Chủ đội bóng Golden State Warriors bị chỉ trích vì nói ‘chẳng ai buồn quan tâm’ về người Duy Ngô Nhĩ
Đồng sở hữu đội bóng rổ NBA và tỷ phú Chamath Palihapitiya đang phải đối mặt với sự phẫn nộ trên mạng sau khi tuyên bố rằng “chẳng ai buồn quan tâm” đến hoàn cảnh của những người Duy Ngô Nhĩ đang bị đàn áp ở vùng Tân Cương xa xôi phía tây Trung Quốc.
“Chẳng ai buồn quan tâm đến những gì đang xảy ra với người Duy Ngô Nhĩ đâu, được chứ? Anh nói về chủ đề này vì anh quan tâm và tôi nghĩ thật tốt là anh quan tâm. Còn những người khác trong chúng ta thì không quan tâm,” ông nói trong một podcast mà ông là người đồng dẫn chương trình, sau khi một người dẫn chương trình khác nói về lệnh cấm gần đây của Hoa Thịnh Đốn đối với tất cả các sản phẩm xuất xứ từ vùng Tân Cương vì sử dụng lao động cưỡng bức.
“Tôi đang nói cho anh một sự thật rất phũ phàng khó nghe,” ông tiếp tục. “Trong tất cả những điều mà tôi quan tâm, vâng, điều này đều nằm dưới ngưỡng của tôi.”
Hoa Kỳ và một số quốc gia phương Tây khác đã coi chính sách đàn áp của Bắc Kinh ở Tân Cương là một tội ác diệt chủng, điều mà một tòa án nhân dân độc lập có trụ sở tại Anh Quốc, do luật sư nhân quyền quốc tế nổi tiếng Geoffrey Nice QC làm chủ tọa, đồng ý. Các hành vi lạm dụng, bao gồm lao động khổ sai, cưỡng bức triệt sản, giam giữ, và giám sát hàng loạt, đã khiến Hoa Kỳ và các nước khác tiến hành một cuộc tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh sắp tới.
Ông Palihapitiya đang phản bác khi một người dẫn chương trình thứ ba, nhà đầu tư mạo hiểm David Sacks, nói rằng vấn đề này “không phải là vấn đề hàng đầu” đối với nhiều người.
“Điều đó không đáng để quan tâm,” ông Palihapitiya nói. “Tôi quan tâm đến thực tế là liệu nền kinh tế của chúng ta có thể khởi sắc nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan. Tôi quan tâm đến biến đổi khí hậu. Tôi quan tâm đến cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe đang bị tê liệt và đổ nát của Hoa Kỳ. Nhưng nếu quý vị hỏi tôi, rằng tôi có quan tâm đến một bộ phận của một lớp người ở nước khác không? Cho đến khi chúng ta có thể tự lo liệu cho bản thân, thì tôi mới ưu tiên họ hơn chúng ta.”
“Tôi không thể làm được gì cho người Duy Ngô Nhĩ cả, hoàn toàn là con số không,” ông nói ngay sau trong tập phát sóng hôm 15/01.
Một đoạn clip ghi lại những nhận xét của ông đã thu hút sự chú ý rộng rãi trên mạng xã hội vào ngày Lễ toàn quốc kỷ niệm ngày sinh của Martin Luther King Jr. và gây ra làn sóng chỉ trích từ các nhà lập pháp, những người coi sự thờ ơ của ông như một dấu hiệu cho thấy liên đoàn thể thao này đang coi trọng lợi nhuận hơn nhân quyền.
“Chúng ta luôn biết rằng NBA và nhiều chủ sở hữu của nó rất vui khi đặt lợi nhuận lên trên mọi người. Bây giờ ông @chamath đang nói rõ như ban ngày rằng: ông ta không quan tâm đến việc Trung Quốc Cộng sản đang thực hiện tội ác diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ. Ông ta cũng không quan tâm đến việc hàng triệu người bị đưa đến các trại lao động cưỡng bức,” Thượng nghị sĩ Rick Scott (Cộng Hòa-Florida) nói trên Twitter. Ông cho biết thêm rằng “im lặng chính là nhân nhượng.”
Dân biểu Ashley Hinson đã bình luận rằng “chính phủ, các công ty, và công dân Hoa Kỳ phải cùng chung tiếng nói chống lại những hành vi vi phạm nhân quyền tàn bạo của ĐCSTQ và buộc họ phải chịu trách nhiệm.”
“Lịch sử sẽ ghi nhớ những người đã làm ngơ trước tội ác,” cô viết trên Twitter.
Đội bóng NBA đã nhanh chóng tìm cách tạo khoảng cách với cơn bão internet này. Trong một tuyên bố trên Twitter, họ gọi ông Palihapitiya là “một nhà đầu tư hạn chế và không liên quan gì đến hoạt động hàng ngày của đội Warriors.”
Đội bóng này cho biết, “Ông Palihapitiya không phát ngôn thay mặt cho chúng tôi, và quan điểm của ông ấy chắc chắn không phản ánh quan điểm của tổ chức chúng tôi.”
Vào cuối ngày 17/01, ông Palihapitiya đã đăng một lời giải thích trên Twitter, rút lại những nhận xét của mình. “Khi nghe lại podcast của tuần này, tôi nhận ra rằng mình đang thiếu đi sự đồng cảm. Tôi hoàn toàn thừa nhận điều đó. Là một người tị nạn, gia đình tôi đã từng chạy trốn khỏi một đất nước có các vấn đề nhân quyền của riêng mình nên đây là điều mà tôi đã trải qua rất nhiều. Nói rõ hơn, tôi tin rằng nhân quyền là vấn đề quan trọng, cho dù ở Trung Quốc, Hoa Kỳ, hay ở những nơi khác. Chấm hết,” ông nói.
NBA đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội vì các giao dịch kinh doanh của họ ở Trung Quốc, bao gồm điều hành một học viện bóng rổ ở Tân Cương, một mối liên hệ mà liên đoàn này cho biết họ đã chấm dứt sau khi được các nhà lập pháp Hoa Kỳ yêu cầu vào năm 2020. Một số ngôi sao NBA cũng đã từng chỉ trích một tổng giám đốc của đội bóng rổ Houston Rockets, người đã gửi một dòng tweet ủng hộ Hồng Kông làm kích hoạt sự trả đũa của Bắc Kinh.
Anh Enes Kanter, một trong số ít cầu thủ NBA lên tiếng về vấn đề nhân quyền của Trung Quốc, đã gọi những bình luận của ông Palihapitiya là một “sự xấu hổ”.
Anh nói, “Khi @NBA nói rằng chúng tôi đứng về phía công lý, đừng quên có những người bán linh hồn của họ vì tiền và kinh doanh như ông @chamath, chủ sở hữu của đội @warriors, người đã nói rằng ‘Chẳng ai buồn quan tâm đến những gì đang xảy ra với người Duy Ngô Nhĩ đâu.’”
“Khi các cuộc diệt chủng xảy ra, chính những người như thế này đã để nó xảy ra.”
The Epoch Times đã liên lạc với NBA để yêu cầu bình luận.
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: