Chính sách về Trung Quốc của Úc ngày càng mang tính đảng phái
Sự đồng thuận của lưỡng đảng xung quanh việc thúc đẩy một liên kết đối tác thương mại bền vững với Trung Quốc trong khi vẫn duy trì một liên minh quân sự mạnh mẽ với Hoa Kỳ đã tan vỡ khi Hoa Thịnh Đốn chuyển sang thách thức một Trung Quốc ngày càng hung hăng.
Các nhà lãnh đạo Đảng Lao Động tin rằng Úc quá vội vã chống lại đối tác thương mại chính của mình, với việc Ngoại trưởng của Phe đối lập (Shadow Foreign Minister) Penny Wong tuyên bố ở Perth rằng bà tin chính phủ đã giải quyết không tốt mối bang giao của Úc với Trung Quốc.
Bà Wong nói với [hãng thông tấn] Western Australian: “Tôi không nghĩ ông Morrison dường như hiểu được sự thịnh vượng và đóng góp của WA [tiểu bang Tây Úc] cho nền kinh tế quốc gia là kết quả của hoạt động xuất cảng của chúng ta ra khu vực, bao gồm cả Trung Quốc. Đôi khi tôi lo sợ điều xảy ra với ông Morrison và một số bộ trưởng của ông ấy là họ muốn đẩy mạnh chính trị đối nội, khiến cho một mối bang giao đầy thách thức ngày càng trở nên khó khăn hơn.”
Các chính khách lão niên của Đảng Lao Động như cựu Thủ tướng Paul Keating và cựu Ngoại trưởng Bob Carr cũng tỏ ra gay gắt về việc Úc ủng hộ Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong khi đó, Thủ hiến tiểu bang Tây Úc Mark McGowan gần đây đã tham dự một sự kiện với Lãnh sự Trung Quốc. Tại sự kiện này, ông cho rằng chính phủ liên bang đã không đánh giá đầy đủ lợi ích của mối bang giao của Úc với Trung Quốc.
“Đó là một phần lớn trong sự thành công về kinh tế và thành công về văn hóa của tiểu bang chúng tôi và đất nước chúng ta trong 50 năm, và đặc biệt là trong 2 năm qua,” ông McGowan nói.
Sự đồng thuận về Trung Quốc tan vỡ sau những thay đổi về nhận thức trước những hành vi và sự hung hăng của Trung Cộng, với việc nhiều người trong Liên minh không còn coi mối bang giao trước đó với Bắc Kinh là có thể trụ vững được.
“Chúng tôi sẽ không bao giờ đánh đổi chủ quyền của mình hay các giá trị của mình,” Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Andrew Hastie nói với The Epoch Times trong một email.
“Các vấn đề với Úc mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra – như tự do báo chí của chúng ta, các quyết định đầu tư quốc gia, sự ủng hộ của chúng ta đối với các vấn đề nhân quyền như Tân Cương – chúng ta sẽ không bao giờ nhân nhượng.”
Từng là một đại úy trong lực lượng đặc nhiệm của Úc trước khi bước vào chính trường, ông Hastie biết rất rõ những gì mà Trung Cộng đang làm khiến ông lo ngại nhất.
“Tôi vô cùng lo ngại về bất kỳ hành động nào, bao gồm cả các cuộc xâm nhập không phận gần đây vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, có thể đe dọa hòa bình và tinh thần thượng tôn pháp luật trong khu vực của chúng ta. Việc giải quyết những khác biệt về Đài Loan và các vấn đề khu vực khác phải đạt được một cách hòa bình, thông qua đối thoại và không có sự đe dọa hay sử dụng vũ lực hoặc cưỡng bách,” ông cho biết.
Tuy nhiên, nếu không có sự đồng thuận của lưỡng đảng, thì chính sách ngoại giao của Úc có thể có nguy cơ ngày càng trở nên rời rạc.
Chẳng hạn, vào năm 2019, Thủ hiến tiểu bang Victoria, ông Daniel Andrews thuộc Đảng Lao Động, đã khiến chính phủ liên bang sửng sốt sau khi ký thỏa thuận tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Điều này không chỉ bị Liên minh coi là đi ngược lại với lợi ích quốc gia, mà còn gây rủi ro cho nhiều chính sách ngoại giao đang đồng thời áp dụng ở Úc.
“Đây là lý do tại sao Chính phủ ông Morrison đưa ra luật pháp phù hợp để bảo đảm lợi ích quốc gia của chúng ta được bảo vệ và không để các chính sách ngoại giao bị những Thủ hiến tiểu bang như ông McGowan kiểm soát,” ông Hastie nói.
Việc củng cố hơn nữa lập trường chống Trung Cộng đã khiến quan điểm của công chúng Úc về Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày càng xấu. Cuộc thăm dò mới nhất của Viện Lowy cho thấy quan điểm của người dân Úc về ĐCSTQ đang ở mức thấp nhất mọi thời đại, với hơn 90% dân số coi việc bành trướng hệ thống chính quyền và quân đội của Trung Quốc là hành vi thù địch.
Cuộc chiến ngoại giao cũng đã khiến những tiếng nói ủng hộ Trung Quốc nổi bật nhất của Úc trong lĩnh vực kinh doanh phải nín lặng. Tuy nhiên, khi ông Tập Cận Bình cấm các sản phẩm của Úc và đàn áp các doanh nhân ở trong nước, thì các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đang được khuyến khích tích cực đa dạng hóa thị trường của họ.
Trong khi đó, sự ủng hộ dành cho liên minh của Hoa Kỳ vẫn luôn ở mức cao, ngay cả khi nguy cơ xảy ra đối đầu quân sự lớn trong khu vực tăng lên.
Ông Hastie cũng mạnh mẽ bác bỏ những cáo buộc từ phe đối lập cho rằng chính phủ ông Morrison đã không khéo léo giải quyết những rắc rối ngày càng tăng với phía Trung Quốc.
Ông cho biết, “Như ngài Thủ tướng đã nói, Úc không có trở ngại gì trong việc đối thoại trực tiếp với Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc ở cấp độ chính trị – mà đó là do họ đã không nắm lấy cơ hội.”
Yến Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.
Xem thêm: