Chính sách về khí hậu và sự mở rộng quyền lực của chính phủ
Các chính trị gia trên toàn cầu lợi dụng một hành tinh đang nóng lên như một cái cớ bắt buộc để mở rộng quyền lực.
Giáng sinh đã đến rồi – nhưng cuộc đàm luận về hiện tượng nóng lên toàn cầu vẫn chưa hạ nhiệt trong tiết trời mát mẻ này. Trên thực tế, dường như mối lo ngại về khí hậu đã ảnh hưởng đến mọi vấn đề ngày nay.
Tại Hoa Thịnh Đốn, Hạ viện do Đảng Dân Chủ cứng rắn nắm quyền, đã trao cho một Thượng viện vốn bị chia rẽ nhưng nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Dân Chủ, một đạo luật mới đắt đỏ. “Đạo luật Xây dựng lại Tốt hơn” trị giá 2 ngàn tỷ USD đã được Hạ viện thông qua hôm 19/11, với sự phản đối của một thành viên Đảng Dân Chủ duy nhất là ông Jared Golden (Dân Chủ-Maine).
Không có gì ngạc nhiên khi cụm từ “khí hậu” xuất hiện trong đạo luật mới này đến 131 lần, trong khi cụm từ “khí gây hiệu ứng nhà kính” hoặc “những khí gây hiệu ứng nhà kính” xuất hiện 72 lần.
Đây không phải một xu hướng mới. Đạo luật cơ sở hạ tầng trị giá 1 ngàn tỷ USD, nay là luật đất đai, sử dụng từ “khí hậu” 22 lần và từ “carbon” [được lặp đi lặp lại] một cách đáng kinh ngạc đến 203 lần.
Sau bốn năm nhiệm kỳ của Tổng thống (TT) Donald Trump, năm 2021 đánh dấu sự trở lại trạng thái của thời Obama trong rất nhiều vấn đề, trong đó có cả chính sách về khí hậu. Chính phủ TT Biden đã tăng cường tập trung vào tất cả mọi vấn đề về khí hậu, thậm chí còn vượt qua cả tiền lệ từng đặt ra dưới thời TT Barack Obama — trong khi mọi tranh luận về sự tồn tại, các nguyên nhân, và quỹ đạo của biến đổi khí hậu đã phải đối mặt với sự phản đối chưa từng có tiền lệ.
Chỉ vài ngày sau khi nhậm chức, TT Joe Biden đã ký ban hành một sắc lệnh lớn về biến đổi khí hậu, vốn trói buộc khí hậu vào trong mọi vấn đề, từ an ninh quốc gia đến công lý môi trường. Một sắc lệnh [được ban hành] hồi tháng Năm đã giao nhiệm vụ cho các bộ phận khác nhau của chính phủ liên bang phải thiết lập các biện pháp mới để ước tính rủi ro liên quan đến khí hậu.
Trong một chủ đề trên Twitter gần đây, ký giả Michael Shellenberger đã thảo luận về một báo cáo mới của Cục dự trữ liên bang, cho thấy chính sách liên quan đến khí hậu có thể gây ra mối đe dọa cho hoạt động ngân hàng hơn là cho chính bản thân khí hậu. Ông nói rằng tham vọng của chính phủ TT Biden nhằm “thay đổi hoàn toàn cách thức cho vay tiền của các ngân hàng Hoa Kỳ, ngành năng lượng và toàn bộ nền kinh tế,” vốn được gọi là một cách ứng phó với biến đổi khí hậu, có thể được thúc đẩy bởi các nhà hoạt động là những cổ đông giàu có, có khả năng càng trở nên giàu có hơn trong quá trình này.
Các nhà lãnh đạo trên thế giới, từ Thủ tướng Anh Quuo61c Boris Johnson và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, cho đến lãnh đạo Tập Cận Bình của Trung Quốc, cũng như Thủ tướng Justin Trudeau của Canada đã thường bàn luận về những nguy cơ sắp xảy ra do biến đổi khí hậu – những nguy cơ mà khi nhìn lại, thường lùi xa đến một ngày nào đó trong tương lai gần (nhưng không quá gần), (Viện Doanh nghiệp Cạnh tranh đã tóm tắt sơ lược một vài điều trong dự ngôn tận thế đáng ghi nhớ này, được ông Tony Heller sưu tầm đầu tiên).
Không có gì ngạc nhiên khi các chính trị gia và quan chức của các chính phủ khác đã lợi dụng mối lo ngại về một hành tinh đang nóng lên như một cái cớ bắt buộc để mở rộng quyền lực của họ, không chỉ trong một lĩnh vực, mà trong hầu hết mọi lĩnh vực của cuộc sống. Dường như mọi thứ đều có liên quan đến biến đổi khí hậu.
Tại Trung Quốc, có lẽ một loạt các đợt cắt điện vào mùa thu năm 2021 phần nào đã được thúc đẩy bởi Hội nghị Khí hậu COP26 của Liên Hiệp Quốc, theo giáo sư Frank Tian Xie của Đại học South Carolina Aiken. Trong một bài báo trên tờ The Epoch Times, giáo sư Xie viết rằng ông Tập của Trung Quốc muốn “tỏ ra đẹp mặt trước các nhà lãnh đạo thế giới khác khi ông ta đã hứa hẹn rằng Trung Quốc sẽ cắt giảm lượng phát thải carbon, giảm tiêu thụ điện năng, và giảm mức độ ô nhiễm trong vòng một tháng, bằng mọi giá.”
Hồi tháng Tám năm 2021, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ đã ra mắt Văn phòng mới về Biến đổi Khí hậu và Bình đẳng Y tế. Trợ lý Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh là ông Rachel Levine cho biết, văn phòng mới sẽ “áp dụng các bài học kinh nghiệm từ COVID-19 để giải quyết những cách biệt này, ưu tiên và bảo vệ sức khỏe của quốc gia.”
Rất nhiều quan chức của chính phủ các nước đã suy xét về việc áp dụng những “bài học kinh nghiệm” từ COVID-19 sang cho biến đổi khí hậu, kể cả biện pháp phong tỏa vì khí hậu. Trong bài diễn văn của mình tại Cuộc họp Các Diễn giả nhóm G7 năm 2020, ông Lindsay Hoyle, diễn giả của Hạ viện Anh Quốc, dường như đã ủng hộ “những hạn chế về lựa chọn cá nhân và phong cách sống” theo lối sống [trong đại dịch] COVID-19, để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Bà Mariana Mazzucato, một nhà kinh tế học tại Đại học College London, người đã phục vụ trong các hội đồng đa chính phủ và Tổ chức Y tế Thế giới, viết trong một bài báo do tờ Project Syndicate xuất bản hồi tháng 09/2020 rằng, “trong tương lai gần, thế giới có thể phải dùng đến các biện pháp phong tỏa một lần nữa – đã đến lúc giải quyết các tình huống khẩn cấp về khí hậu.”
[Việc sử dụng] ngôn từ cường độ cao về khí hậu trong năm 2021 đã chấm dứt tại hội nghị COP26 ở Glasgow, Scotland, nơi mà các bên ký kết thỏa thuận sau cùng tại sự kiện này đã cam kết “giảm dần hiện trạng sử dụng than đá,” tức là ngôn từ đã trở nên dịu hơn trong một dự thảo trước đó (thay vì cụm từ “loại bỏ”) theo yêu cầu của Ấn Độ.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho biết thỏa thuận sau cùng này là “chưa đủ.”
Ông Guterres nói: “Chúng ta phải đẩy nhanh hành động vì khí hậu để duy trì mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu tới 1.5 độ C,” đồng thời kêu gọi thế giới bật “chế độ khẩn cấp.”
Báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), được công bố vào tháng Tám năm 2021, ít cực đoan hơn, thậm chí nói rằng khả năng xảy ra các tình huống phát thải cao đã được mô hình hóa “được coi là thấp so với những phát triển gần đây trong lĩnh vực năng lượng.”
Ngay cả khi khoa học về khí hậu đã được tận dụng để mở rộng quyền lực của các chính phủ và các cơ quan đa phương, thì vẫn tồn tại các quan điểm khác nhau.
Nhà nghiên cứu Valentina Zharkova nói với The Epoch Times rằng những dự đoán của bà về một giai đoạn Cực tiểu Lớn của Mặt trời đã được chứng minh là đúng, nghĩa là quá trình Trái Đất lạnh hơn có thể bắt đầu trong tương lai gần. Đáng lưu ý là, mặc dù [nhiệt độ] một số tháng được báo cáo đã tiệm cận hoặc vượt qua mức cao kỷ lục trên toàn cầu vào năm 2021, thì mùa đông năm 2021 tại Nam Cực là mùa lạnh giá nhất từng được ghi nhận.
Một nghiên cứu khác kết luận rằng biến đổi khí hậu chủ yếu là do ảnh hưởng của mặt trời chứ không phải do carbon dioxide.
Ông Ronan Connolly, tác giả chính của nghiên cứu này nói với The Epoch Times rằng: “Khi họ khăng khăng muốn thúc đẩy cái gọi là sự đồng thuận khoa học, IPCC dường như đã quyết định chỉ xem xét những bộ dữ liệu và nghiên cứu hỗ trợ cho câu chuyện họ đã chọn.”
Trong một nghiên cứu mới khác, nhà kinh tế học Ross McKitrick đã thách thức một phương pháp thống kê quan trọng được sử dụng để quy cho biến đổi khí hậu là do phát thải khí nhà kính, từ đó thúc đẩy cuộc tranh luận với một trong những nhà phát triển [giả thuyết] này, như được nêu chi tiết trên The Epoch Times.
Ông Steven Koonin, một nhà vật lý lý thuyết từng phục vụ trong Bộ Năng lượng dưới thời chính phủ TT Obama, nói với Đài truyền hình Tân Đường Nhân rằng những thay đổi nhanh chóng về mặt chính trị đối với năng lượng là rất nguy hiểm.
Ông Koonin cho biết: “Nếu chúng ta thực hiện những thay đổi quá nhanh, điều đó sẽ gây ra nhiều thiệt hại hơn bất kỳ thiệt hại nào có thể hình dung được do biến đổi khí hậu.”
Ông Chris Wright, giám đốc điều hành của công ty khí đốt tự nhiên Liberty Oilfield Services, nói với The Epoch Times rằng biến đổi khí hậu là có thật nhưng “không có cơ hội” để thế giới đạt đến mức phát thải bằng 0 vào năm 2050. Vào thời điểm mà một số kết luận khoa học về khí hậu đang thúc đẩy hành động ồ ạt trên quy mô toàn cầu, thì việc tranh luận dường như rất quan trọng – thậm chí là không thể thiếu.
Nhưng các đại công ty công nghệ (Big Tech) như Google, Facebook và Twitter đã chuyển sang ngăn cấm các cuộc thảo luận đó bằng cách xác định một số nội dung là thông tin sai lệch về khí hậu và hủy kiếm tiền hoặc ngăn chặn nội dung đó.
Xu hướng chống đối tự do ngôn luận này có thể sẽ vẫn tiếp diễn vào năm 2022. Tuy nhiên, năm mới cũng có thể mang lại những nhượng bộ mới trước nhu cầu về năng lượng giá rẻ và đáng tin cậy, đặc biệt nếu Đảng Cộng Hòa nắm cả Hạ viện và Thượng viện. Về lâu dài, những tiến bộ trong công nghệ nhiệt hạch và các công nghệ năng lượng khác có thể giúp giải quyết nhu cầu năng lượng của thế giới.
Dầu vậy, thật khó để hình dung rằng những luận điệu về khí hậu sẽ sớm hạ nhiệt bất cứ lúc nào.
Ông Nathan Worcester là phóng viên môi trường của The Epoch Times.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: