Chọn người kế nhiệm Lý Khắc Cường, ông Tập sẽ làm “phép cộng” hay “phép trừ”?
Lưỡng hội năm 2021 đã kết thúc. Việc chính quyền Trung Cộng một lần nữa phá bỏ nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” của Hồng Kông là điểm quan trọng đáng xem xét. Tuy nhiên, có một thay đổi đáng kể khác là việc mở rộng quyền lực của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc nhằm cho phép bổ nhiệm các quan chức cấp Phó Thủ tướng trong thời gian tới. Sự thay đổi này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc lựa chọn người kế nhiệm ông Lý Khắc Cường, đồng thời cũng có thể khiến tình hình chính trị của Trung Cộng thay đổi một lần nữa trong tương lai.
Mở rộng quyền hạn của Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, trong tương lai có thể bổ nhiệm phó thủ tướng bất kỳ lúc nào
Hôm 11/3, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Cộng đã thông qua quyết định về việc sửa đổi “Luật tổ chức Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc” (sau đây gọi là “Luật Tổ chức”). “Luật Tổ chức” sửa đổi cho phép Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc “quyết định việc bổ nhiệm và miễn nhiệm các thành viên của Hội đồng Nhà nước dựa trên đề cử của Thủ tướng Quốc vụ viện” trong khoảng thời gian không diễn ra Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc.
Cái gọi là “Hiến pháp” của Trung Cộng chỉ đề cập rằng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc có quyền đề cử và xác định các ứng cử viên của các bộ trưởng, chủ nhiệm ủy ban, tổng kiểm toán và tổng thư ký dựa trên đề cử của Thủ tướng. Theo “Luật Tổ chức” sửa đổi, mức bổ nhiệm và cách chức của Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc đã được nâng lên Phó Thủ tướng và Ủy viên Quốc vụ. Trong tương lai, Phó Thủ tướng Trung Cộng có thể được bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm bất cứ lúc nào mà không cần thông qua kỳ họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc. Chỉ cần Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc họp, họ có thể được bổ nhiệm và cách chức bất cứ lúc nào.
Hiện nay, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc đã xây dựng thông lệ họp vào nửa cuối tháng và cách “hai tháng một lần”, thường tổ chức 6 phiên một năm. Kể từ nhiệm kỳ này, số cuộc họp của Ban Thường vụ lâm thời đã lên tới 6 lần. Nói cách khác, trong tương lai, ứng cử viên Phó Thủ tướng Trung Cộng có thể được Ủy ban Trung ương Trung Cộng quyết định bất cứ lúc nào, sau đó giao cho Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc bổ nhiệm, không cần giới hạn trong các phiên họp thường niên của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc.
Trước Đại hội đại biểu lần thứ 20 của Trung Cộng, ông Tập cần làm “phép cộng” để bổ sung người kế nhiệm Lý Khắc Cường
Những thay đổi về mặt cơ chế như thế này không đơn giản như ngoại giới tưởng tượng, không phải là điều chính quyền nhất thời hứng khởi liền có thể tiến hành.
Sau khi ông Tập Cận Bình sửa đổi quy chế tái cử Chủ tịch nước vào năm 2018, việc ông Tập tái đắc cử tại “Đại hội lần thứ 20” về cơ bản không còn chướng ngại gì. Vấn đề ở đây là quy định hạn chế tối đa hai nhiệm kỳ liên tiếp đối với chức vụ Thủ tướng Quốc vụ viện đã không được dỡ bỏ cùng lúc. Lý Khắc Cường, người đã giữ chức vụ Thủ tướng trong hai nhiệm kỳ, sẽ phải từ chức Thủ tướng cho đến lưỡng hội năm 2023. Ai sẽ kế nhiệm Lý Khắc Cường đã trở thành một trong những nội dung được phỏng đoán của giới truyền thông.
Hồ Xuân Hoa là người ban đầu được nhắm đến để kế nhiệm Tập Cận Bình. Nhưng mãi đến năm 2017, khi Bí thư Thành ủy Trùng Khánh là Tôn Chính bị bắt vào tù và sau khi Tập Cận Bình xóa bỏ quy định Chủ tịch nước chỉ được giữ chức trong hai nhiệm kỳ, người ta mới nhận ra rằng Hồ Xuân Hoa cùng lắm cũng chỉ có thể kế nhiệm Lý Khắc Cường, mà thậm chí liệu rốt cuộc có thể kế nhiệm thành công và trở thành thủ tướng hay không vẫn còn phải xem ông Tập có muốn hay không.
Nhưng có một điểm đáng nói là người kế nhiệm Lý Khắc Cường nên đi lên từ vị trí Phó Thủ tướng. Nhìn từ quan lộ của Chu Dung Cơ, Ôn Gia Bảo và Lý Khắc Cường trong mấy thập kỷ gần đây, có thể thấy quy tắc này vẫn chưa hề bị phá vỡ. Nếu ông Tập thực sự định để Hồ Xuân Hoa kế nhiệm Lý Khắc Cường, thì không cần thiết phải thực hiện thay đổi trong “lưỡng hội” lần này để mở rộng quyền bổ nhiệm của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc đối với các quan chức cấp phó thủ tướng. Bởi vì Hồ Xuân Hoa hiện tại đã là phó thủ tướng, tương lai cao hơn một cấp chính là kế nhiệm vị trí Thủ tướng. Điều này phù hợp với các quy tắc nội bộ của Trung Cộng và không cần đến bất kỳ thay đổi nào về mặt cơ chế.
Hiện ông Tập đã thay đổi quyền bổ nhiệm của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, vậy rất có thể người kế nhiệm Lý Khắc Cường hiện không nằm trong số các phó thủ tướng đương nhiệm và cần nhanh chóng được “đưa vào” trong năm tới. Nếu đợi đến “lưỡng hội” năm sau mới bổ nhiệm vị Phó Thủ tướng này, rồi đến “Đại hội lần thứ 20” vào tháng 10 năm sau, vị Phó Thủ tướng này mới trở thành ủy viên Thường vụ, thì rõ ràng là tương lai, Phó Thủ tướng này chưa kịp ngồi “ấm thân” đã tiếp nhận chức vụ Thủ tướng từ ông Lý Khắc Cường. Làm như vậy khó tránh gây cho người ta cảm giác như “ngồi tên lửa”, lại càng để lại ấn tượng sâu sắc rằng ông Tập dùng người chỉ chọn thân tín làm trọng, điều này không có lợi cho ông Tập.
Nói cách khác, nếu ông Tập thực sự chuẩn bị “làm phép cộng”, chọn một người kế nhiệm từ bên ngoài thay vì chọn từ các phó thủ tướng đương nhiệm, thì cho dù người được chọn là Lý Cường hay một thân tín khác của ông Tập, ngoại giới cũng sẽ chứng kiến người này được Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc bổ nhiệm làm phó thủ tướng mới trong vòng một năm tới.
“Phép trừ” của ông Tập và thời khắc nguy nan của Hồ Xuân Hoa
Ngoài ra vẫn còn một tình huống khác là ông Tập làm “phép trừ”, bỏ đi một người trong số các phó thủ tướng đương nhiệm, hoặc để các đối thủ cạnh tranh tiềm năng tự nguyện bị loại, sau đó mới đưa người hợp ý vào.
Điều kiện bất lợi của “phép trừ” này là ông Tập khó thắng trong các cuộc đấu đá nội bộ cao cấp, do lý lịch và “thành tích” của Hồ Xuân Hoa đều được các phe cánh công nhận, nên người do phe ông Tập đề xuất khó có thể cạnh tranh với Hồ Xuân Hoa. Trong tình huống này, ông Tập chỉ có thể dùng lại chiêu bài cũ, lấy danh nghĩa chống tham nhũng để tiến hành điều tra những nơi mà Hồ Xuân Hoa từng công tác. Cuối cùng, hoặc dùng phương thức giống như dùng với nhân vật mới hạ đài là Tôn Chính để bắt Hồ Xuân Hoa, hoặc dùng phương thức như dùng với Lý Nguyên Triều để khiến Hồ Xuân Hoa rút khỏi cuộc cạnh tranh.
Hôm 5/3 là ngày đầu tiên khai mạc Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc. Khi Tập Cận Bình đã tham gia nghị sự cùng đoàn đại biểu Nội Mông và nhắc đến việc một số quan chức Nội Mông sử dụng tài nguyên quốc gia để hối lộ, nhận hối lộ, tiến hành các giao dịch quyền-tiền, ông Tập đã nói: “Món nợ này luôn luôn cần tính sổ”. Theo như truyền thông đưa tin, khi ấy, ông Tập Cận Bình đã “nhìn quanh hội trường” và “cả hội trường lặng ngắt như tờ”.
Ông Tập còn tuyên bố rằng không chỉ không khoan nhượng đối với tham nhũng mới xuất hiện mà đối với tham nhũng tồn tích trong quá khứ cũng sẽ không khoan nhượng. Trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương sau đó đã đăng một bài báo nói rằng tham nhũng trong lĩnh vực liên quan đến than đá sẽ bị “điều tra từ thời điểm 20 năm trước.”
Lý lịch cho thấy từ năm 2009 đến năm 2013, Hồ Xuân Hoa từng là bí thư Nội Mông Cổ, cũng bị liệt vào khung thời gian “20 năm” nói trên.
Hơn nữa, cách nói của ông Tập trước sau không nhất quán, có nhiều thay đổi lớn trong lối nói. Trong thông cáo của Đại hội đại biểu toàn quốc Trung Cộng lần thứ 19, chính quyền liên tiếp lặp lại rằng “tập trung vào những cán bộ lãnh đạo Đảng vẫn chưa chấm dứt tham nhũng kể từ sau Đại hội Trung Cộng lần thứ 18”. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 2 năm ngoái, Nội Mông bất ngờ đề xuất cần “điều tra tham nhũng liên quan đến than đá trong 20 năm.” Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương cũng đã hưởng ứng việc này.
Ngày 10/3, trang tin năng lượng “Năng Kiến” của Trung Quốc đại lục dẫn lời một nguồn tin cho biết Kiều Bảo Bình, cựu chủ tịch Tập đoàn Năng lượng Quốc gia kiêm bí thư đảng ủy, mới đây đã qua đời. Một nguồn tin không chính thức xác nhận rằng cái chết của Kiều Bảo Bình người Nội Mông là một “cái chết bất thường.”
Điều đáng chú ý là Kiều Bảo Bình, 66 tuổi, không chỉ là người gốc Mãn khu vực phía Đông Nội Mông, mà còn xuất thân từ Đoàn thanh niên cộng sản, từng là Trưởng ban Tổ chức của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản.
Năm 2006, Hồ Xuân Hoa trở thành bí thư thứ nhất của Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản.
Nếu ông Tập Cận Bình chuẩn bị tiến hành “phép trừ”, thì tình hình chính trị cao cấp của Trung Cộng trong tương lai sẽ càng phát sinh nhiều biến hóa, và đấu tranh quyền lực cũng sẽ trở nên kịch liệt hơn.
Do Sun Yun thực hiện
Hằng Nga biên dịch
Xem thêm: