Chính sách đối ngoại của TT Biden đến nay vẫn còn là một ẩn số
Sau hơn một tháng nhậm chức, vẫn chưa rõ liệu tổng thống và các cộng sự cấp cao của ông có nghiêm túc suy nghĩ về chính sách đối ngoại và chiến lược mà chính quyền mới dự định sẽ theo đuổi hay đang theo đuổi vì lợi ích của Hoa Kỳ hay không, trong khi cố gắng tận dụng các thiếu sót của chính phủ trước để tạo ra bộ mặt hòa giải hơn cho một chính sách chỉ hơi khác biệt.
Do chiến dịch tranh cử quá mức tệ hại và thậm chí mọi thứ còn căng thẳng hơn trong giai đoạn chuyển tiếp sau bầu cử, chính phủ của ông Biden đã cố gắng quảng bá với công chúng Hoa Kỳ rằng họ có thể theo đuổi những tham vọng chính đáng của Hoa Kỳ trên thế giới một cách thành công hơn nhiều so với chính quyền tiền nhiệm, bằng cách tiếp cận mềm dịu hơn với các quốc gia khác.
Có rất nhiều tiền lệ cho kiểu chuyển đổi này. Chính phủ của ông Eisenhower lên nắm quyền vào năm 1953 với hứa hẹn “giải phóng” toàn bộ Đông u. Một “diện mạo mới” được đưa vào chính sách quốc phòng làm Hoa Kỳ giải ngũ hàng trăm ngàn quân nhân và tăng cường khả năng tấn công nguyên tử, với ngụ ý rằng bất kỳ sự xâm phạm nào về an ninh quốc gia của Hoa Kỳ trên phạm vi toàn cầu sẽ được chào đón bằng một trận bom khinh khí.
Mối đe dọa nguyên tử của Eisenhower đã củng cố lệnh ngừng bắn vẫn đang có hiệu lực ở bán đảo Triều Tiên sau hai năm đàm phán không có kết quả của chính phủ của ông Truman tiền nhiệm. Tuy nhiên, khi lãnh đạo các cường quốc trên thế giới gặp nhau tại Geneva vào năm 1955, lần đầu tiên kể từ hội nghị Potsdam giữa Truman, Stalin, Churchill và Atlee vào năm 1945, bất chấp những gì Đảng Cộng Hòa cho rằng Roosevelt và Truman đã cho Stalin quá nhiều, Eisenhower đã bắt đầu phiên họp bằng cách yêu cầu Liên Xô tuân thủ cam kết chung rút khỏi các quốc gia Âu Châu được giải phóng sau các cuộc bầu cử tự do ở mỗi nước.
Quân Đồng minh phương Tây đã làm như vậy trong vòng vài tháng sau khi kết thúc chiến tranh ở tất cả các quốc gia Âu Châu mà họ đã giải phóng. (Các nước nhỏ vùng Baltic từng được Nga cai trị từ thời Peter Đại đế cho đến năm 1918 được giao lại cho Stalin, và nước Đức là một trường hợp đặc biệt với các khu vực chiếm đóng của quân Đồng minh đã được phân giới.)
Khi John F. Kennedy nhậm chức vào năm 1961, đó là một thế hệ mới, và ưu thế nguyên tử đã nhường chỗ cho khái niệm về “Sự chắc chắn hủy diệt lẫn nhau”: Hoa Kỳ ngồi yên trong khi Liên Xô đạt được khả năng tương đương về hạt nhân, tạo điều kiện cho một quy chế thỏa thuận vĩnh viễn. Khả năng xảy ra các cuộc chiến tranh thông thường được mặc nhiên chấp nhận và đã dẫn đến chiến tranh Việt Nam. Cuộc chiến liên quan đến 500,000 lính nghĩa vụ Hoa Kỳ trong những khu rừng rậm càng xa Hoa Kỳ càng tốt, chiến đấu vì một mục tiêu không giành chiến thắng và không được giải thích thỏa đáng vì lợi ích quốc gia.
Khi Richard Nixon đắc cử năm 1968, ông ta đã có một kế hoạch không được tiết lộ nhằm rời khỏi Việt Nam mà không bị đánh bại, đồng thời giành lại ưu thế hạt nhân. Ông ta đã củng cố các lực lượng của miền Nam Việt Nam đủ để họ có thể đánh bại Bắc Việt và Việt Cộng vào tháng 4/1972 mà không cần sự hỗ trợ trên bộ của Hoa Kỳ, mặc dù vẫn còn cần yểm trợ của không quân.
Nixon đã cân bằng các mối liên hệ với các cường quốc và giành được sự ủng hộ của Trung Quốc lẫn Liên Xô cho nền hòa bình mà ông ta đã vạch ra, và lấy lại cái mà ông gọi là “đủ năng lực nguyên tử” bằng cách đàm phán Hiệp định Hạn chế Vũ khí Chiến lược (SALT 1), mà trong đó hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa đa đầu đạn của Hoa Kỳ được tính là vũ khí đơn lẻ.
Trong một kịch bản mà không một nhà bi kịch nào có thể tưởng tượng được, Đảng Dân Chủ, người đã đẩy Hoa Kỳ vào Việt Nam và sau đó bỏ rơi người lãnh đạo của chính họ, Lyndon Johnson, đã lợi dụng quản lý sai sót của Nixon trong vụ Watergate để hạ bệ ông ta và chấm dứt mọi viện trợ cho miền Nam Việt Nam, bảo đảm cho sự thất bại của cuộc chiến mà Nixon đã có một công thức để nhà nước phi Cộng sản ở Sài Gòn được tồn tại cùng với sự rút lui trong danh dự của Hoa Kỳ.
Tổng thống Reagan đã dọn dẹp những hậu quả lùm xùm. Chủ trương xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa toàn diện (SDI) của ông đã phá hủy ý chí của giới lãnh đạo điện Kremlin, và rồi Liên Xô cùng với chủ nghĩa cộng sản quốc tế đã tan rã. Chiến tranh Lạnh đã kết thúc một cách mỹ mãn mà không có một phát súng nào được khai hỏa hoặc những tiếng động nào của người chiến thắng được phát ra.
Các đảng phái chính trị Hoa Kỳ đã thay đổi qua lại trong hơn 40 năm nhưng không có mâu thuẫn không thể hòa giải nào, và họ hướng tới một kết quả tốt đẹp mà 10 đời tổng thống của cả hai đảng đã đóng góp (từ Franklin Roosevelt cho đến George Bush cha).
Trong bảy nhiệm kỳ giữa Reagan và Trump, kẻ thù của Hoa Kỳ đã thực hiện các cuộc tấn công khủng bố khó truy tìm được nguồn gốc từ các quốc gia cụ thể, như là một phương thức để tránh sự đề phòng của Hoa Kỳ và gây ra bạo lực mà không làm kích động chiến tranh đối với một quốc gia gây hấn nào như sau vụ Trân Châu Cảng.
Và Trung Quốc đã tạo ra một hình thức cạnh tranh mới, không công khai và tinh vi hơn nhiều so với các mối đe dọa của Đức Quốc xã, Nhật Bản và Liên Xô. Tổng thống Trump đã được bầu lên để chống lại mối đe dọa đó, định hình lại liên minh phương Tây mà hầu hết trong số 26 đồng minh đều tự thỏa mãn với việc Hoa Kỳ gánh vác trách nhiệm an ninh chung, đồng thời ngăn chặn tình trạng mất việc làm của người dân Hoa Kỳ cho các nền kinh tế có mức lương thấp hơn dưới danh nghĩa toàn cầu hóa bình quân. Mặc dù các chính sách của ông nhìn chung được các cử tri chấp nhận, nhưng tính cách hiếu chiến và sự thù địch công khai của ông đối với toàn bộ hệ thống chính trị, bao gồm tất cả các phe phái của cả hai đảng, đã dẫn đến thất bại (vẫn đang tranh cãi) của ông vào năm ngoái.
Câu hỏi cần được xác định là tổng thống mới và các cộng sự cao cấp của ông ta tin tưởng bao nhiêu trong việc hợp tác với Trung Quốc về biến đổi khí hậu và với Iran khi chấp nhận nước này là một cường quốc nguyên tử và là nước xuất cảng khủng bố, như một phần cho kế hoạch tái hòa nhập nước này vào thế giới văn minh. Và Đảng Dân Chủ chỉ thể hiện bộ mặt và lời nói thân thiện đến mức độ nào khi tiếp tục theo đuổi lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ. Điều quan trọng là liệu họ có từ bỏ nỗi sợ hãi dai dẳng đối với Nga và tránh đẩy nước này vào vòng tay của Trung Quốc hay không.
Joe Biden luôn tỏ ra là một người Hoa Kỳ yêu nước truyền thống chứ không phải một người nghe theo luận điệu của Obama rằng Hoa Kỳ là một phần trong các vấn đề của thế giới, cũng như là nguồn gốc tiềm tàng cho một giải pháp.
Mặc dù ông ta đang phục hồi các chính sách và nhân sự của người sếp trước đây, nếu được quyết định, ông ta có lẽ có thể tin cậy được để bảo vệ phương Tây cùng với các khái niệm rộng hơn về nhân quyền, và cuối cùng là kinh tế thị trường, cho dù trong nước họ phải thỏa hiệp thế nào đi nữa với nền tảng xã hội chủ nghĩa mà Biden đang dựa vào. Nhưng khoảng thời gian chờ đợi chính phủ của ông Biden lộ diện, giống như ba năm trước khi chính phủ của ông Carter đánh giá đúng việc Liên Xô chiếm đóng Afghanistan, có lẽ sẽ rất khó khăn.
Ông Conrad Black là một trong những nhà tài chính nổi tiếng nhất của Canada trong 40 năm và là một trong những nhà xuất bản báo hàng đầu trên thế giới. Ông là tác giả của các tiểu sử của Franklin D. Roosevelt và Richard Nixon, và gần đây nhất là cuốn “Donald J. Trump: A President Like No Other”, đã được tái bản.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Thiện Lan biên dịch
Xem thêm: