Chính sách hai tay của ĐCSTQ với Đài Loan: Vừa đàm phán vừa quấy rối
Ông Walter Russell Mead, giáo sư Khoa chính trị quốc tế tại Đại học Yale, đã tiết lộ vào hôm thứ Hai (11/10) về chiến lược ngoại giao hai tay của ĐCSTQ đối với Đài Loan, giải thích lý do tại sao Bắc Kinh một mặt leo thang xâm phạm không phận gần Đài Loan, mặt khác lại hạ giọng trên trường quốc tế.
Là một tác giả chuyên mục lâu năm của tờ The Wall Street Journal, ông Mead thường xuất bản một số bài báo phân tích chuyên sâu về tình hình kinh tế và chính trị ở Trung Quốc. Trong bài báo mới nhất, ông nói rằng chiến lược của Bắc Kinh đối với Đài Loan có liên quan đến tình hình nội chính ở Trung Quốc, bởi vì Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng.
“Tập Cận Bình dường như đã quyết định lựa chọn chính sách đối ngoại hai tay trong thời điểm hiện tại. Cả việc xâm phạm vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan và những lời nhận xét cứng rắn của Tập Cận Bình trong bài phát biểu vào tháng 7 của ông ấy, đều cho thế giới thấy hình ảnh của một nhà lãnh đạo quyền lực. Mục đích là để đe dọa mà không phát động chiến tranh, trong khi chờ đợi một cơ hội tốt hơn”, ông Mead viết.
Ông tin rằng theo quan điểm của Bắc Kinh, bây giờ là thời điểm tồi tệ để bắt đầu một cuộc chiến tranh đối với Đài Loan.
Tình hình kinh tế và chính trị ở trong nước khiến ĐCSTQ khó lòng sử dụng vũ lực đối với Đài Loan
Ông Mead nói rằng, khi công ty phát triển bất động sản Evergrande sụp đổ, nó sẽ là gây chấn động đến các công ty công nghệ và các ngành nghề khác, và sẽ xóa sổ hơn một nghìn tỷ USD tài sản. Giới doanh nghiệp Trung Quốc đang lo lắng về những gì ĐCSTQ sẽ làm tiếp theo. Đồng thời, cuộc khủng hoảng năng lượng quy mô lớn đã gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng ở hầu hết các khu vực ở Trung Quốc, cộng thêm biến thể Delta ngày càng lan rộng khiến cho việc kiểm soát đại dịch của ĐCSTQ đang phải đối mặt với thử thách khó khăn.
“ĐCSTQ đang ngụy tạo Trung Quốc như đã bước vào một kỷ nguyên mới của sự thoải mái và dư dả. Nhưng đối với những gia đình trung lưu dùng tiền tiết kiệm để mua các sản phẩm quản lý tài sản Evergrande, mà còn phải leo cầu thang lên căn hộ tầng 10 giá cao do mất điện, họ không hề cảm thấy thoải mái và dư dả”, ông viết.
Bắc Kinh tức giận khi nhiều quốc gia bày tỏ sự ủng hộ đối với Đài Loan
Ngoài ra, tình huống ở nước ngoài cũng khiến Bắc Kinh khó mà ra tay, chẳng hạn như: Vài tuần sau khi Úc gia nhập khối liên minh với Hoa Kỳ và Anh, cựu Thủ tướng Úc Tony Abbott đã đến thăm Đài Loan; Thủ tướng mới của Nhật Bản tuyên bố rằng, ông Nobuo Kishi sẽ đảm nhận sự vụ quốc phòng trong chính phủ mới (ông Kishi trong quá khứ có quan điểm thân thiết với Đài Loan). Trong tháng này, một phái đoàn lớn của Đài Loan đang có kế hoạch đến thăm Đông và Trung Âu; Litva đã cho phép Đài Loan mở văn phòng ngoại giao tại nước này. Cuộc tập trận hải quân chung của liên minh 6 nước gần đây ở biển Philippines đã cho thấy quyết tâm ngày càng tăng của họ, những điều này đều khiến ĐCSTQ tức giận.
Đáng chú ý hơn là, tờ Wall Street Journal đã đưa tin vào tuần trước rằng, Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ và các lực lượng đặc biệt đã thay phiên nhau đến Đài Loan để thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện cho quân đội Đài Loan, hoạt động này đã diễn ra được hơn một năm.
Ông Mead cho biết, ĐCSTQ có thể đe dọa và xúc phạm Úc, nhưng khi các trạm điện trong vành đai công nghiệp của Trung Quốc hết nhiên liệu, Bắc Kinh vẫn cần nhập khẩu than của Úc để duy trì hoạt động chiếu sáng, vậy nên để giữ cho nền kinh tế tiếp tục vận hành, Trung Quốc phải xoa dịu các nước láng giềng, chứ không phải là tấn công họ.
Bài phát biểu vào tháng 10 của Tập Cận Bình đã hạ giọng đáng kể so với hồi tháng 7
Căng thẳng ở Đài Loan đã gia tăng trong vài tháng qua. Vào tháng 7 năm nay, trong một bài phát biểu quan trọng vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ tại quảng trường Thiên An Môn, ông Tập đã thề sẽ đánh bại hoàn toàn mọi nỗ lực giành độc lập cho Đài Loan. Trong bức thư chúc mừng Chu Lập Luân được bầu làm lãnh đạo đảng đối lập ở Đài Loan, ông Tập đã nói rằng tình hình ở Đài Loan rất phức tạp và nghiêm trọng. Trong tuần nghỉ lễ dài ngày của ĐCSTQ từ 1-7/10, người ta đã ghi nhận số lượng kỷ lục 149 chiến cơ của Bắc Kinh vượt qua vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu trước công chúng của Tập Cận Bình vào ngày 9/10, dù vẫn khăng khăng muốn sáp nhập Đài Loan vào Trung Quốc đại lục, nhưng ông ta không hề đề cập đến việc sử dụng vũ lực, càng không nhắc đến bối cảnh hiện tại ở Trung Quốc và nước ngoài.
Ông Mead nói rằng bài phát biểu mới nhất của Tập Cận Bình là tương đối kiềm chế, đó là điểm đáng chú ý. Bài phát biểu của ông ta rất giống với Đặng Tiểu Bình, đề cập đến việc thống nhất hòa bình trên cơ sở “một quốc gia, hai chế độ”, mà không đề cập đến bất kỳ mối đe dọa quân sự rõ ràng nào.
Mặt khác, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan vừa kết thúc cuộc hội đàm với Dương Khiết Trì – quan chức ngoại giao hàng đầu của ĐCSTQ, và đã xác nhận nguyên tắc về cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Biden và ông Tập Cận Bình trên nền tảng video trực tuyến vào trước cuối năm.
“ĐCSTQ muốn đóng giả là một siêu cường đang trỗi dậy và khiến các quốc gia khác phải sợ hãi. Nếu dễ dàng thừa nhận sự hỗ trợ của nước ngoài đối với Đài Loan, Bắc Kinh sẽ không thể đạt được điều đó”, ông Mead nói, “ĐCSTQ sẽ muốn duy trì quan điểm chủ nghĩa dân tộc ở trong nước”.
Liên quan đến thông tin quân đội Hoa Kỳ thay phiên nhau huấn luyện quân đội Đài Loan, giới diều hâu ở Bắc Kinh cho biết qua Thời báo Hoàn cầu rằng, sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ ở Đài Loan là “lằn ranh đỏ không thể vượt qua”, và đe dọa rằng một khi chiến tranh nổ ra ở eo biển Đài Loan, “điều đầu tiên cần làm là loại bỏ những quân nhân Mỹ này”.
Việc Bắc Kinh hạ lập trường đối với Đài Loan chỉ là tạm thời
Ông Mead phân tích rằng, việc ĐCSTQ hạ lập trường đối với Đài Loan chỉ mang tính tạm thời, chứ không phải là sẽ thay đổi.
Ông nói: “Không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh đang suy nghĩ lại về quan điểm cơ bản trong thời ông Tập, tức là Trung Quốc đang trỗi dậy và Hoa Kỳ đang yếu đi”.
Ông Mead cảnh báo Bắc Kinh rằng, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc khi suy nghĩ về các chính sách đàn áp trong nước và chính sách cạnh tranh gay gắt của họ ở nước ngoài, cần xem xét xem có bằng chứng nào chứng minh liệu Hoa Kỳ có kiên cường hơn họ nghĩ hay không, và liệu mô hình kinh tế nội địa của Trung Quốc có thực sự mạnh mẽ như họ tưởng tượng.
Do Lâm Yên, Lâm Nghiên thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc trên Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: