Chính trị gia người Úc: Lời nói của lãnh đạo Trung Cộng không khớp với hành động của chế độ
Hôm thứ Tư (27/01), Bộ trưởng Tài chính Úc Josh Frydenberg cho biết hành động của chế độ Trung Cộng không nhất quán với lời nói của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, người đã phát biểu trước Diễn đàn Kinh tế Thế giới rằng các quốc gia lớn không nên bắt nạt các quốc gia nhỏ.
“Chúng tôi đồng ý với quan điểm đó, rằng các quốc gia lớn không nên bắt nạt các quốc gia nhỏ nhưng có vẻ như có một chút mất kết nối giữa lời nói và hành động,” ông Frydenberg nói.
Ông chỉ ra rằng Úc đã phải chịu đựng “những hành động khá khắc nghiệt” của chế độ Trung Cộng về thương mại nhưng cũng nhắc lại lập trường của Thủ tướng Scott Morrison rằng Úc sẽ không thỏa hiệp lợi ích quốc gia hoặc các giá trị của mình để xoa dịu Trung Cộng.
Ông Frydenberg cũng tuyên bố dứt khoát rằng 14 điều bất bình – mà ông mô tả là các yêu sách được đưa ra bởi đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra hồi tháng 11 năm ngoái – là những vấn đề không thể thương lượng mà Úc sẽ không vướng vào.
Một trong những vấn đề này là quyền của các chính trị gia để “lên tiếng khi họ cảm thấy phù hợp” về Trung Cộng.
Trong danh sách 14 điều bất bình của mình, chế độ Trung Cộng cũng đã tìm cách hạn chế quyền tự do báo chí của Úc và muốn chính phủ nước này rút lại lời kêu gọi điều tra về nguồn gốc của đại dịch COVID-19, cùng với lệnh cấm Huawei khỏi mạng 5G của mình. Nó cũng đề cập đến các chính sách đầu tư nước ngoài của Úc và luật chống can thiệp nước ngoài mới của nước này như một lời than phiền.
Ông Frydenberg khẳng định rằng Úc đưa ra quyết định đầu tư nước ngoài phù hợp với lợi ích quốc gia của mình, “và tất nhiên về vấn đề nhân quyền chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng khi có những bất công như chúng tôi đã làm trong quá khứ, như chúng tôi sẽ làm trong tương lai,” ông nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại New Zealand lại cho rằng Úc nên theo cách làm của nước ông trong việc đối thoại “ngoại giao nhiều hơn một chút” với chế độ Trung Cộng.
Xuất hiện trên chương trình Squawk Box Asia của CNBC hôm thứ Tư, Bộ trưởng Thương mại New Zealand Damien O’Connor cho biết đất nước của ông có “mối quan hệ chín chắn” với chế độ Trung Cộng và luôn có thể nêu lên những lo ngại.
“Tôi không thể phát biểu thay mặt cho Úc và cho cách nước này điều hành các mối quan hệ ngoại giao, nhưng rõ ràng nếu họ theo [cách làm của] chúng tôi và thể hiện sự tôn trọng, tôi đoán thỉnh thoảng nên có sự ngoại giao nhiều hơn một chút và thận trọng với từ ngữ, thì hy vọng là họ cũng có thể ở trong tình huống tương tự [như chúng tôi],” ông nói.
Bình luận trên của ông O’Connor diễn ra sau khi New Zealand đã vắng mặt một cách đáng chú ý vào đầu tháng này trong tuyên bố chung của Liên minh Ngũ Nhãn nhằm lên án Trung Cộng về vụ bắt giữ hàng loạt 55 chính trị gia và nhà hoạt động ở Hồng Kông.
Thay vào đó, Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Nanaia Mahuta đã viết trên Twitter hôm 07/01: “Aotearoa New Zealand vô cùng lo ngại về vụ bắt giữ một số nhà ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông gần đây. Điều này thể hiện một nỗ lực khác nhằm làm xói mòn các quyền và tự do của người dân Hồng Kông và phá hoại hơn nữa khuôn khổ hệ thống một quốc gia hai chế độ.”
Hai tuần sau, New Zealand đã ký một thỏa thuận sơ bộ để nâng cấp Hiệp định Thương mại Tự do hiện có với Trung Quốc.
Quan hệ ngoại giao của Úc và Trung Quốc hiện đang ở mức thấp nhất mọi thời đại sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne kêu gọi thành công một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus Trung Cộng, thường được gọi là virus corona mới.
Kể từ đó, các phát ngôn viên của Trung Cộng đã đưa ra những lời đe dọa công khai trên các phương tiện truyền thông Úc, làm rò rỉ tài liệu mật của Bộ Ngoại giao và Thương mại nước này, và đưa ra những tuyên bố xúc phạm trên mạng xã hội về quân đội Úc.
Bắc Kinh cũng đã thực hiện các lệnh cấm thương mại và áp đặt thuế quan đối với tám mặt hàng xuất khẩu chính của Úc sang Trung Quốc, bao gồm bông, than, thịt cừu, thịt bò, lúa mạch, lúa mì, rượu vang, và gỗ.
Ông Frydenberg là chính trị gia thứ hai trong tuần qua nhắc lại lập trường cứng rắn của Úc đối với Trung Quốc. Hành động này đôi khi đã nhận được sự ủng hộ quốc tế từ các quốc gia cùng chí hướng bao gồm Anh Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, và Canada.
Victoria Kelly-Clark
Lê Trường biên dịch
Xem thêm: