó đến mức nào. Cụ thể là họ đã bị chia rẽ bởi các phiên bản hiếu chiến của chủ nghĩa dân tộc bảo thủ Hoa Kỳ và các phiên bản ít can thiệp hơn.
Cho đến năm 1918-1919, quan điểm đối ngoại thống nhất giữa các thượng nghị sĩ Cộng Hòa là ủng hộ một liên minh giới hạn với Pháp và Anh Quốc sau chiến tranh. Nhưng kết quả cuối cùng của cuộc tranh luận về vấn đề Liên minh về căn bản là chiến thắng cho những người theo chủ nghĩa không can thiệp như Thượng nghị sĩ Robert LaFollette. Kết quả đó đã làm nền tảng cho các chính sách đối ngoại của Đảng Cộng Hòa trong những năm 1920 và đầu Đệ Nhị Thế Chiến. Sau đó Đảng Cộng Hòa lại bị chia rẽ một lần nữa, bởi một bên ủng hộ cho việc giúp đỡ Anh Quốc chống lại Đức Quốc Xã và bên phản đối. Cuộc tấn công của người Nhật vào Trân Châu Cảng đã kết thúc cuộc tranh luận theo hướng có lợi cho phe hiếu chiến của Đảng Cộng Hòa.
Sự nổi dậy của Liên Xô sau Đệ Nhị Thế Chiến đã củng cố ưu thế cho phe hiếu chiến về an ninh quốc gia trong Đảng Cộng Hòa. Những người theo chủ nghĩa không can thiệp bị loại trừ. Nhưng trong thực tế, nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc bảo thủ đã bị lôi kéo vào một loạt các cam kết của Hoa Kỳ thời hậu chiến ở nước ngoài, và điều duy nhất để bảo đảm cho sự ủng hộ của họ chính là việc quyết liệt chống lại chủ nghĩa cộng sản. Không có tổng thống Cộng Hòa tiếp theo nào có thể hoàn toàn phớt lờ ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc bảo thủ Hoa Kỳ ở cấp độ cơ sở, và hầu hết đều đạt được thành công về chính sách lẫn chính trị nhờ kết hợp các bộ phận của nó vào chính sách tổng thể của họ. Mỗi tổng thống sử dụng những cách khác nhau, và những người không thể cân bằng điều này một cách hiệu quả—như thượng nghị sĩ Barry Goldwater, ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng Hòa năm 1964—thường bị thua trong các cuộc bầu cử, bất chấp những mặt khác của họ.
Ngay sau chiến tranh lạnh, cảm giác chung của hầu hết những đảng viên Cộng Hòa đối với chính sách đối ngoại của đảng là thỏa mãn. Nhưng vào những năm 1990, những người theo chủ nghĩa không can thiệp đã xuất hiện trở lại, và được lãnh đạo bởi chính trị gia bảo thủ xã hội Pat Buchanan cùng với Ron Paul, một người theo chủ nghĩa tự do. Mặc dù vào thời điểm đó họ dường như là không đáng kể, nhưng về lâu dài, tiếng nói của họ—đặc biệt là của Buchanan—đã dự đoán được đúng tương lai.
Tổng thống George W. Bush đã thuyết phục được những người theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn của Đảng Cộng Hòa ủng hộ cho cuộc chiến chống khủng bố, kết hợp với cuộc chiến xâm lược Iraq vào năm 2003 và “kế hoạch tự do” cho Trung Đông. Nhưng các thất bại ở Iraq đã làm dấy lên một số chỉ trích, và sau khi Bush rời vị trí, Đảng Cộng Hòa lại một lần nữa bị chia rẽ thành các phe như trước. Năm 2016, ứng cử viên Donald Trump đã lợi dụng những chia rẽ này để làm điều mà trước đó dường như là bất khả thi—loại bỏ sự thống trị của chính sách đối ngoại hiếu chiến để ủng hộ cho các cách tiếp cận khác. Tuy nhiên, chính sách đối ngoại thực tế của chính phủ ông Trump là kết hợp các khuynh hướng này.
Chính sách đối ngoại của chính phủ ông Trump do đó nên được hiểu là sự hồi sinh một hình thức cụ thể của chủ nghĩa dân tộc bảo thủ Hoa Kỳ—một phiên bản ít can thiệp—chống lại những di sản của chính sách đối ngoại Wilson ở cả hai đảng. Chính sách đối ngoại của Trump sẽ dường như là chưa từng có tiền lệ chỉ nếu chúng ta bỏ qua các kinh nghiệm lịch sử trước đây. Hãy nhớ rằng, Trump đã không ứng cử như một người theo chủ nghĩa tự do quốc tế. Nhưng hầu hết các tổng thống Cộng Hòa ở thế kỷ 20 cũng vậy. Và việc theo đuổi những giả định mơ hồ trong chính sách đối ngoại của Wilson cũng không quá cần thiết trong thời đại chúng ta.
Những người theo chủ nghĩa tự do quốc tế hoặc chủ nghĩa Wilson đề nghị rằng sự phát triển toàn cầu dài hạn hướng đến sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau nhiều hơn, sự xúc tiến dân chủ, và các tổ chức đa phương cuối cùng sẽ kết hợp để làm cho các mô hình chính trị cổ xưa trở nên lỗi thời. Mỗi tổng thống thời hậu chiến tranh lạnh trước Trump đều đã vận dụng một tiền đề quan trọng nào đó trong giả định này.
Tổng thống Bill Clinton đã hy vọng rằng việc mở rộng các đồng minh theo định hướng thị trường thông qua việc “mở rộng dân chủ” sẽ thúc đẩy các giá trị và lợi ích cho Hoa Kỳ với chi phí thấp nhất. Tổng thống George W. Bush thì hy vọng rằng hành động quân sự phòng ngừa, kết hợp với việc thay đổi chính thể ở Iraq, sẽ làm suy yếu sự hỗ trợ cho những kẻ khủng bố trong thế giới Hồi giáo. Tổng thống Barack Obama thì mong rằng các dàn xếp quốc tế do Hoa Kỳ dẫn đầu sẽ giúp ích cho sự phối hợp đa phương xoay quanh các mục tiêu chính sách tự do. Không có bất cứ nghi ngờ nào về sự chân thành của ba hy vọng này. Và cả ba đều có những thành công nhất định về chính sách đối ngoại. Tuy nhiên vào cuối cùng, cả ba đều đã quá lạc quan theo những cách rất đáng chú ý.
Cụ thể là: lịch sử không bao giờ kết thúc. Các kiểu cạnh tranh chiến lược, mâu thuẫn quốc tế, và chính trị cường quốc trong lịch sử chưa bao giờ hoàn toàn biến mất. Các nhà nước độc tài lớn và nhỏ đã tìm ra những cách thức mới để thích nghi và tồn tại. Và trái ngược với những mong muốn thời hậu chiến tranh lạnh, những cường quốc trên thế giới đã không đi đến một thống nhất nào cho mô hình tự do dân chủ lý tưởng. Nếu có, thì chính là việc thế kỷ 21 đã chứng kiến sự hồi sinh của cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc. Sự kết thúc của chiến tranh lạnh đã không đem đến sự kết thúc của các vấn đề địa chính trị, nó chỉ tái cấu trúc lại chúng.
Đối với những người theo chủ nghĩa dân tộc bảo thủ, cũng như toàn bộ người dân Hoa Kỳ, nhận thức rằng tiến bộ không phải là tất yếu, và lịch sử vẫn chưa kết thúc, có lẽ sẽ dẫn đến một sự thay đổi trong chính sách đối ngoại. Việc mở rộng hợp tác quốc tế và quyền con người đều là những mục tiêu xứng đáng, nhưng bản thân chúng không thể là khởi điểm cho chiến lược tổng thể của Hoa Kỳ. Trọng tâm nên được đặt vào việc hỗ trợ các đồng minh của Hoa Kỳ và đẩy lùi các đối thủ của mình trong môi trường cạnh tranh quốc tế.
Câu trả lời không phải là rút lui ra, cũng không phải cho rằng đối thủ có thể bị thuyết phục để hòa giải, hay sẽ bị loại bỏ nếu thay đổi chế độ. Mà đúng hơn, câu trả lời là Hoa Kỳ cần chuẩn bị kỹ càng, lâu dài, và bền vững cho sự cạnh tranh mạnh mẽ đến từ một loạt các đối thủ nặng ký—mà trên hết là Trung Quốc—để bảo vệ tốt hơn cho những nền dân chủ hiện có để chống lại các mối đe dọa. Điều cần thiết là một chính sách thận trọng và quyết tâm đã được suy xét cẩn thận.
Các nỗ lực ngoại giao của Hoa Kỳ nên bắt đầu với các đồng minh truyền thống, chứ không phải với các đối thủ cạnh tranh. Chẳng có ích gì khi chỉ bảo vệ các quyền ưu tiên của Hoa Kỳ một cách nửa vời. Nhưng cũng không cần ưu tiên các chiến lược chiến tranh phòng ngừa hoặc thay đổi chế độ, vì những can thiệp không thành công ở nước ngoài chỉ làm suy yếu các lợi ích của Hoa Kỳ.
Ưu tiên mặc định nên là các chiến lược tiêu hao khác nhau theo từng khu vực, ngăn chặn quyết đoán, và đạt được hòa bình thông qua sức mạnh. Những dự án chuyển đổi toàn cầu hoặc những cam kết từ mọi phương diện cần được xem xét thận trọng. Những khó khăn nhất hiện nay không phải là thúc đẩy hoặc chuyển đổi bất kỳ trật tự thế giới tiến bộ nào, mà đơn giản là bảo vệ các nền dân chủ hiện có.
Hoa Kỳ vẫn mạnh hơn rất nhiều so với tưởng tượng. Nếu nó theo đuổi chính sách đối ngoại cứng rắn, khai thác các tiềm năng trong nước, thì nó có thể trụ vững trước các thách thức và thành công. Điều đó sẽ cần kết hợp giữa sự tự tin và việc tự kiềm chế, theo truyền thống tốt đẹp nhất của chính sách ngoại giao Hoa Kỳ.
Từ RealClearWire.
Ông Colin Dueck là một giáo sư của Schar School of Policy and Government tại George Mason University và là một học giả thỉnh giảng tại American Enterprise Institute. Cuốn sách mới nhất của ông là “Age of Iron: On Conservative Nationalism” (Oxford, 2019).
Bài viết này trình bày quan điểm của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Colin Dueck
Hoàng Long biên dịch
Xem thêm: