Chữ Hán giản thể là âm mưu của Liên Xô nhằm chia rẽ Trung Quốc?
Phóng viên Dương Nhất Phàm của Epoch Times tường thuật: Một bài báo tiết lộ rằng các ký tự giản thể là âm mưu của Liên Xô nhằm chia rẽ Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của dư luận. Vào thời điểm đó, Liên Xô đã tích cực đẩy mạnh việc dùng phiên âm “pinyin” để Latinh hóa chữ Hán, và chữ giản thể là một bước quan trọng đối với việc phiên âm chữ Hán.
Vào ngày 8/10/2009, diễn đàn Sina đăng bài blog có tựa đề: “Tiết lộ: Chữ Hán giản thể là một âm mưu lớn của Liên Xô nhằm chia rẽ Trung Quốc”. Bài báo cho rằng, trước khi nói đến việc sản sinh ra chữ giản thể thì cần phải nói đến việc phiên âm hóa chữ Hán, tức là Latinh hoá chữ Hán.
Chữ viết Latinh hóa mới của ĐCSTQ được tạo ra ở Liên Xô vào cuối những năm 1920 và đầu những năm 1930, với mục đích thay thế các ký tự Trung Quốc bằng hệ thống chữ Latin mới. Các thành viên ĐCSTQ là Cù Thu Bạch và Ngô Ngọc Chương và những người khác đang ở Liên Xô đã hợp tác với các “nhà Hán học” Liên Xô để nghiên cứu và tạo ra chữ viết Latinh hóa mới. Cù Thu Bạch viết “Bản thảo bảng chữ cái Latin hóa của Trung Quốc”, được nhà xuất bản của Đại học Công nhân Trung Quốc ở Moscow xuất bản năm 1929. Năm 1930, Cù Thu Bạch xuất bản cuốn sách “Bảng chữ cái Latin hóa của Trung Quốc”.
Vào tháng 5/1931, Đoàn Chủ tịch Hội nghị Khoa học của Ủy ban Trung ương về Chữ viết mới các Dân tộc của Liên Xô đã xem xét và thông qua kế hoạch “Latinh hóa” của ĐCSTQ. Ngày 26/9/1931, tại Đại hội Latinh hóa chữ Hán lần thứ nhất tổ chức tại Vladivostok, Liên Xô, bản kế hoạch “Nguyên tắc và quy tắc Latinh hóa chữ Hán” đã được thông qua.
Năm 1933, các ký tự Latinh hóa mới được giới thiệu tại Trung Quốc. Tháng 8/1934, Thượng Hải thành lập Hiệp hội Nghiên cứu Latinh hóa Tiếng Trung và xuất bản sách giới thiệu các ký tự Latinh hóa mới. Sau đó, ở một số thành phố lớn ở phía bắc và phía nam, các nhóm chữ viết Latinh hóa mới liên tiếp được thành lập. Theo thống kê, từ năm 1934 đến năm 1955, có tổng cộng hơn 300 nhóm chữ viết mới được Latinh hóa.
Vào tháng 1/1941, chính quyền khu vực biên giới Thiểm Tây – Cam Túc – Ninh Hạ đã thành lập Ủy ban Công tác Chữ viết mới và chính thức thông báo rằng chữ mới và chữ Hán có địa vị pháp lý như nhau.
Sau khi ĐCSTQ thành lập, Mao Trạch Đông đến thăm Liên Xô, Stalin nói rằng Trung Quốc có thể có bảng chữ cái của riêng mình. Sau đó, Mao chỉ thị các bộ phận liên quan lập kế hoạch tạo ra chữ bính âm (pinyin).
Ngày 15/10/1955, “Hội nghị toàn quốc về cải cách chữ viết toàn quốc” được tổ chức tại Bắc Kinh. Sau cuộc họp, Mao Trạch Đông đồng ý sử dụng bảng chữ cái Latinh và đã thông qua nó tại cuộc họp trung ương.
Trong vòng 60 ngày kể từ tháng 1/1956, “Kế hoạch giản hóa chữ Hán”, “Dự thảo kế hoạch bính âm (pinyin) tiếng Hán”, “Chỉ thị về quảng bá rộng rãi tiếng Phổ thông” và “Quyết định xóa mù chữ” lần lượt được ban hành.
Chữ Hán giản thể lúc đó bị chuyển sang dạng bính âm (pinyin) được xem như “biện pháp mấu chốt của thời kỳ quá độ”. Từ ngày 1/2/1956 bắt đầu thực hiện đợt học chữ Hán giản thể đầu tiên, “Đảng ra lệnh, cả nước phải tuân theo”.
Sử dụng chữ Hán ban đầu là việc nội bộ của Trung Quốc, nhưng tại sao Liên Xô lại tích cực thúc đẩy phiên âm hóa chữ Hán? Bài báo cho rằng, lý do là vì Liên Xô không muốn nhìn thấy một Trung Quốc hùng mạnh nên đã trăm phương ngàn kế làm suy yếu Trung Quốc về mọi mặt và tiếp tục tạo ra những mâu thuẫn xã hội khác nhau, một trong số đó là phiên âm hóa chữ Hán.
Có rất nhiều phương ngữ ở Trung Quốc, chủ yếu bao gồm: phương ngữ Chiết Giang, phương ngữ Mân Nam, phương ngữ Khách Gia, phương ngữ Triều San, tiếng Quảng Đông, phương ngữ phương Bắc, v.v. Cùng một ký tự tiếng Trung nhưng các vùng miền khác nhau có phát âm khác nhau, rất nhiều trong số đó hoàn toàn khác biệt. Nếu sử dụng chữ viết bằng bính âm thì văn bản chữ viết ở mỗi nơi sẽ khác nhau. Về lâu về dài, các ký tự và ngôn ngữ ở nhiều khu vực sẽ trở nên không tương thích, gây ra sự phân chia giữa các dân tộc và chia rẽ quốc gia.
Chủ trương của Mao Trạch Đông lúc bấy giờ là: “Trước khi thực hiện bính âm, chữ Hán phải được giản hóa”. Vì vậy, việc giản hóa chữ Hán là một bước quan trọng để phiên âm chữ Hán, và đó cũng là một thủ đoạn được Liên Xô sử dụng để chia rẽ Trung Quốc.
Bài báo kết luận rằng, Trung Quốc nên khôi phục chữ Hán và kế thừa văn hóa truyền thống.
ĐCSTQ quảng bá chữ Hán giản thể, phá hủy văn hóa truyền thống
Những người ngoài cuộc chỉ ra rằng, sau khi cướp chính quyền, ĐCSTQ rơi vào nỗi sợ hãi và khủng hoảng về nguy cơ thống trị bất hợp pháp của chính mình. Văn hóa truyền thống là trở ngại rất lớn để duy trì chế độ. Kết quả là, ĐCSTQ đã phá hủy một cách có hệ thống và sâu rộng văn hóa truyền thống, bao gồm cả việc chà đạp và đơn giản hóa chữ Hán một cách tùy tiện.
Chữ Hán là sự kết tụ tinh hoa của 5000 năm văn minh Trung Hoa, từ hình dáng, âm thanh đến những câu thành ngữ… tất cả đều chứa đựng những nội hàm văn hóa sâu sắc.
ĐCSTQ phá hủy hình thức chữ Hán, làm suy yếu tính hữu dụng của chữ Hán và tạo ra chữ Hán với các ký tự giản thể. Tháng 1/1956, đại lục chính thức khởi động “Chương trình giản hóa chữ viết Trung Quốc”. Vào thời điểm “Danh sách chữ Hán giản thể” được xuất bản vào tháng 5/1964, tổng số ký tự giản thể đã lên tới 2.236.
Người dùng Internet mô tả sự phi lý của tiếng Trung giản thể như sau:
Thân-親 bất kiến-見 (thân thiết nhưng không thấy đâu).
Ái-愛 không tâm-心 (yêu mà không có trái tim).
Sản-產 không sinh-生 (sinh mà không có sự sống)
Xưởng-廠 không ruột-厂 (nhà máy trống không).
Miến-面 không mạch-麥 (mỳ mà không có lúa mạch).
Vận-運 không xa-車 (vận chuyển mà không có xe).
Đạo-導 không đường-道 (Chỉ dẫn mà không có đường).
Nhi-兒 không đầu-首 (trẻ con không đầu).
Trữ-佇 không chân-伫 (đứng mà không có chân).
Phi-飛 đơn dực-飞 (bay mà chỉ có một cánh)
Dũng-湧 không lực-力 (sóng lớn mà không có sức).
Vân-雲 không vũ-雨 (có mây mà không có mưa).
Khai-開 không cửa-門 (mở cửa mà không có cánh cửa).
Hương-鄉 không lang-郎 (làng quê không còn thanh niên).
Nghĩa-義 thành hung-凶 (nghĩa nhân thì thành hung tàn).
Nhưng ma-魔 vẫn là ma-魔.
Bài bình luận chỉ ra rằng ĐCSTQ đã đưa những thứ cặn bã từ cổ chí kim, những thứ trái ngược với văn hóa truyền thống như các cuộc tranh đấu cung đình, mưu đồ quỷ kế, chế độ độc tài chuyên chế, v.v. mà khuếch đại lên, tạo ra một bộ tiêu chuẩn về thiện và ác của ĐCSTQ, cách thức tư duy và hệ thống lời nói, lấy chủng văn hóa tà ác “Văn hóa đảng” để ngu hóa và lừa dối người Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, người dân ở đại lục liên tục nhận ra bản chất tà ác của ĐCSTQ, chế nhạo ĐCSTQ, từ đó khơi dậy làn sóng yêu cầu khôi phục và hồng dương văn hóa truyền thống Trung Hoa.
Theo Epochtimes tiếng Trung
Mạnh Hải biên dịch
Xem thêm: