Chính sách zero COVID của Bắc Kinh đe dọa nền kinh tế Trung Quốc
Do biến thể Omicron đang gây ra sự gia tăng về số ca nhiễm COVID-19 trên 30 tỉnh và thành phố ở Trung Quốc, nên các quy định hạn chế “không COVID” (“zero COVID”) của Bắc Kinh dường như gây tác hại nhiều hơn có lợi.
Các biện pháp nghiêm ngặt này đang làm suy yếu năng suất của các doanh nghiệp, suy giảm hoạt động của thị trường chứng khoán, buộc khoảng 400 triệu người vẫn ở trong tình trạng phong tỏa, và khiến nền kinh tế suy thoái.
Dữ liệu từ nhiều chỉ số của Trung Quốc cho thấy chính sách zero COVID đã làm suy yếu kết quả kinh doanh quý đầu tiên và nền kinh tế nói chung.
Ví dụ, chỉ số của các nhà quản lý mua hàng (PMI) sản xuất của Tài Tân (Caixin) đã giảm xuống 48.1 trong tháng Ba. Một chỉ số dưới 50 cho thấy lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đang thu hẹp lại so với tháng trước. Giá cổ phiếu, được đo bằng Chỉ số CSI 300 Thượng Hải và Chỉ số Tổng hợp Thâm Quyến, lần lượt giảm 15% và 18%. Đây là những mức giảm hàng quý mạnh nhất kể từ khi thị trường chứng khoán sụp đổ vào năm 2015.
Bà Tưởng Thiên Minh (Katherine Jiang), một nhà phân tích tài chính Hồng Kông, nói với Epoch Times rằng vào năm 2020, đại dịch này đã gây tổn hại cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết vẫn lạc quan rằng virus này sẽ được kiềm chế và nền kinh tế sẽ cải thiện và phục hồi. Nhưng thực tế lại không phải như sự lạc quan này nữa.
Theo bà Tưởng, chiến lược zero COVID năng nổ của ĐCSTQ đã làm gián đoạn nhịp sản xuất hiện tại khiến các doanh nghiệp trở nên kém lạc quan hơn trước. Các nhà lãnh đạo công ty đang bối rối về việc các quy định hạn chế này sẽ kéo dài bao lâu, và ngay cả nếu Bắc Kinh nới lỏng các hạn chế này vào một thời điểm nào đó, họ sợ rằng các biện pháp kiểm soát của ĐCSTQ có thể thắt chặt trở lại bất cứ lúc nào. Sự không chắc chắn bao trùm môi trường kinh doanh của Trung Quốc đang phá vỡ việc lập kế hoạch sản xuất chắc chắn.
Người đứng đầu một công ty xuất cảng ở Quảng Đông, trung tâm của lĩnh vực sản xuất Trung Quốc, gần đây đã nói với Thời báo Chứng khoán rằng trong khi đại dịch đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất, việc lập kế hoạch kinh doanh, cung cấp nguyên vật liệu, và vận chuyển của công ty ông, thì các yêu cầụ kiểm soát COVID đã gây gián đoạn tương đương cho cả các doanh nghiệp và các khách hàng.
Quảng Châu là thủ phủ của tỉnh Quảng Đông. Để đón đầu sự lây lan của COVID ở Quảng Châu vào đầu tháng Tư, Cục Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh của thành phố này đã gấp rút áp đặt một biện pháp kiểm soát khoanh vùng. Cục này thừa nhận rằng do các chuyên gia kiểm soát dịch bệnh của họ đã hành động quá nhanh, các cá nhân và doanh nghiệp đã không có đủ thời gian để chuẩn bị.
Đến hôm 11/04, việc kiểm soát khoanh vùng của Quảng Châu đã không thể ngăn chặn được virus và khu vực bị ảnh hưởng ngày càng lớn. Các quy định hạn chế đã thiết lập hai loại khu vực để kiểm soát sự di chuyển của người dân. Một “khu vực phong tỏa”, nơi tất cả các cửa hàng/dịch vụ đóng cửa và cư dân bị cách ly trong nhà của họ, và một “khu vực bị kiểm soát” cho phép mọi người ra ngoài nhà của họ, nhưng đóng cửa nhà hàng và các địa điểm khép kín, và mọi người phải chỉ được ở trong khu vực lân cận của họ. Nhân viên bảo vệ được bố trí 24 giờ một ngày tại cổng của mỗi khu dân cư và bên ngoài các tòa nhà dân cư và doanh nghiệp để bảo đảm tuân thủ các quy định hạn chế khoanh vùng. Một khi đã đi vào, mọi người không thể rời khỏi một khu vực.
Tình huống tương tự đã xảy ra ở Thượng Hải, khi các quy định hạn chế không khoan nhượng tồi tệ hơn nữa. Thành phố này, với dân số hơn 25 triệu người và hơn 70,000 công ty ngoại quốc, đã bị phong tỏa trong hơn 3 tuần, và việc dỡ bỏ phong tỏa vẫn chưa được thực hiện mặc dù tình trạng thiếu lương thực và nhiều khu vực lân cận không có bất kỳ người bị lây nào trong hơn hai tuần. Thay vào đó, chính phủ thành phố cho biết họ sẽ đẩy mạnh thực thi các biện pháp phong tỏa và áp dụng 9 hành động, bắt đầu từ 29/04, để đạt được mục tiêu “không có sự lây lan trong cộng đồng”, một cột mốc mà thành phố đã không đạt được hôm 20/04. Kế hoạch là thực hiện nghiêm ngặt các quy tắc mặc dù dữ liệu của chính phủ cho thấy đợt bùng phát có thể đã lên đến đỉnh điểm. Theo trang web Tân Hoa xã của ĐCSTQ, các khu đô thị trung tâm của Thượng Hải đã đi vào tình trạng “quản lý cố định toàn thành phố” chưa từng có.
Một cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AMCHAM) của Thượng Hải công bố hôm 01/04 cho thấy 99% nhà sử dụng lao động phản hồi đã bị ảnh hưởng bất lợi bởi các quy định hạn chế phổ biến. Trong số này, 82% các nhà sản xuất Hoa Kỳ báo cáo tình trạng thiếu nhân sự và thâm hụt nguyên liệu thô đã khiến sản xuất chậm lại.
Hôm 09/04, nhà sản xuất xe hơi NIO, có trụ sở tại Thượng Hải, đã công khai một tuyên bố trên ứng dụng di động của mình rằng: “Kể từ tháng Ba, các đối tác chuỗi cung ứng của công ty ở Cát Lâm, Thượng Hải, Giang Tô, và các địa điểm khác đã ngừng sản xuất do dịch bệnh và vẫn chưa được nối lại. Do đó, việc sản xuất toàn bộ dòng xe NIO đã bị đình chỉ.”
Bà Tưởng nêu trên nói: “Việc kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh của ĐCSTQ đã làm gia tăng đáng kể sự không chắc chắn mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong sản xuất. Ảnh hưởng này xảy ra trong việc bố trí lực lượng lao động, thu mua nguyên vật liệu, hoặc thậm chí cả việc mua bán và vận chuyển hàng hóa, những công đoạn này có thể bị gián đoạn bất cứ lúc nào. Chỉ số PMI ngành sản xuất Caixin đã báo cáo vào tháng Ba rằng việc rơi vào khoảng thu hẹp [của chỉ số này] cho thấy sự suy yếu đáng kể trong trong lĩnh vực sản xuất vốn bùng nổ.”
Không chỉ PMI Caixin cho lĩnh vực sản xuất rơi vào phạm vi thu hẹp (dưới 50%) vào tháng Ba, mà chỉ số PMI khác do Cục Thống kê của ĐCSTQ công bố cũng đã giảm xuống dưới ngưỡng 50%. Trong tháng Ba, chỉ số PMI sản xuất, chỉ số hoạt động kinh doanh phi sản xuất, và chỉ số sản lượng PMI tổng hợp lần lượt là 49.5%, 48.4%, và 48.8%, giảm lần lượt 0.7%, 3.2%, và 2.4% so với tháng Hai. Sự suy giảm này cho thấy nền kinh tế và mức độ thịnh vượng chung của Trung Quốc đã trở nên yếu đi.
Các quan chức Trung Quốc cũng thừa nhận rằng dịch bệnh và các quy định hạn chế do COVID đã đồng thời ảnh hưởng đến các mặt sản xuất và nhu cầu của nền kinh tế Trung Quốc.
Niềm tin vào tiêu dùng và đầu tư suy yếu
Không thể coi nhẹ tầm quan trọng của những khó khăn đại dịch ở Thượng Hải. Đây là thành phố hàng đầu của Trung Quốc về doanh số bán sản phẩm tiêu dùng, với tổng doanh thu đạt 288 tỷ USD vào năm 2021. Trong năm này, người tiêu dùng tại Thượng Hải chi tiêu bình quân trên đầu người là 7,824 USD, so với 3,856 USD trên toàn Trung Quốc.
Về tác động kinh tế của Thượng Hải đối với Trung Quốc, Thượng Hải được xếp hạng lớn thứ mười trong số tất cả các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Mặc dù Thượng Hải chỉ chiếm 0.06% diện tích đất của Trung Quốc, nhưng 690 tỷ USD GDP của thành phố này đóng góp 3.8% tổng GDP của Trung Quốc.
Hôm 10/04, Mạng Tin tức Trung Quốc (CGTN), cơ quan truyền thông chính thức của ĐCSTQ, thừa nhận rằng các biện pháp COVID ở Thượng Hải đã hạn chế thói quen di chuyển và chi tiêu của người dân. Chính sách này đã có tác động làm suy yếu các ngành dịch vụ, du lịch, và nhà hàng.
Hơn nữa, chỉ số Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải (000001: SH) đã giảm mạnh kể từ đầu năm 2022. Thị trường mở cửa hôm 04/01 ở mức 3,649.15 điểm, sau đó giảm 435.82 điểm và đóng cửa ở mức 3,213.33 điểm hôm 12/04.
Bà Tưởng đã thấy rằng “từ quan điểm của các công ty, kỳ vọng của người tiêu dùng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hoạt động của công ty, trong khi kỳ vọng của nhà đầu tư có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng huy động vốn trên thị trường của các công ty.”
Hơn nữa, bà nói, “các chính sách zero COVID với sự kiểm soát chặt chẽ không chỉ ảnh hưởng đến nhu cầu mà còn làm suy yếu niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư và làm suy yếu kỳ vọng của họ. Tâm lý này có thể dẫn đến việc người tiêu dùng trì hoãn việc mua sắm các mặt hàng không thiết yếu và thậm chí là việc các nhà đầu tư thoái vốn. Đây là một tác động tiêu cực lớn đến hoạt động kinh doanh.”
Bà Tưởng cảnh báo, “Nếu quý vị nhìn việc này từ góc độ vĩ mô, với những kỳ vọng yếu ớt, nền kinh tế Trung Quốc sẽ có vẻ không tốt trong năm 2022.”
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Cô Kathleen Li đã viết bài The Epoch Times từ năm 2009 và chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô là một kỹ sư, làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật dân dụng và kỹ thuật kết cấu tại Úc.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: