Chịu thua cay đắng không phải là lựa chọn của TT Trump
Một trong những tiên đoán đặc sắc nhất của Tổng thống Trump dành cho cử tri Hoa Kỳ trước cuộc bầu cử vào tháng 11/2020 là: “Họ không đuổi theo tôi, họ đuổi theo các bạn. Tôi ở vị trí ngáng đường”. Câu hỏi đặt ra ở đây là mọi người đều muốn biết “họ” mà Tổng thống nhắc đi nhắc lại đó là ai, và những người đó muốn làm gì với Hoa Kỳ.
“Họ” ở đây không chỉ là Đảng Dân Chủ hay Joe Biden. Ông Biden không chỉ là một lãnh đạo chính trị yếu kém, mà rất nhiều người sau cuộc bầu cử này mới biết mức độ tham nhũng của gia đình ông, bởi vì các hãng truyền thông đã kiểm duyệt thông tin này trước cuộc bầu cử.
Một cuộc khảo sát gần đây của Mclaughlin & Associates cho thấy 4.6% người bầu cho Joe Biden sẽ chọn lựa khác nếu họ biết về bê bối tham nhũng của gia đình ông. Truyền thông đã phớt lờ và kiểm duyệt hai báo cáo riêng biệt của Uỷ ban Thượng viện vào tháng 9, trong đó nêu chi tiết các khoản thanh toán khổng lồ mà các tổ chức liên quan đến chính phủ nước ngoài gửi cho Hunter Biden và các công ty cổ phần do anh ta kiểm soát. Hầu hết các giao dịch tài chính này đến từ những mối quan hệ phát sinh trong khoảng thời gian Joe Biden giữ chức Phó Tổng thống dưới thời Obama.
Việc này nói lên điều gì về những kẻ môi giới quyền lực đằng sau Biden, những người biết tất cả mọi thứ về ông ta? Đó chính là họ thích một nhà lãnh đạo yếu hèn và dễ thỏa hiệp, người mà họ dễ dàng kiểm soát và gây ảnh hưởng để bảo đảm rằng lợi ích và mục tiêu của họ được thực hiện. Họ sở hữu Joe Biden.
Vì vậy không ngạc nhiên khi chúng ta lâm vào tình cảnh ngày hôm nay. Sẽ chẳng bao giờ có chuyện phần lớn người dân Hoa Kỳ khi được cung cấp thông tin một cách đầy đủ và hợp lý sẽ ủng hộ thứ mà Đảng Dân Chủ muốn trở thành. Đó là một đảng phái hậu thuẫn cho những kẻ đầy hận thù Hoa Kỳ theo chủ nghĩa Hồi giáo-Mác xít của “bè lũ bốn tên” (Tứ nhân bang) cực đoan và gắn liền lợi ích của mình với Antifa và phong trào BLM; một đảng tạo thuận tiện cho việc phá huỷ toàn bộ tài sản và gây ra gián đoạn thương mại kéo dài tại nhiều thành phố lớn khắp đất nước. Rõ ràng, Joe Biden không thể giành được đa số phiếu Đại cử tri đoàn nếu không có sự thiếu trung thực và kiểm duyệt thông tin của giới truyền thông cùng một cuộc gian lận bầu cử quy mô lớn.
Nếu cuộc bầu cử tổng thống này có hiệu lực, chúng ta có lẽ sẽ chứng kiến nhiều hơn các quy tắc của nhà vận động cộng sản Saul Alinsky như “mục đích biện minh cho phương tiện”, “quy tắc cho những người cấp tiến”, vở kịch của chủ nghĩa Mác-Lênin về xung đột giai cấp và việc đội tiên phong tận dụng những lý do dối trá và mặt trận thống nhất. Chủng tộc, giai cấp và giới tính sẽ tiếp tục được lợi dụng để đẩy mạnh sự chia rẽ xã hội, đồng thời làm suy yếu hơn nữa kết cấu xã hội vốn đã tả tơi của Hoa Kỳ, cũng như làm trầm trọng thêm mặc cảm của người da trắng, và phá bỏ các tổ chức để có quỹ hỗ trợ cho cuộc cách mạng của họ [những người cấp tiến].
Chính trị hoá khoa học và y tế sẽ tiếp tục diễn ra và có thể làm xói mòn việc phân phối dịch vụ chăm sóc sức khỏe hợp lý thông thường.
Và cái gọi là Thỏa thuận Xanh mới (Green New Deal) cũng sẽ giải phóng các chính sách áp đặt kinh tế, làm suy yếu chức năng quan trọng của thị trường tự do trong việc phân bổ hiệu quả nguồn lực. Kết quả là, những chỉ thị đúng đắn về mặt chính trị sẽ chuyển đổi lĩnh vực kinh tế sang lĩnh vực về năng lượng, giao thông vận tải, tiện ích và sản xuất điện, khiến giá các dịch vụ thiết yếu tăng lên — đây là kết quả tất yếu của việc áp dụng trợ cấp và hình phạt trong nền kinh tế xã hội hóa và phụ thuộc.
Hoa Kỳ trên hết
TT Trump đã vấp phải những lời chê bai từ giới tinh hoa doanh nhân và những người thiết lập chủ nghĩa quốc tế trong và ngoài chính phủ, bởi ông đã kiên quyết theo đuổi mục tiêu “Hoa Kỳ trên hết” – một định hướng đặt lợi ích của tầng lớp trung lưu Hoa Kỳ lên hàng đầu. Đây là một cách tiếp cận hợp lý cho việc điều hành đất nước. Nó đã được thực hiện bởi một vài Tổng thống vĩ đại trước đó như TT Reagan, TT Coolidge và TT Lincoln. Diễn văn Gettysburg của TT Lincoln nhắc nhở mọi người rằng, giữa cuộc Nội chiến, Hoa Kỳ luôn cam kết duy trì một chính phủ của dân, do dân và vì dân.
Kẻ thù của TT Trump cũng muốn đẩy ông ra khỏi chiếc ghế tổng thống vì ông ngáng chân những kẻ hưởng lợi khổng lồ từ việc tham nhũng chính trị và những người theo chủ nghĩa toàn cầu hoá. Rất nhiều người trong số những người thiết lập chủ nghĩa quốc tế trong và ngoài chính phủ và một phần giới tinh hoa doanh nhân đã chấp nhận sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào một Trật tự Kinh tế Thế giới Mới.
Họ hướng tới một thế giới không có biên giới để tiếp cận nguồn lao động giá rẻ và sản xuất nước ngoài. Trung Quốc đại lục là điểm đến hàng đầu bất chấp việc chính quyền cộng sản này đang đe dọa đến an ninh của các nước láng giềng và của cả Hoa Kỳ – một mối đe dọa mà TT Trump là vị Tổng thống đầu tiên kiên quyết đẩy lùi.
Nỗ lực đảo chính
Đảng Dân Chủ và thành viên của Nhà nước Ngầm đã quy kết tội danh cao nhất [cho Tổng thống] và thực hiện hành vi sai trái khi tước quyền bầu cử hợp pháp của người dân Hoa Kỳ thông qua việc có được trát giám sát và dàn dựng một cuộc đảo chính chống lại TT Trump dựa vào hồ sơ Nga giả mạo được mua và trả tiền bởi chiến dịch của bà Clinton. Theo đó, họ cáo buộc một cách sai trái rằng TT Trump thông đồng và thỏa hiệp với Nga. Nó dẫn đến cuộc điều tra của Mueller.
Và cũng chính Đảng Dân Chủ ở Hạ viện đã nỗ lực phế truất TT Trump dựa vào một điều giả dối khác.
Trong khi cả hai nỗ lực này đều thất bại, dịch bệnh Covid-19, theo đó là phong tỏa và làm tăng thêm nỗi sợ hãi của công chúng, tạo ra một môi trường lý tưởng cho một cuộc đảo chính thứ ba thành công thông qua gian lận bầu cử quy mô lớn. Đầu tiên, nó có vẻ hiệu quả, nhưng sau đó hàng loạt bằng chứng choáng ngợp đã ngấm vào tâm trí của công chúng.
Có một câu ngạn ngữ cổ là: “Nếu bạn lừa tôi một lần thì bạn là kẻ đáng xấu hổ. Nhưng nếu tôi để cho bạn lừa lần thứ hai thì tôi mới là kẻ đáng trách.” Không có câu nào nói về việc bị lừa lần thứ ba, nhưng ông Donald Trump không phải là người dễ bị lừa dù chỉ một lần. Và điều này có lẽ giải thích vì sao ông ấy được ủng hộ trong khoảng thời gian như thế này, một cuộc chơi kết thúc mỹ mãn sẽ khiến tất cả những kẻ hành ác phải sập bẫy vì hành động tội phạm của mình.
Việc dọn dẹp [đầm lầy] và truy tố có thể bắt đầu với những thủ phạm chính trong màn gian lận phiếu bầu và cùng lúc đó ông sẽ chuyển sang hạ gục những kẻ vi phạm pháp luật có tham vọng đảo chính khác.
Tôi đã viết rất nhiều năm trong tờ báo này hoặc các tờ báo khác rằng Hoa Kỳ tất yếu sẽ sụp đổ nếu không có sự quy chính của hệ thống tư pháp hai tầng. Hệ thống này đã liên tục từ chối truy tố tham nhũng những người nắm giữ các vị trí quyền lực cao – mà chủ yếu nhưng không phải toàn bộ – nằm trong Đảng Dân Chủ.
Những kẻ bảo vệ và tạo điều kiện cho tất cả những vụ tham nhũng này là những cái tên trong cơ quan tình báo, như John Brennan, James Clapper, và Jim Comey. Danh sách những kẻ hậu thuẫn cho việc tham nhũng còn tiếp tục.
Lòng dũng cảm
Hoa Kỳ thật sự đang ở ngã rẽ. Nhưng người dân sẽ tự huyễn hoặc bản thân nếu họ nghĩ rằng Hoa Kỳ có thể lấy lại vị thế của mình, khôi phục trạng thái bình thường của một hệ thống dân chủ hai đảng và vẫn là một quốc gia được tôn trọng và có nguyên tắc trên trường quốc tế nếu TT Trump – người đã thề sẽ bảo vệ Hiến pháp và chống lại các kẻ thù trong và ngoài nước – thừa nhận thất bại trước một đối thủ chính trị rõ ràng là yếu kém và tham nhũng, một ứng cử viên mà người ta cho rằng chiến thắng là do gian lận trong một cuộc bầu cử bị đánh cắp.
Rất nhiều công dân Hoa Kỳ và người dân khắp thế giới đều cầu nguyện rằng một quốc gia tự do vĩ đại dựa trên Hiến pháp, vốn bắt nguồn từ các nguyên tắc [đạo đức] trong Cơ Đốc Giáo và Do Thái Giáo – mà ở đó chính phủ được người dân trao tặng tính hợp pháp thông qua lá phiếu, sẽ làm điều đúng đắn để sửa chữa sai lầm. Nếu người dân Hoa Kỳ bỏ qua những hành động đảo chính và phản bội đầy sai trái ở cấp độ này, họ sẽ rơi vào vực thẳm của chính trị và đạo đức giống như các nước cộng hòa chuối và chế độ cộng sản. Và có khả năng họ sẽ chịu chung số phận với người dân các quốc gia đó là không bao giờ giành lại được một cuộc bầu cử hợp pháp một khi đã mất đi cơ hội.
Mọi người sẽ thắc mắc, tại sao tòa án cấp thấp hơn không hành động và Tối cao Pháp viện từ chối thụ lý vụ kiện của Texas trong khi có bằng chứng choáng ngợp về gian lập quy mô lớn và điều này dẫn đến [các tiểu bang chiến trường] vi phạm quyền lợi của các tiểu bang khác?
Một vài người giả định rằng họ sợ hành động vì nó sẽ khơi gợi một cuộc nội chiến. Cũng có nhiều cách giải thích khác, và hầu hết đều nhận ra rằng tòa án cấp thấp có xu hướng yếu kém và tham nhũng hơn tòa án cấp cao. Nhưng bất cứ ai có mắt và tai đều hiểu rằng cuộc nội chiến giữa sự thật và giả dối đã diễn ra tại Hoa Kỳ trong nhiều năm. Trong 4 năm qua, nó được đẩy mạnh và có nguy cơ biến thành một cuộc chiến tranh vũ trang.
Israel cổ đại đã từng một lần lâm vào tình cảnh tương tự, khi không có ai mà chỉ có chàng David đứng lên chống lại gã khổng lồ Goliath của dân tộc Philistine. Điều còn thiếu ở những vị trí cao cấp của Hoa Kỳ ngày nay là lòng dũng cảm – thứ mà triết gia Aristotle gọi là phẩm chất cốt lõi của con người.
Winston Churchill – một nhà lãnh đạo được đánh giá là có sức ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20 – đã dựa vào quan điểm của Aristotle khi nói rằng: “Lòng can đảm nên được coi trọng đúng mực là phẩm chất đầu tiên của con người… bởi nó là đức tính sẽ bảo đảm sự tồn tại của các đức tính còn lại.”
Hoa Kỳ thật may mắn khi có ông Trump làm Tổng thống, người dù còn có thiếu sót, nhưng không thể phủ nhận rằng ông ấy có một lòng can đảm thiết yếu cho thời khắc lịch sử này.
Hãy hy vọng rằng ngày qua ngày, sẽ lại có nhiều hơn những chàng David có sức ảnh hưởng sẽ bước ra và thực hiện những gì cần thiết để kéo Hoa Kỳ ra khỏi rìa của vực thẳm đạo đức và chính trị. Họ làm điều này không chỉ để cứu vãn mà còn thúc đẩy Hoa Kỳ, và các quốc gia khác đang theo dõi Hoa Kỳ, được hưởng một nền hòa bình, cơ hội và thịnh vượng vĩ đại hơn.
Tác giả: Scott Powell là một nhân sự cao cấp thuộc Viện Discovery và là nhà sáng lập của công ty tìm kiếm đối tác luật RemingtonRand LLC.
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Scott Powell
Hạ An biên dịch
Xem thêm: