Chính sách Trung Quốc của chính phủ TT Biden coi chế độ cộng sản là ‘không thể thiếu’ đối với tiến bộ toàn cầu
Làm thế nào để quý vị cạnh tranh với một đối thủ tiềm năng trong khi đồng thời cho phép đối thủ đó đánh cắp những công nghệ quý giá nhất của quý vị? Làm thế nào để quý vị đánh bại một đối thủ mà quý vị tin là quan trọng đối với sự sống còn của chính mình?
Đây là những câu hỏi mà người ta có thể ngay lập tức đặt ra khi xem xét chính sách Trung Quốc được chờ đợi bấy lâu nay của chính phủ Tổng thống (TT) Biden, được Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken thảo những nét chính hôm 26/05, trong đó ông nhắc lại rằng quốc gia này sẽ không tìm cách tách rời khỏi nền kinh tế Trung Quốc, và cũng sẽ không theo đuổi xung đột với chế độ cộng sản của nước này.
“Cạnh tranh không nhất thiết phải dẫn đến xung đột,” ông Blinken nói. “Chúng tôi không truy cầu điều đó. Chúng tôi sẽ làm việc để tránh xung đột. Nhưng chúng tôi sẽ bảo vệ lợi ích của mình trước bất kỳ mối đe dọa nào.”
Chính sách rất được mong đợi, mà chính phủ đã không mô tả chi tiết trong suốt 17 tháng nay, đã khiến nhiều người thất vọng vì họ cho rằng bài diễn văn của ông Blinken chỉ đơn thuần là tóm tắt các hành động mà chính phủ đã thực hiện và không đưa ra bất kỳ thay đổi thực sự nào đối với chính sách hoặc chiến lược của Hoa Kỳ liên quan đến Trung Quốc.
Ông Derek Grossman, một nhà phân tích về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Rand Corporation, cho biết trong một tweet rằng chính sách này là một “cơ hội bị bỏ lỡ”, và đã không đưa ra được bất kỳ lý lẽ mới nào.
Tuy nhiên, đáng chú ý là việc phác thảo chính sách Trung Quốc của chính phủ TT Biden ít nhất đã ngầm truyền tải một thông điệp: Hoa Kỳ đã thất bại trong việc ngăn trở sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự hung hăng ngày càng mạnh mẽ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Thật vậy, ông Blinken tuyên bố rõ ràng rằng Hoa Kỳ sẽ không can thiệp vào việc Trung Quốc tiến tới vị thế cường quốc, rằng họ sẽ chỉ tìm cách bảo đảm rằng ĐCSTQ tuân thủ các quy tắc quốc tế và cũng đã biết rằng ĐCSTQ đang không tuân thủ các quy tắc đó.
Chính sách mới đã là một thứ gì đó mang tính chất đổi mới thương hiệu, mà ông Blinken gọi là “Mô hình kiểu Mỹ” và mô tả chiến lược nền tảng của mô hình này bằng những từ “Đầu tư. Liên kết. Cạnh tranh.” Nhưng ba khái niệm đó thực sự có ý nghĩa gì?
‘Đầu tư’ hay ‘đã đầu tư’?
Có lẽ khía cạnh gây tranh cãi nhất trong “Mô hình kiểu Mỹ” mới được đúc kết này của chính phủ là sự nhấn mạnh vào việc sử dụng tiền đóng thuế để đầu tư vào một số ngành công nghiệp nhất định trong khi kìm hãm việc thực sự thoái vốn khỏi đầu tư thương mại với Trung Quốc.
“Hoa Kỳ không muốn tách nền kinh tế Trung Quốc khỏi nền kinh tế của chúng ta hoặc khỏi nền kinh tế toàn cầu, mặc dù Bắc Kinh, thông qua những luận điệu của mình, đang theo đuổi sự tách rời bất đối xứng, tìm cách làm cho Trung Quốc ít phụ thuộc hơn vào thế giới và thế giới phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc.”
Ông Blinken nói: “Chúng ta sẽ đầu tư vào nền tảng sức mạnh của chúng ta ở đây tại quê nhà, khả năng cạnh tranh của chúng ta, sự đổi mới của chúng ta, nền dân chủ của chúng ta.”
Ông Blinken nói rằng “những khoản đầu tư chiến lược” như vậy sẽ được thực hiện trong lĩnh vực giáo dục, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, và điện toán lượng tử, mặc dù ông không đưa ra bất kỳ ví dụ nào về việc hoạt động đầu tư này sẽ được thực hiện chính xác như thế nào, với số tiền là bao nhiêu hoặc cho những tổ chức nào, hoặc liệu có một kế hoạch nào hay không.
Khi nói về các khoản đầu tư cụ thể sẽ được thực hiện theo chính sách Trung Quốc, ông Blinken dường như chỉ nói về hai dự luật chi tiêu, cả hai đều là từ năm ngoái.
Đầu tiên là dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.2 ngàn tỷ USD được tạo ra sau thất bại của chính phủ trong việc thông qua luật Xây dựng lại Tốt hơn. Thứ hai là Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới của Hoa Kỳ, một dự luật của Thượng viện sẽ tăng chi tiêu cho lĩnh vực công nghệ hơn 100 tỷ USD. Phiên bản của Hạ viện, Đạo luật CẠNH TRANH của Mỹ, đã được thông qua vào đầu năm nay và hai dự luật này hiện đang được đưa ra trước một ủy ban hội nghị lưỡng viện nhằm mục đích dung hòa sự khác biệt giữa hai dự luật.
Quyết định không khuyến khích bất kỳ sự tách rời nào giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc của chính phủ cũng đặt ra một số vấn đề về việc các khoản đầu tư đó sẽ mang tính chiến lược như thế nào, với khả năng ĐCSTQ chỉ đơn giản là đánh cắp bất kỳ công nghệ mới nào mà Hoa Kỳ phát triển. Tuy nhiên, quyết định đó có thể được thúc đẩy bởi hai nhóm lợi ích, nhóm đầu tiên là các đại tập đoàn có các mối liên hệ kinh doanh với Trung Quốc của Hoa Kỳ.
Có một nỗi sợ giữa các đại công ty của Hoa Kỳ, không phải là ĐCSTQ sẽ đánh cắp công nghệ của họ, hoặc ép buộc họ thực hiện các phương thức kinh doanh khác, hoặc sử dụng lao động nô lệ để sản xuất hàng hóa của họ — mà là khoản đầu tư của họ vào Trung Quốc sẽ bị mất.
Ông Arthur Herman, một thành viên cao cấp tại Viện Hudson, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, cho biết, “Một trong những điểm dễ bị tổn thương then chốt mà chúng tôi ngày càng nhận thức rõ hơn là mức độ mà các công ty ở Wall Street, các ngân hàng Hoa Kỳ, và các công ty đầu tư tiếp tục coi Trung Quốc là thị trường tuyệt vời hoặc cơ hội đầu tư tuyệt vời này.”
Tương tự như vậy, năm ngoái, một báo cáo từ Harvard Business Review đã tuyên bố ngắn gọn rằng “Không có giám đốc điều hành nào mà chúng tôi từng gặp muốn chứng kiến thời gian, nỗ lực, và sự đầu tư mà họ đã bỏ ra để mở mang sự hiện diện ở Trung Quốc bị lãng phí.”
Tuy nhiên, một bài bình luận của chuyên gia khác trên tạp chí Barron’s đã than thở rằng việc tách rời [khỏi Trung Quốc] có thể buộc các công ty phải lựa chọn giữa việc tuân theo luật pháp Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ.
Lực lượng thứ hai đang hành động để ngăn cản chính phủ TT Biden theo đuổi lập trường quyết đoán hơn với Trung Quốc, quả thực hơi trớ trêu, lại chính là chính phủ TT Biden, và đặc biệt là đội ngũ nhân viên cấp tiến hay lên tiếng của họ.
Một báo cáo (pdf) của ông Michael Sobolik, chuyên gia Nghiên cứu về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Hội đồng Chính sách Ngoại giao Hoa Kỳ, nói rằng có nhiều người trong chính phủ muốn có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc, nhưng tiếng nói của họ đã bị át đi bởi các thành viên cấp tiến hơn trong nội các của TT Biden, vốn coi quan hệ đối tác với Trung Quốc là chìa khóa để theo đuổi các sáng kiến về biến đổi khí hậu toàn cầu.
Trên thực tế, theo ông Sobolik, chính phủ TT Biden đã thất bại trong việc ban hành các biện pháp cứng rắn lẽ ra có thể kìm hãm các công ty liên quan đến lao động nô lệ ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc vì “cuộc chiến nội bộ gay gắt … giữa [các] nhóm an ninh quốc gia và biến đổi khí hậu của chính phủ.”
Các bình luận của ông Sobilik cho rằng ban đầu chính phủ TT Biden đã cân nhắc lệnh cấm hoàn toàn đối với các sản phẩm năng lượng mặt trời dính líu đến lao động cưỡng bức trong khu vực, nhưng cuối cùng đã hạ thấp lập trường đó xuống thành lệnh cấm nhập cảng từ một công ty lớn, Hoshine Silicon Industry.
Sau đó Bộ Thương mại đã thêm ba công ty năng lượng mặt trời vào danh sách xuất cảng, mặc dù những công ty này có thể giải thể và tái lập dưới một cái tên mới để tránh khó khăn.
“Thông điệp rất rõ ràng,” ông Sobolik viết, “chính phủ Tổng thống Biden có khả năng phải suy nghĩ kỹ về việc trừng phạt các tổ chức ngoại quốc nếu làm như vậy đe dọa đến nghị trình về khí hậu hoặc gây khó chịu cho các nước đồng minh quan trọng.”
Liên kết cho ai?
Liên quan đến liên kết quốc tế, ông Blinken thừa nhận rằng Trung Quốc đang ngày càng trở nên hung hăng kể từ khi ông Tập Cận Bình lên làm lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào năm 2012, nhưng cho biết Hoa Kỳ sẽ hành động để bảo đảm rằng môi trường chiến lược xung quanh Trung Quốc thuận lợi cho Hoa Kỳ bằng cách định hình môi trường xung quanh quốc gia này.
Ông Blinken nói: “Chúng tôi sẽ gắn kết các nỗ lực của mình với mạng lưới các đồng minh và đối tác của mình, hành động với mục đích chung và vì lý do chung.”
“Chúng ta không thể trông chờ Bắc Kinh thay đổi quỹ đạo của họ. Vì vậy, chúng tôi sẽ định hình môi trường chiến lược xung quanh Bắc Kinh để thúc đẩy tầm nhìn của chúng tôi về một hệ thống quốc tế rộng mở, toàn diện.”
Về mặt này, Hoa Kỳ có một số ảnh hưởng, mặc dù tầm ảnh hưởng đó đang mờ nhạt dần, và quyết định của chính phủ là không đối đầu trực diện với Trung Quốc trong các vấn đề chủ chốt của khu vực như bảo vệ Đài Loan có thể khiến một số quốc gia trong khu vực thận trọng về việc chọn bên giữa hai siêu cường quốc.
Tuy nhiên, đã có một số tiến triển.
Chính phủ đã giúp nâng cao tầm quan trọng của Đối thoại An ninh Tứ giác — một nhóm không chính thức giữa Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc, và Nhật Bản — trong các vấn đề khu vực, đã ký thỏa thuận AUKUS cung cấp cho Úc các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và đang nỗ lực củng cố tính hợp pháp của ASEAN với hy vọng gắn kết các quốc gia thân thiện với phương Tây hơn ở Đông Nam Á nhằm hướng tới việc cùng theo đuổi thị các trường mở và các thỏa thuận an ninh.
Gần đây, Hoa Kỳ cũng đã ký Hiệp định khung Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF), một thỏa thuận gồm 14 quốc gia nhằm phát triển các nền kinh tế tham gia thông qua các chính sách phát triển chuỗi cung ứng và biến đổi khí hậu chung.
Trong lịch sử, khái niệm liên kết đã từng là thứ mà Hoa Kỳ coi là một điểm yếu chiến lược của Trung Quốc, quốc gia vì cam kết mạnh mẽ về chủ quyền của mình, thường xuyên từ chối thay đổi các mục tiêu chiến lược hoặc chính sách của mình để phù hợp với các quốc gia khác.
Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi, đáng chú ý nhất là trong vấn đề về Nga, và trên toàn cầu.
Sự hết lòng kiên định của ĐCSTQ đối với Nga trong suốt cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine của nước này đã chứng tỏ một điểm gây tranh cãi với cộng đồng quốc tế, và đã chứng kiến sự phát triển của những gì có thể là tương đồng nhất với một quốc gia đồng minh chính thức mà Trung Quốc có được dưới sự cai trị của chế độ cộng sản.
Gần đây chế độ cộng sản này cũng đã cố gắng thúc đẩy một thỏa thuận an ninh với 10 quốc gia ở Thái Bình Dương, có khả năng là nhằm mở rộng sự hiện diện quân sự toàn cầu của chính họ và cung cấp cho họ một lợi thế hàng hải chiến lược vượt qua Hải quân Hoa Kỳ.
Ngoài ra còn có Sáng kiến Vành đai và Con đường của nhà cầm quyền này, một dự án đầu tư cơ sở hạ tầng hàng ngàn tỷ dollar được sử dụng để mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị trên toàn thế giới, và cái gọi là chiến lược “chuỗi ngọc trai”, theo đó Bắc Kinh có kế hoạch xây dựng một mạng lưới quan trọng các cảng và cơ sở quân sự dẫn từ Phi Châu đến Hồng Kông có tích hợp một số vị trí án ngữ đối với thương mại toàn cầu.
Một báo cáo từ Viện Chính sách An ninh và Phát triển cho biết: “Trung Quốc đang độc chiếm các vị trí án ngữ chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương bằng cách đầu tư vào các cảng quan trọng về mặt địa chính trị từ Hồng Kông đến Sudan.” “Chuỗi Ngọc Trai bao quanh các quốc gia láng giềng, theo đúng nghĩa đen, đặc biệt là Ấn Độ.”
Do đó, Hoa Kỳ đã đánh mất lợi thế không nhỏ về năng lực định hình môi trường chiến lược của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của mình, và những nỗ lực ngày càng tăng của ĐCSTQ nhằm gộp lợi ích của các quốc gia nhỏ hơn vào các kế hoạch của họ làm dấy lên nghi ngờ về cách thức chính phủ Hoa Kỳ sẽ theo đuổi một cách thỏa đáng đối với khía cạnh thứ ba trong chính sách Trung Quốc: Cạnh tranh.
Đây có phải là cạnh tranh?
Ông Blinken nói rằng Hoa Kỳ đã “có vị thế tốt để vượt trội Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng” bằng cách sử dụng các chiến thuật đầu tư và liên kết của mình, tuy nhiên cho đến nay, dường như có rất ít bằng chứng cho thấy có được bất kỳ lợi ích thực nào từ những nỗ lực này của chính phủ.
Chính phủ TT Biden phần lớn đã tiếp tục nhiều chính sách Trung Quốc của cựu TT Donald Trump, mặc dù hiện họ đang cân nhắc giảm thuế quan của Hoa Kỳ đối với hàng hóa Trung Quốc. Chính phủ cũng vấp phải sự chỉ trích vì đã không đẩy lùi mạnh mẽ hơn nữa các nỗ lực gián điệp công nghiệp đang lan rộng, các nỗ lực bành trướng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, cùng các hành vi vi phạm nhân quyền trong đó có tội diệt chủng của nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Hơn nữa, chính phủ đã loại bỏ một sáng kiến từ thời cựu TT Trump nhằm chống gián điệp Trung Quốc vì cáo buộc phân biệt chủng tộc, mặc dù một đánh giá của DOJ không tìm thấy bằng chứng về sự thiên vị trong chương trình này.
Do đó, ông Blinken cho biết Hoa Kỳ sẽ phải chống lại bộ máy nhà nước độc đảng đàn áp của Trung Quốc bằng cách chứng minh tính hợp lệ của hệ thống tự do, mà theo ông không dựa trên “các giá trị phương Tây” mà là “khát vọng toàn cầu.” Mặc dù ông Blinken cũng nói rằng xã hội cởi mở của Hoa Kỳ đang bị Trung Quốc lợi dụng để phá hoại đất nước này.
“Nhiệm vụ của chúng ta là một lần nữa chứng minh rằng nền dân chủ có thể đáp ứng những thách thức đang xuất hiện, tạo ra cơ hội, và nâng cao phẩm giá con người,” ông Blinken nói. “Tương lai thuộc về những ai tin vào tự do.”
Xoa dịu lập trường với Trung Quốc nhân danh tiến bộ toàn cầu
Nói chung, cho đến nay chiến lược của chính phủ TT Biden bất quá chỉ có thể được mô tả là sự xoa dịu. Sự xoa dịu vì lợi ích của các công ty, và sự xoa dịu vì vận động hành lang về khí hậu.
Nhưng để làm gì cơ chứ?
Có lẽ lặp lại cảm nghĩ của những thành viên cấp tiến trong nội các của TT Biden vốn ngăn cản lợi ích an ninh quốc gia để đổi lấy luật về biến đổi khí hậu, ông Blinken nói rằng Hoa Kỳ đơn giản là không thể đạt được tham vọng toàn cầu về tiến bộ khí hậu và chăm sóc sức khỏe nếu không có sự hỗ trợ của Trung Quốc.
Vì vậy, rõ ràng Hoa Kỳ sẽ làm việc với Trung Quốc, đi ngược lại lợi ích của chính mình vì điều đó được xem là có lợi cho thế giới.
Ông Blinken nói: “Đơn giản là không có cách nào để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu mà không có sự lãnh đạo của Trung Quốc, quốc gia tạo ra 28% lượng khí thải toàn cầu.”
“Trung Quốc cũng là một phần không thể thiếu đối với nền kinh tế toàn cầu và khả năng của chúng ta trong việc giải quyết các thách thức từ khí hậu đến COVID. Nói một cách đơn giản, Hoa Kỳ và Trung Quốc phải thỏa thuận với nhau trong tương lai gần.”
“Ngay cả khi chúng ta đầu tư, liên kết, và cạnh tranh, chúng ta sẽ làm việc cùng với Bắc Kinh, nơi các lợi ích của chúng ta hợp nhất,” ông Blinken nói thêm. “Chúng ta không thể để những bất đồng gây chia rẽ ngăn cản chúng ta thúc đẩy các ưu tiên đòi hỏi chúng ta phải chung vai hành động, vì điều tốt đẹp cho người dân chúng ta và vì điều tốt đẹp cho thế giới.”
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.